Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

LINH ĐẠO MẸ TERESA

HOA TRÁI CỦA ĐỨC TIN LÀ TÌNH YÊU

Căn bệnh hiểm nghèo nhất của Tây phương hiện nay không phải là bệnh cùi hay ho lao : nó là bệnh bị khước từ, bị ghét bỏ, và không được chăm sóc. Chúng ta có thể chữa bênh tật thể xác bằng y dược, nhưng chỉ có thể chữa bệnh cô đơn, chán chường, và tuyệt vọng bằng tình yêu. Nhiều người trên thế giới đang chết vì miếng bánh nhưng cũng có nhiều người đang chết vì thiếu chút tình yêu.

 

TÌNH YÊU

 

 

HOA TRÁI CỦA ĐỨC TIN LÀ TÌNH YÊU

 

Căn bệnh hiểm nghèo nhất của Tây phương hiện nay không phải là bệnh cùi hay ho lao : nó là bệnh bị khước từ, bị ghét bỏ, và không được chăm sóc. Chúng ta có thể chữa bênh tật thể xác bằng y dược, nhưng chỉ có thể chữa bệnh cô đơn, chán chường, và tuyệt vọng bằng tình yêu. Nhiều người trên thế giới đang chết vì miếng bánh nhưng cũng có nhiều người đang chết vì thiếu chút tình yêu. Sự nghèo nàn của Tây phương là một loại nghèo nàn khác lạ,- nó không chỉ nghèo nàn vì cô đơn nhưng còn nghèo về tinh thần. Họ đói khát tình yêu cũng như đói khát Thiên Chúa.

Bạn không thể đáp ứng được nhu cầu này trừ khi bạn có ân sủng của Thiên Chúa giúp đỡ. Trước hết chị Dolores và kế đó chị Kateri sẽ giải thích thêm về điều này :

“Chúng ta phải được Thiên Chúa yêu thương trước đã, và chỉ như thế chúng ta mới trao ban cho người khác được. Nếu chúng ta muốn trao tình yêu cho người khác chúng ta phairtranf đầy tình yêu đó. Thiên Chúa hành động trong phương cách này. Chính Ngài là người khuyến khích tất cả chúng ta thi hành những gì chúng ta đang làm, và nếu chúng ta cảm nhận được tình yêu của ngài ban cho chúng ta thì tình yêu ấy sẽ tỏa ra từ chúng ta. Tình yêu của Ngài khong có biên giới.”

“Chỉ có một tình yêu và đó là tình yêu của Thiên Chúa.Một khi chúng ta yêu Chúa sâu đậm đủ chúng ta sẽ yêu thương người khác cũng như vậy. Bởi vì, khi chúng ta lớn lên trong tình yêu Thiên Chúa, chúng ta cũng biết tôn trọng hơn những gì Ngài đã tạo dựng, cũng như nhận biết và  cảm tạ tất cả những quà tặng mà Ngài đã ban cho chúng ta.Và rồi một cách tự nhiên chúng ta muốn chăm sóc tất cả.

“Thiên Chúa tạo dựng thế giới cho sự vui sướng của con người – nếu chỉ khi nào chúng ta thấy được sự tốt lành của Ngài ở mọi nơi, Ngài lưu tâm đến chúng ta, Ngài nhận biết nhuwngxnhu cầu của chúng ta : một tiếng điện thoại chúng ta đang chờ đợi, một chuyến xe chúng ta được cung cấp, một lá thư trong hộp thư, … mọi sự nhỏ bé Ngài làm cho chúng ta hàng ngày. Khi chúng ta nhớ đến và nhận biết tình êu của Ngài ban cho chúng ta, chúng ta bắt đầu đi vào cuộc tình với Ngài bởi vì Ngài quá bận rộn với chúng ta.- bạn không thể từ chối Ngài. Tôi tin là không có gì trên đời may mắn hơn, đó là tình yêu của Thiên Chúa, là chính Ngài.”

