Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

Danh mục

Linh Đạo Của Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái

Trong công việc làm cho những người nghèo nhất trong những người nghèo, Mẹ Teresa thường tiếp xúc rất nhiều người muốn giúp đỡ cũng như những người cần được giúp đỡ.

Linh Đạo Của Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái

 

 

CHƯƠNG 4

Linh Đạo

Của Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái

 

 

4.1       LỜI GIỚI THIỆU

Trong công việc làm cho những người nghèo nhất trong những người nghèo, Mẹ Teresa thường tiếp xúc rất nhiều người muốn giúp đỡ cũng như những người cần được giúp đỡ. Để có thể gặp gỡ hoặc giữ các mối liên hệ, nhiều người thường in cho mình những  tấm danh thiếp và thường mang chúng theo người để có thể sử dụng mỗi khi cần. Một lần kia, một thương nhân hỏi xin Mẹ Teresa tấm danh thiếp. Nhưng Mẹ chưa bao giờ làm một tấm danh thiếp nào, vì thế Mẹ liền nghĩ ra và cho in những tấm danh thiếp để cho những người mà Mẹ cần liên hệ. Bình thường, những tấm danh thiếp thường có những thông tin như: tên, chức vụ, địa chỉ, số điện thoại, và địa chỉ email. Tấm danh thiếp của Mẹ Teresa chỉ có duy nhất những hàng chữ rất hiếm có như sau :

Kết quả của thinh lặng là cầu nguyện

Kết quả của cầu nguyện là lòng tin.

Kết quả của lòng tin là tình yêu.

Kết quả của tình yêu là phục vụ.

Kết quả của phục vụ là bình an.

Mẹ Teresa

Năm hàng chữ trên tấm danh thiếp của Mẹ Teresa đã nói lên rất rõ mục đích và sứ mạng của Mẹ. Trong cái nhìn của những thương nhân, thì không phải bất cứ thứ gì cũng có thể cho in lên tấm danh thiếp. Nhưng nơi Mẹ Teresa thì khác, tấm danh thiếp của Mẹ cung cấp đầy đủ, hoàn chỉnh những thông tin và cách thế để đạt đến Thiên Chúa, mà không phải là đến với Mẹ. Mẹ hy vọng rằng, qua năm bước này mà Mẹ có thể làm vơi cơn khát của Chúa Kitô trong bản thân những con người cùng khổ nhất trong những người cùng khổ.

4.2         KẾT QUẢ CỦA THINH LẶNG LÀ CẦU NGUYỆN

Mẹ Teresa không có nhiều bí mật; nhưng bất cứ điều bí mật nào Mẹ có thì Mẹ luôn sẵn sàng và tự do chia sẻ cho người khác. “Mẹ sẽ kể cho các con nghe về những bí mật của Mẹ” - Mẹ nói - “Bí mật của Mẹ là một bí mật rất đơn giản: Mẹ cầu nguyện.”[1] Cầu nguyện luôn luôn là một dấu chứng bảo đảm đối với tất cả các thánh. Mẹ Teresa thường thừa nhận thành thật và tha thiết rằng: “Tôi không nghĩ rằng còn có một ai đó đang cần sự trợ giúp và những ân sủng của Thiên Chúa hơn tôi.” Phản ảnh trên con người mảnh dẻ và bé nhỏ của mình, Mẹ thường tự hào khoe rằng Mẹ không thể nào dựa vào sức riêng của Mẹ, dù chỉ là một chút. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa đã sử dụng Mẹ. Mẹ rất tự hào nói rằng Mẹ lệ thuộc vào Thiên Chúa hai mươi bốn tiếng mỗi ngày. Mẹ tiếp tục nói rằng, nếu một ngày có hơn hai mươi bốn giờ thì Mẹ cũng sẽ cần sự trợ giúp của Ngài cho những giờ hơn đó. Mẹ đã khiêm nhường thú nhận rằng: “Không cầu nguyện, Mẹ không thể làm việc được, dù chỉ trong nửa tiếng đồng hồ.” Mẹ nói: “Mẹ đã nhận được sức mạnh từ Thiên Chúa qua việc cầu nguyện.”[2] Mẹ tha thiết yêu cầu các nữ tu cũng như bất cứ ai muốn, hãy bám vào Thiên Chúa qua việc cầu nguyện. Như máu đem lại sự sống cho thân xác thế nào thì cầu nguyện cũng mang lại sự sống cho linh hồn như vậy. Cầu nguyện nuôi dưỡng linh hồn và đưa linh hồn đến gần Chúa hơn. Cũng chính trong cầu nguyện mà con tim chúng ta được tẩy rửa và trở nên tinh tuyền.[3]

