Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

Danh mục

Sự Thành Lập Hội Các Cộng Tác Viên Của Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô

Đã từ lâu, nhiều người khắp nơi trên thế giới đã cảm thấy cảm hứng muốn tham gia vào công việc giúp người nghèo của Mẹ Teresa và Hội dòng Thừa sai Bác Ái của Mẹ. Với qui mô nhỏ hơn, công việc của các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã mang lại nguồn cảm hứng cho nhiều người giáo dân.

Sự Thành Lập Hội Các Cộng Tác Viên Của Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô

 

 

CHƯƠNG 12

 

Sự Thành Lập

Hội Các Cộng Tác Viên Của Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô

  



12.1       LỜI GIỚI THIỆU

Đã từ lâu, nhiều người khắp nơi trên thế giới đã cảm thấy cảm hứng muốn tham gia vào công việc giúp người nghèo của Mẹ Teresa và Hội dòng Thừa sai Bác Ái của Mẹ. Với qui mô nhỏ hơn, công việc của các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã mang lại nguồn cảm hứng cho nhiều người giáo dân. Rất nhiều người đã tình nguyện phục vụ vô vị lợi cho những người nghèo mà vẫn trung thành với công việc bổn phận trong ơn gọi riêng của mỗi người. Sự hợp tác của những cộng tác viên đã làm cho Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô phát triển nhiều trong việc thực thi sứ mạng phục vụ và chăm sóc người nghèo. Chương ngắn này sẽ trình thuật việc hình thành mạng lưới những cộng tác viên của Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô nhằm hỗ trợ các soeurs, qua việc cầu nguyện, qua những chia sẻ vật chất cũng như việc thăm viếng những công việc của Dòng.

12.2       MỤC ĐÍCH ĐẦU TIÊN CỦA HỘI CỘNG TÁC VIÊN LÀ CHIA SẺ LỜI CẦU NGUYỆN

Rất nhiều người mơ ước được gặp Mẹ Teresa, nhưng Mẹ Teresa lại nói rằng gặp gỡ được Chúa Giêsu mới là đặc ân lớn lao hơn. Vì thế, Mẹ đã tận dụng mọi giây phút của Mẹ như đang sống trước sự hiện diện của Chúa Kitô, dù trong Thánh lễ, trong giờ chầu Thánh Thể hay đang khi phục vụ người nghèo. Theo gương Mẹ Teresa - người mà cả cuộc đời và công việc đều hoàn toàn phụ thuộc vào sức mạnh của việc cầu nguyện - một trong những điểm trọng tâm của Hội cộng tác viên Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô cũng là việc cầu nguyện. Le Joly đã minh hoạ những cảm nghĩ của Mẹ Teresa về những người cầu nguyện cho Mẹ, “Điều mà họ cầu nguyện cho công việc của Mẹ làm cho tâm hồn Mẹ cảm thấy vui thích.”[1] Và cũng như Mẹ Teresa đã bắt đầu ngày mới với Thánh lễ, là lúc Chúa Kitô truyền cho Mẹ sức mạnh, lòng can đảm, niềm vui và tình yêu để đụng chạm vào Ngài trong người nghèo, những cộng sự viên của Dòng cũng phải có lòng yêu mến Thánh lễ, để có thể nhìn thấy Chúa Kitô rõ ràng nơi mọi người, đặc biệt trong những người nghèo nhất trong những người nghèo. Năm 1973, Mẹ Teresa bắt đầu có giờ chầu Mình Thánh Chúa hằng ngày, Mẹ chứng nhận rằng, “Kể từ lúc chúng tôi có giờ chầu Thánh Thể mỗi ngày, lòng mến của chúng tôi đối với Chúa Giêsu trở nên mật thiết hơn, tình yêu của chúng tôi đối với nhau trở nên hiểu biết hơn, và lòng trắc ẩn của chúng tôi đối với người nghèo trở nên thương cảm hơn.”[2] Những thành viên của Hiệp hội cộng tác viên phải biết thinh lặng trước sự hiện diện của Thiên Chúa trong Bí Tích Thánh Thể. Chính tại nơi đây mà gia đình rạn nứt của nhân loại hy vọng được phục hồi nguyên vẹn. Những kinh nguyện hằng ngày cũng là một phương thế tuyệt hảo để giúp họ duy trì sự hiệp thông với Chúa, hợp nhất với các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô và với những người nghèo mà các nữ tu phục vụ.

