Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Ban Truyền Thông DÒNG THỪA SAI BÁC ÁI CHÚA KITÔ
Slideshow Trang chủ
Slideshow Trang chủ
Tài Liệu
Những Nạn Nhân HIV/AIDS
hế giới mà chúng ta đang sống mỗi ngày một tốt đẹp và lành mạnh hơn nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và của ngành y khoa. Tuy nhiên thế giới vẫn bất lực trong việc đương đầu với loại virus gây chết người HIV/AIDS.
Những Nạn Nhân HIV/AIDS
CHƯƠNG 10
Những Nạn Nhân HIV/AIDS
10.1 LỜI GIỚI THIỆU
Thế kỷ hai mốt đã được đánh dấu với nhiều tiến bộ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và trong lãnh vực y khoa. Điều này thể hiện rất rõ nét tại các nước phương Tây. Máy vi tính lúc ban đầu từng có kích cỡ to bằng cả ngôi nhà, bây giờ đã được thu nhỏ lại bằng chiếc cặp táp của học sinh. Về vấn đề điện thoại cũng vậy. Những chiếc điện thoại cầm tay có hình ảnh đã trở thành cái phải có đối với tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi. Nói cách khác, chúng ta có thể tìm được những giải pháp cho hầu hết những vấn đề về kỹ thuật, và chúng ta cũng tìm được những phương thuốc để chữa trị cho hầu hết các loại bệnh tật, ngoại trừ sự lây nhiễm của căn bệnh HIV và AIDS. Cách đây mới một vài thập niên, bệnh HIV/AIDS đã xuất hiện ở Phi Châu. Đó là một loại virus tương đối mới nhưng rất đáng sợ và gây chết người. Bệnh HIV/AIDS gây tổn thương và phá hoại cuộc sống của rất nhiều người trên khắp thế giới, đặc biệt là giữa những người nghèo tại các nước chậm phát triển. Mặc dù những thông tin và kiến thức về sự lây lan của căn bệnh HIV/AIDS thì đầy dẫy, nhưng rất ít người nghèo có cơ hội tiếp cận với những thông tin hữu ích này. Hơn nữa, chính phủ tại các nước chậm phát triển như Việt Nam lại cho rằng những thông tin này như là những hành động khiêu dâm và đã nghiêm cấm không cho phổ biến. Vì thế, những người nghèo bị nhiễm bệnh HIV/AIDS này đã vô tình làm lây lan và truyền thứ virus chết người này cho chính những người thân của mình. Chương này sẽ khảo sát tình trạng của căn bệnh HIV/AIDS ở Việt Nam, đặc biệt tại Sài Gòn; cho thấy chương trình của Đức Hồng Y JB. Phạm Minh Mẫn trong việc giải quyết vấn đề HIV/AIDS tại Sài Gòn; học hỏi những công việc của Mẹ Teresa liên quan đến những nạn nhân HIV/AIDS; quan sát những công việc của các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô giữa những nạn nhân này tại trung tâm HIV/AIDS Nhân Ái, và phản ánh một vài cảm tưởng của những nạn nhân HIV đã được các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô chăm sóc.