Sống trong thế giới đang mỗi ngày một gia tăng những tiếng ồn, Mẹ Teresa thường bắt đầu giờ cầu nguyện của mình trong sự thinh lặng khi Mẹ lắng đọng tâm hồn và tự đặt mình trước Chúa, vì Thiên Chúa luôn hiện diện với chúng ta. Mẹ tin rằng chính trong sự thinh lặng của tâm hồn mà Thiên Chúa lên tiếng nói. Trong khi cầu nguyện, Mẹ tin rằng điều Thiên Chúa nói với chúng ta mới là điều quan trọng, chứ không phải điều chúng ta nói với Ngài. Vì thế chúng ta cần lắng nghe Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể lắng nghe khi chúng ta đã hoàn toàn thinh lặng. Mẹ còn nói rất kỹ lưỡng rằng: “Nếu các con đối diện với Thiên Chúa trong cầu nguyện và thinh lặng, Thiên Chúa sẽ nói với chúng con. Và chúng con sẽ biết rằng chúng con chẳng là gì cả. Chỉ khi chúng con nhận biết sự hư không và trống rỗng của mình, Thiên Chúa mới đong đầy trái tim các con bằng chính Ngài.”[4] Trong thinh lặng, một nguồn hiệp nhất và năng lượng mới sẽ được hình thành. Và vì tâm hồn chúng ta thường đầy dẫy những sự thế gian, chúng ta không thể nghe được tiếng nói của Thiên Chúa. Nhưng một khi chúng ta học được cách lắng đọng bản thân, thì tâm hồn chúng ta sẽ ngập tràn Thiên Chúa. Để đạt được sự thinh lặng bên trong thật sự, Mẹ Teresa đề nghị chúng ta hãy thực hành những luyện tập thiêng liêng sau: thinh lặng của mắt bằng cách tìm kiếm vẻ đẹp và lòng nhân ái trong các tạo vật của Thiên Chúa; thinh lặng của đôi tai bằng cách chỉ lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa và tiếng khóc than ai oán của những người khốn cùng và bất hạnh; thinh lặng của lưỡi bằng cách ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta biết và nếm hưởng sự bình an, niềm hy vọng và lòng thương yêu; thinh lặng trong trí bằng cách suy gẫm sự thật và những mặc khải về Thiên Chúa đã được Kinh Thánh bày tỏ; thinh lặng trong trái tim bằng cách yêu mến Thiên Chúa như Ngài đã yêu thương chúng ta với tất cả trái tim, tâm lòng, linh hồn và sức lực.[5]

4.3         KẾT QUẢ CỦA CẦU NGUYỆN LÀ ĐỨC TIN

Qua đời sống cầu nguyện sốt mến của Mẹ, Mẹ Teresa đã nhìn thấy rõ ràng Thiên Chúa trong các tạo vật của Ngài như trong thiên nhiên và đặc biệt là trong con người. Mẹ thú nhận rằng: “Không có một giây phút nào Mẹ nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng Mẹ biết có những người đã nghi ngờ.”[6] Mẹ đề nghị chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu sử dụng chúng ta mà không cần hỏi ý kiến chúng ta. Chúng ta thuộc về Chúa Giêsu, vì thế, chúng ta hãy để cho Ngài lấy những gì Ngài muốn. Lòng tin nồng cháy này đã cho phép Mẹ Teresa sống một cách hết sức vô tư, và điều đó phản ánh sứ mạng của Mẹ. Mục đích duy nhất của Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ là giúp đỡ những người nghèo nhất trong những người nghèo - những người mà Mẹ luôn thấy Đức Kitô đang cải trang trong họ. Mẹ không chấp nhận được trả công cho bất cứ công việc nào của Mẹ, dù chỉ là một rúp-pi. Mọi sự Mẹ làm là cho Chúa Giêsu. Mẹ tin rằng, nếu Chúa Giêsu muốn chúng ta làm điều gì đó cho Ngài, Ngài sẽ ban phương tiện cho chúng ta thi hành. Nếu Ngài không cung cấp phương tiện, điều đó có nghĩa là Ngài không muốn chúng ta làm việc đó. Thật là một lòng tin đơn sơ tuyệt vời như trẻ thơ.[7]

Mẹ Teresa còn nói rằng, Thiên Chúa luôn ở cùng Hội thánh. Hội thánh ban hành những sứ mạng trong con người linh mục và các bí tích nuôi dưỡng, đem lại sức mạnh cho Hội thánh chu toàn sứ mạng. Mẹ khẳng định rằng, Hội thánh là gia đình rộng lớn của chúng ta. Trong gia đình Thừa Sai Bác Ái, Đức Kitô là gia trưởng, và Ngài là người quyết định tất cả. Giáo hội của Đức Kitô chỉ là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy cho đến muôn đời. Bằng việc trung thành với Thiên Chúa và Giáo hội, và việc sống đời sống Kitô hữu, mà chúng ta lớn dần lên trong đức tin. Có rất nhiều vị thánh đã đi trước chúng ta và gương sáng của các Ngài đã được kể lại cho chúng ta để chúng ta noi gương bắt chước. Nhưng Mẹ Teresa thì luôn thích những vị thánh có tâm hồn đơn sơ, chẳng hạn Thánh Theresa đệ Lisieux - bông hoa nhỏ của Chúa Giêsu. Mẹ đã chọn Thánh nữ làm thánh bổn mạng vì Thánh nữ đã biết biến đổi những công việc bình thường bằng một tình yêu phi thường. Một cách khác để lớn lên trong đức tin là việc học hỏi Kinh Thánh. Vì như Thánh Jêrôme đã nói : “Không biết gì về Kinh Thánh là không biết gì về Thiên Chúa.”[8]

