Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Slideshow Trang chủ

Slideshow Trang chủ

Thống kê

Tài Liệu

Các Em Cô Nhi

Trong số những người nghèo thì các em cô nhi là những người dễ bị xúc phạm nhất và không được người khác giúp đỡ. Không giống như những người nghèo khác là những người có thể tự mình tìm về nhà hoặc tìm những sự trợ giúp từ những tổ chức từ thiện xã hội, các em cô nhi thì quá bé nhỏ và ngây thơ trước những sự đời.

Các Em Cô Nhi

 

 

CHƯƠNG 9

 

Các Em Cô Nhi

  

 

9.1        LỜI GIỚI THIỆU

Trong số những người nghèo thì các em cô nhi là những người dễ bị xúc phạm nhất và không được người khác giúp đỡ. Không giống như những người nghèo khác là những người có thể tự mình tìm về nhà hoặc tìm những sự trợ giúp từ những tổ chức từ thiện xã hội, các em cô nhi thì quá bé nhỏ và ngây thơ trước những sự đời. Trẻ em sinh ra là để yêu thương và được yêu thương. Các em hoàn toàn lệ thuộc vào cha mẹ hoặc những người chịu trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục các em. Chúa Giêsu cho rằng trẻ em rất quan trọng, đến nỗi Ngài đã trở nên như trẻ em, hoàn toàn lệ thuộc vào cha mẹ trần gian để được chăm sóc và bảo vệ. Trong suốt công cuộc rao giảng, Chúa Giêsu thường ẵm bế trẻ em và nói với những thính giả phải trở nên trẻ nhỏ để được vào  Nước Trời. Ngài cũng cảnh cáo chúng ta đừng gây thiệt hại cho những trẻ nhỏ hoặc làm cớ cho các em vấp ngã, vì thiên thần bản mệnh của các em hằng chầu trực trước Thánh Nhan Thiên Chúa ở trên trời. Thật không may, không phải tất cả trẻ em đều được sinh ra trong những gia đình tử tế và tốt lành. Vì hoàn cảnh khó khăn, vượt ngoài khả năng của cha mẹ, thỉnh thoảng có những trẻ em bị lợi dụng và bị bỏ rơi. Những trẻ em bị bỏ rơi này thường được gán cho cái tên là ‘mồ côi’. Trẻ mồ côi mỗi ngày một nhiều tại các nước Á Châu. Chương này sẽ trình bày những hoàn cảnh của các em mồ côi tại Sài Gòn; cho thấy một cái nhìn gần hơn về những công việc của Mẹ Teresa giữa các em cô nhi; và chia sẻ vài cảm nghĩ của các em mồ côi được may mắn sống trong nhà cô nhi của các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô.

