Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

Danh mục

MỤC VỤ CHO NHỮNG NGƯỜI NGHÈO NHẤT TRONG NHỮNG NGƯỜI NGHÈO

Con rất biết ơn và ghi ơn Đức Cha Edmond Carmody - Giám mục địa phận Corpus Christi. Đức Cha đã tạo điều kiện và khích lệ con theo học tiến sĩ mục vụ trong khi con đang thi hành sứ mạng Cha Sở Giáo xứ Thánh Philiphê Tông đồ. Xin Chúa ban cho Đức Cha ơn khôn ngoan và sức mạnh của Chúa để Đức cha dẫn dắt đoàn chiên giáo phận.

 

MỤC VỤ CHO NHỮNG NGƯỜI NGHÈO NHẤT TRONG NHỮNG NGƯỜI NGHÈO


Xin tri ân
Bố mẹ là những người đã nuôi nấng và uốn nắn con trong đức tin,
trong lòng yêu mến Chúa và tha nhân,
bố mẹ đã nâng đỡ con vững vàng trong thánh chức linh mục.


Xin ghi ơn
gia đình Giáo xứ Thánh Philiphê Tông đồ, quí vị đã cầu nguyện,
yêu thương và khích lệ tôi nhiều
trong công việc này.

Bài luận án này được cống hiến
trong sự khiêm tốn và lòng biết ơn.


LỜI CÁM ƠN

Con rất biết ơn và ghi ơn Đức Cha Edmond Carmody - Giám mục địa phận Corpus Christi. Đức Cha đã tạo điều kiện và khích lệ con theo học tiến sĩ mục vụ trong khi con đang thi hành sứ mạng Cha Sở Giáo xứ Thánh Philiphê Tông đồ. Xin Chúa ban cho Đức Cha ơn khôn ngoan và sức mạnh của Chúa để Đức cha dẫn dắt đoàn chiên giáo phận.

Con xin cám ơn Đức Ông Leonard Pivonka - Tiến sĩ Giáo luật, Quản hạt Alice và là Cha sở Giáo xứ Thánh Elizabeth Hungary. Đức Ông đã cố vấn cho con luận án này và đã chia sẻ cho con nhiều kinh nghiệm mục vụ, đã hướng dẫn con khi con là Cha phó Nhà thờ Chính Toà Corpus Christi. Đức Ông là một cha sở mẫu mực để con noi gương bắt chước trong vai trò cha sở họ đạo. Tôi cũng cám ơn Ông Leo Mason đã không quản ngại thời giờ giúp tôi đọc và sửa bản thảo luận án này.

Con biết ơn và không bao giờ quên Đức Hồng Y J.B. Phạm Minh Mẫn - Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn. Ngài là vị mục tử quan tâm tới những người nghèo, những tệ nạn xã hội và đã chia sẻ cho con sự trăn trở, mối lo ngại và những phương án để giảm bớt sự nghèo đói vật chất lẫn tinh thần. Còn đối với các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô, tôi cũng xin cám ơn quý vị đã chia sẻ và chỉ cho tôi con đường tốt nhất để yêu thương và phục vụ những nghèo nhất trong những người nghèo. Các soeurs đã rất cởi mở và chia sẻ cho tôi sứ mạng tốt đẹp và đã mời tôi tham gia vào Hiệp hội những cộng tác viên, trở nên thành viên của gia đình Hội dòng. Tôi hy vọng một ngày không xa, tôi sẽ được làm việc bên cạnh với các soeurs trong sứ mạng rất đáng ngưỡng mộ này là yêu thương và chăm sóc cho những người nghèo khổ, bất hạnh .

Con sẽ mãi mãi nhớ ơn bố mẹ, các anh chị và các em đã luôn ở bên cạnh con trong lời cầu nguyện và hằng khích lệ, động viên con trong thánh chức linh mục.

 

