Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

LINH ĐẠO MẸ TERESA

Sự Hiện Diện Của Mẹ Teresa Tại Việt Nam

Sứ mạng của Mẹ Teresa giữa những người nghèo chắc chắn đã bắt đầu bén rễ ở Calcutta. Có một số Đức Giám mục ở các giáo phận lân cận được tận mắt mục kích những công việc bác ái của Mẹ, đã viết thư xin Mẹ thiết lập thêm những nhà mới trong giáo phận của các ngài.

Sự Hiện Diện Của Mẹ Teresa Tại Việt Nam

 

CHƯƠNG 5

 

Sự Hiện Diện Của Mẹ Teresa Tại Việt Nam

 

5.1 LỜI GIỚI THIỆU

Sứ mạng của Mẹ Teresa giữa những người nghèo chắc chắn đã bắt đầu bén rễ ở Calcutta. Có một số Đức Giám mục ở các giáo phận lân cận được tận mắt mục kích những công việc bác ái của Mẹ, đã viết thư xin Mẹ thiết lập thêm những nhà mới trong giáo phận của các ngài. Điều này đã thực sự xảy ra không chỉ ở tại Calcutta mà còn ở rất nhiều nước trên thế giới. Quốc gia đầu tiên mà Mẹ Teresa mạo hiểm ra khỏi thành phố Calcutta là đất nước Venezuela. Sau đó, Mẹ rất đỗi ngạc nhiên là Đức Thánh Cha đã mời Mẹ mở một nhà ở Rôma. Lời mời này đã phấn khích Mẹ Teresa hơn hết. Dần dần, các Thừa Sai Bác Ái đã được mời đến lập nhà ở Úc Châu. Thậm chí, Mẹ Teresa đã gửi các nữ tu của Mẹ đến tận các nước vùng Trung Đông và Châu Á, như: Trung Quốc và Việt Nam. Chương ngắn gọn này sẽ tập trung trên lời mời Mẹ Teresa đến Việt Nam, việc các Thừa Sai Bác Ái đã đến đất nước này, đã rời khỏi Việt Nam vào năm 1975, và việc trở lại của các Thừa Sai Bác Ái.

5.2 VƯỢT KHỎI CALCUTTA

Đối với Mẹ Teresa và các Thừa Sai Bác Ái, Cacutta là thành thánh Giêusalem của họ. Mặc dù đã trải qua bao nhiêu sự khốn khó và thất vọng, Cacutta vẫn là điểm truyền giáo khởi sự của công tác tông đồ của họ. Hạt giống bác ái này đã được gieo trồng ở đó và rễ đã cắm rất chắc tại nơi đây, nhưng thân cây đã đâm nhiều nhánh mới và sinh nhiều hoa trái tại nhiều nơi trên thế giới. Hiến luật của họ buộc họ phải đem Tin Mừng của Thiên Chúa cho những người bất hạnh nhất trong những người bất hạnh. Đây là dấu hiệu Nước Thiên Chúa đã đến gần. Một lần kia, Mẹ Teresa được hỏi: “Tại sao Mẹ lại đi ra nước ngoài ? Ở Ấn Độ không đủ cái nghèo cho công việc của Mẹ hay sao ?” Mẹ Teresa trả lời: “Chúa Giêsu đã dạy chúng tôi hãy đi giảng dạy cho muôn dân. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã đi khắp nơi trên thế giơi và loan truyền tình yêu thương và lòng trắc ẩn của Ngài.”[1] Lời mời đầu tiên mà Mẹ Teresa nhận được ở ngoài Calcutta là lời mời của Đức Giám mục ở Venezuela. Mẹ Teresa đã rất xúc động đến nỗi Mẹ đã hứa gửi các nữ tu tốt nhất cho vùng đất Châu Mỹ Latinh này. Mẹ đã hy vọng sẽ có nhiều ơn gọi từ chính các nước này, vì thế, từ Venezuela, họ đã chuyển dần xuống các nước lân cận vùng Nam Mỹ.[2]