Khi bạn biết Thiên Chúa yêu thương bạn là dường nào, lúc ấy bạn sẽ sống cuộc đời chiếu tỏa tình yêu ấy. Tôi luôn luôn nói rằng tình yêu khởi sự từ nhà : gia đình trước đã, và sau đó đến thành phố hay đô thị. Thật dễ để yêu thương những người xa chúng ta, nhưng không luôn luôn dễ để yêu thương những người sống với chúng ta hay ngay bên cạnh chúng ta.. Để yêu thương một người, bạn phải tiếp xúc với người đó, trở nên thân thiên. Ai ai cúng cần tình yêu. Ai ai cũng muốn biết rằng họ được đón nhận, và như thế họ thật quan trọng đối với Thiên Chúa.

Chúa Giê-su nói : “Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con.” Ngài cũng nói : “Bất cư sđiều gì con làm cho người bé mọn nhất của anh chị em Ta, con đã làm cho chính Ta.”. Bởi thế chúng tôi yêu Ngài trong những người nghèo. Chúa nói : “Ta đói và các con đã cho Ta ăn … Ta trần trường và con đã cho Ta mặc.’

Tôi luôn nhắc nhở những tu sĩ nam nữ là ngày của chúng ta gồm hai mươi bốn giờ với Chúa Giê-su. Chị Theresina giải thích thêm, và cha Bert White cũng cho biết quan điểm của ngài :

“Chúng tôi là những người tận hiến cho sự chiêm niệm nên đời sống chúng tôi đặt trọng tâm ở cầu nguyện và thinh lặng. Việc làm của chúng tôi là thể hiện những gì chúng tôi suy niệm, kết hợp với Thiên Chúa trong bất cứ công việc nào chúng tôi làm, và qua cong việc (chúng tôi gọi việc Tông đồ) chúng tôi nuôi dưỡng sự kết hợp với Thiên Chúa, bởi thế cầu nguyện và hành động, hành động và cầu nguyện tiếp tục tràn lan.”

“Gandhi nói: ‘Hãy hành động, nhưng đừng tìm kiếm hoa quả của hành động’. Hành động của bạn phát sinh từ bản chất con người bạn, đó là hoa quả. Nó gần giống như được yêu –khi tình yêu tràn lan đến người mà bạn yêu.”

Sau đây là lời cầu nguyện mà mỗi tu sĩ Bác Ái Truyền Giáo  đọc trước khi làm việc tông đồ. Lời ấy cũng được dùng như lời cầu nguyện của y sĩ trong trung tâm Shishu Bhavan, trung tâm trẻ em ở Calcutta :

Lạy Chúa, vua chữa lành, con quỳ gối trước Ngài,

vì mọi quà tặng tuyệt hảo đều phát xuất từ Chúa,

xin bạn cho con đôi tay khéo léo, một tâm trí minh mẫn,

một tâm hồn tử tế và hiền lành.

 Xin cho con chỉ nhắm đến một mục đích,

đó là sức mạnh để xoa dịu phần nào sự đau khổ của anh chị em con,

và thực sự nhận biết đó là điều tiên quyết của con.

Xin lấy khỏi tâm hồn con những xảo trá và trần tục,

với đức tin của một đứa trẻ, con trong cậy vào Chúa.

 

SỰ ẤM ÁP CỦA BÀN TAY CHÚNG TA

 

Yêu thương thì không hạch sách và bác ái thì không phải là bố thí, nó liên hệ đến tình yêu. Bác ái và tình yêu thì giống nhau – với lòng bác ái bạn cho đi sự yêu thương, như thế đừng bó thí nhưng hãy mở lòng với người khác. Khi ở Luân-đôn, tôi đến thăm những người vô gia cư trong nhà phát thức ăn của các chị. Một ông, thườngsống trong những cái thùng giấy, nắm bàn tay tôi và nói : “Đã từ lâu tôi không còn cảm thấy sự ấm áp của bàn tay con người.”