TIỂU SỬ TÁC GIẢ

Linh mục Phạm Văn Hanh sinh ngày 21/7/1964 tại Bến Đá - Vũng Tàu, miền Nam Việt Nam. Cha là Phạm Văn Thu, mẹ là Phạm Thị Hương. Ngày 30/4/1975, nền Dân chủ miền Nam Việt Nam rơi vào chế độ Cộng sản miền Bắc, gia đình của Cha đã phải chạy loạn và tản cư sang Hoa Kỳ. Sau khi sống tại New Orleans được một năm, gia đình Cha đã chuyển đến Garden Grove -California để đoàn tụ với ông bà và các cô chú đã xa cách suốt thời gian loan lạc. Cha đã ghi danh và học tại Trường Trung học Cấp II Jordan và sau đó tốt nghiệp ở Trường Trung học Bolsa. Tháng 8/1980, một lần nữa gia đình Cha lại dời đến chỗ ở mới ở Rockport - Texas. Cha đã tiếp tục việc học tại Trường Trung học Cấp III Rockport Fulton và đã tốt nghiệp tháng 5/1982 tại đây. Sau đó, Cha đã ở nhà phụ giúp mẹ trong vòng một năm khi người bố đột ngột qua đời trong một tai nạn xe hơi. Tháng 8/1984, cha đến California và ở với người cậu của Cha tại đây để theo học tại Trường Cao đẳng Golden West ở Huntington Beach - California. Sau một năm đại học trường đời, Cha được nhận vô Đại Chủng Viện Trung tâm Huấn luyện Thánh Gioan Vianê, và theo học tại Trường Đại học Del Mar thuộc Thành phố Corpus Christi - Texas. Năm kế tiếp, Cha chuyển đến Đại Chủng Viện Thánh Maria ở Houston - Texas và học tại Trường Đại Học Thánh Tôma. Năm 1987, Cha tốt nghiệp bằng Cử nhân Văn Lý khoa tại Trường Đại Học Tôma. Cha tiếp tục theo đuổi những nghiên cứu thần học và đã lấy bằng Cao học Thần học tại Đại Chủng Viện Thánh Maria - thành phố Houston vào tháng 5/1992. Ngày 25/06/1991, Cha chịu chức phó tế; và bảy tháng sau, ngày 25/01/1992 Cha được thụ phong linh mục tại Nhà thờ Chính Toà Corpus Christi, Giáo phận Corpus Christi - Texas.
Cha được chỉ định làm cha phó Nhà thờ Chính Toà Corpus Christi từ năm 1992-1994. Năm 1994, Cha được thuyên chuyển đến Our Lady of Perpetual Help, Corpus Christi và làm phó xứ đến 1995. Sau đó, ngài lại được thuyên chuyển đến Nhà thờ Thánh Cyril và Thánh Methodius ở Corpus Christi. Sau một thời gian ngắn ở đó, ngài được sai tới Nhà thờ Thánh Thomas More năm 1996 và làm Cha sở tại đó 6 năm rưỡi. Chính trong thời gian giúp xứ tại đây mà Cha đã bắt được liên lạc với người thầy ngày trước dạy Cha trong 2 năm lớp bốn và lớp năm, đó là Soeur Marie Francoise Hà Thị Thanh Tịnh - cũng là người chị tinh thần của Cha - ở Việt Nam. Soeur Marie Francoise Hà Thị Thanh Tịnh là Bề trên Tổng quyền Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô tại Sài Gòn, Việt Nam. Vào tháng 8/2000, sau 25 năm xa cách quê hương Việt Nam, Cha Phạm Văn Hanh đã cùng với mẹ trở về Việt Nam để thăm lại bà con họ hàng và cũng là thăm viếng một vòng những điểm truyền giáo của Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô. Được chứng kiến những công việc bác ái của các nữ tu nơi những người cùng khổ, đã từng làm đổi đời những con người bất hạnh, Cha Phạm Văn Hanh đã rất cảm kích và xúc động đến nỗi Cha đã quyết định dành hết năng lực và khả năng tài chánh của Cha để giúp cho Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô, với hy vọng một ngày kia Cha sẽ dành hết thời giờ để chung vai sát cánh làm việc cùng với các nữ tu trong sứ mạng truyền giáo của họ. Cha đã thành lập Hiệp hội các Cộng tác viên của Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô cho những người Việt Nam tại Mỹ có lòng quảng đại và yêu thương người nghèo. Mặc dù các thành viên của Hiệp hội chưa nhiều, nhưng họ đã trợ giúp cho các nữ tu rất nhiều trong việc mở rộng các điểm truyền giáo cũng như trong việc gia tăng thêm ơn gọi cho Hội dòng. Năm 2002, Cha Phạm Văn Hanh đã được sai đến Nhà thờ Thánh Philiphê Tông Đồ và hiện đang là cha sở tại Giáo xứ này. Tháng 12/2005, Cha ghi danh học bằng Tiến sĩ Mục vụ tại Trường Graduate Theological Foundation ở thành phố Indiana. Ngày 25/10/2007, Cha sẽ giới thiệu luận án này tại Trường Graduate Theological Foundation như thủ tục quen làm để nhận văn bằng Tiến sĩ Mục vụ. Cha mong sẽ dùng những gì mình đã học được trong khoá học Tiến sĩ Mục vụ này như một chìa khoá để mở những cánh cửa còn đóng kín ở Việt Nam và tạo điều kiện dễ dàng cho ngài tham gia những việc bác ái với các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô để giúp đỡ cho những người nghèo nhất trong những người nghèo.

