Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Ban Truyền Thông DÒNG THỪA SAI BÁC ÁI CHÚA KITÔ
Slideshow Trang chủ
Slideshow Trang chủ
Tài Liệu
Người Già Neo Đơn Bị Bỏ Rơi
Sau khi đã dùng hầu hết cả cuộc đời để lao động và làm việc vất vả hầu nuôi sống và trợ cấp cho gia đình, những người già cả chẳng đòi hỏi điều gì nhiều ngoài việc có con cái ở bên để chăm sóc và phụng dưỡng trong tuổi già.
Người Già Neo Đơn Bị Bỏ Rơi
CHƯƠNG 11
Người Già Neo Đơn Bị Bỏ Rơi
11.1 LỜI GIỚI THIỆU
Sau khi đã dùng hầu hết cả cuộc đời để lao động và làm việc vất vả hầu nuôi sống và trợ cấp cho gia đình, những người già cả chẳng đòi hỏi điều gì nhiều ngoài việc có con cái ở bên để chăm sóc và phụng dưỡng trong tuổi già. Mỗi ngày một già yếu vì gánh nặng tuổi tác, người già thường ở trong tình trạng dễ bị tổn thương nhất trong cuộc đời. Điều họ cần là có con cháu ở gần bên để được yên tâm rằng họ sẽ được chăm sóc và con cháu sẽ mang lại niềm vui trong tuổi già của mình. Nhận thức được tình trạng không được bảo vệ của những người lớn tuổi, hầu hết các nền văn hoá đều đưa ra những điều lệ, phép tắc nhằm tỏ lòng kính trọng và yêu thương đối với người lớn tuổi, già lão. Các nước phương Đông thường nổi tiếng về sự kính trọng và lòng khâm phục đối với người lớn tuổi, đặc biệt là đối với bậc ông bà, cha mẹ. Và văn hoá Việt Nam cũng không nằm ngoài khuynh hướng này. Tuy nhiên, người già cả vẫn đang bị quên lãng và bỏ rơi mỗi ngày một nhiều, đặc biệt tại các quốc gia này. Chúng ta thường tự hỏi: phải chăng những phong tục tốt đẹp đó đã bị ăn mòn quá sức và nhanh chóng vậy sao ? Giáo hội dạy chúng ta điều gì về vấn đề này ? Không có ai đứng lên đấu tranh để bảo vệ những người già cả neo đơn này sao ?.... Chương này sẽ khảo sát một cách thiết thực về nền văn hoá Việt Nam liên quan đến người lớn tuổi; về Điều răn Thứ Tư và sự giải thích của Giáo hội Công giáo; về công việc của Me Teresa và Hội dòng của Mẹ giữa những người già neo đơn bị bỏ rơi; về việc làm của những nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô tại Nhà Tình Thương ở Củ Chi, Sài Gòn; và cảm tưởng của các cụ già được may mắn sống trong Nhà Dưỡng Lão Tình Thương dành cho những người khốn khổ và hấp hối.
11.2 VĂN HOÁ VIỆT NAM VÀ LỜI DẠY CỦA GIÁO HỘI LIÊN QUAN ĐẾN LÒNG KÍNH TRỌNG VÀ THẢO HIẾU VỚI CHA MẸ
Văn hoá Việt Nam có câu nói, “Tiên học lễ, hậu học văn” (first learn mannerism only then learn how to read and write). Câu nói này đã được dạy và ăn sâu vào tâm trí trẻ em ngay ngày đầu tiên đến trường. Nó nhấn mạnh rằng một nhân cách tốt thì quan trọng hơn sự xuất sắc trong những chuyên môn học thuật. Đức hạnh thường được ưa chuộng hơn tại Á Châu và vì thế nó được dạy rất kỹ càng tại các nước này. Học sinh được dạy phải đứng lên khi thầy cô vào lớp. Sau đó, họ phải cúi đầu và cất lời chào thầy cô. Các em sẽ đứng như vậy cho đến khi thầy cô cho phép các em ngồi xuống. Sự kính trọng như thế cũng được bày tỏ ngoài đường khi học sinh bất chợt gặp người lớn tuổi. Các em cũng cúi đầu chào khi những người này đi ngang qua. Ở nhà, trẻ em còn biểu lộ sự kính trọng hơn thế nữa đối với ông bà, cha mẹ. Chúng phải cúi đầu chào hỏi ba mẹ, ông bà mỗi khi ra ngoài hoặc khi đi đâu về. Các em phải xin phép cha mẹ trước khi rời bàn ăn hoặc ra ngoài đi chơi. Khi tiếp xúc với một mục sư hay một linh mục, người ta thường cúi đầu chào họ bất kể tuổi tác của họ như thế nào.