Mary, một trong những người tình nguyện, có thêm những ý kiến để đến với người khác :

“Tôi thấy sự giúp đỡ thực tế có thể nhục mạ người ta trừ khi nó được thi hành với tình yêu. Không ai muốn xin xỏ người khác. Tôi cũng thấy khi cố tiếp xúc với người ta ở vào tình cảnh như thế này thì không gì tốt hơn là trong một phương cách có tổ chức, như tiếp tay với các nữ tu phân phối thức ăn. Cách tốt nhất là đừng quá bận rộn phân phát hay dọn dẹp, nhưng cố nói chuyện với họ, hay ngồi với người nào đó –cố để tiếp xúc một cách thân tình. Nhiều người trong bọn họ có mang theo những hình ảnh và bạn có thể hỏi họ cho xem những hành ảnh đó –hay nói vui đùa về kiểu tóc của họ- bất cứ gì !

“Điều quan trọng là cố tìm ra một điểm để tiếp xúc ngay cả một câu nói : “Bạn ăn có ngon không?” Nếu thấy có ai đứng hay ngồi một mình thì hãy lợi dụng cơ hội ấy để đến với họ.”

Tình yêu không có ý nghĩa nếu không được chia sẻ. Tình yêu phải có hành động. Bạn phải yêu mà không mong đợi, làm điều gì đó vì yêu, chứ không vì những gì bạn sẽ nhận được. Nếu bạn trông đợi đền đáp, thì đó không phải là tình yêu, bởi vì tình yêu thật là yêu không điều kiện và không mong đợi.

Nếu cần thì Thiên Chúa sẽ hướng dẫn bạn, như Ngài đã hướng dẫn chúng tôi phục vụ những người bị bệnh AIDS. Chúng tôi không xét đoán họ, chúng tôi không hỏi xem chuyện gì đã xảy ra cho họ và làm sao họ bị bệnh, chúng tôi chỉ thấy nhu cầu và chăm sóc họ. Tôi nghĩ Thiên Chúa muốn nói với chúng tôi điều gì đó qua bệnh AIDS, cho chúng tôi một cơ hội để chứng tỏ tình thương của chúng tôi. Những người bị bệnh AIDS đã khơi dậy lòng yêu thương dịu dàng trong những người mà có lẽ họ đã khép kín và quên đi tình yêu ấy.

Chị Dolores cho thấy chỉ cần ở đó với lòng yêu thương cũng đã đủ :

“Lúc đầu những người bị bệnh AIDS thật sợ hãi khi đến với chúng tôi. Thật khó cho họ phải đương đầu với sự kiện là họ sắp chết. Nhưng khi ở với chúng tôi và nhìn thấy thái độ của chúng tôi đối với những người khác trong giây phút hấp hối, họ đã thay đổi. Tôi nhớ ở Nữu-ước, bà mẹ của một thanh niên người Puerto Rico hứa sẽ săn sóc anh nếu anh đồng ý về nhà. Anh cảm ơn bà và anh muốn ở với chúng tôi. Một ngày kia anh nói với tôi : “Tôi biết khi tôi chết, chị sẽ ở đó nắm tay tôi”, vì anh đã từng thấy chúng tôi làm như thế với người khác và anh biết rằng anh sẽ chết cách cô đơn.

“Nó thật đơn giản. Người sắp chết bị khích động bởi tình yêu họ nhận được và đó có thể chỉ là một sự chạm tay, hay một ly nước, hay cho họ sự ngọt ngào mà họ ao ước. Chỉ cần đem cho họ những gì họ yêu cầu , và họ thỏa mãn. Khi biết có người chăm sóc họ, có người thương yêu họ, có người còn muốn sự hiện diện của họ, đó là sự giúp đỡ lớn lao đối với họ. Qua những điều đó, họ tin rằng Thiên Chúa phải nhân lành hơn, độ lượng hơn, và linh hồn họ được nâng lên Thiên Chúa. Chúng tôi không giảng dạy, chúng tôi chỉ hành động với lòng bác ái, họ bị khích động bởi ân sủng của Thiên Chúa”.