10.2 TÌNH TRẠNG CỦA NHỮNG NẠN NHÂN HIV/AIDS TẠI VIỆT NAM
Bệnh AIDS mới chỉ xuất hiện khoảng 25 năm gần đây. Và cách đây khoảng 10 năm, căn bệnh này đã có mặt tại Việt Nam và đã trở thành một vấn nạn khó xử cho chính phủ nước này cũng như cho người dân. Loại virus HIV/AIDS này không phân biệt cư dân ở thành thị hay trong các khu nhà ổ chuột, hoặc sống ngoài đường phố. Nó cũng không phân biệt nạn nhân già hay trẻ. Tuy nhiên, dường như loại virus HIV này có khuynh hướng tìm kiếm và xâm nhập các người trẻ và những người nghèo hơn là người già và những người giàu, vì hiện nay căn bệnh này đã tràn lan giữa những trẻ em đường phố và những thanh thiếu niên. Sự thiếu giáo dục và ngăn ngừa về căn bệnh này đã góp phần vào sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm và tử vong vì HIV/AIDS. “Theo con số thống kê chính thức của Nhà nước, thì vào tháng 12 năm 2001, có 41,622 người đã bị nhiễm HIV và 6,251 người đã mắc bệnh AIDS. Khoảng 3,421 người đã chết vì bệnh AIDS. So với Nhật Bản, con số lây nhiễm tại Việt Nam cao gấp 10 lần tại nước này. Theo một vài ý kiến, thì thực tế sẽ còn nhiều hơn 10 lần con số được thống kê, nhưng rất khó để nhận biết tình huống của đối tượng.”[1] Người ta ước lượng rằng con số này sẽ gia tăng đến 197,000 người vào năm 2005. Trong con số lây nhiễm này, có khoảng 60% tỉ lệ lây nhiễm do việc sử dụng và lạm dụng kim chích trong việc tiêm truyền ma tuý. Con số lây nhiễm này gia tăng đều đặn trong giới công nhân, đặc biệt trong các tỉnh thành phía nam như Sài Gòn. Tại Sài Gòn, hiện có 7 bệnh viện có đủ chức năng chuyên môn làm xét nghiệm cho bệnh nhân tìm virus HIV. Vì phí tổn cho những cuộc xét nghiệm HIV rất cao, nên rất nhiều người nghèo không có khả năng làm xét nghiệm. Tháng 6 năm 2006, một loại thuốc ngừa HIV mới được khám phá đã được phổ biến tại Việt Nam, nhưng phải trả 5,000 yên (tương đương với 40 đôla) cho mỗi lần uống thuốc. Mức lương cao nhất của những công nhân tại các khu nhà ổ chuột khoảng 300,000 yên (tương đương 2,400 đôla). Vì loại thuốc mới này phải uống mỗi ngày, nên thường họ không đủ điều kiện để sử dụng thuốc.[2]
Nhận thức rõ về vấn đề lây lan nghiêm trọng của căn bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam, Tổng thống Push đã công bố ba lý do khi chọn Việt Nam là quốc gia nghèo thứ 15 được Liên Hiệp quốc Hoa Kỳ giúp đỡ, “Trước hết, nạn dịch tại Việt Nam đang rất nghiêm trọng và gia tăng nhanh chóng. Bộ Sức khoẻ đã thông báo cho UNAIDS rằng nạn dịch đã lan tràn mạnh mẽ, đạt tới mức 0.44% người thuộc lứa tuổi từ 15-49 đã bị lây nhiễm. Thứ đến, ông nhấn mạnh rằng Nhà nước Việt Nam đang nỗ lực hết sức để phòng chống nạn dịch này. Sau cùng, vì giữa Việt Nam và Hoa kỳ đã có một mối dây liên quan lịch sử và người dân Mỹ muốn trợ giúp cho Việt Nam trong nỗ lực này.”[3]
10.3 CUỘC PHỎNG VẤN ĐỨC HỒNG Y JB. PHẠM MINH MẪN