Mẹ Teresa không dễ gây ấn tượng tốt nơi nhiều người với những công việc Mẹ làm vì tình yêu Thiên Chúa. Nhưng Mẹ đã thật sự xúc động khi Đức Thánh Cha gửi đến Mẹ lời mời các Thừa Sai Bác Ái hãy mở nhà tại Rôma. Tuy nhiên, sau một thời gian suy nghĩ về lời mời này, Mẹ nhận thấy lời mời này như là một trách nhiệm quan trọng đã được Đức Thánh Cha - là người đã đối xử thân tình với Hội dòng - giao phó. Với nguồn động viên mới, Mẹ Teresa và các nữ tu của Mẹ đã liều mình đi đến những mảnh đất còn nặng mùi hận thù tại các nước vùng Trung Đông. Nhưng Mẹ không cảm thấy đó là một điều cản trở, ngược lại, Mẹ đã thấy rằng đây là một cơ hội được đặt chân lên mảnh đất mà ngày xưa Chúa của chúng ta đã từng đặt bước, đã rao giảng và làm các phép lạ. Theo sự phản ánh của Mẹ Teresa, đạo Công giáo được bắt đầu từ Giêrusalem, và đã lan tràn tới mọi ngóc ngách của thế giới. Bây giờ, cũng thật tự nhiên khi đức tin công giáo lại trở về nguồn của mình.[3]

Khi đã đến được Giêrusalem, Mẹ Teresa đã đưa mắt nhìn về Châu Á, hay nói khác đi, Mẹ nhìn về Trung Quốc và Việt Nam. Tháng 3/1994, Mẹ Teresa đã lên đường đi Trung Quốc một cách âm thầm. Mẹ không muốn công chúng nghĩ khác đi về sứ mạng của Mẹ. Khi Mẹ ở Trung quốc, một số người đã đến hỏi Mẹ: “Theo Mẹ, người theo chủ nghĩa Cộng sản là gì ?” Mẹ trả lời: “Họ là con cái Thiên Chúa, là anh em, là chị em của tôi” Mẹ tiếp tục giải thích rằng: “Chính xác hơn, đó là điều mà bạn và tôi , chúng ta đều được kêu gọi làm anh em và chị em. Nếu chúng ta có được niềm vui nhìn thấy Chúa trong người khác, chúng ta sẽ yêu mến nhau. Đó là lý do tại sao mà không còn chuyện màu da, tôn giáo hay một quốc gia nào có thể ngăn cản giữa chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta đều là những đứa con trong cùng một bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.”[4] Nhưng công việc của Mẹ đã không thành công khi Trung Quốc thất bại trong việc đăng cai hội thi thể thao Olympic; Nhà nước Trung Quốc đã trở nên khép kín với Mẹ Teresa và với công việc của Mẹ. Trung Quốc là đối tượng Mẹ Teresa nhắm đến đầu tiên, và cho đến ngày nay, nó vẫn là mối bận tâm ưu tiên hàng đầu của các Thừa Sai Bác Ái.[5]

5.3 LỜI MỜI, SỰ ĐẾN, SỰ RA ĐI VÀ VIỆC TRỞ LẠI CỦA CÁC THỪA SAI BÁC ÁI TẠI VIỆT NAM

Mặc dầu mối bận tâm của Mẹ là Trung Quốc, nhưng trước đó, Mẹ đã có mặt tại Việt Nam. Vào những tháng đầu năm 1972, Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám mục Sài Gòn lúc đó, đã gửi thư mời Mẹ Teresa và các Thừa Sai Bác Ái của Mẹ đến Việt Nam để giúp cho những người nghèo khổ tại Sài Gòn. Tháng 6/1972, Mẹ Teresa đã gửi bảy thầy Thừa Sai Bác Ái của Mẹ từ Ấn Độ đến Việt Nam. Có Thầy An-rê, là Bề trên ngành nam Thừa Sai Bác Ái, cùng đi để hướng dẫn các thầy trong sứ vụ. Đức Tổng Phaolô Bình đã mua lại hai căn nhà ở đường Cống Quỳnh, Quận Nhất cho các thầy Thừa Sai trú ngụ. Ngay lập tức, các thầy liền bắt tay vào công việc giúp đỡ những người vô gia cư, đau yếu và đau khổ mà các thầy tìm thấy tại các ngõ hẻm trên đường phố. Không may, ngày 30/4/1975, chế độ Dân chủ Miền Nam Việt Nam rơi vào chế độ Cộng sản Miền Bắc Việt Nam. Vì thế, để bảo đảm an toàn tính mạng, các thầy Thừa Sai Bác Ái đã phải di tản sang Hồng Kông.