Thầy Geoff, giám đốc Bác Ái Truyền Giáo nam tu sĩ, cũng nói về cách tốt nhất để dâng hiến tình yêu :

“Khi những người bị hất hủi và khinh bỉ được chấp nhận bởi người khác và được yêu thương, khi họ thấy người khác tốn thì giờ và sức lực cho họ, điều đó đã nói lên rằng, dù gì đi nữa, hị không phải là đồ bỏ.

“Chắc chắn rằng tình yêu phải được thể hiện trước hêt qua việc ở với họ, trước khi thể hiện điều gì đó cho họ. Chúng tôi phải liên tục nhắc nhở nhau về điều này bởi vì rất có thể chúng tôi chỉ làm như một cái máy. Bạn thấy đó, nếu hành động của chúng ta không phát sinh từ ước muốn ở với họ trước đã thì hành động đó trở thành những công việc xã hội. Khi bạn muốn ở với người nghèo bạn mới có thể nhận thấy nhu cầu của họ, và nếu bạn thực sự yêu thương họ thì tự nhiên bạn muốn làm những gì có thể để diễn đạt tình yêu của bạn. Phục vụ, trong một phương cách, chỉ đơn giản là một phương tiện để diễn tả sự hiện diện của bạn vì người đó –và thường thường với những người thật nghèo bạn không thể giảm bớt tất cả những khó khăn của họ. nhưng bởi ở với họ, vì họ, bất cứ gì bạn làm cho họ thì thật khác biệt. Điều chúng tôi muốn nói những người nghèo là : chúng tôi không thể giải quyết hết các khó khăn của bạn, nhưng Thiên Chúa yêu thương bạn rất nhiều vafchungs tôi ở đây để nói lên tình yêu đó. Và nếu chúng tôi có thể giúp họ bớt đau đớn hay khỏi hẳn bệnh tật, điều đó không quan trọng bằng việc nhắc nhở cho họ biết là ngay cả trong sự đau khổ và khốn cùng, Thiên Chúa vẫn yêu thương họ. Dĩ nhiên đó là điều rất khó để chuyển đạt, nhưng chúng tôi tin rằng điều tiên quyết là ở với họ. Nếu bạn tốn thì giờ cho một người thì điều đó cũng có giá trị diễn đạt tình yêu như những gifbanj có thể làm cho họ.”

Sau đây, một trong hững người thiện chí, Nigel, diến tả cảm nghiệm của anh khi làm việc trong nhà dành cho những người hấp hối và tuyệt vọng ở Calcutta :

“Khi mới đến giúp đỡ ở Nirmal Hriday tôi cảm thấy chán ngán chỗ đó vì đầy những bệnh tật, và tôi cảm thấy tuyệt đối vô dụng, tôi nghĩ, mình đang làm gì ở đây ?

“Sau này, khi trở về Anh-quốc, tôi nói chuyện với một trong những nữ tu về điều này. Tôi kể rằng, tôi học cách nói chuyện bằng điệu bộ rất nhanh, nên tôi phân biệt được ngay họ muốn uống nước hay muốn làm việc vệ sinh và tôi thi hành ngay lập tức. Nhưng, ngoài những việc đó ra, tôi không làm được gì nhiều. Hầu như tôi chỉ ngồi bên cạnh giường bệnh và đánh thức họ hay cho họ ăn uống. Đôi khi họ cám ơn, nhưng không phải luôn luôn như thế vì họ sắp chết. Bởi thế khi nữ tu hỏi tôi tiến bộ như thế nào, tôi trả lời : ‘Tôi chỉ ngồi đó nhìn họ thôi.’ Và chị nữ tôi nói với tôi : ‘Đức Mẹ và Thánh Gioan đã làm gì dưới chân Thánh giá ?’”

Chúng ta có nhìn người nghèo khổ với lòng thương xót không ? Họ không chỉ đói ăn, họ còn muốn được coi như một con người. Họ đói khát sự công chính và muốn được đối xử như chúng ta. Họ đói khát tình yêu của chúng ta.