 

LỜI GIỚI THIỆU

Thế giới mà chúng ta đang sống là một mái nhà có hàng tỷ con người. Như một vấn đề thời sự, dân số thế giới đã đạt 6 tỷ rưỡi vào năm 2005, và ngày 25/6/2007, con số này đã lên đến 6,723,472,750 người[1]. Người ta tiên đoán rằng trong một vài năm nữa, dân số thế giới sẽ lên đến 7 tỷ. 99% của sự tăng trưởng này hầu hết là từ các nước đang phát triển hay các nước thuộc thế giới thứ ba[2]. Trong hơn 6 tỷ rưỡi dân số này có hơn 3 tỷ người sống trong sự nghèo đói. Phần lớn trong 3 tỷ người nghèo này thường tập trung tại các nước thuộc thế giới thứ ba. Mặc dù không do lỗi của họ, những người kém may mắn này chỉ đơn giản sinh ra trong một gia đình nghèo hay tại một đất nước nghèo, nơi mà những cơ hội cải thiện đời sống rất hạn chế hoặc không có lối thoát. Bản Báo cáo của Văn phòng Census US. cũng nói rằng: « Hơn một nửa dân số thế giới sống dưới mức thu nhập chung của người nghèo thế giới, nghĩa là thu nhập dưới 2 đô-la mỗi ngày. »[3] Con số người nghèo khổng lồ này đại diện cho hơn 50% dân số thế giới. Mặc dầu trước mắt chứa chất nhiều thất vọng, những người nghèo được đề cập ở đây vẫn có khả năng làm việc và tích góp để tự mưu sinh và nuôi sống gia đình. Giữa con số người nghèo không thể đếm hết này lại tồn tại một nhóm người nghèo hơn nữa, những người sống trong những điều kiện hết sức cùng quẫn, mà nếu không được người khác giúp đỡ, họ sẽ nắm chắc sự chết. Nhóm người này được nhận diện như là những người nghèo nhất trong những người nghèo.

Những người nghèo nhất trong những người nghèo bao gồm những người nghèo về thể chất và cả người nghèo về tinh thần. Những người này có thể được tìm thấy ở các nước thuộc thế giới thứ ba cũng như tại các nước phát triển. Tuy nhiên, hầu như họ tập trung tại các nước đang phát triển như: Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam. Có thể nói, phần lớn trọng tâm của luận án này sẽ nhấn mạnh về những người nghèo nhất trong những người nghèo tại Sài Gòn, Việt Nam. Về một khía cạnh nào đó, người nghèo trên thế giới tiêu biểu cho một vấn nạn lớn cho tất cả chúng ta - những người có một tình thương đặc biệt và có khả năng giúp đỡ họ. Thậm chí, nếu chúng ta ở trong một chức vụ thuận lợi trong sứ mạng giúp đỡ người nghèo, chúng ta cũng thường tự hỏi: « Chúng ta đã làm đủ chưa ? » « Chúng ta còn có thể làm được gì hơn nữa để giúp đỡ người nghèo ? » « Giáo hội đã dạy chúng ta điều gì về người nghèo ? » « Đâu là phương cách tốt nhất và hiệu quả nhất để trợ giúp họ ? » « Những nhu cầu vật chất của người nghèo đã được đáp ứng đầy đủ chưa ? » «Thế còn những nhu cầu về tâm linh của họ thì sao ?».

Những câu hỏi này quả thực là những câu hỏi có căn cứ và cần được nêu lên. Mặc dù không phải tất cả mọi câu hỏi đều có thể trả lời, song, cũng có một số những vấn nạn đặt ra đã được giải quyết nhờ những công việc bác ái của các tổ chức từ thiện chuyên lo giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên, những tổ chức từ thiện này lại tập trung quá nhiều về phương diện hành chính. Để có một tổ chức từ thiện vận hành tốt và hiệu quả, đòi hỏi phải có một ban làm việc qui mô với nhiều người làm việc. Phần lớn của những khoản đóng góp chia sẻ này được dùng để trả lương cho những người làm công việc hành chánh và quản lý của những tổ chức này. Vì thế, khi những phần đóng góp từ thiện nhận được, chỉ có một phần rất nhỏ của sự đóng góp chia sẻ này được chuyển tới tay của người nghèo và những người thực sự cần đến nó. Rốt cuộc thì người nghèo vẫn ở trong tình trạng hết sức thảm khốc, còn những khoản trợ giúp cần thiết thì đã bị tiêu tán gần hết. Hơn nữa, rất nhiều tổ chức từ thiện chỉ giúp theo thời và theo hoàn cảnh thay vì nhắc nhở việc từ thiện phải ăn sâu vô đời sống hằng ngày của mình. Không cần phải nói, những tổ chức từ thiện này chỉ đơn thuần thoả mãn một phần rất nhỏ những nhu cầu vật chất của người nghèo. Những khía cạnh khác của người nghèo, hay nói khác đi những nhu cầu tâm linh của họ thì hầu như không bao giờ hoặc rất hiếm khi được đề cập hoặc nói đến.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có một tổ chức từ thiện nào trong các đoàn thể nhấn mạnh đến toàn diện con người cả thể xác và tâm linh khi họ giúp đỡ người nghèo. Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Teresa là hội dòng bác ái chuyên lo và giúp đỡ người nghèo, cả về thể xác và tâm linh. Những thừa sai của Mẹ thường có mặt và làm việc tại những khu nhà ổ chuột của những thành phố đông nghẹt người, trong đó có cả thành phố Sài Gòn tại Việt Nam. Sài Gòn được xem như một trong những thành phố đông đúc trên thế giới. Dòng Thừa Sai Bác của Mẹ Teresa cũng đã hiện diện một thời gian ngắn ở tại đây. Tuy nhiên, chính quyền Cộng sản đã từ chối cấp phép cho Mẹ và các nữ tu của Mẹ hiện diện và hoạt động giúp đỡ người nghèo tại Việt Nam, chuyện này ai cũng biết. Mặc dù, sự hiện diện của các thừa sai của Mẹ Teresa tại Sài Gòn rất ngắn, nhưng hạt giống của những công việc bác ái này đã sinh nhiều hoa trái và hoa trái đó là sự ra đời mới đây của một hội dòng sống theo tinh thần của Mẹ Teresa và bắt chước những việc làm của Mẹ giữa những người nghèo nhất trong những người nghèo. Hội dòng này đã được chính Mẹ Teresa dạy dỗ và huấn luyện. Với sự tán thành của Đức Cố Tổng Giám mục Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình và Mẹ Teresa, Hội dòng được gọi tên là Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô.