4.4         KẾT QUẢ CỦA ĐỨC TIN LÀ TÌNH YÊU

Xuyên qua cảm hứng mà Mẹ Teresa đã nhận được trên chuyến xe lửa, Chúa Giêsu đã ban cho Mẹ một sứ mạng bác ái; và với lòng bác ái này, Mẹ và Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ sẽ làm cho tình yêu thương của Chúa Giêsu được mọi người biết đến. Bằng cách trở nên nghèo khó, các nữ tu sẽ làm cho người nghèo trở nên giàu có cùng với lời hứa sự sống đời đời.[9] Mẹ Teresa có một cách làm đơn giản hoá những sự việc phức tạp nhất. Mẹ nói: “Mọi sự đều tuỳ thuộc ở chỗ chúng ta yêu thương nhau thế nào.”[10] Tình yêu hệ tại ở lòng nhiệt tâm thiêng liêng và thánh thiện. Tình yêu là điều làm cho cuộc đời trở nên đáng sống. Mẹ đã từng nhắc nhở các nữ tu của Mẹ: “Vào giờ chết của chúng ta, chúng ta sẽ không bị xét xử xem chúng ta đã lái xe hơi loại nào, chúng ta đã làm được bao nhiêu tiền, hoặc chúng ta đã học được bao nhiêu bằng cấp. Trong giờ chết của chúng ta, chúng ta sẽ bị xét xử trên đức ái - trên cách thức chúng ta biểu lộ lòng thương yêu của chúng ta trong việc làm.”[11] Mẹ Teresa hay kể những câu chuyện để nhấn mạnh điều Mẹ muốn nói. Cộng đoàn thừa sai đầu tiên của Hội dòng Mẹ ở ngoài nước Ấn Độ là ở tại Venezula. Thực ra, Mẹ đã không hỏi xin điều này, nhưng mảnh đất đó là do một gia đình giàu có ở Cocorote (Nam Mỹ) cho Mẹ để Mẹ xây một viện mồ côi cho trẻ em. Vào một dịp Mẹ viếng thăm Nam Mỹ, Mẹ đã đến thăm và cám ơn gia đình này. Trong suốt cuộc viếng thăm, Mẹ đã để ý thấy đứa con trai đầu lòng của họ bị bại liệt rất nặng. Và Mẹ đã hỏi xem tên của em là gì. Mẹ đứa trẻ trả lời rằng tên của em là “Professor of love” nghĩa là “Thầy dạy của tình thương”. Và bà đã giải thích rằng đứa con tật nguyền này đã không ngừng dạy cho họ cách biểu lộ tình yêu thương bằng hành động.[12]

Trong công việc giúp đỡ người nghèo, Mẹ Teresa đã chứng kiến và đã từng nếm trải những khốn khổ trong những hoàn cảnh bi đát nhất. Tuy nhiên, điều đó vẫn không ngăn cản Mẹ nhìn thấy một hình thức nghèo nàn khác của các nước phương Tây. Khi Mẹ nhìn về các nước phương Tây, Mẹ không thấy những cao ốc chọc trời hay những chiếc xe hơi sang trọng; Mẹ cũng không thấy sự phát triển của nền khoa học kỹ thuật hay là sự giàu có thịnh vượng; thay vào đó, Mẹ đã thấy một cái gì đó mà con mắt bình thường không thấy được. Mẹ đã nhìn thấy sự nghèo nàn của đời sống tinh thần đang lan tràn tại các nước này. Chúng ta thường bị ngạt thở vì những mơ ước được sở hữu của cải, vì lòng yêu thích tiền bạc và những gì mà tiền bạc mang lại. Mẹ Teresa kết luận rằng căn bệnh nguy hiểm nhất của các nước phương Tây ngày nay không phải là bệnh phong cùi hay bệnh HIV/AIDS, nhưng là căn bệnh cảm thấy bị bỏ rơi, không được ai yêu thương và chăm sóc. Những bệnh về thể lý thì có thể được chữa trị bằng thuốc và đơn toa của bác sĩ, nhưng phương pháp và toa thuốc duy nhất có thể chữa trị căn bệnh cô đơn, thất vọng và tuyệt vọng chính là tình yêu thương. Thực vậy, hiện nay có nhiều người nghèo trên thế giới đang chết vì đói khát một mẩu bánh mì, một ly nước lạnh; nhưng cũng có rất nhiều người phương Tây đang chết vì thiếu vắng tình yêu thương. Vì thế, sự nghèo khổ của các nước phương Tây là một sự nghèo khổ khác biệt. Đó là sự nghèo đói về tinh thần - một cơn đói khát tình yêu và đói khát Thiên Chúa dữ dội.[13]