MỖI MỘT HÀNH ĐỘNG YÊU THƯƠNG LÀ MỘT LỜI CẦU NGUYỆN

 Không phải bao nhiêu công việc bạn làm nhưng bao nhiêu tình yêu bạn đặt vào công việc và chia sẻ với người khác mới là quan trọng. Cố đừng xét đoán người khác. Nếu bạn xét đoán người khác thì bạn không thể yêu họ. Thay vào đó, cố giúp họ bằng cách nhìn thấy nhu cầu của họ và hành động để gặp gỡ họ. Tỉ như, người ta thường hỏi tôi nghĩ gì về những người đồng tính luyến ái, và tôi luôn trả lời rằng tôi không xét đoán người khác. Không phải là những gì đã làm hay không làm, nhưng những gì bạn đã hoàn tất mới là vẫn đề trong mắt Thiên Chúa.

Chúng tôi đặt những dòng chữ sau đây ở cửa nguyện dường trong Nhà Mẹ. Lời này được cha Edward le Joly viết sau khi chúng tôi nói chuyện vào năm 1977, và giải thích cách chính xác những công việc của chúng tôi :

Chúng tôi không ở đây để lao động, chúng tôi ở đây vì Chúa Giê-su. Tất cả những gì chúng tôi làm là vì Ngài. Trước hết chúng tôi là tu sĩ, không phải là những cán sự xã hội, không phải là thầy cô, không phải là y tá hay bác sĩ, chúng tôi là những nữ tu. Chúng tôi phục vụ Chúa giê-su trong người nghèo. Chúng tôi săn sóc Ngài, cho Ngài ăn, cho Ngài mặc, thăm viếng Ngài, an ủi Ngài trong những người nghèo, người bị hắt hủi, người bệnh tật, người mồ côi, người hấp hối. Nhưng tất cả những gì chúng tôi làm, lời cầu nguyện của chúng tôi, công việc của chúng tôi, sự cực khổ của chúng tôi là vì Chúa Giê-su. Đời sống chúng tôi không có lý do hay động lực nào khác. Đây là điều mà nhiều người không thể hiểu.

Sau đây là một số điều và những thí dụ của chị Dolores, thầy Geoff và một tình nguyện viên, Linda, về loại việc làm của tình yêu :

“Ở Tây phương có quá nhiều người cô đơn. Hầu hết những người cô đơn chỉ cần có ai đó ngồi với họ, ở với họ, cười với họ, vì nhiều người không có gia đình và sống một mình, họ bị giam hãm. Bởi thế, trong những dịp lễ lạc, khi tôi làm việc ở Nữu-ước, chúng tôi đem những người này lại với nhau trong buổi họp mặt, để họ có thể gặp nhau và họ thực sự trông chờ những dịp như thế. Chúng tôi tổ chức một ngày đặc biệt cho họ - chúng tôi cho họ một bữa ăn và vài cái bánh – và chỉ cần đưa họ ra khỏi nhà và hòa đồng với người khác là chúng tôi đã đem hạnh phúc đến cho đời họ.

“Chúng tôi cung cấp thức ăn cho những người lang thang. Họ đến bữa ăn nhưng một số người không ăn gì cả. Họ chỉ muốn ở trong một khung cảnh an lành và êm đềm, và thường thường sau khi chúng tôi cầu nguyện, họ ra về. Đa số họ không muốn đến đó chỉ để ăn, họ muốn tiếp xúc với nơi họ được đón nhận, được yêu thương, được cảm thấy mong muốn, và tìm chút bình an trong tâm hồn. Sự phấn khởi cá nhân thì quan trọng.