Mục đích của luận án này là cho thấy ước mơ vốn có giữa những người có năng lực để giúp đỡ người nghèo, chỉ ra rằng con đường hữu hiệu nhất để giúp đỡ những người nghèo nhất trong những người nghèo là đi theo linh đạo của Mẹ Teresa, cách thức những Thừa Sai Bác Ấi Chúa Kitô chăm sóc những người nghèo nhất trong những người nghèo tại Sài Gòn bằng cách bắt chước phương pháp của Mẹ Teresa - đụng chạm vào họ cả về thể lý cũng như tâm linh, và tỏ cho thấy cách thức mọi người trong mọi cuộc sống có thể tham dự vào sứ mạng tuyệt vời này giữa những người nghèo nhất trong những người nghèo. Vì thế: Bản luận án (1) phản ánh ước mơ yêu thương cố hữu trong mỗi người đối với người nghèo; cách thức xã hội phân ngăn lòng bác ái cho người nghèo theo mùa và theo tình huống, và giới thiêụ tình yêu thương căn bản của Mẹ Teresa; (2) dừng lại ở ơn gọi thứ hai của Mẹ Teresa - ơn gọi giữa lòng ơn gọi - và Linh đạo của Mẹ; (3) trình thuật cách rõ nét ba lời khuyên Phúc âm: Vâng phục, Khiết tịnh, Khó nghèo và lời khấn thứ Bốn - lời khấn chiếu sáng sứ mạng tông đồ của những Thừa Sai Bác Ái; (4) phản ánh Linh đạo của Mẹ Teresa: thinh lặng, cầu nguyện, tin tưởng, yêu thương, phục vụ, bình an; Thánh Thể và mục tiêu làm vơi cơn khát cho Chúa Kitô; (5) kể lại cách chi tiết việc Mẹ Teresa hiện diện tại Việt Nam; (6) nhìn về sự hình thành của Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô; (7) tập trung vào những người nghèo nhất trong những người nghèo tại Sài Gòn, hay nói cách khác là những cô gái lỡ lầm, các em cô nhi, những nạn nhân HIV/AIDS và những cụ già neo đơn bị bỏ rơi; (8) khảo sát những hoàn cảnh của các cô gái lầm lỡ; (9) phản ảnh tình trạng khó xử của các em cô nhi; (10) nhìn về sự nguy hiểm của các nạn nhân HIV/AIDS; (11) xem xét những nhu cầu của những cụ già neo đơn; (12) phản ánh khả năng của những người đồng sáng lập Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô. Ý định của luận án này là cổ võ mọi người hãy can đảm sống tình bác ái yêu thương, là điều vốn có sẵn trong mỗi người, và đi đến với những người kém may mắn nhất trong xã hội. Có nhiều cách và phương pháp để giúp đỡ người nghèo nhưng cách thức chạm đến người nghèo cả về thể lý và tâm linh theo tinh thần của Mẹ Teresa đã được minh chứng là phương thức được yêu thích và đáng ước mơ hơn. Mặc dù, mỗi người chúng ta đều có một cuộc sống riêng tư và những bổn phận riêng phải chu toàn, song bất cứ ai trong chúng ta cũng có khả năng giúp đỡ người nghèo nhất trong những người nghèo theo Linh đạo của Mẹ Teresa mà vẫn trung thành với ơn gọi hiện tại của mình.

