Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

Danh mục

KẾT LUẬN

Vâng theo lời Chúa phán, “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và hãy thống trị mặt đất,”[1] con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa đã gia tăng ngày một thêm đông, và loài người cư ngụ trên mặt đất đã thống trị và làm bá chủ khắp mặt đất cùng mọi loài trong đó.

 

 

Vâng theo lời Chúa phán, “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và hãy thống trị mặt đất,”[1] con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa đã gia tăng ngày một thêm đông, và loài người cư ngụ trên mặt đất đã thống trị và làm bá chủ khắp mặt đất cùng mọi loài trong đó. Mặc dù dân số thế giới đã lên đến hàng tỷ người và còn tiếp tục tăng nữa, nhưng trái đất vẫn còn có thể sản xuất đủ thức ăn và có đủ những nguồn tài nguyên bảo đảm cho sự tồn tại của cả loài người. Nhưng chính những người cầm đầu thiếu khả năng đã làm phân tán nguồn tài nguyên to lớn của thế giới và làm cho vô số người nghèo phải sống trong tình trạng thiếu ăn, đặc biệt là những người nghèo tại các nước chậm phát triển. Đây là một sự không may mắn. Chúng ta có thể nhìn thấy những cảnh đói khát, khổ sở của những người nghèo như một sự nguyền rủa hoặc chúng ta cũng có thể nhìn đó như một chúc phúc ẩn giấu. Thực ra, người nghèo luôn luôn có bên cạnh chúng ta như lời tiên báo của Chúa Giêsu: “Người nghèo các con lúc nào cũng có, nhưng còn Thầy, anh em chẳng có mãi đâu.”[2] Chúng ta thường có cảm tưởng bất lực giữa vô số những thảm kịch và những nỗi khổ sở mà người nghèo đang chịu đựng. Có thể sẽ không bao giờ có đủ tiền để cứu giúp và làm dịu bớt những hoàn cảnh đáng thương của người nghèo trên khắp thế giới, nhưng vẫn có những người quảng đại và hảo tâm đang không ngừng nỗ lực chia sẻ và giúp đỡ họ. Cũng có nhiều tổ chức từ thiện hiện hành được thành lập với mục đích làm nhẹ bớt gánh nặng cho người nghèo. Nhưng những tổ chức này có nhiều người làm việc cần phải trả lương, nên khi đã trả tiền cho người làm rồi thì số ngân khoản còn lại để giúp cho người nghèo thì rất ít. Trao ban và cho đi dưới bất cứ hình thức nào cũng đáng quý và đáng ca ngợi, nhưng có lẽ sẽ không đủ nếu chỉ tập trung trên bình diện vật chất thể lý mà bỏ qua những nhu cầu thuộc tâm linh, vì con người đã được tạo dựng với cả thân xác và linh hồn.