“Ở Tây phương chúng ta có khuynh hướng tìm lợi lộc, là nơi mọi sự được đo lường theo kết quả và rốt cuộc chúng ta càng làm việc nhiều để có kết quả. Ở Đông phương, nhất là ở Ấn-độ, tôi thấy người ta vui lòng với hiện tại, họ chỉ ngồi dưới vây chuối cả ngày để nói chuyện với nhau. Người Tây phương chúng ta có thể coi đó là phí thời giờ. Nhưng nó có giá trị của nó. Ở với ai đó, nghe họ nói chuyện mà không cần biết thời giờ và không cần lo lắng kết quả, thì điều đó như day chúng ta về tình yêu. Thành quả của tình yêu thì ở trong tình yêu –không ở trong kết quả của tình yêu. Dĩ nhiên, khi ở trong tình yêu ai cũng muốn điều tốt nhất cho người khác, nhưng dù kết quả có ra sao nó cũng không xác định được giá trị của những gì chúng ta đã làm. Càng bớt đi được yếu tố ưu tiên của kết quả chúng ta càng có thể học biết về yếu tố chiêm niệm của tình yêu. Có tình yêu tỏ lộ trong sự phục vụ và tình yêu trong sự chiêm niệm. Đó là sự quân bình của cả hai mà chúng ta phải cố đạt được. Tình yêu là chìa khóa để tìm được sự quân bình này.

“Giúp đỡ những trẻ em ở Shishu Bhavan ở Calcutta thật đặc biệt cho tôi. Tôi thấy thật phấn khởi vì các em. Một buổi sáng chúng tôi ngồi thành vòng tròn ca hát thật lâu và tôi cầm tay một em trai tàn tật, em nhìn tôi với nụ cười thật trọn vẹn niềm vui và ánh mắt yêu thương. Em có sự bình thản sâu đậm trong em. Tôi nhớ đến điều này như một cảm nghiệm tinh thần sâu xa.”

 YÊU CHO ĐẾN KHI ĐAU KHỔ

 Chúng ta phải lớn lên trong tình yêu, và để thi hành điều này chúng ta phải tiếp tục yêu thương và yêu thương, rồi cho đi và cho đi cho đến khi đau khổ - đó là phương cách mà chúa giê-su đã làm. Thi hành những gì tầm thường với tình yêu khác thường: những gì tầm thường như chăm sóc người đau yếu, người không nhà, người cô đơn và người bị ghét bỏ, tắm rửa và giặt giũ cho họ.

Bạn phải cho đi những gì bạn bị thiệt thòi. Như thế, cho đi không chỉ những gì dư thừa, nhưng những gì bạn không thể sống nếu không có hay không muốn sống mà không có, đó là những gì bạn thậy sự yêu thích. Như thế món quà của bạn trở thành một hy sinh, có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Bất cứ hy sinh nào cũng có ích nếu được thi hành vì tình yêu.

Cho đi cho đến khi đau khổ - sự hy sinh – cũng là điều tôi gọi là việc làm của tình yêu. Mỗi ngày tôi thấy tình yêu này – trong trẻ em, đàn ông, đàn bà. Có lần tôi đang đi trên đường và một người ăn xin đến với tôi và nói : “Mẹ Tê-rê-sa, mọi người đều cho Mẹ, tôi cũng muốn cho Mẹ. Hôm nay, cả một ngày tôi kiếm được 29 xu (tiền Ấn) và tôi muốn cho Mẹ.” Tôi suy nghĩ đôi chút :nếu toi nhận, ông ấy sẽ không có gì ăn tối nay, và nếu tôi không nhận sẽ làm ông đau khổ. Bởi thế tôi đưa tay ra đón lấy số tiền, tôi chưa bao giờ thấy niềm vui trên khuôn mặt ai như của ông đó- người ăn xin đó cũng có thể cho Mẹ Tê-rê-sa một cái gì. Đó là sự hy sinh lớn cho người nghèo này, họ phải ngồi dưới nắng cả ngày mới xin được 29 xu. Thật tuyệt diệu : 29 xu thì quá ít và tôi không thể mau được gì, nhưng khi ông ấy cho đi và tôi nhận, nó như cả ngàn đồng vì nó được cho đi với vô lượng tình yêu.

Một ngày kia tôi nhận được một lá thư từ một em bé ở Hoa-ky. Tôi biết em còn bé vì chữ viết em thật to : “Mẹ Tê-rê-sa con yêu Me nhiều lắm nên con gửi cho Me tiền để dành của con.”, và trong lá thư có tấm chi phiếu trị giá 3 đô-la. Cũng thế, một chị ở Luân-đôn nói với tôi, ngày kia, có một em bé gái đến nhà ở Kilburn với một túi tiền cắc 1 xu và em nói : “Cái này cho người nghèo.” Em không nói : “Cái này cho Mẹ Tê-rê-xa” hay “Cho Dòng Bác Ái Truyền Giáo.”