Việc thay đổi bộ mặt chính trị tại Việt Nam đã không làm dập tắt ngọn lửa thương mến mà Đức Tổng Phaolô Bình đã có đối với sứ vụ của Mẹ Teresa và các Thừa Sai Bác Ái. Kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi biến cố chính trị tạm ổn định, Đức Tổng Phaolô Bình đã thành lập một nhóm phụ nữ có chuyên môn y tế để tiếp tục công việc yêu thương và phục vụ theo tinh thần của Mẹ Teresa. Họ nhóm họp mỗi tháng một lần, và hàng quý họ tổ chức gặp gỡ nhau để cầu nguyện, đọc Hiến luật của Dòng Thừa Sai Bác Ái, rồi thảo luận và trao đổi về những khó khăn trong công tác mục vụ của họ giữa những người nghèo nhất trong những người nghèo. Họ âm thầm làm việc trong các bệnh viện, chăm sóc những người ốm đau và hấp hối. Họ kín đáo rước Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân và những người tàn tật. Đối với những người không đủ điều kiện để được nằm điều trị trong bệnh viện vì hoàn cảnh khó khăn sau chiến tranh, những phụ nữ này đã kín đáo dùng tiền túi của mình để mua thuốc cho họ.[6]

Năm 1979, nhóm phụ nữ thân thiện này đã chính thức được hình thành và được nhìn nhận như một tu hội với 7 thành viên. Đức Tổng Phaolô Bình đã hiện diện và nhận lời khấn của hai nữ tu khi họ tuyên khấn sẽ phục vụ vô vị lợi cho những nghèo nhất trong những người nghèo theo tinh thần của Mẹ Teresa. Hai nữ tu này là Sr. Maria Phanxicô Xaviê Hà Thị Thanh Tịnh và Sr. Maria Edouard Đoàn Thị Bạch Hảo. Hai soeurs này trước đây là thành viên của Dòng Nazaret - ngày nay là Tu dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu Linh Mục - Đức Tổng Phaolô Bình đã có ý định khi có cơ hội sẽ giới thiệu họ với Hội dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Teresa. Ngài đã viết thư cho Mẹ Teresa lúc đó đang ở Calcutta để xin Mẹ nhận 20 thành viên mới này vào Hội dòng của Mẹ. Mẹ Teresa đã xin Đức Tổng chờ đợi cho đến khi Mẹ có thể sang Việt Nam. Mãi cho đến năm 1991, Mẹ Teresa mới nhận được Visa cho phép Mẹ sang Việt Nam. Tuy nhiên, Mẹ chỉ được phép đến Hà Nội (là thủ đô nước Việt Nam) mà không được phép vào Sài Gòn. Cuộc viếng thăm này của Mẹ đã mang lại hiệu quả, vì Mẹ đã gặp gỡ Chính phủ Việt Nam ở miền Bắc, và họ đã đồng ý cho phép Mẹ và các nữ tu của Mẹ đến làm việc và giúp đỡ cho những người nghèo tại miền Bắc Việt Nam. Ngày 4/11/1993, Mẹ Teresa đã đến Việt Nam lần thứ hai. Cũng giống như lần Mẹ đến Trong Quốc mà không thông báo trước, Mẹ Teresa đã đến Việt Nam trong sự âm thầm. Lần này Mẹ đã được phép vào Sài Gòn. Cùng đi với Mẹ có Sr. Nirmala (hiện là Bề trên Tổng quyền Dòng Thừa Sai Bác Ái) và nữ bác sĩ Janette. Bởi vì Mẹ đến trong âm thầm, nên cũng chẳng có ai chào đón Mẹ tại phi trường, ngoại trừ Ông Lãnh sứ quán Ấn Độ tại Sài Gòn được vợ từ Calcutta báo cho biết và đã ra đón Mẹ tại phi trường. Vừa đến khách sạn Độc Lập, Mẹ liền đưa cho Ông Lãnh Sứ quán Ấn Độ một mẩu giấy viết tên và địa chỉ của Sr. M. Phanxicô Hà Thị Thanh Tịnh. Mẹ đã nhờ cô thư ký của Ông Lãnh Sứ quán là cô Nguyễn Thị Nga đi tìm Sr. Thanh Tịnh và Sr. Bạch Hảo để đến gặp Mẹ tại khách sạn. Khi hai soeurs đến, Mẹ Teresa đã nói chuyện rất lâu với họ, Mẹ nói với họ rằng Mẹ đã ước ao đến Việt Nam từ lâu rồi, nhưng không thể được vì chính trị chưa ổn định tại nước này. Sau cuộc gặp gỡ, Mẹ Teresa đã xin được chào thăm Đức Tổng Phaolô Bình. Song, lúc đó ngài không có ở nhà vì ngài đã đi nghỉ bệnh tại Vũng Tàu. Cha Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh, là Cha Tổng Đại diện, đã báo tin cho Đức Tổng biết và Đức Tổng đã hẹn gặp Mẹ vào ngày 7/11/1993. [7]