9.2         TÌNH CẢNH CỦA CÁC EM CÔ NHI TẠI SÀI GÒN

Sài Gòn là một thành phố náo nhiệt và hối hả mà các trẻ em nghèo thường mơ sẽ có ngày đến đó để thoát khỏi cảnh nghèo bất hạnh. Mỗi ngày, có từng lớp lớp trẻ em nhà nghèo di trú vào thành phố này. Nhưng khi vừa đến nơi, rất nhiều em đã mất can đảm và vỡ mộng trước viễn cảnh sinh sống ở thành phố này. Nếu các em nghĩ rằng cuộc sống ở vùng quê quá nghèo nàn, khắc nghiệt, thì cuộc sống tại Sài Gòn còn cục súc và gay go hơn nữa. Để sống còn, những trẻ em di trú này thường “có khuynh hướng tập trung thành từng nhóm để ở với nhau trong những căn nhà thuê mướn chật hẹp.”[1] Khoảng 15-20 em chen chúc nhau trong một căn phòng chỉ rộng bằng một phòng  ngủ của con cái chúng ta. Buổi tối, các em nằm ngủ như người ta xếp cá mòi trong hộp suốt cả đêm. Theo báo cáo của Bộ Lao Động, tại Việt Nam, có khoảng 13,000 trẻ em sống lang thang trên các đường phố, và có gần 9,000 em đang vật lộn để sống tại Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh).[2] Trong khi nền kinh tế đang từng bước được cải thiện, Việt Nam vẫn còn là một quốc gia rất nghèo. Trẻ em mồ côi và trẻ bị bỏ rơi vẫn đầy dẫy. Có rất nhiều trẻ em mồ côi và trẻ bị bỏ rơi ở khắp nơi, nhưng nhiều hơn cả là ở Sài Gòn. Phần lớn các em còn quá trẻ, không thể tự bảo vệ. Nếu các em không đủ may mắn được sống trong các cô nhi viện - nơi mà các em sẽ được nuôi nấng và chăm sóc - thì các em sẽ chết hoặc là sẽ phải học sống tranh đấu trên các đường phố. Trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi thường là kết quả của 3 tình huống. Phần lớn các em cô nhi và các trẻ em bị bỏ rơi xuất thân từ những vùng nông thôn, tỉnh lẻ, đến các thành phố lớn hy vọng sẽ tìm được cuộc sống tốt đẹp hơn. Những trẻ em khác thì vì cha mẹ đã chết hoặc đơn giản vì gia đình quá nghèo không thể nuôi dưỡng các em được. Ngược với ý muốn của họ, những bậc cha mẹ này thường phải lau nước mắt bỏ con mình trên các đường phố hoặc ở những ngõ hẻm, hy vọng sẽ được ai đó đem về nuôi nấng chúng. Sau cùng, những trẻ mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi do các bà mẹ trẻ lầm lỡ không có điều kiện cần thiết để nuôi con. Có rất nhiều trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi đã bị những người xấu phỉnh gạt dưới những hình thức giả vờ, che đậy sự lừa dối, và kết cục các em bị lợi dụng, phải đi ăn xin và rất thường khi bị cưỡng ép phải hành nghề mại dâm. Vấn nạn của những trẻ em bị bỏ rơi và các trẻ mồ côi là một trong những vấn nạn xã hội cấp bách nhất tại Việt Nam nói chung và đặc biệt là ở Sài Gòn. Những trẻ em mồ côi và các trẻ bị bỏ rơi thường có những cảnh ngộ tương tự nhau, các em phải bán kẹo sing-gum tại các nhà hàng, hoặc đánh giày nơi các góc phố. Các em thường bị gọi bằng những tên rất xúc phạm như “thằng đánh giày” hay “thằng bụi đời”.[3] Đối với những trẻ em may mắn được các tổ chức từ thiện đón nhận, các em được mang đến các cô nhi viện và được nuôi ăn, được đến trường đi học và được dạy nghề.

9.3         CÔNG VIỆC CỦA MẸ TERESA GIỮA CÁC EM CÔ NHI

Tình cảnh khó khăn và phức tạp của Sài Gòn cũng không mấy gì khác so với những gì Mẹ Teresa đã từng trải tại Calcutta, Ấn Độ. Trẻ em mồ côi không chỉ là hậu quả của những cô gái  lầm mà còn từ những gia đình quá túng quẫn không đủ sức để nuôi con. Các nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái thường ra ngoài tìm kiếm các trẻ em mồ côi - không được ai yêu thương và chăm sóc - trên những vỉa hè, dưới những gốc cây, trước đồn cảnh sát, hay trong các nhà tù. Hầu hết mọi người ai cũng rất kính trọng những công việc từ thiện bác ái mà các nữ tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Teresa làm, tuy nhiên các soeurs cũng không sao tránh khỏi những lời chỉ trích của những người nói rằng đã có quá nhiều người nghèo cũng như trẻ em mồ côi tại nước Ấn, rằng cứu một vài đứa trẻ khỏi chết thì chẳng có nghĩa lý gì mà chỉ thêm rắc rối cho vấn đề dân số. Về việc này, Mẹ Teresa trả lời rằng: “Vâng, đúng vậy. Có nhiều người đã chết, nhất là những trẻ mồ côi không được quan tâm và yêu thương. Đồng ý là hoặc họ bị đẩy ra ngoài xã hội, hoặc là bị giết chết. Nhưng đó không phải là cách thức của chúng tôi. Mục đích của chúng tôi là cứu lấy sự sống, và sự sống của Đức Kitô thì ở trong sự sống của từng đứa trẻ ... Tôi không đồng ý về điều này bởi vì tôi tin rằng, Thiên Chúa chúng ta luôn quan phòng và chăm sóc mọi loài. Ngài chăm sóc và trang điểm cho hoa cỏ ngoài đồng nội, dưỡng nuôi loài chim chóc, Ngài gìn giữ, bảo vệ mọi loài trong vũ trụ mà tay Ngài đã tác tạo nên. Và sự sống của những trẻ nhỏ kia chính là sức sống của Ngài. Trẻ nhỏ có tới bao nhiêu cũng không đủ.”[4] Mẹ Teresa và dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ luôn có một chính sách mở cửa để đón nhận tất cả những trẻ mồ côi bất kể tình trạng sức khoẻ của các em như thế nào. Đối với các em đau yếu, các nữ tu cố gắng chữa trị cho các em được lành mạnh với hy vọng các em sẽ được các bố mẹ nuôi nhận làm con và đón về nhà chăm sóc. Còn đối với các em quá ốm yếu, thường không được ai nhận nuôi, thì các em sẽ ở lại và sống trong cô nhi viện của các soeurs. Những trẻ đã lớn và có khả năng, các em sẽ được gửi đến trường học để tiếp tục việc học. Với những trẻ không có năng khiếu để theo đuổi việc học, các em sẽ được học nghề để sau ra đời có thể tự mưu sinh.[5] Khi các em đã đủ trưởng thành và khôn lớn, có thể rời khỏi cô nhi viện, các soeurs sẽ đóng nhiều vai trò như: làm mai mối và sắp xếp lễ cưới cho các cô gái muốn lập gia đình, hay là thay mặt cha mẹ đưa cô dâu về nhà chồng theo như phong tục và tập quán Ấn Độ.[6]