Mới đây một đôi vợ chồng trẻ mới làm đám cưới. Họ quyết định đám cưới thật đơn giản – cô dâu mặc chiếc áo sa-ri bằng vải co-ton thường và chỉ có cha mẹ đôi bên hiện diện- và họ cho chúng tôi tất cả số tiền mà họ dành dụm cho một đám cưới linh đình. Họ chia sẻ tình yêu của họ với người nghèo. Những điều như thế xảy ra hàng ngày. Bởi chính mình trở nên nghèo nàn, bởi yêu thương cho đến khi đau khổ, chúng ta mới có thể yêu thương sâu đậm hơn, tuyệt hảo hơn, trọn vẹn hơn.

Một trong những người tình nguyện, cô Sarah, nói lê cảm nghiệm của cô về loại tình yêu này khi làm việc trong nhà của chúng tôi ở San Francisco :

“Điều tôi hiểu được khi yêu đến đau khổ là cứ yêu dù bạn không hiểu tình cảnh, con người hay bất cứ gì. Nói thì dễ hơn hành động, nhưng có một thời gian tôi có thể thi hành được điều này. Sau một thời gian sống thân tình với những người ở đó, và có một người tên Chris từ trần, điều đó khiến tôi thật đau khổ. Tôi không muốn trở lại nơi ấy – thật vậy tôi đã không trở lại đến hai hay ba tuần. Tôi thức dậy và sẵn sàng đến đó – và rồi tôi lại không đi. Các chị hiểu điều này thật nhiều. Đó là cách họ giúp tôi, vì họ không xét đoán hay lên án. Họ nói : “Không sao cả - trở lại khi nào bạn muốn.”. Khi tôi than khác vì Chris sau khi anh cết, tôi được họ bảo rằng : “Nhà này là để cho họ chết. Thật ích kỷ nếu chúng ta than khóc, vì như thế chúng ta chỉ nghĩ đến mình và không nghĩ về chỗ của họ - ở với Thiên Chúa. Chúng ta phải vui mừng cho họ.” Đó là thái độ của các chị.

“Tôi không phải là một thiện nguyện viên làm việc toàn thời gian, nhưng những người thi hành công việc đó ngày này sang ngày khác phải hiểu nhiều về sự yêu thương cho đến khi đau khổ. Nếu bạn ở trong môi trường đó và lúc nào cũng cho đi, bạn sẽ ngày càng trở nên tinh xảo hơn trong nghệ thuật bác ái và trở nên nguồn tinh thần của Thiên Chúa. Những người tình nguyện toàn thời gian thật đặc biệt – Thiên Chúa lấp đầy họ mỗi ngày. Trong thế gian, thật dễ để giả bộ yêu thương vì không ai đòi hỏi bạn phải cho đi cho đến khi đau khổ - cho đến khi bệnh hoạn.”

 NGƯỜI ĐAU KHỔ VUI VẺ

 Tinh thần của Dòng Thừa Sai Bái Ái là hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, yêu thương tin tưởng nơi người khác, và vui vẻ với mọi người. Chúng tôi phải chấp nhận chịu đau khổ với niềm vui, chúng tôi phải sống khó nghèo với sự tín thác cách vui vẻ. Thiên Chúa thích những người cho đi cách vui vẻ. Cho đi với nụ cười là cách tốt nhất. Nếu bạn luôn sẵn sàng để nói : “Xin vâng” đối với Chúa, tự nhiên bạn sẽ có nụ cười cho mọi người và bạn có thể với ân sủng của Thiên Chúa, cho đi đến khi đau khổ.