 

 

CHƯƠNG 1

 

Mơ Ước Yêu Thương Cố Hữu

Trong Con Người

Xã Hội Phân Ngăn Lòng Bác Ái

Theo Thời và Theo Hoàn Cảnh

Tình Yêu Thương Căn Bản Của Mẹ Têrêsa

 

 

1.1 LỜI GIỚI THIỆU :

Yêu thương là tiếng gọi tự bản chất trong con người. Sự rõ ràng của lời mời gọi yêu thương này có thể tìm thấy dấu vết trong sách Sáng Thế khi tác giả cuốn sách này kể cho chúng ta rằng chúng ta đã được tạo dựng bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Thánh Gioan Thánh sử đã mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là tình yêu. Chính Chúa Giêsu cũng đã nhấn mạnh hơn về tầm quan trọng của nhân đức yêu thương khi Ngài nói: “Cứ dấu này, người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em yêu thương nhau.” Chúa Giêsu tiếp tục tóm tắt Mười điều răn trong Sách Ngũ Thư vào hai giới răn Mến Chúa và Yêu người. Là con người, chúng ta được tạo dựng để yêu và được yêu. Thiên Chúa là nguồn tình yêu nguyên tuyền và tinh khiết nhất, song tình yêu nơi con người thường bị uốn nắn cho phù hợp với những ước muốn và nhu cầu riêng tư của mình. Tình yêu nhân loại của chúng ta thường được chia sẻ với nhau tuỳ theo những hoàn cảnh thuộc thời gian và tình huống. Mặc dù bất cứ một cử chỉ yêu thương bác ái nào dành cho những người xấu số cũng đều đáng ca ngợi, song tình yêu không bị giảm thiểu bởi điều chúng ta làm, nhưng tình yêu luôn luôn hệ tại ở chỗ chúng ta là. Xin cảm ơn những công việc và gương sáng của Mẹ Teresa giữa những người nghèo nhất trong những người nghèo, nhân đức yêu thương một lần nữa lại phục hồi nhân phẩm của con người và được áp dụng để nhận được tình yêu trong đời sống hằng ngày.

 

1.2 ƯỚC MUỐN YÊU THƯƠNG TỰ BẢN CHẤT CỦA CON NGƯỜI

Mỗi người chúng ta đều được sinh ra với một ước muốn là yêu và được yêu, như tác giả sách Sáng Thế đã viết: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Người; Người đã tạo dựng con người theo hình ảnh thiêng liêng của Người; Người đã tạo dựng nên họ có nam có nữ.”[4] Mặc dù cho đến ngày thứ sáu trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa con người chúng ta mới được tạo dựng, nhưng chúng ta tượng trưng cho đỉnh cao của công trình sáng tạo này khi Thiên Chúa trao cho chúng ta quyền làm chủ và chế ngự chim trời cá biển cùng các loài thụ tạo khác. Vì thế, tất cả mọi người đều có thể yêu thương. Thật tự nhiên nếu chúng ta yêu chính mình, nhưng nếu chúng ta biểu lộ tình yêu với tha nhân - đặc biệt với những người nghèo và những người kém may mắn xung quanh chúng ta - thì chúng ta thực sự đang phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng nên chúng ta. Tình yêu mà chúng ta đang sở hữu cho chúng ta và tha nhân đã được Thánh Gioan trình bày rõ nét hơn khi ngài khích lệ chúng ta : “Hỡi các con bé nhỏ, chúng ta hãy yêu thương nhau vì Thiên Chúa là tình yêu; ai yêu thương thì được sinh ra bởi Thiên Chúa và người đó biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương thì không biết gì về Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.”[5] Tình yêu mà chúng ta chia sẻ chứng nhận bản tính đích thật của Thiên Chúa và sự hiện hữu của Ngài trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta - những người yêu mến Thiên Chúa - chúng ta cho thấy rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa, vì bản chất thực sự của Thiên Chúa là tình yêu.

Yêu thương là sứ điệp Chúa Giêsu nhấn mạnh xuyên suốt sứ mạng của Ngài khi Ngài còn tại thế. Trong đêm trước khi chịu chết, Ngài đã trao phó cho các môn đệ một điều răn mới: “Thầy ban cho các con một điều răn mới: Các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng phải yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con yêu thương nhau.”[6] Từ lời nói này, chúng ta có thể chắc chắn rằng khi chúng ta yêu thương người khác, chúng ta thực sự đang làm chứng cho Thiên Chúa, và tuyên bố cho thế giới biết rằng chúng ta là những người theo Ngài và là môn đệ của Ngài. Chúa Giêsu đã xem đức ái và lòng yêu thương là dấu hiệu phân biệt của các môn đệ Ngài. Ở chỗ khác, khi một nhà thông luật muốn gài bẫy Chúa Giêsu, hỏi Ngài rằng: “ ‘Thưa Thầy, trong lề luật điều răn nào là điều răn trọng nhất ?’ Chúa Giêsu nói với ông ta: ‘Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi hết tâm hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi.’ Đây là điều răn thứ nhất và trọng nhất. Còn đây là điều răn thứ hai: ‘Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính ngươi.’ ”[7]