Những nhu cầu thuộc về tinh thần chỉ có thể được gặp gỡ bởi những con người cầu nguyện và có một đời sống nội tâm sâu xa. Mẹ Teresa vẫn biết rằng có quá nhiều đau khổ trong thế giới này. Những đau khổ về vật chất là những đau khổ vì thiếu thức ăn, chỗ ở, và bệnh tật. Nhưng Mẹ vẫn tin rằng đau khổ lớn nhất của con người là sự cô đơn, là cảm giác không được yêu thương, hoặc đơn giản chỉ là không có ai đồng hành trong cuộc sống. Mẹ Teresa đã đi đến kết luận rằng: không được ai biết đến và không được ai yêu thương là căn bệnh khủng khiếp nhất mà bất cứ ai cũng có thể trải qua. Nhu cầu này cần được gặp gỡ bởi những con người có đời sống nội tâm sâu xa. Trước khi rời nhà để đi làm việc tông đồ, những Thừa Sai Bác Ái thường bắt đầu một ngày mới với lời cầu nguyện trong Sách nguyện của cộng đoàn như sau:

“ Lạy Chúa giàu lòng thương xót, con quỳ lạy trước mặt Chúa, vì tất cả những gì là quí báu đều thuộc về Chúa. Con nài xin Chúa cho đôi tay con được nhanh nhẹn, tâm trí con minh mẫn, và lòng con tràn đầy tình yêu thương và khiêm tốn. Xin hãy ban cho con tấm lòng đơn sơ trong mục đích, và sức mạnh để chia sẻ và nâng đỡ gánh nặng cho những người cùng khổ xung quanh con; và cảm nhận hồng ân Chúa đã dành cho con. Xin hãy cất khỏi lòng con tất cả những bội bạc và gian dối của trần gian, để với đức tin trong trắng của trẻ nhỏ, con sẽ luôn trông cậy nơi Chúa.”[14]
 

4.5         KẾT QUẢ CỦA TÌNH YÊU LÀ PHỤC VỤ

Đối với những người thường hiểu lầm công việc của Mẹ chỉ là những công việc phục vụ xã hội, Mẹ Teresa thường dành thời gian để phân tích rõ ràng công việc của Mẹ và công việc của những nhân viên xã hội. Mẹ lặp đi lặp lại rằng: “Chúng tôi không phải là những nhân viên xã hội. Trong mắt của một số người, có thể chúng tôi đang làm những công việc xã hội, nhưng thực ra chúng tôi làm điều đó cho Chúa Giêsu.”[15] Đối với Mẹ Teresa, việc phục vụ người nghèo là kết quả của tình yêu được diễn tả qua hành động, và tình yêu trong việc làm này chỉ có thể thực hiện được qua cầu nguyện. Mẹ đã kể lại dịp Chúa đã mời gọi Mẹ làm một Thừa Sai Bác Ái như sau : “Mẹ đã không thể là một Thừa Sai Bác Ái nếu lúc đó Mẹ đi băng qua khi nhìn thấy và ngửi thấy mùi hôi thối của một người phụ nữ đã bị chuột gặm trên mặt và hai chân. Nhưng Mẹ đã quay lại, nâng bà ấy dậy và đưa đến bệnh viện. Nếu Mẹ đã không làm việc đó, Hội dòng có lẽ đã không còn tồn tại. Những cảm giác ghê tởm là điều thuộc con người tự nhiên, nhưng nếu Mẹ nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Giêsu đang cải trang trong con người cùng khốn nhất, lúc đó Mẹ sẽ trở nên thánh thiện.”[16]

Để thấy rõ hơn nữa kết quả của tình yêu được diễn tả trong việc phục vụ, chúng ta cũng nên biết đến hương vị ngọt ngào những công việc của các Thừa Sai Bác Ái. Trong khuôn khổ công tác tông đồ, các nữ tu thường dạy các lớp giáo lý ngày Chúa Nhật, hướng dẫn những nhóm tìm hiểu Kinh thánh, thăm viếng các bệnh viện, chăm sóc các bệnh nhân tại tư gia và trong nhà tù. Trong việc chăm sóc về phương diện y khoa, các nữ tu lo tìm các bệnh viện cho các bệnh nhân HIV/AIDS, tìm nhà trú ngụ cho các trẻ em bị bỏ rơi, cho những người đau yếu và hấp hối. Trong công tác giáo dục, các nữ tu thường dạy các lớp tiểu học tại các khu nhà ổ chuột. Họ cùng dạy cho các thanh thiếu nữ các nghề như: may, bán hàng, và các nghề thủ công khác. Tất cả những việc đó được làm để hưởng ứng lời xét xử muôn dân của Chúa Kitô :

“ Khi Con Người đến trong vinh quang của Ngài cùng với tất cả các thiên thần, Ngài sẽ ngự trên ngai vinh quang, và các dân tộc sẽ tập hợp lại trước nhan Ngài. Và Ngài sẽ chia tách người này với người kia, như người mục tử tách chiên ra khỏi dê. Ông sẽ đặt chiên ở bên phải mình, còn dê ở bên trái. Sau đó, Vua sẽ nói với những người ở bên phải rằng, ‘Hãy đến, hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Nước Trời đã đuợc chuẩn bị cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì khi Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau ốm, các ngươi đã săn sóc; Ta bị ở tù, các ngươi đã đến viếng thăm Ta.’  Lúc đó, những người bên phải sẽ nói với Ngài rằng: ‘Lạy Chúa, có khi nào chúng con thấy Chúa là khách lạ mà tiếp đón, trần truồng mà cho áo mặc ? Có khi nào chúng con thấy Chúa ốm đau hay ở tù mà thăm viếng Chúa đâu ?’ Và Đức Vua sẽ trả lời họ rằng: ‘Quả thật, Ta nói với các ngươi, bất cứ điều gì các ngươi làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất là anh em của Ta đây, là các ngươi đã làm điều ấy cho chính Ta.’ ”[17]