Trước khi đến chào thăm Đức Tổng Phaolô Bình, Mẹ Teresa và Sr. Nirmala đã đến thăm 20 chị em Việt Nam tại số 428 Huỳnh Văn Bánh, Phường 14, Quận Phú Nhuận. Mẹ Teresa đã tham dự giờ Chầu Thánh Thể hằng ngày với các chị em này. Ngày hôm sau, khi kết thúc giờ Chầu Thánh Thể, Mẹ Teresa đã chủ sự nghi thức trao sách Hiến luật của Dòng Thừa Sai Bác Ái cho 20 thỉnh sinh Việt Nam, cùng với sách Kinh với tràng chuỗi Mân Côi. Tất cả 20 chị em Việt Nam này đã được nhận vào Hội dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Teresa. Mẹ Teresa cũng báo tin vui cho các chị em Việt Nam rằng Lãnh sứ quán Việt Nam đã cấp Visa cho 8 nữ tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ đến làm việc giúp những người tàn tật và trẻ em mồ côi tại Việt Nam. Trong suốt thời gian ở lại Việt Nam, Mẹ Teresa và Sr. Nirmala hầu hết đến thăm, sinh hoạt và ăn cơm tối với 20 chị em Việt Nam này.

Tám nữ tu Thừa Sai Bác Ái từ Ấn Độ sang Việt Nam đã được chia làm hai nhóm. Một nhóm làm việc ở Hà Nội, nhóm kia làm việc tại Sài Gòn. Bốn nữ tu ở Sài Gòn chăm sóc các trẻ mồ côi tại số 38 Tú Xương, Quận 3, Sài Gòn. Tên của bốn nữ tu này là: Sr. Joya, Sr. Mary Lourdes, Sr. Brenda và Sr. Gloriana. Các nữ tu này đến thăm 20 chị em Việt Nam tại 428 Huỳnh Văn Bánh, Phú Nhuận mỗi Thứ Năm để sinh hoạt và giao lưu với họ. Các chị em Việt Nam đã tập cho họ ăn những thức ăn Việt Nam vì lúc đó không có thức ăn nào khác. Các nữ tu Ấn Độ dường như cũng thích những món ăn Việt Nam, vì ít ra cũng không thấy họ phàn nàn về điều gì. Còn bốn nữ tu kia thì chăm sóc các em khuyết tật tại Thuỵ An, Quận Ba Vì, Hà Nội. Các soeurs đó là: Sr. Collete, Sr. Lee Foong, Sr. Desiree và Sr. Homini. Theo sự thoả thuận ban đầu, Mẹ Teresa đã xin Chính phủ Việt Nam cho phép các linh mục đến dâng lễ hằng ngày cho các nữ tu của Mẹ ít là bốn lần một tuần. Nhưng vì lúc đó đang rất hiếm linh mục, nên Nhà nước không thể tìm được một linh mục nào để dâng lễ hằng ngày cho các soeurs. Tuy nhiên, họ cũng giúp đỡ các soeurs bằng cách nhờ một tài xế tắc-xi chở các soeurs đến Nhà thờ Hưng Hoá để tham dự Thánh lễ, nhưng Nhà thờ cũng ở rất xa nơi làm việc của các soeurs. Mẹ Teresa đã bày tỏ mối bận tâm về sự thiếu của ăn thiêng liêng cho các soeurs. Mẹ đã tiếp tục xin Nhà nước cho phép Mẹ chuyển nhà của các soeurs vào trung tâm thủ đô Hà Nội bằng việc viết thư gửi cho Ban Tôn giáo ở Hà Nội. Mẹ Teresa cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam thừa nhận 20 chị em Việt Nam như là thành viên của Hội dòng Mẹ. Mẹ đã xin phép cho 7 nữ tu Việt Nam sang Ấn Độ để được học hỏi và huấn luyện thêm về tinh thần của Hội dòng Thừa Sai Bác Ái.