Dân Calcutta (sinh tại Calcutta) thường kể nhiều chuyện vui về Mẹ Teresa. Và những câu chuyện đó thường bắt đầu như thế này: “Mẹ Teresa thường nói nhiều với các cặp vợ chồng về việc ngừa thai tự nhiên, nhưng số con nít vây quanh Mẹ cứ mỗi ngày một thêm đông.”[7] Mẹ Teresa có khả năng nhìn thấy Đức Kitô nơi mọi người Mẹ gặp gỡ, bất luận người đó trẻ hay già. Mẹ xác tín rằng mọi con người đều được Thiên Chúa tạo dựng cho một điều cao cả, đó là để yêu và được yêu. Mỗi người đã được tạo dựng với một mục đích riêng và nếu như không còn sự khác biệt đặc trưng này thì mục đích đó sẽ bị giảm thiểu và không được hoàn thiện đầy đủ. Mẹ Teresa đã giải thích tỉ mỉ rằng sứ mạng của dòng Thừa Sai Bác Ái giữa những người nghèo là cách thức Phúc Âm hoá của các nữ tu: “Chúng tôi không phải là những người làm công tác xã hội, nhưng chúng tôi là những thừa sai. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng rao giảng Tin Mừng qua những công việc làm của chúng tôi, để mọi người được nhận biết tình thương của Thiên Chúa là Cha. Chúng tôi dạy giáo lý cho trẻ em trong các nhà cô nhi của chúng tôi.”[8]

9.4         CÔNG VIỆC CỦA DÒNG THỪA SAI BÁC ÁI CHÚA KITÔ VỚI CÁC TRẺ EM MỒ CÔI TẠI SÀI GÒN

Theo gương của Mẹ Teresa và Hội dòng của Mẹ, các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô tại Sài Gòn cũng rảo quanh các ngõ hẻm và trên các đường phố ban đêm, hy vọng sẽ tìm thấy những cô gái lỡ lầm đang buồn phiền đau khổ. Các soeurs đã rất ngạc nhiên vì cũng bắt gặp rất nhiều trẻ em mồ côi bị bỏ rơi mà cha mẹ đã chết, hoặc quá nghèo không đủ khả năng nuôi con. Các em này được đem về một trong hai nhà cô nhi của các soeurs và được nuôi dưỡng, ăn mặc. Hai nhà này được mở năm 1997. Hiện tại, có 45 em đang ở tại đây và nhận mái ấm này là nhà của mình. Trong số này, có 22 em đang tuổi đi học và 23 bé từ 1 tháng đến 3 tuổi. Chỉ có một số nhỏ các em mồ côi được đem về từ các đường phố. Như đã nói, phần lớn các trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi tại Sài Gòn là hậu quả để lại của các cô gái lỡ lầm. Các cô còn quá trẻ và quá nghèo không đủ sức nuôi nấng con mình. Trước năm 2000, Nhà nước Việt Nam không cho phép các tổ chức xã hội tư nhân được nuôi và quản lý trẻ mồ côi; vì thế, tất cả trẻ em cô nhi đều phải được đưa về các cô nhi viện của Nhà nước. Tuy nhiên, từ sau năm 2000, Nhà nước đã dễ dàng hơn trong việc cho phép các tổ chức này được nhận và nuôi dưỡng các em càng nhiều càng tốt. Ngày nay, Chính phủ tiếp tục cho phép các nữ tu được thâu nhận và chăm sóc cho các trẻ mồ côi. Tuy nhiên, các nữ tu không được phép can thiệp trong bất cứ một trường hợp nào xin con nuôi. Cùng lúc, Nhà nước cũng xin các soeurs giữ cẩn thận các sổ sách và hồ sơ của các trẻ mồ côi. Tất cả những trường hợp xin con nuôi đều phải qua Nhà nước, vì đây là một việc có lợi cho Nhà nước.[9]