12.3       MỤC ĐÍCH THỨ HAI CỦA HỘI CỘNG TÁC VIÊN LÀ CHIA SẺ VẬT CHẤT

Bên cạnh việc hỗ trợ các soeurs về tinh thần bằng lời cầu nguyện, các thành viên của hiệp hội này, nếu có thể được, sẽ chia sẽ của cải vật chất Chúa ban để góp phần vào những công việc bác ái của các soeurs cho những người nghèo. Chúng ta thường tự hỏi : Mẹ Teresa đã lấy đâu ra những nguồn trợ cấp để nuôi ăn và chăm lo cho hàng trăm, hàng ngàn người nghèo mỗi ngày ? Vì Dòng Thừa Sai Bác Ái phục vụ vô vị lợi cho người nghèo và không nhận một sự trả lương nào từ phía chính phủ, nên Mẹ Teresa đã phải đồng ý nhận những sự giúp đỡ về tài chính từ một vài nơi. “Càng ngày, Mẹ Teresa càng nhấn mạnh rằng gây quỹ cho công việc bác ái là điều trái ngược với mong ước của Mẹ, và Mẹ từ chối những khoản thu nhập giúp đỡ đều đặn đang bắt đầu nảy sinh: ‘Tôi không muốn những công việc bác ái trở thành một việc kinh doanh, nhưng tôi muốn đây phải luôn luôn là một công việc của tình thương. Tôi muốn bạn có một lòng tin tưởng hoàn toàn rằng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Hãy đón nhận lời của Ngài và trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa, còn những sự khác Ngài sẽ ban cho sau. Niềm vui, bình an và sự hiệp nhất thì quan trọng hơn tiền bạc.’”[3] Tiền bạc không quan trọng đối với Mẹ Teresa, nhưng trao ban chính bản thân mới thực sự là điều làm cho Mẹ cảm kích. Mẹ Teresa kể lại rằng: “Ở Calcutta, có một người ăn xin đến với Mẹ và nói rằng: ‘Thưa Mẹ Teresa, con thấy mọi người đều biếu tặng Mẹ. Con cũng muốn biếu Mẹ... Con chỉ có một đồng 10 xu này, Mẹ có muốn nhận không ?’ Và Mẹ cảm thấy rất khó xử. Mẹ nói: ‘Mẹ biết, nếu Mẹ chấp nhận số tiền này, ông ấy sẽ bị đói, nhưng nếu Mẹ không nhận thì chắc chắn ông ta sẽ bị tổn thương. Vì thế, Mẹ đã đưa tay ra và nhận lấy món quà của ông.’ Đối với Mẹ Teresa, đồng tiền xu nhỏ bé của người ăn xin này quý giá hơn cả “quà tặng Oslo” - hay giải thưởng Nobel - vì Mẹ nói, ‘Ông ấy đã cho tất cả những gì ông ta có.’ và Mẹ nhìn thấy, ‘niềm vui đươc trao ban trên khuôn mặt của ông ấy.’ ”[4] Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô không gây quỹ cho những công việc bác ái của mình, họ chỉ nhận những sự chia sẻ và giúp đỡ từ những tấm lòng quảng đại. Họ tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, rằng nếu Ngài muốn, Ngài sẽ lo lắng cho công việc của họ được tốt đẹp. Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô tại Sài Gòn không được nhiều người biết đến như Dòng của Mẹ Teresa; vì thế, họ phải làm việc để sinh sống bằng việc chăm sóc và dạy học cho trẻ em nghèo. Với đồng lương không đáng kể, các soeurs không những phải cố gắng tự mưu sinh cho mình mà còn cho các những người nghèo nữa. Một chút quà mọn cũng là quà quí, bởi vì một đô la Mỹ trị giá tương đương với 15.000 đồng Việt Nam, cũng bằng tiền lương thường nhật của người không chuyên môn. Với sự giúp đỡ của những cộng tác viên, các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô có thể làm tốt hơn công tác phục vụ và chăm lo cho người nghèo, thay vì phải tìm cách kiếm sống cho mình và cho người khác.