Giáo hội Công giáo tại Rôma rất quan tâm đến vấn đề HIV/AIDS, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Trong bài diễn văn nói với tổng thống Liên Hiệp Quốc, Đức Hồng Y Claudio Hummes, đã nói: “Bệnh HIV/AIDS đã có và hiện đang là một trong những thảm hoạ lớn nhất của thời đại chúng ta. Đây không phải chỉ là vấn đề sức khoẻ mang tầm mức quốc tế, nó còn là một mối bận tâm liên quan đến nền kinh tế, chính trị và xã hội... Đây cũng là một vấn nạn đạo đức, vì nguyên nhân của nạn dịch này đã phản ánh rất rõ cơn khủng hoảng trầm trọng của các giá trị tinh thần.”[4] Đức Hồng Y Claudio Hummes cũng lưu ý rằng 12% những nguồn cung cấp để lo cho các bệnh nhân HIV/AIDS này là những cơ quan, tổ chức thuộc Giáo hội Công giáo, và 13% của những nguồn viện trợ quốc tế cho những người bị nhiễm do nạn dịch này là từ các tổ chức Công giáo phi chính phủ.[5] Được khơi nguồn cảm hứng từ mối quan tâm của Toà Thánh đối với các nạn nhân HIV/AIDS, Đức Tổng Giám mục Sài Gòn - ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn - đã đáp lời mời của Nhà Nước Việt Nam, lên tiếng kêu gọi các nam nữ tu sĩ thuộc 16 dòng tu đến làm việc tại Bệnh viện Nhân Ái (Trung tâm cai nghiện ma tuý - HIV/AIDS). Hầu hết những nạn nhân HIV/AIDS ở nơi đây đang ở thời kỳ cuối của bệnh AIDS. Nói cách khác, họ đang ở trong thời kỳ mất hết khả năng đề kháng của cơ thể, và không còn hy vọng hồi phục. Những nạn nhân này đang chờ chết. Và công việc chăm sóc cho họ thật nguy hiểm và căng thẳng. Cứ khoảng 6 tháng một lần, các thầy và các soeurs ở đây thường luân phiên nhau làm việc tại Trung tâm để ngăn ngừa nguy cơ bị lây nhiễm. Mặc dù công việc đối với các nạn nhân này mang lại rất nhiều kết quả ích lợi, nhưng Đức Hồng Y JB. vẫn không mấy hài lòng, “Tất cả những công việc chúng tôi đang làm là chuẩn bị cho họ một cái chết thanh thản và bình an.” Đức Hồng Y đang hy vọng sẽ mở một trung tâm khác cho các bệnh nhân này; nơi đây, vấn đề thuốc men luôn sẵn sàng, đầy đủ để không những kéo dài thêm sự sống cho bệnh nhân mà còn giúp họ sống những ngày còn lại một cách hữu ích. Nhà nước đã đồng ý với đề nghị của Đức Hồng Y, nhưng họ thêm vào hai điều kiện: thứ nhất, Đức Hồng Y Gioan Baotixita phải tự mình tìm kiếm và mua đất xây dựng trung tâm; thứ hai, Nhà nước có cấp phép đồng ý cho xây dựng hay không còn tuỳ thuộc vào vị trí của khu đất đó. Vì thế, ngài đã không mệt mỏi đi tìm những khu đất đẹp và thuận lợi cho công trình tương lai. Song, bất cứ lần nào ngài tìm được một miếng đất tương đối ưng ý thì Nhà nước lại từ chối, viện lẽ là khu đất đó đã được để dành cho công việc kinh doanh tương lai. Do đó, Đức Hồng Y đã phải tìm đến tận Cần Giờ, một thành phố phía nam Thành phố Sài Gòn. Đây là vùng đất mặn vì gần biển và cư dân ở đây rất thưa thớt. Việc xây dựng công trình ở Cần Giờ có vài điểm thuận lợi vì giá đất không cao và Nhà nước không còn phản đối nữa. Đức Hồng Y hy vọng sẽ xây dựng trung tâm - tên gọi là Trung Tâm Phục Sinh - trong khoảng thời gian 2 năm. Tại đây, bệnh nhân sẽ có những điều kiện cần thiết và thuận lợi để chăm sóc cho chính mình, chẳng hạn như phòng mạch để phát thuốc chữa bệnh, trường huấn luyện và dạy nghề cho bệnh nhân, các tư vấn viên cho họ những lời khuyên hữu ích trong việc sinh hoạt tình dục cách an toàn và giúp cai nghiện ma tuý; ngoài ra còn có những cố vấn tâm linh để giúp họ trở về với Chúa là nguồn yêu thương, tin tưởng và hy vọng.[6]
10.4 CÔNG VIỆC CỦA MẸ TERESA GIỮA NHỮNG NẠN NHÂN HIV/AIDS