Trong suốt 11 năm qua, hai nhà cô nhi của các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã đón nhận và chăm sóc gần 100 trẻ mồ côi và bị bỏ rơi. Vì thiếu phòng ốc và những nguồn trợ cấp, hầu hết các em này đã được chuyển đến cô nhi viện của chính phủ, ngoại trừ những trẻ quá ốm yếu, bệnh hoạn, không thể hy vọng sẽ có ai nhận nuôi. Được chăm sóc với tình thương và lòng âu yếm, các trẻ đau bệnh này đã hồi phục một cách kỳ diệu và phát triển khoẻ mạnh. khi các em đến tuổi đến trường, các soeurs gửi các em học ở các trường công lập của Nhà nước. Với những em có nhiều hứa hẹn, các soeurs động viên các em tiếp tục việc học bằng cách lo tiền học cho các em. Còn với những em không có khuynh hướng học lên, các soeurs sẽ cho các em học nghề để sau ra đời các em có thể tự lập. Bởi vì các soeurs sống, cầu nguyện, và sinh hoạt với các em ngày cũng như đêm, nên có một số em đã bày tỏ ước muốn được trở thành linh mục và nữ tu. Hiện, đã có một em nam đang học tại đại chủng viện và 7 em nữ đã được nhận vào nhà thử tại các dòng nữ. Các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô quả thực đã chạm đến không những những nhu cầu thể xác của các em, mà còn tác động đến những ước mơ và nhu cầu tâm linh của các em nữa.[10]

