Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

Danh mục

Sự Thành Lập Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô Tại Sài Gòn - Việt Nam

Sau khi gặp gỡ Mẹ Teresa, đã mục kích cách cư xử thánh thiện của Mẹ, và nhất là được làm việc với Mẹ và các nữ tu của Mẹ, cho dù với thời gian ngắn ngủi, giờ đây hai mươi nữ tu Việt Nam đã can đảm và hãnh diện mang trên mình một danh hiệu mới

Sự Thành Lập Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô Tại Sài Gòn - Việt Nam

 

 

CHƯƠNG 6

 

Sự Thành Lập

Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô

Tại Sài Gòn - Việt Nam

6.1        LỜI GIỚI THIỆU

Sau khi gặp gỡ Mẹ Teresa, đã mục kích cách cư xử thánh thiện của Mẹ, và nhất là được làm việc với Mẹ và các nữ tu của Mẹ, cho dù với thời gian ngắn ngủi, giờ đây hai mươi nữ tu Việt Nam đã can đảm và hãnh diện mang trên mình một danh hiệu mới - danh hiệu đã được Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi và chính Mẹ Teresa trao tặng - đó là Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô. Họ theo sát Linh đạo của Mẹ Teresa trong đời sống cầu nguyện, như tham dự Thánh Lễ hằng ngày, sống thinh lặng trong việc thờ lạy Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể, cùng nhau ngợi khen Thiên Chúa và cùng nhau cầu nguyện hằng ngày. Với phép lành của Mẹ Teresa và của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bình, họ bắt đầu sứ vụ chăm sóc và giúp đỡ những con người bất hạnh nhất trong những người nghèo khổ. Giống như Mẹ Teresa và Hội dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ, Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô mới được thành lập cũng đã gặt hái được rất nhiều thành công về nhiều mặt khác nhau, từ việc gia tăng ơn gọi cho đến việc có thêm các thí điểm truyền giáo. Đáp lại lời mời ưu ái của các giám mục thuộc các giáo phận lân cận, họ đã nhanh chóng mở rộng sứ vụ truyền giáo của mình trong các tỉnh miền Nam. Năm 2006, Mẹ Nirmala, người kế vị Mẹ Teresa và là Bề trên Tổng quyền Dòng Thừa Sai Bác Ái ở Calcutta đã đến Việt Nam với ý định sẽ thẩm tra và sát nhập Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô vào đại gia đình Hội dòng Thừa Sai Bác Ái quốc tế. Khi được tận mắt chúng kiến sự phát triển và trưởng thành của Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô, Mẹ Nirmala đã thay đổi ý định. Và cùng với Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, họ đã đệ trình lời thỉnh cầu lên Rôma xin công nhận Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô là một hội dòng thuộc Hội Thánh Công giáo Rôma, và Sr. Maria Phanxicô X. Hà Thị Thanh Tịnh là Bề trên Tổng quyền của Hội dòng.

6.2         SỰ THÀNH LẬP DÒNG THỪA SAI BÁC ÁI CHÚA KITÔ TẠI SÀI GÒN

Từ năm 1993 đến năm 1995, Mẹ Teresa đã đến thăm Sài Gòn 5 lần. Mẹ đã bày tỏ mơ ước tha thiết của Mẹ là được mở nhà tại Trung Quốc và Việt Nam. Điều này đã giải thích lý do tại sao mà Mẹ Teresa đã dùng phần lớn thời gian của những năm tháng cuối đời của mình ở tại Việt Nam và Trung Quốc. Thật không may, Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đã hiểu lầm về sự  thành công của Mẹ Teresa và đã cứng rắn từ chối không cho phép Mẹ thi hành sứ vụ của mình trong đất nước của họ. Tuy nhiên, hai năm ngắn ngủi Mẹ Teresa trải qua tại Việt Nam minh chứng rằng đã đem lại hiệu quả. Trong suốt 5 lần viếng thăm Sài Gòn, Sr. Nirmala, người kế vị Mẹ Teresa, đã phụ trách việc dạy Hiến luật và huấn luyện các nữ tu Việt Nam mỗi thứ Năm và Chúa Nhật. Được huấn luyện và trang bị kỹ lưỡng bằng hiến luật của Dòng Thừa Sai Bác Ái, các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã sẵn sàng để sống Linh đạo và bắt chước những công việc của Mẹ Teresa trong cả đời sống cầu nguyện cũng như trong những công việc phục vụ người nghèo khổ. Tuy nhiên, Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô vẫn luôn hy vọng sẽ có ngày được sát nhập vào đại gia đình của Hội dòng Thừa Sai Bác Ái.