Có một câu chuyện rất phổ biến được tuyên truyền giữa những sinh viên Do Thái ngày nay để xem ai là người có thể đứng trên một chân và đọc thuộc lòng tất cả những điều luật của họ mà không bị té. Ai làm được điều này thành công thì được xem như là người tuyệt vời nhất trong đám sinh viên. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng chẳng ai có thể làm được. Từ lúc ban đầu, chỉ có mười điều răn được ban cho ông Môisê trên núi Sinai. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu xuất hiện, những giới răn và luật lệ đã tăng lên hơn 600 điều luật chính không kể những qui định nhỏ khác. Giữa hàng trăm những điều lệ và giới luật ấy, Chúa Giêsu đã tóm gọn lại trong hai giới răn lớn nhất là yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn và hết sức, và yêu thương người thân cận như chính bản thân. Khi nói điều đó, Chúa Giêsu đã biến điều răn yêu thương tha nhân thành giới răn riêng của Ngài. Ngài còn muốn các môn đệ của Ngài là đối tượng của lời nói yêu thương bác ái này : “Quả thật, Thầy bảo cho các con biết, mỗi khi các con làm việc đó cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, là các con đã làm nó cho chính Thầy.”[8] Sứ mạng yêu thương đã được ban và trao phó cho tất cả mọi người. Trong khi vui mừng với sứ mạng yêu thương được ban cho, chúng ta hãy nhìn ngắm và giữ gìn nó như một vinh dự khi chúng ta được mời gọi để yêu thương và giúp đỡ những người nghèo, những người đau ốm và những người đau khổ qua những việc bác ái của chúng ta để làm dịu bớt đi những nhu cầu hết sức thiết thực của con người.

Trong khi yêu thương là một khuynh hướng tự nhiên của tất cả mọi người, thì Giáo hội đã lấy đó làm dấu hiệu đặc trưng của mình. Trong những buổi đầu sơ khai, Giáo hội đã kết hợp và liên kết đức bác ái và bữa ăn Thánh Thể. Khi làm điều này, Giáo hội tỏ ra mình là Thân Thể của Đức Kitô và Đức Kitô là đầu, hợp nhất bằng mối dây bác ái và yêu thương. Trải qua nhiều thế kỷ, Giáo hội vẫn luôn đòi hỏi những việc làm yêu thương bác ái như là sứ mạng và quyền lợi của Giáo hội. Vì thế, những công việc của tình thương vẫn được xem như là một vinh dự đặc biệt của Giáo hội. Giáo hội đã xem điều này như một sự bắt buộc cho từng cá nhân cũng như cho các cộng đồng dân tộc - những người có khả năng giúp đỡ để yêu thương những người nghèo và những người kém may mắn nhất, khi nói rõ điều sau đây : “Bất cứ ở đâu mà con người còn cần đến thực phẩm, đồ uống, quần áo, nơi trú ngụ, thuốc men, việc làm, học hành, những phương tiện cần thiết để sống đúng nhân phẩm, bất cứ nơi nào mà con người đang tàn lụi vì những rủi ro hay vì bệnh tật, những người đang đau khổ vì phải tha hương hoặc bị tù đày, ... lòng bác ái Kitô giáo đòi hỏi phải ra đi tìm đến họ và đưa họ ra khỏi những đau khổ đó, phải an ủi họ với sự chăm sóc tận tuỵ và cho họ những sự trợ giúp tuỳ theo những nhu cầu của họ. Đây là bổn phận đầu tiên và cao cả nhất đối với những người giàu có và những quốc gia thịnh vượng.”[9]

 

1.3 XÃ HỘI PHÂN NGĂN LÒNG BÁC ÁI

Ngày nay, các hoạt động thừa sai và những công việc từ thiện đã trở nên cấp bách và đang lan rộng khắp thế giới. Với sự trợ giúp của những phương tiện truyền thông và kỹ thuật hiện đại, nhận thức về nhu cầu phải giúp đỡ người nghèo khó và những người kém may mắn được nâng cao chưa từng có. Những việc bác ái từ thiện không những chỉ hoạt động trong những tập thể thuộc địa phương mà còn lan rộng đến những cộng đồng khác khắp nơi trên thế giới. Mặc dù mọi người luôn nhận thức rõ nhu cầu yêu thương và cho đi, nhưng một cách vô tình họ lại bị tuỳ thuộc vào nền văn hoá và xã hội khi phân ngăn lòng bác ái theo những qui định của hoàn cảnh và thời gian. Ở Mỹ, chúng tôi chia một năm làm hai mùa, không phải là những mùa tự nhiên như: mùa xuân, mùa hè, mùa thu và mùa đông, nhưng là mùa làm việc và mùa nghỉ ngơi. Những công việc bác ái của xã hội cũng được xếp loại theo những hoàn cảnh trong các trường hợp có thiên tai như: bão, lũ lụt, động đất hoặc sóng thần.