Không giống Calcutta - nơi mà Mẹ Teresa và các Thừa Sai Bác Ái của Mẹ làm việc không mệt mỏi giữa những người phong hủi - các nước phương Tây được may mắn không phải đương đầu với bệnh phong. Với sự trợ giúp của nền y khoa hiện đại, bệnh phong hủi thực sự đã biến mất khỏi các nước Châu Âu. Tuy nhiên, Châu Âu cũng không thoát khỏi bệnh ung thư và những tật bệnh khác. Trải qua hơn một phần tư thế kỷ, loại virus đáng sợ gây chết người HIV/AIDS đã nhô lên cái đầu xấu xí khủng khiếp của mình. Vì không hiểu biết nhiều về căn bệnh này, những người dân lân cận thường rất sợ và tỏ ra xa tránh những người bị bệnh HIV/AIDS. Mẹ Teresa có linh tính rất trí thức khi Mẹ so sánh sự liên hệ giữa bệnh AIDS và bệnh phong cùi: “Những người bị bệnh AIDS là những người cùi tại các nước Phương Tây, họ bị người ta coi như những người dơ bẩn, nhưng cũng giống như mọi người khác, họ cần sự yêu thương. Vì thế, trong bài diễn văn gửi Hội Đồng Quốc Tế chuyên lo về Sức Khoẻ toàn Thế Giới, Mẹ đã chỉ rõ nỗi đau thương khủng khiếp nhất của những nạn nhân HIV/AIDS chính là ‘vết thương lòng - là không được ai biết đến và yêu thương, là bị xã hội đẩy ra ngoài.’ ”[7] Mẹ cũng nhận thức rằng sự hắt hủi này đã đánh một đòn rất mạnh vào các nạn nhân và Mẹ rất hiểu nỗi đau khổ của họ. Trong nỗi đau đớn, khổ não của những bệnh nhân, một lần nữa Mẹ Teresa đã nhìn thấy Chúa Kitô đang cải trang trong sự khốn khổ của họ.[8] Một khi những yêu cầu được gửi đến với Mẹ, Mẹ Teresa nhanh chóng thi hành kế hoạch hành động của mình để giúp đỡ những nạn nhân ở Tây Phương, đặc biệt là tại Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ. Trong cuộc gặp gỡ với tổng thống Ronald Reagan ngày 13-6-1986, khi ngài tổng thống khích lệ Mẹ mở thêm một trung tâm thứ hai tại Mỹ, Mẹ Teresa đã nói với ông rằng Mẹ sẽ cầu nguyện, còn ông sẽ phải làm công việc đó. Và với lời mời của Đức Tổng Giám mục James Hickey của Washington, Mẹ Teresa đã mở một trung tâm AIDS tại đây, nơi mà những nạn nhân HIV/AIDS được chăm sóc và coi như mái nhà yên ấm của mình. Trong ngôi nhà này, họ tìm thấy sự chăm sóc, lòng trắc ẩn và sự bình an.
Công việc giữa những nạn nhân HIV/AIDS ngày một phát triển. Những nhà mới phục vụ cho nạn nhận HIV/AIDS đã được mở liên tiếp tại San Francisco, Denver, Los Angeles và New York. Một lần kia, khi Mẹ Teresa thăm viếng một bệnh viện dành cho bệnh nhân AIDS ở New York, một thanh niên đã ra hiệu xin Mẹ lại gần bên anh ta và thì thầm với Mẹ rằng: “Mẹ ơi,... con rất đau đớn, và con chia sẻ sự đau đớn của con với nỗi đau đớn của Chúa Giêsu khi Ngài mang vòng gai nhọn sắc trên đầu ... và khi người ta tra tấn Ngài bằng đòn vọt. Khi con đau đớn nơi tay, con đã thông cảm với nỗi đớn đau của Chúa Giêsu khi người ta đóng đinh Ngài vào thập giá.”[9] Anh đã tự nhận rằng anh đã cay đắng và rất tức giận, vì trong nhiều năm anh đã sống trác táng, bừa bãi, xa lìa Giáo hội. Chính tình thương yêu mà các nữ tu đã bày tỏ với anh nơi trạm xá này đã khiến anh phải hạ mình quỳ gối xuống và cầu xin sự tha thứ của Chúa qua việc xưng tội. Để cám ơn lòng thương xót của Chúa, anh xin được sống những ngày đời còn lại cách xứng đáng và dâng những đau khổ của mình để yêu thương những người xung quanh[10]... Mặc dù đã mở thêm được nhiều nhà khác nữa, Mẹ Teresa vẫn cẩn thận không để cho sứ mạng yêu thương của Hội dòng Mẹ bị giảm mất đi bản chất của mình, Mẹ nhấn mạnh rằng: “Có rất nhiều thứ thuốc và nhiều cách chữa bệnh cho hết mọi thứ bệnh của con người. Nhưng nếu không có những bàn tay yêu thương phục vụ và những tấm lòng quảng đại trao ban tình thương mến, thì Mẹ nghĩ rằng sẽ chẳng có một phương cách nào chữa trị cho căn bệnh rất thảm khốc là căn bệnh bị bỏ rơi và không được yêu thương.”[11]