Mẹ Teresa đã nhắc nhở các nữ tu của Mẹ rằng khi họ tận tình giúp đỡ Chúa Kitô trong người nghèo, thì không phải họ đang biểu diễn một dịch vụ xã hội. Thay vào, họ đang làm điều đó như những nhà chiêm niệm trong thế giới. Không phải mọi người đều đồng ý với cách thức giúp đỡ người nghèo của Mẹ và các nữ tu. Khi một ai đó nói với Mẹ rằng điều mà các nữ tu của Mẹ đang làm thì thật là không đáng, rằng họ đã giới hạn bản thân vào những việc quá tầm thường, Mẹ Teresa thường trả lời đơn giản rằng, nếu các nữ tu của Mẹ chỉ giúp đỡ cho một người thôi thì cũng đã đủ lý do biện minh cho công việc của họ rồi.[18] Một trong những câu trả lời ưa thích và nổi tiếng của Mẹ, thường được các thừa sai ngày nay trích dẫn đó là: “Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta phải thành công. Ngài đòi hỏi chúng ta trung thành. Khi đối diện với Thiên Chúa, kết quả không quan trọng. Lòng trung thành mới là điều quan trọng.”[19]

4.6         KẾT QUẢ CỦA PHỤC VỤ LÀ BÌNH AN

Bình an là điều mà Chúa Giêsu ban tặng các tông đồ trong ngày Lễ Phục Sinh đầu tiên. Chúng ta cũng là những người đã nhận sự bình an này bởi Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta trong ngày lãnh Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Sự bình an của Chúa Giêsu thì không giống như bình an của thế giới này. Bình an của Đức Kitô không phải là không có chiến tranh và những cuộc xung đột, nhưng là sự bình an chỉ có thể được ban tặng bởi Đức Kitô. Ngày nay, những nhà cầm quyền trên thế giới đã phải tốn hàng trăm tỷ đô-la mỗi năm để có được và duy trì một nền hoà bình nhất thời; tuy nhiên điều đó cũng trở thành vô hiệu, vì chiến tranh và xung đột vẫn lan tràn khắp nơi trên thế giới. Mẹ Teresa không theo đuổi thứ bình an của thế giới này, nhưng là sự bình an mà chính Đức Kitô đã tặng ban cho loài người. Mẹ tin rằng những công việc được thực hiện vì tình yêu thực sự là những công việc của hoà bình. Khi tình yêu được chia sẻ cho người khác, ở đó có ý thức hoà bình giữa con người. Ở đâu có bình an, ở đó có Thiên Chúa. Bình an là cách thức mà Thiên Chúa chạm đến cuộc sống của chúng ta và bày tỏ cho chúng ta tình yêu thương của Ngài bằng cách rót vào tâm hồn chúng ta sự bình an và niềm vui.[20]

Theo Mẹ Teresa, bình an là một quyền lợi tự nhiên được sinh ra cùng với hạnh phúc. Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta cho mục đích hạnh phúc thực sự này. Hạnh phúc và bình an chỉ có thể tìm thấy trong Thiên Chúa. Về đề tài hoà bình này, Mẹ Teresa đã mượn một cách khéo léo lời kinh rất nổi tiếng của Thánh Phanxicô đệ Assisi - Xin hãy làm cho con nên Khí cụ bình an của Chúa:

Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem tin cậy vào nơi nghi nan, đem ánh sáng vào chốn tối tăm, đem niềm vui vào nơi u sầu. Ôi, lạy Thầy dạy con, xin hãy dạy con tìm an ủi người khác hơn được người khác ủi an; biết tìm hiểu biết người hơn được người khác hiểu biết; biết tìm yêu mến người hơn được người khác mến yêu. Vì chính khi con hiến thân là khi con được nhận lãnh; chính lúc con tha thứ cho người là khi con được Chúa thứ tha; chính lúc con chết đi là khi con được tái sinh trong cuộc sống đời đời.