Sự kính trọng người lớn tuổi cũng được củng cố và nhấn mạnh trong Mười Điều Răn của Chúa. Điều răn Thứ Bốn dạy: “Hãy thảo kính cha mẹ”. Điều răn này cho thấy Thiên Chúa đã ước mong rằng: sau Ngài, chúng ta phải yêu kính và tôn trọng cha mẹ là những người đã thông ban cho chúng ta sự sống và truyền đạt đức tin cho cho chúng ta. Chúng ta phải thảo hiếu và kính trọng những người mà Thiên Chúa đã gửi đến để hướng dẫn và dạy dỗ chúng ta. Điều răn Thứ Bốn này đã giải thích rõ ràng những bổn phận, trách nhiệm mà con cái phải chu toàn đầy đủ với cha mẹ mình. Điều răn này đã được nói để dạy dỗ những kẻ làm con trong cách cư xử với cha mẹ mình. Nó cũng ràng buộc tương tự như thế đối với mối liên hệ giữa các thành viên trong đại gia đình thân tộc. Nó đòi hỏi sự thảo hiếu, yêu kính và lòng biết ơn đối với những người cao tuổi cũng như những bậc tiền nhân. Vâng nghe và tuân giữ Điều răn Thứ Bốn mang lại phần thường to lớn cho con cái, “Hãy thờ cha kính mẹ, thì các ngươi sẽ được sống lâu trên phần đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi sẽ ban cho các ngươi.”[1] Vậy, với sự tôn kính đã được nền văn hoá cũng như Giáo hội công nhận và củng cố, thì làm sao những người già lại có thể bị bỏ rơi và bị con cái quên lãng ? Điều gì đã làm cho con cái bỏ rơi ông bà, cha mẹ ruột thịt của mình ? Chính sự nghèo đói là nguyên nhân của việc bỏ rơi này. Nếu tiền bạc là căn nguyên của mọi sự xấu xa, bạc bẽo, thì cái nghèo cũng là nguyên nhân của mọi sự bạc bẽo, xấu xa. Nghèo đói thậm chí còn làm đổ vỡ cả những nét văn hoá và những phong tục cao đẹp đã có từ ngàn năm. Nó làm bật rễ những mối quan hệ thắm thiết của gia đình và chia lìa mỗi người một nơi. Chính nhu cầu tự mưu sinh để sống còn đã khiến cho lớp trẻ bỏ lại những người thân yêu như ông bà cha mẹ ở làng quê và di cư đến những thành phố lớn tìm kế sinh nhai; như thế họ có thể gửi được một số tiền kiếm được cho cha mẹ già ở nhà. Nhưng, thật không may, tại những thành phố này có quá ít công việc cho họ, vì người thì nhiều hơn việc. Những nhân công di cư trẻ tuổi kém tay nghề đã rơi vào những lúc và những hoàn cảnh thật khó khăn. Còn tại quê nhà, cha mẹ già và ông bà của họ thay vì được an hưởng phần đời còn lại, thì vô tình lại bị bỏ rơi và quên lãng. Và để tự kiếm sống, rất nhiều người già đã phải đi xin ăn và cuối cùng chết ngoài đường phố.[2]
11.3 CÔNG VIỆC CỦA MẸ TERESA GIỮA NHỮNG NGƯỜI KHỐN CÙNG VÀ HẤP HỐI
Trước những người già bị bỏ bê và bị quên lãng đến chết ngoài đường phố và trong các khu nhà ổ chuột, Mẹ Teresa đã khôn ngoan mở rất nhiều nhà để đón tiếp những người khốn khổ và hấp hối. Những nhà hấp hối này được dự định để phục vụ cho một mục đích kép. Trước hết và trên hết, những nhà này được mở ra là để giúp đỡ những người già neo đơn không nơi nương tựa được chết trong bình an và xứng với nhân phẩm. Thứ đến, các nhà này cũng được dùng để làm nơi huấn luyện các thỉnh sinh (những người đang tìm hiểu đời sống dòng tu). Mẹ Teresa muốn các thỉnh sinh phải nhận ra Đức Kitô, Đấng đã nuôi dưỡng họ trong Bí tích Mình Thánh cũng chính là Đức Kitô đang cải trang trong những người già bị bỏ rơi. Mẹ kể rằng: “Theo luật của