6.3         BẮT CHƯỚC LINH ĐẠO CỦA MẸ TERESA

Theo sát Linh đạo của Mẹ Teresa, các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô bắt đầu ngày sống của mình bằng việc tham dự Thánh Lễ lúc 4 giờ 30 tại các giáo xứ nơi có những thí điểm truyền giáo. Kín múc những sức mạnh cần thiết từ bàn tiệc Thánh Thể, các nữ tu tin rằng Chúa Kitô ẩn mình khiêm nhường trong hình Bánh và Rượu sẽ dưỡng nuôi họ và ban cho họ tấm lòng hiến dâng, sự can đảm cần thiết để yêu thương và chăm sóc những người bất hạnh nhất trong những người bất hạnh. Theo sau Thánh Lễ, các nữ tu dành ra một tiếng rưỡi đồng hồ để cầu nguyện với giờ Kinh Phụng Vụ (là những lời cầu nguyện của Giáo Hội dành cho tất cả giáo sĩ và tu sĩ), để củng cố thêm sự gắn bó và hiệp nhất giữa họ. Sau khi đã nuôi dưỡng linh hồn bằng của ăn thiêng liêng, các nữ tu ăn điểm tâm cách mau lẹ theo phong tục của người Việt Nam là ăn cơm. Sau đó họ đi tìm kiếm những người đau khổ, như: các cô gái lầm lỡ tại các bệnh viện và các bệnh viện tư, những trẻ mồ côi đường phố, những bệnh nhân HIV/AIDS trong các khu nhà ổ chuột, hoặc các cụ già neo đơn không nơi nương tựa ở các ngõ hẻm thành phố hay làng quê. Khi gặp thấy họ, các nữ tu đưa họ về nhà, nơi mà họ có thể có một mái nhà để che nắng che mưa, và có thức ăn nóng cho dạ dày đang đói của họ. Sau một ngày dài lao động vất vả, các nữ tu còn đặt mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể một giờ để cầu nguyện, ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa. Họ phải đi nghỉ sớm để thức dậy vào sáng sớm ngày mai lúc 4 giờ để lại tiếp tục sứ vụ yêu thương và chăm sóc những người nghèo khổ.

6.4         SỰ GIA TĂNG ƠN GỌI CÁCH LẠ LÙNG

Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô không quảng bá để thu nhận ơn gọi. Họ tin rằng những công việc tốt lành của mình sẽ là cách tốt nhất để tuyển mộ ơn gọi trong đời sống tu trì. Điều kiện gia nhập Hội dòng thật đơn giản. Những ứng sinh phải từ 18 đến 25 tuổi và đã tốt nghiệp Trung học (cấp III). Các ứng sinh phải có lòng yêu mến đặc biệt đối với Mình Thánh Chúa trong Bí tích Thánh Thể, tự do yêu thích sống nghèo và quên mình phục vụ người nghèo. Để có thể phục vụ tốt hơn trong công tác chăm sóc người đau yếu và đau khổ, các ứng sinh phải sẵn lòng học về lĩnh vực y khoa để trở thành các y tá lành nghề. Nếu các ứng sinh cảm thấy có ơn gọi trở thành Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô, họ phải trở về nhà và làm Tuần cửu nhật cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Sau chín ngày cầu nguyện và ăn chay, nếu họ vẫn cảm thấy ơn kêu gọi để phục vụ những người nghèo, thì họ có thể quay trở lại và xin gia nhập vào Hội dòng. Đặc sủng của Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô như sau :

-          Yêu mến Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

-          Chăm sóc những người bị bỏ rơi, vô gia cư, và những người hấp hối.

-          Đón tiếp các cô gái cơ nhỡ.

-          Bảo vệ trẻ các trẻ em mồ côi, và những trẻ em chưa được sinh ra.

-          Rước Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân và những người tàn tật.

-          Chăm sóc các nạn nhân bị nhiễm HIV/AIDS.

Bắt đầu với 20 nữ tu và sau gần 12 năm, Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã được Chúa chúc lành và gia tăng với con số 64 soeurs khấn, 17 tập sinh, 12 thỉnh sinh và 41 đệ tử. Con số các thỉnh tu đã có thể nhiều nữa nhưng vì thiếu phòng ốc và thiếu nguồn tài chính tương xứng cung cấp cho các em thỉnh sinh, nên Hội dòng chỉ có thể nhận một số em thỉnh tu đã được lựa chọn.[1]

6.5         SỰ PHÁT TRIỂN CÁC THÍ ĐIỂM TRUYỀN GIÁO MỚI

Theo dấu chân của Mẹ Teresa, đấng sáng lập tinh thần của Hội dòng, Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô lúc khởi đầu đã sinh hoạt rất khiêm tốn trong một căn nhà nhỏ tại số 428 Huỳnh Văn Bánh, Quận phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam. Từ đó, Hội dòng đã mở rộng và có mặt trong 9 giáo phận với nhiều thí điểm truyền giáo:

-          Tại Giáo phận Sài Gòn: một Nhà Mẹ, một nhà cho trẻ mồ côi nam, một nhà cho các em mồ côi nữ, một nhà Mái Ấm Tình Mẹ dành cho các cô cơ nhỡ và các bà mẹ trẻ, một Trường Tình Thương cho các trẻ em nghèo ở Hóc Môn, và một Nhóm trẻ Gia đình để giúp đỡ các gia đình nghèo ở Tân Qui, huyện Hóc Môn.

-          Tại giáo phận Bà Rịa: một điểm truyền giáo tại Giáo xứ Long Điền - dạy giáo lý và rước Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, và một cộng đoàn ở Giáo Xứ Hải Lâm - thăm viếng và chăm sóc những cụ già neo đơn, những người cùng quẫn và hấp hối.

-          Tại Giáo phận Mỹ Tho: một điểm truyền giáo ở Tràm Chim – dạy giáo lý, phát thuốc và thăm viếng những người đau yếu và neo đơn.

-          Tại Giáo phận Phú Cường: một nhà nuôi dưỡng và chăm sóc các cụ già neo đơn, những người khốn khổ và hấp hối, một Mái Ấm Tình Mẹ - đón nhận và giúp đỡ những cô gái cơ nhỡ.

-          Tại Giáo phận Long Xuyên: hai điểm truyền giáo ở Xã Sóc Sơn - Hòn Đất : một Trường Tình Thương và một điểm dạy giáo lý, phát thức ăn và nước uống cho người nghèo.

-          Tại Giáo phận Buôn Mê Thuột: một sở ở Đakmil để giúp đỡ các thanh thiếu niên bụi đời, vùng kinh tế mới.

-          Tại Giáo phận Phan Thiết: một điểm truyền giáo tại Giáo xứ Võ Đắt phát thuốc cho người nghèo, dạy giáo lý và rước Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân.

-          Tại Giáo phận Nice (Pháp): một sở giúp đỡ và cho những người vô gia cư ăn, một điểm giúp tại Toà Giám mục.

-          Tại Giáo phận Corpus Christi (Mỹ): một sở giúp dạy giáo lý và phục vụ trong Nhà Dưỡng Lão tại Giáo xứ Thánh Philiphê Tông đồ, Texas.

-          Tại Trung Tâm Trọng Điểm: một điểm truyền giáo đã có 12 nữ tu chuyên môn y tá thay nhau phục vụ để giúp đỡ và chăm sóc những nạn nhân nhiễm HIV/AIDS.