Mẹ Teresa thường phản ánh rằng các công việc bác ái của Mẹ chỉ đơn thuần là những công việc của hoà bình. Mẹ tiếp tục thảo luận rất tỉ mỉ lời nói của Chúa vào ngày phán xét các dân nước trong Tin Mừng Thánh Matthêu ; “Ta đói” ở đây, không phải Chúa Giêsu đói cơm bánh nhưng la đói sự an bình đến từ tâm hồn trong sạch. “Ta khát” Chúa Giêsu không chỉ cần nước để làm giảm vơi cơn khát thể chất, nhưng Ngài khát sự bình an làm thoả mãn cơn khát tình yêu nồng cháy của Ngài. “Ta trần truồng” Chúa Giêsu không chỉ nói về nhu cầu quần áo mà còn nói về nhân phẩm cao quý của con người. “Ta không có nhà cửa” Chúa Giêsu không chỉ cậy nhờ đến những căn nhà xây dựng bằng gạch và đá nhưng là những tâm hồn biết quan tâm và chăm sóc người khác bằng những cử chỉ yêu thương.[21] Mẹ Teresa đã kết luận với sứ điệp hoà bình sau cùng, đó là chúng ta hãy yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương từng người chúng ta. Chúa Giêsu đã đến rao giảng cho chúng ta tin mừng rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, rằng Ngài muốn chúng ta cũng hãy mến thương nhau. Khi còn tại thế, Ngài đã đi khắp nơi chữa lành và nuôi ăn những kẻ bệnh hoạn, đau khổ và đói khát. Chúng ta cũng phải noi gương của Ngài để chăm sóc và giúp đỡ những người nghèo và những người kém may mắn ở ngay giữa chúng ta. Như thế thì thật tràn đầy hy vọng khi đến giờ chúng ta từ biệt thế gian và đi về nhà Chúa, thật là tuyệt khi được nghe Chúa nói với chúng ta: “Hãy đến và lãnh lấy Nước Thiên Đàng đã được chuẩn bị cho con, vì khi Ta đói, con đã cho Ta ăn; Ta trần truồng, con đã cho Ta áo mặc; Ta đau yếu thì con đã viếng thăm Ta. Bất cứ điều gì con đã làm cho một trong những kẻ bé mọn là anh em của Ta đây, là con đã làm cho chính Ta.”[22]

4.7         MẸ TERESA YÊU MẾN THÁNH LỄ VÀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Được lớn lên trong một gia đình công giáo đạo đức, Mẹ Teresa đã được dạy dỗ rất chu đáo về giáo lý của Hội thánh, về lòng yêu mến Thánh lễ và lòng sùng mộ Bí tích Thánh Thể. Đối với Mẹ Teresa lòng tin yêu và trung thành với Chúa Kitô chỉ có thể là qua Giáo hội, qua những lời dạy bảo và sự phân phát ân sủng từ nơi bàn thờ của Bí tích Thánh Thể. Cả ba Phúc âm Nhất Lãm đã thuật lại biến cố của Bữa Ăn Cuối Cùng. Chúa Giêsu đã chọn vào dịp Lễ Vượt Qua để trao ban cho các môn đệ Mình và Máu cực thánh của Ngài.

   “Khi giờ đã đến, Ngài vào bàn ăn, và các tông đồ cùng ngồi với Ngài. Ngài nói với họ: ‘Thầy những khát khao mong mỏi ăn Lễ Vượt Qua này với các con trước khi Thầy chịu khổ hình. Thầy bảo thật các con, Thầy sẽ không còn ăn Lễ này nữa cho đến khi hoàn tất nước Thiên Chúa.’ Sau đó, Ngài cầm lấy chén, dâng lời chúc tụng và tạ ơn, rồi nói: ‘Các con hãy cầm lấy mà chia nhau; Thầy bảo thật các con, từ nay, Thầy sẽ không còn uống sản phẩm của cây nho này nữa cho đến khi triều đại của Thiên Chúa ngự đến.’ Sau đó, Ngài cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra rồi trao cho các môn đệ mà nói: ‘Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con. Các con hãy làm việc này, mà nhớ đến Thầy.’ Cùng một thể thức ấy, sau khi ăn, Ngài cầm lấy chén, cũng tạ ơn, trao cho các môn đệ mà nói: ‘Này là chén máu Thầy, máu của giao ước mới, sẽ đổ ra vì anh em.”’[23]

Vì thế, mỗi ngày Mẹ và các nữ tu của Mẹ đều gặp gỡ Chúa Giêsu; trước hết trong Thánh Lễ - nơi mà họ kín múc chất bổ dưỡng và sức mạnh cho ngày sống và cho những công việc của họ; sau đó, họ gặp gỡ Chúa Giêsu trong những người đau khổ và cùng khốn mà họ đang chăm sóc. Đối với Mẹ Teresa và các nữ tu, một ngày sống của họ thường bắt đầu với lời kinh và việc nguyện gẫm lúc 4:30 ban sáng, sau đó là Thánh lễ. Mẹ Teresa thường cho rằng nguồn sức mạnh giúp các thừa sai làm những công việc của mình, đó là sự cống hiến bản thân cho Đức Kitô với một trái tim thanh khiết, không chia sẻ, qua sự tự nguyện hoàn hảo tuân giữ đức khó nghèo, trong đức vâng phục quên mình, và trong việc phục vụ vô vị lợi cho những người nghèo nhất trong những người nghèo, và yêu mến Chúa Thánh Thể. Mẹ thường tiên đoán một cách tự tin rằng: “Tôi xác tín rằng bao lâu các nữ tu còn trung thành giữ sự khó nghèo cách triệt để và giữ lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, cũng như trung thành trong việc phục vụ người nghèo khó, thì bấy lâu Hội dòng sẽ không gặp bất cứ nguy hiểm nào.”[24]