chúng tôi, không lâu sau khi gia nhập Hội dòng, các thỉnh sinh phải đến phục vụ tại nhà hấp hối ở Calcutta. Ngày nọ, có một thỉnh sinh sẽ đến nhà hấp hối. Trước khi người thỉnh sinh này đi, tôi nói với cô ấy: ‘Trong Thánh lễ, con thấy vị linh mục đã âu yếm thế nào, đã dịu dàng, cung kính khi đụng chạm vào Mình Thánh Chúa Kitô làm sao, con hãy chắc chắn rằng con cũng làm y như vậy khi đến nhà hấp hối, bởi vì Chúa Giêsu đang ở đó, Ngài đang cải trang trong một người đau khổ.’ Và cô ta ra đi. Sau ba tiếng đồng hồ, cô quay lại. Cô gái vừa tốt nghiệp đại học, đã từng nhìn thấy và hiểu biết rất nhiều thứ, đã đến gõ cửa phòng tôi với nụ cười thật rạng rỡ. Cô nói: ‘Thưa Mẹ, suốt ba tiếng đồng hồ, con đã được đụng vào Thân Mình Đức Kitô !’ Tôi nói: ‘Con đã làm gì ? Đã xảy ra chuyện gì?’ Cô ấy đáp: ‘Người ta đã mang đến nhà hấp hối một người ở ngoài đường, người này bị rớt xuống rãnh nước đã khá lâu. Mình mẩy ông ta đầy giòi bọ, bùn đất và những vết thương xông lên mùi hôi thối. Và mặc dù con cảm thấy thật khó chịu, con đã tắm rửa sạch sẽ cho ông ta, và con biết con đã đụng chạm vào Thân Mình Đức Kitô.’ ”[3]
Mẹ Teresa lúc nào cũng thừa nhận rằng những công việc Mẹ làm cho những người khốn khổ, hấp hối chẳng đáng là gì cả so với những điều Mẹ đã nhận được từ nơi họ. Mẹ thường nhấn mạnh điều này bằng việc thuật lại câu chuyện mà Mẹ đã trải qua như sau: “Ngày kia, chúng tôi đưa về nhà hấp hối một số người chúng tôi tìm thấy ở ngoài đường. Trong số này, có một người đàn bà lớn tuổi thấp bé, bà ở trong tình trạng nguy kịch hơn những người kia, và sắp chết. Tôi nói với các nữ tu: ‘Các con hãy chăm sóc những người kia. Còn Mẹ sẽ lo cho người này.’ Khi tôi vừa ẵm bà đặt lên giường, bà liền cầm lấy tay tôi và nở một nụ cười thật đẹp. Bà ấy chỉ nói: ‘Xin cảm ơn.’ rồi trút hơi thở cuối cùng. Tôi cam đoan với các bạn rằng, bà ấy đã cho tôi nhiều hơn những gì tôi đã làm cho bà ấy. Bà đã cho tôi tấm lòng yêu thương đầy biết ơn của bà.”[4] Mẹ thường không ngừng nhắc nhở các nữ tu rằng tràn đầy niềm vui tươi là phương cách trước hết và tốt nhất để phục vụ người nghèo. Điều thực sự làm Mẹ hài lòng là nhìn thấy phẩm giá con người được phục hồi trong những con người đang đau khổ và hấp hối. Trong cuộc vật lộn với cuộc sống, những người khốn khổ này đã từng thoả hiệp rất nhiều với những điều xấu, và dần dần họ đã đánh mất lòng tự trọng. Mục đích của Mẹ Teresa trong công cuộc phục vụ những người khốn cùng hấp hối là để phục hồi lại phẩm giá cao quí của con người như thuở ban đầu. Một lần nữa, Mẹ chia sẻ cho chúng ta một cuộc chạm trán đã làm Mẹ rất xúc động, “Lần kia, Mẹ đưa một người đàn ông sắp chết ngoài đường về nhà hấp hối ở Calcutta. Khi Mẹ sắp rời ông ta, thì ông nói với Mẹ: ‘Mẹ ơi, con đã sống như một con vật ở ngoài đường, nhưng con sắp được chết như một thiên thần. Con sẽ chết đang khi mỉm cười.’ Và thực sự, ông ấy đã chết với nụ cười trên môi, bởi vì ông cảm thấy mình được yêu thương và được vây quanh bằng những bàn tay săn sóc đầy ấm áp.”[5]
11.4 CÔNG VIỆC CỦA CÁC NỮ TU THỪA SAI BÁC ÁI CHÚA KITÔ TẠI NHÀ TÌNH THƯƠNG DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI KHỐN CÙNG HẤP HỐI.