Ở Mỹ, ngày tiếp theo ngày Hội hoá trang là ngày đánh dấu bắt đầu kỳ nghỉ việc và vacances, vì thế mùa được gọi là mùa nghỉ ngơi này cũng được lồng vào như mùa Ban Ơn. Trong suốt mùa này, không khí mỗi ngày trở nên lạnh hơn mang theo những khúc nhạc Noel vui vẻ và những hộp thư đầy ắp những tấm thiệp chúc mừng Noel và năm mới. Cũng trong mùa nghỉ này mà nước Mỹ dường như xài tiền rộng tay và nhiều nhất trong cả năm. Những người mua sắm thường vào những siêu thị đông đúc, tìm những món quà ý nghĩa và tốt nhất cho những người thân thích. Nhưng sự quảng đại trong mùa nghỉ này không chỉ là quan trọng và cần thiết cho thế giới thương mại, nó còn là thời gian rất cao điểm cho những việc bác ái từ thiện. Đây là thời gian mà ngân quỹ của những tổ chức từ thiện được nâng cao và dồi dào hơn cả.[10]

Vào bất cứ thời nào, trao ban và cho đi luôn là điều được đánh giá cao và rất đáng ca ngợi; tuy nhiên, chúng ta cũng không nên giới hạn lòng quảng đại và những công việc bác ái của chúng ta vào từng lúc, từng thời. Rất nhiều giáo xứ tại địa phương đã rơi vào sự cám dỗ tương tự và nguy hiểm này. Trong suốt mùa Ban Ơn, những nhóm từ thiện tại các giáo xữ thuộc địa phương như: Hội Việc Làm Từ Thiện và Hội Thánh Vinhsơn đệ Phaolô thường báo trước chương trình trợ giúp của mình cho các gia đình nghèo đang cần được giúp đỡ cho Bữa ăn Tạ ơn. Những giáo dân trong giáo xứ sẽ chọn xem mình sẽ giúp đỡ gì cho người nghèo: một con gà cho Bữa ăn Tạ ơn hay là quần áo, hoặc là cả Bữa ăn. Thật đáng ngạc nhiên là cũng có những giáo hữu thành tâm đã tìm hiểu và đáp ứng rất hữu hiệu những nhu cầu cụ thể của từng gia đình nghèo. Theo sau Bữa ăn Tạ ơn là Lễ Noel huy hoàng rực rỡ. Hội Việc Làm Từ Thiện và Hội Thánh Vinhsơn đệ Phaolô vẫn tiếp tục những công tác từ thiện bằng việc tặng quà cây Noel cho các gia đình nghèo đang cần những món quà Noel cho con cái của họ. Mỗi một đồ trang trí trên cây thông tượng trưng cho một đứa con của những gia đình nghèo không có chương trình tặng quà cho con cái mình. Điều đáng chú ý là, món đồ trang trí cuối cùng thường được những giáo dân này mang về. Trong những ngày này, những món quà Giáng Sinh sẽ đến cùng với những đồ trang trí đã treo trên cây thông, và được đem đến cho những trẻ em kém may mắn nhất.

Những tổ chức từ thiện tại các giáo xứ địa phương cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi lối giúp đỡ người nghèo tuỳ lúc, tuỳ hoàn cảnh. Sống tại vùng duyên hải Gulf Coast, sự đe doạ của bão cuốn khổng lồ đánh vỡ đất liền là một thực tế. Đây không phải là vấn đề bão có xảy ra hay không, mà là khi nào thì bão đến. Cách đây không quá vài năm, cơn bão Katrina đã tàn phá New Orleans và những thành phố lân cận ở xung quanh. Trong nỗ lực giúp đỡ những nạn nhân của cơn bão Katrina, những giáo dân đã được thúc giục làm cuộc quyên góp lần thứ hai để giúp đỡ các nạn nhân. Tuy nhiên, sau một lần quyên tiền đã không còn ai xem xét đến việc nạn nhân đã được ổn định hay chưa. Những điều tương tự như vậy cũng đã xảy ra với những nạn nhân bão ở Trung Tây, nơi mà một thành phố nhỏ đã hoàn toàn bị triệt hạ bởi liên tiếp những trận bão tàn phá cấp F5. Một cuộc quyên góp đã được động viên đóng góp để giúp đỡ những nạn nhân bị bão ở thành phố Mid West nhưng đó là lần cuối cùng chúng tôi được nghe nói về chuyện này. Một vài năm trước, những thành phố miền duyên hải ở Á Đông cũng đã bị tàn phá bởi cơn sóng thần là hậu quả của cuộc động đất giữa lòng đại dương. Không thể đếm hết được những nạn nhận đã bị thiệt mạng và những gia đình tan tác đau thương, chưa kể đến những mất mát tài sản và nhiều kỷ niệm; một lần nữa, người dân khắp thế giới đã mở rộng tấm lòng nhân ái của mình để cứu giúp những người bất hạnh này. Nhưng việc này cũng chấm dứt cách nhanh chóng. Trong khi những công tác từ thiện được đánh giá cao và đáng được ca ngợi, thì sự giáo dục của chúng ta đã sơ suất và vô tình tạo điều kiện, huấn luyện cho những người có lòng tốt chia sẻ và làm những việc bác ái theo thời và theo nơi. Lòng bác ái và tình yêu thương thật sự thì không phải là từng lúc, từng thời hay từng nơi. Trái lại, yêu thương được xem là vấn đề rất tế nhị và riêng tư. Vì con người được tạo dựng theo hình ảnh yêu thương của Thiên Chúa, thì những việc bác ái và những sự trợ giúp dành cho người nghèo phải nên là một cách sống.