Theo Mẹ Teresa, đạo Công giáo vẫn luôn luôn là một tôn giáo của Thiên Chúa ẩn mình nơi con người. Dung mạo của Ngài là dung mạo của những tha nhân sống xung quanh chúng ta. Ngài đã mặc khải chính Ngài nơi con người và trong những sự việc hết sức khiêm nhường, như: một ly nước cho người đang khát, một miếng bánh cho người đang đói. Những người theo đạo Công giáo tin rằng bằng Mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Kitô đã mãi mãi kết thân chính Ngài với từng con người đã từng hiện hữu, đang hiện hữu và sẽ hiện hữu trong thế giới này. Mẹ tiếp tục phản ánh trên chương sách rất cởi mở và rất đẹp của cuốn Tin Mừng thứ Tư: “Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và đã cư ngụ giữa chúng ta, tràn đầy ân sủng và sự thật.”(Ga 1,14) Câu chuyện Kitô giáo là một lời giới thiệu đơn giản nhưng bất tận của quá trình Ngôi Lời trở thành nhục thể và đang sống giữa chúng ta cách sống động và đáng yêu.[25] Để đưa điều này vào thời hạn thực tiễn, Chúa Giêsu đã hiện diện trong từng con người mà chúng ta gặp gỡ mỗi ngày, bất luận già hay trẻ, giàu hay nghèo. Tuy nhiên, nơi những người nghèo, sự hiện diện của Chúa Giêsu đặc biệt hơn. Mình Thánh là Bí tích mặc khải cho chúng ta về sự hiện diện rõ ràng minh bạch nhất của Đức Kitô. Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta chính cuộc sống của Ngài qua hiến lễ hy sinh cao cả nhất. Chính ở nơi đây, Ngài tỏ cho chúng ta thấy lòng yêu thương vô bờ bến của Ngài. Nơi người nghèo, Chúa Giêsu vẫn chờ đợi chúng ta trao ban cuộc sống của chúng ta cho Ngài, và tỏ cho Ngài xem chúng ta đã yêu thương Ngài như thế nào. Mẹ Teresa giải thích rằng có một sự liên kết phức tạp giữa sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể và sự hiện diện của Ngài nơi bản thân những người nghèo : “Khi rước lễ, chúng ta đón nhận Chúa Kitô trong hình Bánh; khi làm việc, chúng ta lại tìm thấy Ngài trong thân xác gồm cả thịt và máu.[26] Nhưng chỉ có một và cũng một Đức Kitô nơi bàn thờ cung kính và nơi bản thân của những người nghèo trong các khu nhà ổ chuột.”

Trải qua nhiều thế kỷ, đã có vô số những vị thánh đã đi trước chúng ta và đã thuật lại cho chúng ta những phép lạ về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể, cũng như mầu nhiệm về sự hiện diện của Ngài nơi người nghèo. Tuy nhiên, không phải vị thánh nào cũng được diễm phúc nhận biết cả hai mầu nhiệm này. Nhưng Mẹ Teresa, với cách thức đơn giản và khiêm tốn, Mẹ đã được nhận biết cả hai điều này: “Đối với Mẹ, sự thất bại của chúng ta khi không nhìn thấy Đức Kitô nơi một người hành khất là dấu cho thấy rằng chúng ta đã đánh mất khả năng tìm thấy Ngài nơi Phép Thánh Thể... Ngài đã đến trong thân phận chịu sự mục nát của người nghèo... Chúa Giêsu đã đến với bạn và với tôi. Nhưng rất  thường khi, chúng ta làm lơ và bỏ qua Ngài.”[27] Ngay từ lúc ban đầu, Thánh Thể đã được dùng cho những ý định sau: trước hết, là để tạo nên tình thân hữu giữa Thiên Chúa và dân của Ngài; thứ đến, là để tạo lập sự hiệp nhất trong Thân Thể Đức Kitô qua việc chia sẻ và trao tặng với nhau giữa người giàu và người nghèo. Mẹ Teresa cùng muốn chúng ta nhận thức rõ về mục đích nguyên thuỷ của Phép Thánh Thể để bắt đầu sống Thánh lễ, để thấy Thánh Thể như Bí tích Tình Yêu giữa Đấng Tạo Hoá và các tạo vật của Ngài, và rồi chia sẻ cuộc sống của chúng ta cho người khác và nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bánh Thánh, trong người nghèo và những người đau khổ ngoài đường phố.[28]