9.5         CẢM TƯỞNG CỦA CÁC EM CÔ NHI TẠI MÁI ẤM

Có rất nhiều bậc phụ huynh thường đồng ý rằng trong việc nuôi dưỡng con cái: việc chăm sóc cho chúng về phương diện vật chất thì dễ hơn nhiều so với việc dạy dỗ và giáo dục chúng nên người. Chúng ta hãy mường tượng nhiệm vụ khó khăn mà các nữ tu đã làm với hơn 40 em cô nhi tại Mái Ấm. Không những thế, dường như các nữ tu đã có ảnh hưởng sâu đậm trên các em. Không hiểu vì sao, các em cô nhi thường biết suy nghĩ nhiều hơn những trẻ bình thường được sống với cha mẹ. Sau đây là những cảm tưởng của các em cô nhi, viết về sự lớn lên của các em tại mái ấm này. Cảm tưởng đầu tiên là của một em học sinh lớp tám. “Con tên là Maria Nguyễn Thị Thuỳ Trâm. Con sinh ngày 22/5/1992. Cũng giống như những trẻ em con nhà nghèo khác, cuộc sống của con rất khó khăn. Gia đình con rất nghèo. Chúng con sống từng ngày qua ngày, tháng qua tháng. Cha mẹ con được phúc sinh được 6 người con. Con còn nhớ khi con được 5 tuổi, kinh tế gia đình con đã trải qua những lúc thật khó khăn. Gia đình con tuy không giàu có nhưng cũng không thiếu thốn điều gì. Rồi bất thình lình, em gái con lúc đó được 2 tuổi lâm bệnh nặng. Ba mẹ con đã dần dần bán hết đồ đạc trong nhà để mong chữa trị cho em. Nhưng bệnh tình của em đã không thuyên giảm chút nào. Sau đó, ba con cũng lâm bệnh, không còn khả năng làm việc để trợ giúp cho gia đình. Gia đình con rơi vào cảnh túng thiếu thật sự. Chúng con không biết bữa cơm tới chúng con sẽ có gì để ăn. Có khi cả tháng, chúng con chẳng biết đến miếng thịt. Cuộc sống thực sự trở nên khó khăn và khắc nghiệt. Các anh chị lớn của con phải nghỉ học. Chẳng có ai học đến lớp năm vì ba mẹ con không đủ tiền để lo cho chúng con đi học. Trong lúc ấy, căn nhà chúng con đang sống cũng xuống cấp trầm trọng. Ngày nắng thì không sao, nhưng nếu trời mưa thì có khi nhà con ngập hơn nửa mét nước. Có nhiều lúc chúng con chỉ ăn mỗi ngày một bữa. Bất đắc dĩ, cha mẹ con đã bỏ con và các anh chị con ngoài đường hy vọng sẽ có ai đó đưa chúng con về nhà họ. May mắn thay, chúng con đã gặp được các Dì dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô và các Dì đã đưa chúng con về. Và con đã ở nhà các Dì đã 7 năm nay. Hiện tại, con đang học lớp tám. Các Dì rất kiên nhẫn khi dạy chúng con cách học làm người. Khi con vui, các Dì cũng vui; những khi con đau ốm, các Dì cũng lo lắng theo từng cơn sốt, tiếng ho của con và chăm sóc cho con cho đến khi con khoẻ lại. Con cảm thấy các Dì giống như người chị lớn trong nhà, luôn ở đó để lắng nghe con. Mặc dù các Dì không sinh ra con, nhưng các Dì đã dạy con về tình yêu thương còn nhiều hơn cả mẹ đẻ của con. Tình yêu thương của các Dì đã ghi khắc sâu đậm trong trái tim con. Tuy nhiên, có những lúc con đã làm buồn lòng các Dì khi con cãi nhau và đánh nhau với các em khác trong nhà. Khi suy nghĩ lại, con cảm thấy bối rối và xấu hổ vì đã làm các Dì thất vọng. Nhưng các Dì luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng con; các Dì chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở chúng con phải thương yêu nhau và động viên con sống hoà thuận với các anh chị khác trong Mái Ấm. Cũng trong lúc này, con muốn nói lên điều mà con luôn cảm nghiệm ở trong con. Con muốn cám ơn các Dì vì tất cả những gì các Dì đã làm cho con. Con yêu các Dì lắm. Con muốn xin lỗi các Dì và xin các Dì tha lỗi cho con, vì rất nhiều lần con đã phạm lỗi và làm điều sai trái. Đối với Mẹ Bề trên, Mẹ đã cứu con ra khỏi hầm tăm tối. Con xin hứa con sẽ siêng năng chăm chỉ học hành, sẽ sống đáng yêu hơn. Con sẽ cố gắng nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi người khác và làm những điều tốt cho các anh chị em trong Mái Ấm để đền đáp lòng nhân hậu của Mẹ. Giờ đây, con chỉ muốn hét to lên cho mọi người nghe rằng: ‘Cuộc sống thật đáng yêu biết bao !’. Con cảm thấy con được may mắn hơn nhiều trẻ bị bỏ rơi khác. Một lần nữa, con xin cám ơn Mẹ đã cho con một cuộc sống mới: “Một cuộc sống an bình và hạnh phúc trong gia đình Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô.”[11]