Sự thật là cha mẹ lúc nào cũng trung thành trong trách nhiệm nuôi dưỡng con cái, nhưng con cái thường sao nhãng trong bổn phận chăm sóc dưỡng nuôi cha mẹ lúc tuổi đã xế chiều. Người Việt Nam có câu tục ngữ: “Một mẹ nuôi được 10 con, nhưng 10 con không nuôi nổi mẹ già.’ Điều mà con cái còn thiếu sót trong bổn phận thảo kính mẹ cha, thì đã được các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô chăm sóc với tình thương mến và với lòng quảng đại. Soeur Maria Martin Kim Hoa là một trong 13 nữ tu hiện đang phục vụ cho những người khốn khổ và hấp hối tại Nhà Tình Thương ở Củ Chi. Soeur đã phục vụ Nhà Tình Thương được 8 năm và đã phụ trách cộng đoàn này trong suốt 5 năm qua. Soeur Kim Hoa biết tên tuổi, lai lịch, quốc tịch, bệnh tình và nỗi buồn của tất cả 60 cụ ông cụ bà hiện đang trú ngụ tại Nhà Tình Thương. Thật buồn mà nói rằng hết cả 60 người già lão này đã bị bỏ rơi vì không có con cái chăm sóc, hoặc đơn giản vì con cái họ quá nghèo. Các cụ rất biết ơn và nhận thức rõ rằng họ được may mắn hơn nhiều người già khác đang sống vất vưởng ở nhiều nơi. Điều kiện sống tại Nhà Thình Thương thì còn rất hạn chế, nhưng mỗi người đều có phòng và giường ngủ riêng. Những căn phòng này rất nhỏ và đơn giản nhưng rất sạch sẽ. Họ được các soeurs nuôi ăn mỗi ngày 3 bữa đầy đủ và thoải mái. Khi ốm đau, họ được các soeurs chăm sóc cẩn thận và tốt nhất về phương diện y tế, vì hầu hết các soeurs đều có chuyên môn y tá. Thực ra, những cụ già tại Nhà Tình Thương được chăm sóc tốt hơn hầu hết những người già khác được con cái chăm sóc tại gia đình của họ.[6]
Suốt gần 10 năm phục vụ các cụ già neo đơn, chưa từng có ai đã gây ấn tượng nhiều cho Soeur Martin Kim Hoa như Bà Nguyễn Thị Thiệt (mà các soeurs thường âu yếm gọi là ‘mẹ Thiệt’). Mẹ Thiệt sinh tại Phan Thiết trong một gia đình rất hạnh phúc. Khi đến tuổi trưởng thành, Mẹ đã kết hôn và gầy dựng một gia đình ấm cúng. Mẹ rất tự hào về việc đứa con trai của Mẹ được vào học tại trường công giáo của các sư huynh Ta-ber, Mẹ thường hay nhắc lại chuyện này cho bất cứ ai Mẹ gặp. Thế rồi chồng và đứa con duy nhất của Mẹ qua đời trong một tai nạn giao thông. Mẹ phải vật lộn kiếm sống bằng nghề bán cá ở chợ. Bươn chải với đủ cách trong nghề đã khiến mẹ trở nên dày dạn và bần tiện. Mẹ Thiệt rất dơ bẩn vì hay chửi thề và nói những lời tục tĩu, mà không biết rằng sống trong Nhà Tình Thương dành cho người hấp hối thì Mẹ không được nói thô tục như vậy. Nhưng dầu cho bây giờ Mẹ đang sống những ngày tháng còn lại ở đây, Mẹ vẫn tiếp tục chửi rủa và lăng nhục. Bất cứ khi nào làm không đúng theo ý Mẹ, lập tức Mẹ liền nói những lời phạm thượng. Ngoài các soeurs ra, còn ai khác ở đó nghe những lời tục tĩu của Mẹ không ? Soeur Martin Kim Hoa là người đau khổ nhất trong những lời sỉ nhục hằng ngày của Mẹ Thiệt. Mẹ đã nhiều lần gọi Soeur là “con đĩ ”. Mẹ Thiệt không những thô thiển trong lời nói mà còn ở rất dơ bẩn. Vì biết rằng những lời lăng nhục chẳng nhằm nhò gì với các soeurs, có lần Mẹ đã bốc một nắm phân của mình và ném thẳng vào một soeur khi soeur này không nhìn thấy. May thay, soeur đã được chuẩn bị đối phó với cơn tam bành của Mẹ nên đã cúi đầu xuống thật nhanh để tránh; tuy nhiên nắm phân đã bắn tung toé lên khắp tường, làm bẩn rất nhiều chỗ khiến cho các soeurs phải chùi rửa và tẩy uế một phen. Không lâu sau đó, Mẹ Thiệt đã nhận ra rằng các soeurs, đặc biệt là Soeur Martin Kim Hoa có lòng trắc ẩn và yêu thương Mẹ thật sự. Mẹ Thiệt đã đổi lòng và bắt đầu lo lắng cho Soeur Kim Hoa vì thấy Soeur đã lớn tuổi mà chưa lập gia đình. Rõ ràng, Mẹ chưa biết rằng Soeur là một tu sĩ. Mẹ Thiệt thường nhắc Soeur Kim Hoa nhu cầu cần thiết phải cưới chồng và tạo lập gia đình. Mẹ cho Soeur những lời khuyên làm sao để có được một tấm chồng tốt: “Nếu anh ta mang rượu xoàng về mời Mẹ thì anh ta không phải là một người chồng tốt. Nhưng nếu anh ấy mang rượu Cognac về mời Mẹ thì anh ấy thực sự là một người chồng tuyệt vời.” (!) Soeur Martin Kim Hoa rất hãnh diện vì mình không chỉ có một cha một mẹ ruột, nhưng Soeur có cả 60 cha mẹ trong Nhà Dưỡng Lão Tình Thương này. Bổn phận hằng ngày của Soeur không chỉ là lo lắng cái ăn, cái mặc và theo dõi sức khoẻ cho các cụ, nhưng còn là lòng kính trọng và yêu thương đối với các cụ.
Vậy, các soeurs lấy đâu ra năng lực để làm tất cả những việc này ? Trong ngôi Nhà Nguyện nhỏ bé và đơn sơ - là nơi các nữ tu được bổ dưỡng về tinh thần qua Thánh lễ mỗi ngày, qua các giờ chầu Thánh Thể và các giờ kinh cộng đoàn - có treo một tượng Chuộc Tội nhỏ với hàng chữ : “Ta khát !” Bên dưới tượng Chuộc Tội là một khung ảnh với hình Mẹ Teresa, người mẹ tinh thần của các nữ tu. Mẹ Teresa nổi tiếng vì những công việc từ thiện bác ái, nhưng thực ra chính linh đạo của Mẹ đã hướng dẫn Mẹ làm những công việc này. Chính trong một giờ kinh nguyện hằng ngày, khi Mẹ Teresa nhìn lên Thánh Giá Chúa, Mẹ đã nghe rõ ràng tiếng kêu thảm thiết của Chúa Giêsu trong cơn hấp hối: “Ta khát !” Vì thế, sau đó Mẹ đã dành trọn cả cuộc đời để làm giảm vơi cơn khát của Chúa Kitô nơi con người của những kẻ nghèo đói và khốn khổ khắp thế giới. Chính là Đức Kitô đang chết khát nơi bản thân những người nghèo. Về phần Soeur Kim Hoa, Soeur nghe được lời nói âu yếm của Chúa Giêsu với Thánh Gioan ở dưới chân Thập Giá: “Này là mẹ con !” Soeur đã thấy những người già neo đơn này như là những cha mẹ ruột mà Chúa Kitô đã gửi đến để Soeur nhìn ngắm họ như là người mẹ của Ngài vậy. Thực ra, Thiên Chúa có đủ quyền năng làm được mọi sự. Nhưng Thiên Chúa không muốn một mình làm tất cả; thay vào đó, Ngài nghĩ rằng nếu chúng ta chia sẻ những công việc của Ngài thì như thế sẽ mang thêm ơn cứu độ cho chúng ta. Dưới chân Thánh Giá, Chúa Giêsu đã ban cho tất cả chúng ta bổn phận chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ của Ngài khi Ngài trao phó Mẹ mình cho Thánh Gioan. Chúa Giêsu đã muốn Thánh Gioan được vinh dự chăm sóc Mẹ của Ngài. Các cụ già neo đơn mà các soeurs đang phục vụ và chăm sóc tại Nhà Tình Thương, thực sự là những người cha người mẹ của chúng ta, cũng giống như Mẹ Maria của chúng ta vậy.[7]