Được chúc lành với ân sủng của Thiên Chúa và sự bầu cử của Mẹ Á Thánh Teresa, Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã phát triển, đâm nhánh ra xa hơn và nhanh hơn điều họ dám tưởng tượng. Đây có lẽ thực sự là công việc của Chúa Thánh Thần.[2]

6.6         CUỘC THĂM VIẾNG CỦA MẸ NIRMALA - VÀ LỜI THỈNH CẦU ĐẾN RÔMA XIN CÔNG NHẬN CHÍNH THỨC HỘI DÒNG THUỘC HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Tháng 6/2006, Mẹ Nirmala, Bề trên Tổng quyền Dòng Thừa Sai Bác Ái, Sr Lyza Phó Bề Trên Tổng quyền và Sr. Leon Giám tỉnh Châu Á đã đến Việt Nam để thăm Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô tại Tp. Hồ Chí Minh với ý định thẩm tra và, nếu có thể, sẽ sát nhập Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô vào đại gia đình Hội dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Teresa như ước nguyện của các chị em Việt Nam và của Mẹ Á Thánh Teresa hứa khi còn sống. Mẹ Nirmala đã hết sức ngạc nhiên về sự trưởng thành và phát triển của Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô tại Sài Gòn, Việt Nam. Mẹ không thể tin rằng trong khoảng thời gian 10, năm dưới chế độ Cộng sản, Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã phát triển từ 2 điểm truyền giáo nhỏ bé ban đầu thành 19 thí điểm truyền giáo khác. Mẹ Nirmala đã thổ lộ cùng các nữ tu Việt Nam rằng: “Trước khi đến Việt Nam, Ban Cố vấn của Dòng Thừa Sai Bác Ái đã họp và đồng ý với ước muốn của chị em là xin sát nhập Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô vào Hội dòng của Mẹ Teresa. Nhưng sau khi đến Việt Nam và tận mắt mục kích sự trưởng thành của Hội dòng, Mẹ và các Soeurs thừa nhận rằng đây chắc chắn là việc làm của Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô. Vì thế, Mẹ và các Soeurs không muốn xoá bỏ tên của Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô.” Mẹ Nirmala cũng đã nói những điều này với Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh, và ngài cũng đã bày tỏ sự đồng tình cách sáng suốt. Tuy nhiên, Đức Hồng Y muốn tiếp tục gửi các nữ tu Việt Nam từ Sài Gòn sang Calcutta để được huấn luyện trong Dòng Thừa Sai Bác Ái. Danh hiệu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô sẽ được giữ như vậy, nhưng các nữ tu Việt Nam sẽ được xem như là con cái của đại gia đình Dòng Thừa Sai Bác Ái. Mẹ Nirmala đã rất vui vẻ chấp nhận và đồng ý với lời đề nghị của Đức Hồng Y Gioan Baotixita. Với sự đồng ý của Mẹ Nirmala, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Pham Minh Mẫn đã đệ đơn lên Rôma thỉnh cầu Đức Thánh Cha ban phép lành, phê chuẩn Hiến luật và công nhận Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô là hội dòng thuộc Hội Thánh Công Giáo Rôma. 

6.7         KẾT LUẬN

Tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Mẹ Teresa đã đến Việt Nam hy vọng gieo vãi những hạt giống yêu thương bác ái giữa những người nghèo nhất trong những người nghèo. Mặc dù sứ vụ của Mẹ tại Việt Nam quá ngắn ngủi, nhưng những hạt giống hy vọng và yêu thương của Mẹ đã được các nữ tu Việt Nam vun tưới và chăm sóc. Bắt chước Linh đạo của Mẹ Teresa, các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã cảm nhận được phúc lành của Chúa khi gia tăng nhiều về ơn gọi và các trụ sở truyền giáo. Sự mở rộng hoạt động của Hội dòng đã gây ấn tượng sâu sắc với Mẹ Nirmala, Mẹ đã thừa nhận rằng đây là công việc của Chúa Thánh Thần. Tin tưởng vào sức mạnh và quyền năng của Thánh Thần Chúa, Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã can đảm vững bước, tiếp tục sứ mạng yêu thương và bác ái giữa những người cùng khổ nhất trong những người bất hạnh, đặc biệt những người nghèo tại Sài Gòn. Chương kế tiếp sẽ trình thuật chi tiết những công việc của Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô giữa những người nghèo nhất trong những người nghèo tại Sài Gòn, Việt Nam.

 

 

 

Tin liên quan