10.5 CÔNG VIỆC CỦA CÁC NỮ TU DÒNG THỪA SAI BÁC ÁI CHÚA KITÔ GIỮA NHỮNG NẠN NHÂN HIV/AIDS TẠI SÀI GÒN
Có Mẹ Teresa như một gương mẫu sáng ngời, các nữ tu Việt Nam Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã không sợ hãi khi yêu thương và phục vụ những nạn nhân bị nhiễm HIV/AIDS. Và dường như công việc phục vụ này chưa đủ, các nữ tu còn dành giờ để phổ biến và dạy người ta về sự lây lan của bệnh HIV/AIDS. Do kém hiểu biết về căn bệnh nguy hiểm này, những nạn nhân HIV/AIDS rất đau khổ vì sự thành kiến và phân biệt đối xử từ phía chính quyền và những người dân địa phương. Họ thường bị tập trung lại và đưa đến một nơi cô lập cách xa nền văn minh con người. Họ bị kết án đã chết về thể lý khi mắc phải căn bệnh nguy hiểm chết người này. Giờ đây, họ đang chết dần chết mòn vì nỗi đau đớn về tâm lý cũng như tinh thần. Những nạn nhận HIV/AIDS cần tình yêu hơn sự chỉ trích, họ cần được tha thứ hơn là những bản án. Tại Trung tâm Nhân Ái này, các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã hiến đời mình để yêu thương và phục vụ cho các nạn nhận HIV/AIDS. Khi các nạn nhận này được tiếp xúc và gặp gỡ với các nữ tu thì họ đã ở trong thời kỳ mất hết sức đề kháng. Rất nhiều người trong số họ đã bị biến dạng nặng nề và không thể ăn ngủ được bình thường. Tuy nhiên, vì nhìn thấy Đức Kitô đau khổ đang cải trang trong những nạn nhân này, các nữ tu đã phục vụ và chăm sóc họ trong yêu thương, chẳng hạn bôi mật ong vào lưỡi họ để chữa những vết loét, tắm rửa cẩn thận cho họ, cho họ ăn uống, nhắc họ uống thuốc, và nhất là nói với họ những lời động viên, khích lệ. Song, thật đáng ngạc nhiên, tình yêu thương tận tụy và sự hiến thân quên mình đã làm được điều mà thuốc men thường thất bại, những nạn nhận này đã cảm thấy muốn sống và đấu tranh mãnh liệt để được sống dồi dào hơn. Bị xã hội xa lánh và thậm chí bị chính gia đình mình hắt hủi, giờ đây, lần đầu tiên trong đời họ cảm nếm được thế nào là tình thương mến. Ngay khi cảm thấy sức khoẻ đã khá hơn, họ liền được khích lệ tham gia vào những hoạt động nhẹ nhàng, hữu ích chẳng hạn như viết thư cho người thân với hy vọng được giải hoà và được tha thứ, hoặc làm những tấm thiệp Noel và Phục Sinh để làm quà cho người khác, và như vậy, họ cảm thấy mình đáng sống hơn.[12]
10.6 CẢM TƯỞNG CỦA NHỮNG NẠN NHÂN NHIỄM HIV/AIDS
Biết rằng tử thần đã đến và đang gõ ngoài cửa, những nạn nhân HIV/AIDS lúc đầu rất sợ hãi, nhưng cuộc trạm trán với các nam nữ tu sĩ đã giúp họ chấp nhận những điều không thể tránh khỏi và sống mỗi ngày cách mãnh liệt nhất. Một trong những nạn nhân HIV/AIDS viết: “Nằm đây với căn bệnh ghê gớm chết người đã từng làm cho cả thế giới run sợ. Căn bệnh đáng sợ này đã làm cho mọi người trong xã hội và trong gia đình xa tránh tôi, bởi vì trong tôi đã có một mầm chết đang gặm nhấm. Tại sao họ sợ ? Họ sợ hãi vì họ không