11.5 CẢM TƯỞNG CỦA CÁC CỤ GIÀ NEO ĐƠN TẠI NHÀ TÌNH THƯƠNG
Hầu hết các cụ già neo đến với Nhà Tình Thương đều mang trong mình nỗi đau khổ vì bị bỏ bê, quên lãng. Song, thời gian cũng làm mềm dịu và sưởi ấm những tâm hồn cứng cỏi nhất. Dần dần, các cụ cũng nhận ra rằng các soeurs thực sự yêu thương và muốn chăm sóc, lo lắng cho họ. Đáp lại tấm lòng yêu thương phục vụ của các soeurs, các cụ đã thực sự thay đổi từ sự sợ hãi thành người rất tin tưởng và biết ơn các soeurs. Một trong các cụ đã viết: “Tôi muốn cám ơn Chúa vì tấm lòng yêu thương quan phòng của Ngài đối với tôi. Chúa đã ban cho tôi thật nhiều ơn, đặc biệt là ơn được sống trong Nhà Tình Thương này trong bầu khí bình an và yên tĩnh của tuổi già. Tôi muốn cám ơn các nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã nghĩ đến chúng tôi và đã hy sinh chăm sóc cho những người già không nhà cửa như chúng tôi. Các soeurs là một ân ban cho tôi vì các soeurs đã dùng hết tình yêu năng lực của mình để chăm sóc cho những người bị khinh rẻ như chúng tôi. Tôi không biết nói gì hơn, chỉ biết cầu xin Thiên Chúa, xin Ngài ban cho các soeurs và Hội dòng các soeurs được nhiều sức khoẻ và thêm nhiều người tu. Tôi đã ở tại Nhà Tình Thương này hơn 9 năm qua. Và tôi coi mình là một trong những người rất may mắn, vì tôi được tham dự Thánh lễ và chầu Thánh Thể mỗi ngày. Nhờ các giờ cầu nguyện này, tôi đã bắt đầu nhận ra tình thương của Thiên Chúa qua việc phục vụ của các soeurs. Tôi rất vui khi nhận ra rằng mình được nuôi dưỡng và chăm sóc cả về thân xác lẫn tâm hồn. Niềm vui này mạnh mẽ và dư đầy hơn tất cả những đau khổ và nước mắt mà tôi đã chịu đựng trong suốt cuộc đời. Sự thực, lời lẽ không thể diễn tả hết được tấm lòng biết ơn của tôi đối với sự thương yêu và tấm lòng quảng đại của các soeurs. Từ việc lo lắng cho chúng tôi từng bữa ăn đến việc cho uống thuốc, từ lúc yếu đau cho đến khi hấp hối, các soeurs luôn có đó mọi lúc, mọi nơi để an ủi, nâng đỡ cho chúng tôi. Thậm chí cả khi đã chết rồi, các soeurs vẫn luôn ở bên cạnh mọi người. Mặc dù công việc rất vất vả và căng thẳng, các soeurs lúc nào cũng vui tươi và hăng hái. Tôi lúc nào cũng tin tưởng và bình an khi nghĩ về sự chết, vì tôi đã được chững kiến những việc làm yêu thương của các soeurs với những người đã ra đi trước tôi. Các soeurs đã vất vả thức suốt đêm bên cạnh giường những người hấp hối để cầu nguyện cho họ, cho đến khi họ trút hơi cuối cùng. Tôi thực sự nguyện xin Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu ban phúc lành cho các soeurs và Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô, vì các soeurs đã tỏ cho tôi được biết Đức Giêsu qua sự hiện diện đầy yêu thương và những công việc bác ái của các soeurs.”