Mẹ Teresa, người mà cả cuộc đời đã ăn rễ sâu trong cầu nguyện, Mẹ đã nhận được một mặc khải rất rõ ràng khi Mẹ đọc chương thứ nhất của Tin Mừng Thánh Gioan: “Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể và đã cư ngụ giữa chúng ta”[3] Khi đọc câu Tin Mừng này, Mẹ đã cảm thấy có một và chỉ một con đường yêu thương và phục vụ những người nghèo nhất trong những người nghèo, đó là trở nên người nghèo như họ để yêu thương và chăm sóc cho họ cả thể xác lẫn tâm linh. Cách thức của Mẹ đã chứng minh là có hiệu quả và được ưa thích nhất. Là con người thuộc tinh thần mà mọi công việc đều phụ thuộc duy nhất vào sức mạnh của việc cầu nguyện, Mẹ Teresa đã đặt lời cầu nguyện của mình vào hành động khi phục vụ những người nghèo khổ, trước hết ở tại Calcutta, sau đó là ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mặc dù sự lưu lại của Mẹ tại Việt Nam rất ngắn ngủi vì sự khó khăn của Nhà nước, nhưng những cuộc thăm viếng của Mẹ tại đây đã gieo mầm những hạt giống mà ngày nay đã đâm rễ và lớn lên thành cây - đó là sự ra đời của Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô tại Sài Gòn, Việt Nam. Với sự chúc lành của Mẹ Teresa và của Đức Cố Tổng Giám mục Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình, các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã can đảm và mạnh dạn ra đi đó đây để tìm kiếm và chăm lo cho những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo khổ tại Sài Gòn, đó là những cô gái lầm lỡ, những trẻ em mồ côi, những nạn nhân HIV/AIDS và những cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Qua việc yêu thương và giúp đỡ những người nghèo khổ này, các nữ tu nhận được rất nhiều ơn lành của Chúa trong việc gia tăng nhân sự và những ơn gọi mới cho Hội dòng cũng như trong việc mở thêm những điểm truyền giáo mới - chỉ trong vòng 10 năm, từ 20 nữ tu ban đầu nay đã tăng lên gần 140 ơn gọi; từ một vài cộng đoàn nhỏ, cũng sau 10 năm Hội dòng đã từng hiện diện và hoạt động trên 19 giáo điểm. Và kết quả đáng ngưỡng mộ nhất chính là những cuộc đổi đời đã diễn ra đối với những người trước đây đã từng bị tước đoạt hết mọi, sự kể cả nhân phẩm. Giờ đây, họ biết tin tưởng nơi người khác và cảm nhận phẩm giá cao quý của con người. Trước kia, họ cảm thấy mình là gánh nặng cho xã hội nên thường bị đối xử tồi tệ, bây giờ họ cảm thấy tự tin và tự hào vì được góp phần nhỏ bé của mình để xây dựng xã hội và làm đẹp cho cuộc sống.

Công việc tốt đẹp của các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô là một công việc mà nhiều người hảo tâm muốn cộng tác mà không làm được vì mỗi người đều có một ơn gọi trong cuộc sống. Mặc dầu mỗi người đều có ơn gọi riêng và cần phải trung thành với ơn kêu gọi đó, nhưng ơn kêu gọi yêu thương cần phải là ơn kêu gọi cao quí nhất vì chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng vì Ngài yêu thương chúng ta. Như Chúa Giêsu thường nhắc nhở các tông đồ, tình yêu thương giữa họ phải là dấu chỉ chắc chắn để mọi người nhận biết họ là môn đệ của Ngài. Chúng ta cũng có thể chia sẻ lòng yêu mến của chúng ta trong sứ mạng truyền giáo bằng việc tham gia vào Hội những Cộng tác viên. Như thành viên của Hiệp hội thừa sai, chúng ta có thể trung thành và sống trọn vẹn ơn gọi riêng cũng như những việc bổn phận hiện tại của mình, mà vẫn có thể đóng góp những khả năng của chúng ta cho công việc truyền giáo bằng việc cầu nguyện cho sứ mạng truyền giáo của Hội dòng, chia sẻ về vật chất và thăm viếng những hoạt động bác ái của Hội dòng, để khích lệ các nữ tu và bày tỏ tình đoàn kết liên đới của chúng ta với những người khốn khó.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện ngày phán xét khi Chúa Giêsu nói: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các con, bất cứ điều gì các con làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các con đã làm cho chính Ta.”[4] Chúa Giêsu đã nói đến những kẻ được chúc phúc, họ được chúc phúc vì họ đã cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, người trần truồng cho áo mặc, cho trú ngụ những kẻ không nhà cửa và thăm viếng những người bị cầm tù. Mẹ Teresa và các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã ghi khắc vào lòng mệnh lệnh của Chúa Giêsu để yêu mến và thực hành lời dạy của Ngài ngay trong những việc làm hằng ngày. Mẹ Teresa còn thêm vào câu chuyện của ngày phán xét như sau: “Thiên Chúa sẽ không hỏi chúng ta xem chúng ta đã đọc bao nhiêu sách vở, hay chúng ta đã làm được bao nhiêu phép lạ; nhưng Ngài sẽ hỏi chúng ta xem chúng ta đã làm hết nỗ lực của mình chưa, vì yêu mến Ngài.”[5] Và sau một cuộc đời hiến dâng để yêu thương và phục vụ những con người cùng khổ, Mẹ Teresa đã giã từ cuộc sống trần thế này và được hân hoan đón tiếp trong vòng tay đầy trìu mến của Chúa Giêsu. Ngày 19/10/2003, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị đã tôn phong Mẹ lên Á thánh Teresa Calcutta tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma giữa sự chứng kiến của hàng trăm ngàn người tham dự. Ước mong sao chúng ta cũng biết sống cuộc sống của mình trong sự yêu thương và phục vụ những người nghèo khổ để chúng ta cũng được phúc nghe những lời ngọt ngào đầy thương mến của Chúa: “Hãy đến, hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc. Hãy đến mà thừa hưởng gia tài là Nước Trời đã được chuẩn bị cho các con từ tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói các con đã cho Ta ăn, Ta khát các con đã cho Ta uống, Ta là khách lạ các con đã tiếp rước, Ta mình trần các con đã cho Ta mặc, Ta đau yếu các con đã chăm sóc, Ta ở tù các con đã thăm viếng và ủi an Ta.”[6]. Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa, vì Chúa đã ban cho con cơ hội được phục vụ Chúa nơi những người nghèo nhất trong những người nghèo khổ và bất hạnh.