hiểu biết về căn bệnh thế kỷ này. Họ không chịu dùng thời giờ tiếp cận thông tin và tìm hiểu. Trong lúc đó, ánh sáng niềm tin đã bắt đầu toả sáng. Niềm tin này đã đến nhờ sự xuất hiện các các nữ tu. Họ thực sự là những người mẹ thay thế của tôi vì tình yêu thương và lòng quảng đại họ đã dành cho tôi qua công việc phục vụ. Các soeurs thật xứng đáng với danh hiệu là mẹ. Trong tâm trí và trái tim tôi, các soeurs là Mẹ Teresa, người mẹ được cả thế giới biết đến vì tấm lòng yêu thương rộng lớn mà Mẹ đã dành tặng cho người nghèo khắp mọi nơi. Với đôi cánh tay rộng mở, Mẹ đã ôm lấy những tâm hồn đau khổ đang hối hận vì những lỗi lầm trong quá khứ. Các soeurs kính mến, con không biết nhiều về giáo lý cũng như về Giáo hội, nhưng tận đáy lòng sám hối của con, con muốn nói lời cảm ơn vì tình yêu thương và sự chăm sóc mà các soeurs đã dành cho con. Khi con đau đớn vì căn bệnh và đi vào hôn mê, các soeurs đã ngồi túc trực bên giường con ngày này sang ngày khác. Các soeurs đã lo lắng chu đáo và săn sóc tận tình cho con từ những việc nhỏ bé nhất, như: một ly sữa, một miếng bánh mì, tiêm một mũi thuốc, hay nói một lời khích lệ động viên. Các soeurs luôn ở đó, động viên con hãy biết chọn sự sống, vượt qua những cản trở về tinh thần cũng như thể lý và đặt niềm tin tưởng nơi Chúa. Và cho dẫu, con không phải là người có đạo, con vẫn tin có Thiên Chúa hiện hữu, và con đã nhìn thấy Ngài nơi các soeurs. Nhờ các soeurs, con đã nhận ra mỗi ngày một rõ hơn vị Thiên Chúa yêu thương và giàu lòng nhân ái. Con muốn xin Ngài tha thứ lỗi lầm cho con và giúp con xa bỏ con đường sai trái đầy bóng tối. Con không biết phải nói gì ngoài việc xin Thiên Chúa ban cho các soeurs được khoẻ mạnh để các soeurs tiếp tục công việc giúp đỡ và làm cho những người bất hạnh như con được hạnh phúc. Con mơ ước được yêu Chúa giống như các soeurs đã yêu mến Ngài. Con thích lặp lại lời kinh mà con thường được nghe mỗi khi thức giấc - cho dù con không hiểu ý nghĩa như thế nào - ‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời. Chúng con nguyện danh Cha được cả sáng. Nước Cha trị đến. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời .’ ”[13]
Cảm nghĩ thứ hai của anh Tạ Nguyên Đán. “ ‘Hôm nay là thứ mấy ?’, tôi hỏi thế vì không còn nhớ hôm nay là ngày tháng nào, bởi vì tôi vừa trải qua một cơn sốt dữ dội trong mấy ngày vừa qua. Lúc đó tôi vẫn còn chưa tỉnh hẳn khi nghe một giọng nói cất lên vui vẻ: “Xin chào cả phòng !” Không cần quay đầu lại, tôi cũng nhận ra giọng nói đó của ai. Đó là giọng nói dịu dàng và ân cần đã từng khích lệ tôi vượt qua căn bệnh hiểm nghèo tôi đang mang trong suốt những tháng vừa qua. Đó là giọng nói của một nữ tu có khuôn mặt lúc nào cũng vui tươi. Tôi hỏi Soeur: “Hôm nay là thứ mấy ?” Soeur mỉm cười và ân cần trả lời: “Hôm nay là ngày đầu tuần.” Soeur có nụ cười thật vui vẻ, dễ thương. Và tôi biết tại sao tôi đã vượt qua được cơn sốt. Trong những ngày vừa qua, cơn sốt đã tấn công tôi dữ dội và làm cho tôi cảm thấy rất yếu. Có nhiều lúc khi những vết thương làm tôi đau quá, tôi đã ước chết đi cho rồi. Nhưng đó không phải là điều mà các soeurs muốn nghe, vì các soeurs thường dạy tôi không nên đầu hàng khi đối diện với đau khổ và thoái chí trước