12.4       MỤC ĐÍCH THỨ BA CỦA HỘI CỘNG TÁC VIÊN LÀ CHIA SẺ THỜI GIAN THĂM VIẾNG NHỮNG ĐIỂM TRUYỀN GIÁO

Đối với Mẹ Teresa, tiền bạc không thành vấn đề vì Mẹ Mẹ lúc nào cũng có thể kiếm được tiền. Điều Mẹ muốn chính là thời gian, “Người nghèo cần đôi tay phục vụ của chúng ta; họ cần tấm lòng yêu thương của chúng ta.”[5] Mẹ muốn chúng ta gỡ bỏ những tiện nghi thoải mái và sang trọng, thực hành những việc hy sinh nhỏ bé như ăn chay, hãm mình, không còn lệ thuộc vào của cải vật chất, và làm việc mà không cần những phương tiện sang trọng. Lúc đầu lời kêu gọi của Mẹ dường như rất khó chấp nhận, và làm cho một số người nói rằng Mẹ Teresa không muốn thoát khỏi cái nghèo mà dung dưỡng sự nghèo đói. Họ phàn nàn rằng công việc của Mẹ chỉ như sự băng bó vết thương cho người nghèo mà không chữa lành cho họ. Nhưng đối với những ai lắng nghe lời mời gọi của Mẹ Teresa cách thực tình, họ sẽ tìm thấy sự sáng suốt và khôn ngoan ẩn dấu ở bên trong. “Ngày kia, một người đàn ông người Úc đến gặp Mẹ và tặng Mẹ một món tiền khá lớn. Nhưng khi trao món tiền cho Mẹ, ông nói: ‘Đây chỉ là cái bên ngoài, thưa Mẹ. Bây giờ con muốn cho cái của chính con.’ Và lúc này đây, ông ấy đến nhà hấp hối thường xuyên để cạo râu cho những người đàn ông đau yếu và nói chuyện với họ. Ông đã không những cho tặng tiền bạc của mình mà còn hy sinh cả thời giờ của mình nữa. Ông có thể dùng thời giờ ấy cho chính mình, nhưng điều ông muốn là trao ban chính bản thân của ông.”[6] Điều mà Mẹ Teresa ao ước đó chính là sự hiện diện của những người cho. Như thế, họ mới có thể đụng chạm vào những người mà họ đã giúp đỡ bằng tiền của, mỉm cười với họ và quan tâm lo lắng cho họ. Những cộng tác viên này thường nghiêm túc trong việc thường xuyên thăm viếng những thí điểm truyền giáo để động viên không những cho người nghèo và những người khốn khổ mà còn cổ vũ cho những thừa sai đang vất vả trong lĩnh vực truyền giáo.

12.5       KẾT LUẬN

Bị lôi kéo bởi công việc bác ái của Hội dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Teresa cũng như của các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô tại Việt Nam, rất nhiều người hảo tâm đã muốn tham gia  vào công việc từ thiện này. Cùng lúc, họ cũng muốn trung thành với việc bổn phận và ơn gọi riêng của mình. Việc thành lập Hiệp hội những cộng tác viên của Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô là một giải pháp lý tưởng cho những người muốn giúp đỡ cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội đồng thời vẫn chu toàn bổn phận và công việc của mình. Giáo hội mời gọi giáo dân đóng thập phân bằng thời giờ, tài năng và của cải, điều này có thể áp dụng vào cuộc sống của những cộng tác viên. Họ có thể dùng năng lực của mình trong việc cầu nguyện như tham dự Thánh lễ, chầu Thánh Thể hằng ngày để cầu nguyện cho công việc truyền giáo được tốt đẹp. Họ cũng có thể dâng những hy sinh trong việc chia sẻ tiền của vật chất để hỗ trợ các thừa sai cũng như cho những người nghèo đói, khốn khổ. Cuối cùng, họ hy sinh chia sẻ thời giờ để thường xuyên thăm viếng các điểm truyền giáo, là nơi họ có thể gặp gỡ và chia sẻ cuộc sống của mình với mọi người trong sứ mạng truyền giáo. Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô luôn hoan nghênh và khích lệ những người có điều kiện tham gia vào Hiệp hội này.

 

 

Tin liên quan