[8] Chúng ta rất thường cảm động khi nghe những câu chuyện hoán cải của các cô gái lỡ lầm, các em cô nhi, của những nạn nhân HIV/AIDS hay những cụ già neo đơn. Những trường hợp hoán cải này thường xảy ra một cách tự nhiên mà không có một sự cưỡng ép, bắt buộc nào. Theo Mẹ Teresa, sự hoán cải chính là sự thay đổi tâm hồn vì tình yêu. Nếu hoán cải vì bị ép buộc hay là vì bị mua chuộc thì Mẹ coi đó là một điều rất đáng hổ thẹn; và nếu người ta chấp nhận từ bỏ tín ngưỡng của mình chỉ vì miếng ăn thì đó là một sự làm nhục ghê gớm.”[9] Mẹ Teresa không quan tâm đến việc làm cho mọi người trở về với đạo Công giáo. Mẹ nói rằng, “Nếu khi gặp mặt Chúa và đón nhận Ngài vào lòng mình thì như vậy coi như chúng ta đã hoán cải rồi ...”[10]
11.6 TANG LỄ VÀ CHÔN CẤT
Sự sống và cái chết giống như hai mặt của một đồng tiền. Nhìn chung, con người thường yêu quý và bám lấy sự sống và rất nhiều người sợ chết. Cái chết đến với tất cả mọi người, không phân biệt già hay trẻ, giàu hay nghèo. Chính giờ phút chúng ta chào đời là chúng ta bắt đầu bước đi trên con đường tiến dần về cái chết; chúng ta càng sống lâu thì càng tiếp cận gần đến sự chết. Vì chúng ta thường yêu và quý sự sống, chúng ta phải học cách đón nhận cái chết. Và vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa là Đấng làm ra sự sống, nên sự chết không làm chấm dứt sự sống, nhưng thực ra sự sống chỉ thay đổi trạng thái mà thôi. Khi người ta hỏi Mẹ Teresa xem Mẹ có mong chờ cái chết không, Mẹ trả lời, “Dĩ nhiên là tôi mong chờ, bởi vì tôi đang đi về quê của tôi. Chết không phải là hết. Cái chết chỉ là một tiếp nối của sự sống. Đây chính là ý nghĩa đích thật của sự sống vĩnh cửu.”[11] Học biết đón nhận sự chết và sống trong bình an là cách thức mà những cụ già neo đơn đang sống tại Nhà Tình Thương Củ Chi này.
Nhà Tình Thương là nơi nương thân của những người khốn khổ, hấp hối, là nơi mà những cụ già bị bỏ rơi không có ai chăm sóc sống những ngày tháng ngắn ngủi còn lại. Nhưng nhờ sự yêu thương, chăm sóc tận tình của các nữ tu, một số các cụ đã sống rất thọ. Có một cụ đã sống tại Nhà Tình Thương gần 10 năm nay, và hiện tại vẫn còn sống. Thật buồn, vì cuối cùng thì cái chết cũng đến với mọi người. Khi một người qua đời, các soeurs sẽ chôn cất họ theo phong tục và tín ngưỡng riêng của từng người. Những lễ nghi an táng và chôn cất sẽ được chuẩn bị chu đáo và cử hành với sự kính trọng sâu xa. Nếu người qua đời là người theo đạo Công giáo, các soeurs sẽ mời linh mục đến và chủ sự thánh lễ an táng cho người quá cố. Theo truyền thống, những ông bà giàu có thường làm trước cho mình những cỗ quan tài vừa với mình và thường để chúng cạnh giường mình ở trong nhà. Còn ở Nhà Tình Thương, những chiếc áo quan được làm cùng một cỡ. Những chiếc quan tài này thường là do những người dân ở xung quanh kính biếu, và họ thường cất chúng ở nhà kho của Nhà Tình Thương. Và kinh phí cho việc mai táng phần lớn cũng được nhiều người quảng đại chia sẻ. Cái chết và sự buồn sầu mất mát là một thực tế tại Nhà Tình Thương, nhưng các cụ già neo đơn ở đây không sợ hãi vì họ đã biết đón nhận và hiểu rằng cái chết chính là một cách thức để đến với cuộc sống mới.