Thật đáng ngạc nhiên, dù đã từng một lần tỏ ra thiện chí và thân thiện với Mẹ Teresa, Nhà Nước đã đổi ý với Mẹ, không những họ từ chối yêu cầu của Mẹ Teresa là xin chuyển nhà đến gần trung tâm Hà Nội, mà còn đề nghị Mẹ Teresa và các nữ tu của Mẹ phải rời khỏi việt Nam ngay lập tức. Không tỏ một dấu hiệu, không một lời giải thích, Nhà nước đã trục xuất Mẹ Teresa và các nữ tu của Mẹ ra khỏi Việt Nam. Lúc đó nhiều người đã nghĩ rằng, đơn giản vì Cộng sản Việt Nam đang đi theo Trung Quốc là nước Cộng sản lớn, và vì Trung Quốc đã trục xuất Mẹ Teresa khỏi Trung Quốc nên Cộng sản Việt Nam cũng bắt chước họ trục xuất Mẹ và các nữ tu ra khỏi Việt Nam... Vì đã phục vụ và yêu thương những người nghèo khổ ở Việt Nam hơn 20 tháng, Mẹ Teresa thực sự không muốn từ bỏ công việc này một cách dễ dàng. Ngay lập tức, Mẹ đáp máy bay đến Hà Nội để gặp các công chức của Chính phủ và xin phép được ở lại. Nhưng họ đã không có một sự đáp từ nào. Họ còn nói rằng: “ Chúng tôi cần tiền chứ không cần sự giúp đỡ và làm gương của các soeurs.” Với trái tim tan nát, Mẹ Teresa đã phải rời Việt Nam. Mẹ và các nữ tu của Mẹ đã rời Việt Nam sang Ấn Độ ngày 23/12/1995. Trưới khi đi, Mẹ Teresa đã an ủi, động viên 20 chị em Việt Nam rằng có lẽ đây là Thánh ý Chúa. Mẹ còn nói thêm: “Hạy giống đã được gieo, và rồi một ngày nào đó, chúng con sẽ thu hoạch hoa trái.” Vì Chính phủ Việt Nam không cho phép 20 nữ tu Việt Nam mang tên Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Teresa, Đức Giám Mục Nicolas Huỳnh Văn Nghi (lúc đó là Giám quản Tông toà Tổng Giáo phận Sài Gòn) đã cùng với Mẹ Teresa đặt một tên mới cho các nữ tu Việt Nam. Và họ đã được gọi tên là Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô.

 

5.4 KẾT LUẬN

Đáp lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Phúc Âm là hãy loan báo Tin Mừng đến tận cùng thế giới, Mẹ Teresa và các nữ tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ đã xem Calcutta như là thành đô Giêrusalem của mình, là nơi sứ vụ tông đồ của họ đã sinh hoa kết trái. Từ Calcutta, các Thừa Sai Bác Ái đã đâm nhánh tới đất nước Venezuela, Nam Mỹ, Rôma, các nước vùng Trung Đông và đến tận Châu Á. Mặc dù không phải tất cả ước mơ của Mẹ Teresa đều trở thành hiện thực, song những hạt giống của công cuộc yêu thương và phục vụ những người nghèo đói bất hạnh cũng đã được gieo xuống đất, và đang chờ những cơn mưa ân sủng của Thiên Chúa để nảy mầm và đâm chồi khi đến thời đến buổi. Việt Nam là một trong nhiều nước đã được lợi nhờ sự hiện diện và những công việc bác ái của Mẹ Teresa. Không đành lòng để 20 nữ tu Việt Nam mồ côi, Mẹ Teresa đã xin Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình công nhận họ như một hội dòng thuộc giáo phận Sài Gòn. Mẹ đã ban phúc lành của Mẹ cho các nữ tu để họ được sống theo Tinh thần của Mẹ. Cùng với Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi (Giám quản Tông toà Tổng Giáo phận Sài Gòn), Mẹ đã đặt tên cho các nữ tu Việt Nam một tên mới mà ngày nay chúng ta được nghe gọi là Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô, Được đổi mới trong tinh thần của Mẹ Teresa, 20 nữ tu Việt Nam đã tự hào mang lấy danh hiệu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô. Họ bắt đầu tìm kiếm và chăm lo cho những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo ở bất cứ nơi nào họ bắt gặp. Chương kế tiếp sẽ kể lại việc thành lập Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô tại Sài Gòn, Việt Nam.

Tin liên quan