Hai tình nguyện viên, Sarah và Dave, khám phá giá trị của đường lối này trong nhà của chúng tôi ở San Francisco và Luân Đôn :

“Điều tôi thích nơi các chị là khi có sự khó khăn họ vẫn có thể vui đùa với các khó khăn đó. Và, khi lỗi lầm xảy ra, họ điều chinhrvaf lại tiếp tục. Nhưng một số các chị nói với tôi rằng có những lúc thật khó khăn và họ thấy buồn rầu vfa họ khóc cho gia đình họ. Bạn biết là họ cũng có cha mẹ, anh chị em gặp khó khăn hay đau yếu và họ không thể làm gihf khác hơn là cầu nguyện. Bởi thế họ cảm thấy buồn, họ cũng khóc nữa. Họ là con người – họ yêu Chúa và yêu người ta.”

“Khi làm việc với các chị tôi thấy họ thật đơn sơ. Tôi giao tiếp với họ hằng ngày, cùng làm việc chung, làm việc ở dưới bếp, lau chùi nhà, phân phát thức ăn, lái xe đi chợ và nói chuyện với các bác sĩ hay chuyên gia tâm lý, và đôi khi phải đối phó với những người thật khó tính. Và họ luôn luôn vui vẻ. Không phỉa là nghiến răng vui vẻ, mà thật như vậy.

“Tôi tin là sự hăng hái bên ngoài là kết quả của niềm vui bên trong mà họ cảm nhận được. Tôi biết là bất cứ ai làm việc với họ đều ngạc nhiên khi thấy họ quỳ hàng giờ trong Nhà Nguyện, và họ rất sung sướng. Giây phút họ sung sướng nhất là lúc cầu nguyện –họ trông mong đến lúc đó, họ hăng hái cầu nguyện để được tái bồi dưỡng và sau đó lại hăng hái như trước để cho đi những năng lực mà họ vừa nhận được. Đây không phải là sự cuồng tín, nhưng là sự khao khát thực sự để chia sẻ những gì họ có. Cũng như họ không giữ của cải vật chất cho họ : bất cứ những gì cho họ, quần áo hay thực phẩm hay tiền bạc hay bất cứ gì – túi giây, dây cao su – họ cho đi hết. Mọi thứ đến rồi đi.

“Tôi nghĩ là Thiên Chúa cho họ rất nhiều và Ngài yêu thương họ rất nhiều. Tôi yêu họ, và tôi bị lôi cuốn đến với họ bởi cách họ làm vui lòng Thiên Chúa. Ân sủng và năng lực của họ là từ Thiên Chúa –đó là tình yêu hỗ tương, mà sau đó họ tỏ cho chúng ta. Tôi nhận thấy điều này trong mỗi một chị, nhưng họ không rập khuôn, họ là một cá nhân riêng biệt, họ có cá tính riêng của họ.”

Khẩu mật của Ki-tô hữu tiên khởi là niềm vui, bởi thế chúng ta hãy phục vụ Thiên Chúa với niềm vui. Chị Kateri giải thích cảm tưởng của chị về điều này :

“Khi tôi làm việc ở trung tâm chữa trị ung thư não ở Nưu-ước và tôi cầu nguyện hàng ngày. Ngày kia có người hỏi tôi là tôi đang sung sướng về điều gì, họ có ý nói là tôi đang yêu ai. Thật sự thì không hẳn như vậy –nó chỉ là cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa. Tôi thật hạnh phúc và thật tràn đầy khi sự liên hệ của tôi với Thiên Chúa gia tăng. Điều đó khiến tôi tràn đầy niềm vui.”

Niềm vui là tình yêu, niềm vui là sự cầu nguyện, niềm vui là sức mạnh. Thiên Chúa yêu thích người cho đi cách vui vẻ, và nếu bạn cho đi cách vui vẻ bạn sẽ cho đi thêm nữa. Một con tim đầy niềm vui là kết quả của một con tim bừng cháy tình yêu.

Công việc của tình yêu luôn luôn là công việc của niềm vui. Chúng ta không cần tìm kiếm hạnh phúc : nếu chúng ta yêu thương người khác chúng ta sẽ được hạnh phúc. Đó là quà tặng của Thiên Chúa.

Tin liên quan