 

1.4 TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA MẸ TERESA

Trải qua nhiều thế kỷ, đã có nhiều bậc đáng kính đã tận hiến cả cuộc đời để đẩy mạnh, làm thăng tiến nhu cầu trợ giúp người nghèo và thăng hoa việc làm này thành một lối đường thiêng liêng của cuộc sống: những vị đó như Thánh Phanxicô thành Assisi, người mà sau khi tỉnh ngộ từ một cuộc sống chơi bời phóng đãng, đã từ bỏ tất cả những của cải thế gian để sống với và sống giữa người nghèo; những vị đó là Albert Schweitzer, người mà sau khi được nghe Bài trình thuật Tin Mừng của Lazarô và ông giàu có, đã từ bỏ một tương lai sáng lạn của một nghệ sĩ dương cầm trong Viện Âm nhạc Quốc gia Luân-Đôn, để theo học và trở thành một bác sĩ y khoa, sang Châu phi sống như một người nghèo để giúp đỡ người nghèo; và gần đây nhất là Mẹ Teresa, người đã trở thành nhà vô địch của những người nghèo nhất trong những ngưòi nghèo ở Calcutta, Ấn Độ và hiện nay là trên toàn thế giới. Phương thức chăm sóc người nghèo khổ của Mẹ đã được rất nhiều người biết đến. Những công việc bác ái yêu thương của Mẹ đã được bén rễ sâu từ những lời trong Tin mừng Thánh Gioan: “Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể và đã ở giữa chúng ta, và chúng ta đã nhìn thấy vinh quang của Ngài.”[11] Khi suy gẫm đoạn Kinh Thánh này, Mẹ Teresa đã nhìn thấy rõ ràng Chúa Kitô đau khổ đang cải trang trong con người của những nghèo nhất trong những người nghèo. Mẹ đã xác tín rằng khi phục vụ chăm sóc cho người nghèo nhất trong những người nghèo là Mẹ đang đụng chạm vào chính Chúa Kitô cải trang trong những con người đau khổ đó. Được trang bị với niềm xác tín này, Mẹ đã can đảm và không sợ hãi ôm lấy tất cả những người nghèo đói và đau khổ trong xã hội.

 

1.5 KẾT LUẬN

Chương đầu tiên chuẩn bị một cái nhìn lướt qua về tiếng gọi yêu thương bác ái vốn có sẵn trong mỗi con người đã được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh yêu thương của Ngài. Tất cả chúng ta đều có khả năng thương yêu người khác vì Thánh Gioan đã kể cho chúng ta rằng Thiên Chúa là tình yêu. Vậy, tình yêu là điều hết sức tinh tế. Nhưng đáng tiếc là xã hội của chúng ta lại có khuynh hướng làm méo mó và phân ngăn lòng bác ái với những công việc từ thiện theo thời - chẳng hạn như mùa Ban Ơn - và theo nơi - chẳng hạn như nơi xảy ra những thiên tai, bão lụt, v.v.... Bất cứ một công việc bác ái yêu thương nào cũng luôn được đánh giá cao không kể điều đó được làm như thế nào và khi nào. Tuy nhiên, chúng ta được kêu gọi làm nâng dậy và nâng cao lòng thương yêu và việc bác ái của chúng ta như tấm lòng yêu thương và những việc bác ái của Mẹ Teresa. Điều gì đã thúc đẩy và làm cho Mẹ có khả năng yêu thương và phục vụ người nghèo theo cách thức mà Mẹ đã làm ? Chương kế tiếp sẽ khảo sát rõ hơn sự giáo dục và huấn luyện mà Mẹ Teresa đã được hưởng lúc còn thơ ấu - điều đã hun đúc Mẹ trở thành một nữ tu Dòng Đức Bà Loretto - và sự đáp trả của Mẹ đối với ơn gọi trong lòng ơn gọi để trở nên một Thừa Sai Bác Ái, tận hiến cả cuộc đời để phục vụ và yêu thương những người nghèo nhất trong những người nghèo.

Tin liên quan