 

 

PHỤ LỤC I
Những tư liệu của Mẹ Teresa gởi đến các chị em Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô.

Kích thước và những lời được ghi trên tấm danh thiếp của Mẹ Teresa.


Sr. Marie Francoise Hà Thị Thanh Tịnh và Cha Giuse Phạm Văn Hanh gặp gỡ Mẹ Nirmala, kế vị Mẹ Teresa, sau Thánh lễ phong Á Thánh Mẹ Teresa tại Rôma
ngày 19/10/2003.


KINH MẸ THÁNH TERESA CALCUTTA

Lạy Mẹ  Thánh Teresa Calcutta, Mẹ đã ước ao yêu mến Chúa Giêsu như chưa bao giờ Ngài được yêu mến. Mẹ đã dâng trọn cuộc đời cho Chúa và đã không từ chối Ngài điều gì. Hợp với Trái tim Vẹn Sạch Mẹ Maria, Mẹ đã đón nhận tiếng kêu khát của Chúa và làm vơi thoả cơn khát vô tận của Ngài vì yêu các linh hồn, Mẹ đã trở nên người mang tình thương của Chúa đến với những người đau khổ nhất trong những người khổ đau. Với lòng tin tưởng yêu thương và hoàn toàn phó thác, Mẹ đã chu toàn thánh ý Chúa, làm chứng cho niềm vui được thuộc trọn về Ngài. Mẹ đã sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu - vị Hôn phu chịu đóng đinh của Mẹ - đến nỗi Chúa đã thương ban cho Mẹ được phúc thông phần đau khổ với Ngài trong cơn hấp hối khi Ngài bị treo trên Thập giá.

Lạy Mẹ Teresa Calcutta, Mẹ đã hứa sẽ không ngừng mang ánh sáng tình yêu của Chúa cho mọi người trên thế giới; xin cầu cùng Chúa cho chúng con để chúng con cũng được khát khao làm vơi thoả cơn khát cháy bỏng của Chúa bằng việc yêu mến Ngài nồng nhiệt, vui lòng đón nhận và chia sẻ những đau khổ của Ngài, tận tâm phục vụ Ngài hết lòng nơi những anh chị em sống chung quanh chúng con, nhất là những người đang đau khổ, không được ai biết đến và không được yêu thương. Amen.

 

Tin liên quan