khó khăn. Trong những tháng gần đây, các soeurs đã săn sóc tôi rất tỉ mỉ, chu đáo từng bữa ăn hằng ngày cho đến những giờ giải trí, nghỉ ngơi. Các soeurs đã giúp tôi nhận ra rằng chính bởi vì các soeurs khao khát và quí trọng cuộc sống này mà họ đã dành trọn đời mình để làm cho cuộc sống của người khác và của tôi đây được tốt đẹp hơn. Vì thế, tôi đã chỉnh đốn cách suy nghĩ của mình để sống và sống một cách xứng đáng để không làm các soeurs thất vọng. Con muốn cám ơn các soeurs và tất cả những ai đã giúp những ngày đời còn lại của con được tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Con sẽ nhớ các soeurs mãi mãi.”[14]
10.7 KẾT LUẬN
Thế giới mà chúng ta đang sống mỗi ngày một tốt đẹp và lành mạnh hơn nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và của ngành y khoa. Tuy nhiên thế giới vẫn bất lực trong việc đương đầu với loại virus gây chết người HIV/AIDS. Điều này thể hiện rõ nét tại những nước nghèo chậm phát triển như Việt Nam - nơi mà những thông tin cần thiết về căn bệnh này bị ngăn cấm vì bị xem là những hành vi khiêu dâm; và thuốc để phòng ngừa loại virus này thì qua mắc. Cộng thêm sự phân biệt đối xử của những người đồng thời vì kém hiểu biết, những nạn nhân HIV/AIDS đang phải đương đầu với một cuộc tranh đấu rất khó khăn. Bước leo thang của nạn lây nhiễm HIV/AIDS trở nên tồi tệ hơn vì thói sinh hoạt tình dục bừa bãi và việc tiêm chích ma tuý. Nhà nước nhận thức rất rõ nhu cầu phải làm điều gì đó để ngăn chặn sự lan tràn của nạn dịch HIV/AIDS. Giáo hội Công giáo cũng đã thể hiện rõ sứ mạng của mình trong việc viện trợ và giúp đỡ những nạn nhận HIV/AIDS. Tại Sài Gòn, Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn đã có kế hoạch mở một trung tâm tiếp nhận những nạn nhân bị nhiễm HIV/AIDS, giúp các nạn nhân này sống tích cực và hữu ích hơn. Theo dấu chân Mẹ Teresa và công việc của Mẹ giữa những người bệnh HIV/AIDS tại Mỹ, các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã can đảm phục vụ những nạn nhân HIV/AIDS tại Việt Nam, giúp những nạn nhân này tìm lại nguồn bình an trong tâm hồn, hoà giải họ với gia đình và với Chúa. Như Mẹ Teresa đã phản ánh: dược phẩm có thể chữa khỏi hoặc khắc phục hầu hết mọi bệnh tật, nhưng không có một lượng thuốc nào có thể chữa được căn bệnh cô đơn, không được ai yêu thương. Chỉ có tình yêu mới làm được việc đó. Điều này thật rõ ràng qua những cảm nghĩ mà các nạn nhận HIV/AIDS đã để lại. Với một thế hệ trẻ đang tàn lụi với tỉ lệ đáng lo ngại, thế hệ những người lớn tuổi đã bị bỏ lại đàng sau và không được ai chăm sóc trong tuổi già. Chương tới sẽ bàn về những cảnh ngộ đáng thương của những cụ già neo đơn bị bỏ rơi.
Tin liên quan
-
» DANH NGÔN CỦA MẸ TÊRÊSA CALCUTTA (04/09)
-
» BÀI HÁT PHỤC VỤ TRONG YÊU THƯƠNG (03/09)
-
» PHIM MẸ TÊRÊSA CALCUTTA (10/12)
-
» KẾT LUẬN (13/01)
-
» Sự Thành Lập Hội Các Cộng Tác Viên Của Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô (13/01)
-
» Người Già Neo Đơn Bị Bỏ Rơi (13/01)
-
» Các Em Cô Nhi (13/01)
-
» Những Cô Gái Lỡ Lầm (13/01)
-
» Sài Gòn Thủ Đô Của Những Người Nghèo Nhất Trong những Người Nghèo Tại Việt Nam (13/01)
-
» Sự Thành Lập Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô Tại Sài Gòn - Việt Nam (13/01)