Cảm tưởng thứ hai là của một em cô nhi 13 tuổi. “Con tên Phêrô Hoàng Văn Hùng. Hiện tại con đang học lớp tám. Con được sinh ra trong một gia đình bất hạnh. Khi con chào đời thì ba mẹ con đã chia tay nhau. Không lâu sau đó, mẹ con đi thêm bước nữa và đã bỏ bốn anh em chúng con cho bà nội. Chúng con sinh sống tại Thanh Hóa, miền Bắc Việt Nam, nơi đây cuộc sống rất khó khăn. Khi anh trai lớn của con được 8 tuổi, anh đã bỏ làng để vào Sài Gòn cách xa hàng ngàn cây số. Anh đã nhận thấy rằng cuộc sống tại thành đô Sài Gòn cũng chẳng khá hơn cuộc sống nhọc nhằn ở thôn quê bao nhiêu. Để kiếm sống, anh phải đi bán vé số và ngủ qua đêm ở các góc đường. Một ngày kia, các Dì dòng Thừa Sai Bác Ái đã thấy anh đang ngủ ngoài đường. Anh đã may mắn được các Dì đưa về và sống trong nhà cô nhi của các Dì. Được nhiều người hảo tâm giúp đỡ, anh con đã trở về miền Bắc và đem con đi với anh, vì bà nội của chúng con đã già yếu và cũng quá nghèo túng, không thể nuôi nổi tất cả chúng con. Lúc đó con được 5 tuổi. Và lần đầu tiên trong đời con cảm thấy mình được yêu thương tại mái ấm là nhà cô nhi này. Con được cắp sách đến trường như bao nhiêu đứa trẻ bình thường khác. Và mặc dù các Dì không sinh ra con, con vẫn thấy các Dì giống như mẹ con vậy. Các Dì dạy con cách sống tốt, chẳng hạn như: phải đi dứng như thế nào, nói năng, thưa gửi làm sao, và ăn uống như thế nào. Khi con đau ốm, các Dì luôn ở bên cạnh con để chăm sóc và lo lắng cho con. Khi bệnh tình con trở nên nặng hơn, các Dì đưa đi bệnh viện và tìm cách chữa bệnh cho con. Tất cả những nỗi lắng lo và tấm lòng yêu thương của các Dì con sẽ ghi nhớ mãi trong trái tim. Con cám ơn Chúa vì tình thương của Ngài đã ban cho con qua các Dì. Tuy nhiên rất nhiều lần, con đã không thể hiện lòng biết ơn của con với các Dì khi con cứng đầu và từ chối không vâng lời các Dì. Con biết việc làm của con đã làm buồn lòng các Dì nhiều lắm, và vì thế con rất hối hận. Con hy vọng mình sẽ thay đổi cách sống để trở thành người tốt hơn, để khỏi phụ tấm lòng yêu thương của các Dì. Con xin hứa sẽ cố gắng siêng năng, học hành chăm chỉ hơn để không làm các Dì thất vọng. Con thường nhắc nhở mình rằng Chúa luôn yêu con và con cần đáp trả tình yêu thương của Chúa bằng cách yêu mến và giúp đỡ người khác, đặc biệt là các anh chị và các em mồ côi gặp khó khăn như con.”[12]

9.6         KẾT KUẬN

Trẻ em thực sự được sinh ra để yêu thương và được yêu thương. Theo bản năng tự nhiên, tất cả các bậc cha mẹ đều yêu thương con cái mình. Nhưng sự nghèo đói đã làm mờ đi những bản năng tự nhiên ấy, trong đó gồm cả ước mơ tự nhiên của cha mẹ là yêu thương và chăm sóc con cái mình. Vì không đủ khả năng nuôi sống gia đình mình, những người cha người mẹ đành phải bỏ rơi chính máu thịt của mình, hy vọng sẽ có những tấm lòng nhân hậu - như người Samaritanô trong Phúc Âm - đưa con mình về nuôi nấng. Và những người Samaritanô nhân hậu như thế đã ẩn mình nơi con người của Mẹ Teresa , của những Thừa Sai Bác Ái của Mẹ và những Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô tại Sài Gòn. Các nữ tu đã tìm kiếm các trẻ mồ côi bị bỏ rơi ở các ngõ hẻm và góc đường phố, cho các em ăn và đưa các em về trú ngụ tại nhà cô nhi của Dòng. Các soeurs giúp các em trong việc học và hướng nghiệp cho các em để các em sau này có cuộc sống tốt hơn. Cho dù bị đẩy ra ngoài lề xã hội và bị cha mẹ bỏ rơi, các trẻ mồ côi này thường rất kiên cường và thông minh. Những công việc tốt lành của Me Teresa và các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã được đền bù qua sự thành đạt của các em trong việc học vấn và những ơn gọi trong bậc tu trì. Những trẻ mồ côi được sống trong các nhà cô nhi là một số ít những em được may mắn. Rất nhiều trẻ mồ côi khác đã không được may mắn như vậy và đã trở thành nạn nhân của những lôi kéo và cám dỗ của những tầng lớp cặn bã trong xã hội; ở đó các em bị cưỡng ép làm những việc xấu xa của những nhóm con buôn thuốc phiện và mại dâm. Hậu quả là, sau này các em sẽ chạm trán với một loại virus nguy hiểm chết người mang tên HIV/AIDS. Chương tới sẽ tập trung vào sự lan tràn của căn bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam và điều mà Mẹ Teresa và các Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã làm để làm dịu bớt phần nào thảm trạng của căn bệnh HIV/AIDS.

Tin liên quan