11.7 KẾT LUẬN
Thật chắc chắn để thừa nhận rằng hầu hết mọi nền văn hoá đều hết sức kính trọng những bậc tiền nhân và những người lớn tuổi. Điều này thể hiện rõ ràng hơn tại Việt Nam, nơi mà con cái được dạy dỗ từ lúc còn bé phải lễ phép và kính trọng đối với ông bà, cha mẹ và những người lớn tuổi. Mười điều răn của Chúa cũng củng cố và đề cao vị trí của những bậc làm cha làm mẹ lên một đạo luật cao nhất, khi buộc con cái phải thảo hiếu với cha mẹ. Văn hoá và tôn giáo mọi thời đã làm điều đó để bảo đảm cho những người lớn tuổi, già lão được chăm sóc và phụng dưỡng trong những năm tháng xế chiều của cuộc đời. Thế nhưng, càng ngày càng có nhiều những con số báo cáo và thống kê về người già đang bị sao nhãng và bỏ rơi. Lý do không phải vì con cái bạc bẽo và vô ơn. Đơn giản, họ quá nghèo và không thể phụng dưỡng cha mẹ ông bà cách chu đáo. Cái nghèo làm xói mòn những truyền thống đạo đức tốt đẹp và làm phai nhạt cả lệnh truyền của Thiên Chúa. May mắn thay, có nhiều tâm hồn quảng đại đã hiến dâng chính mình và dành trọn cuộc đời để bù đắp những điều còn thiếu trong việc chăm sóc và tôn trọng những người già cả trong xã hội. Những người như Mẹ Teresa và các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô tại Việt Nam, đã mở những nhà để đón tiếp những người già nua, khốn khổ và hấp hối. Nhờ lòng trắc ẩn và yêu thương của các soeurs mà các cụ già đã có thể sống những ngày đời ngắn ngủi còn lại trong bình an và trong sự thanh thản. Khi thần chết đến gõ cửa, các cụ vẫn điềm đạm đón nhận như một điều tất yếu của cuộc sống. Những cảm tưởng mà các cụ để lại đã minh chứng điều này rất rõ. Các soeurs cũng làm hết sức mình để lo lắng cho các cụ trong việc chôn cất theo đúng như phong tục và tín ngưỡng của từng người. Đây là một sứ mạng thật đẹp mà các soeurs đang thực hiện cho những người già lão, neo đơn. Mặt khác, các soeurs cũng rất biết ơn vì đã có cơ hội phục vụ các cụ, bởi vì điều mà các soeurs nhận được từ nơi các cụ thì nhiều hơn những gì mà các soeurs làm cho họ. Các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô cũng muốn chia sẻ sứ mạng tốt đẹp này cho mọi người. Nghe theo lời mời gọi của các soeurs, nhiều người và nhiều dòng tu đã đáp lại hết sức nhiệt tình. Chương tới sẽ tập trung vào những cộng tác viên của Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô và cách thức những người này cộng tác với các nữ tu trong công việc bác ái từ thiện mà vẫn không sao nhãng việc bổn phận và ơn gọi hiện tại của mình.
Tin liên quan
-
» DANH NGÔN CỦA MẸ TÊRÊSA CALCUTTA (04/09)
-
» BÀI HÁT PHỤC VỤ TRONG YÊU THƯƠNG (03/09)
-
» PHIM MẸ TÊRÊSA CALCUTTA (10/12)
-
» KẾT LUẬN (13/01)
-
» Sự Thành Lập Hội Các Cộng Tác Viên Của Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô (13/01)
-
» Những Nạn Nhân HIV/AIDS (13/01)
-
» Các Em Cô Nhi (13/01)
-
» Những Cô Gái Lỡ Lầm (13/01)
-
» Sài Gòn Thủ Đô Của Những Người Nghèo Nhất Trong những Người Nghèo Tại Việt Nam (13/01)
-
» Sự Thành Lập Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô Tại Sài Gòn - Việt Nam (13/01)