Mẹ Teresa đã nhấn mạnh vào sự mộ mến Mình Thánh Chúa bởi vì Chúa Giêsu cư ngụ trong hình Bánh và hình Rượu để gặp gỡ và làm thoả mãn mơ ước và tình yêu của chúng ta đối với Ngài. Đó là lý do tại sao Mẹ Teresa và các nữ tu của Mẹ cần được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể. Họ thường bắt đầu một ngày với Thánh lễ Misa và việc Hiệp lễ. Khi chiều về, sau khi đã phục vụ và chăm sóc Chúa Giêsu trong những người nghèo, họ thường kết thúc ngày sống bằng một giờ chầu Thánh Thể, là nơi liên kết họ với Chúa Giêsu và với người nghèo mà họ phục vụ. Đây chính là điều làm cho họ trở thành những nữ tu chiêm niệm giữa lòng thế giới, vì thực sự họ đã sống hai mươi bốn giờ trước sự hiện diện của Chúa Giêsu: trong Thánh lễ, trong những người đói khát, kẻ trần truồng, người vô gia cư, trong những người cô đơn không được ai biết đến và cũng chẳng được ai yêu thương.[29] Đời sống chiêm niệm phải chứa đựng những đặc tính sau: “Phải là những thừa sai: qua việc đi tìm kiếm các linh hồn ở khắp nơi - bằng đời sống cầu nguyện hay bằng những hành động cụ thể; phải là những nhà chiêm niệm: qua việc thu họp cả thế giới vào tâm lòng chúng ta là nơi Thiên Chúa ngự trị và chờ đợi; phải thuộc về tất cả thế giới: qua việc cầu nguyện và chiêm niệm với tất cả tạo vật và cho tất cả, đặc biệt là cầu nguyện và chiêm niệm cho tinh thần của những người nghèo nhất trong những người nghèo.”[30]

4.8         MẸ TERESA MƠ ƯỚC LÀM THOẢ MÃN TIẾNG KÊU KHÁT CỦA CHÚA KITÔ : “ TA KHÁT”

Chúa Giêsu, trong tình yêu thẳm sâu và lòng khao khát  cứu độ chúng ta, đã sẵn lòng chịu đau khổ nhục nhằn trên Thập giá. Khi bị treo lơ lửng giữa trời và đất, cùng chịu cơn hấp hối trên Thập tự, Ngài đã thốt ra bảy lời nói sau cùng. “Ta khát”[31] đã được xem như một trong bảy lời trối sau cùng của Chúa Giêsu khi Ngài sắp thở hơi cuối cùng trên Thập giá. Đối với người không có đức tin, họ thường hiểu lầm rằng đây là một tiếng kêu than khát nước đối với một người đã mất quá nhiều máu và thường bị thiếu nước. Một người đang khát thì tự nhiên muốn có nước uống. Nhưng, với những người có lòng tin, lời nói này chứa đựng một ý nghĩa rất sâu xa. Đức Tổng Giám mục Fulton Sheen đã trình bày về lời nói này một cách hùng hồn rằng: “Vào lúc mà Đấng Cứu Độ chúng ta tóm kết lại bài giảng của Ngài, thì không phải là một lời nguyền rủa trên những kẻ đóng đinh Ngài, không phải là một lời trách mắng các môn đệ nhát đảm đang đứng lẫn lộn với đám người vây quanh, cũng không một tiếng kêu khinh miệt với đám lính Rôma, không một lời mang lại niềm hy vọng cho Mađêlêna, không một lời yêu thương cho Gioan, cũng chẳng có một lời giã từ với người mẹ rất thương mến của Ngài. Thậm chí cũng không một lời nói với Thiên Chúa trong giờ phút ấy ! Vượt khỏi sự sâu thẳm của Trái Tim rất thánh, đã vọt ra qua đôi môi nứt nẻ của Ngài một lời đáng tôn kính: ‘Ta khát !’[32] - Chúa Kitô, Đấng đã chết vì yêu thương trên Thập giá, đã rút cạn chính Ngài. Không còn điều gì hơn mà Ngài đã không làm vì yêu thương. Khi đã đổ hết nước tình yêu vô tận của mình, Chúa Giêsu đã la lên vì khát tình yêu của chúng ta !”

Khi Mẹ Teresa đọc được những lời này trong Tin mừng Thánh Gioan, Mẹ hiểu rằng Chúa Giêsu đang khát đến nứt nẻ trong con người của những người nghèo. Mẹ cảm thấy nhu cầu làm thoả mãn cơn khát của Chúa Giêsu. Mẹ đã thừa nhận chắc chắn rằng lời nói này của Chúa Giêsu đã chỉ rõ sứ mạng của Mẹ. Mẹ thường dùng lời: “ Ta khát”  như là một tiếng la tranh đấu cho sự huấn luyện và sự tồn tại của Dòng Thừa Sai Bác Ái khi Mẹ nói: “Đối với tôi đã quá rõ ràng: mọi thứ trong Hội dòng Thừa Sai Bác Ái chỉ tồn tại để làm thoả mãn Chúa Giêsu.”[33] Trong mọi nhà nguyện mà các Thừa Sai Bác Ái cầu nguyện và thờ lạy, một trong các bức tường của nhà nguyện được treo tấm bảng viết tiếng kêu của Thiên Chúa: “Ta khát”. “Ở Yemen, viết ‘Ta khát’ bằng tiếng Anh và tiếng Ả Rập; ở Gaza, ‘Ta khát’ bằng tiếng Anh và tiếng Do Thái; ở Rôma, ‘Ta khát’ bằng tiếng Anh và tiếng Ý; Trong mọi nhà của các cộng đoàn chúng tôi, khi bạn đi vào nhà nguyện, bạn sẽ nhìn thấy chữ ‘Ta khát’. Đó là tiếng kêu của Chúa Giêsu. Chúng tôi hiện diện là để an ủi Chúa Giêsu, để làm vơi cơn khát tình yêu của Ngài. Đó chính là vai trò và mục đích của chúng tôi.”[34]

4.9         KẾT LUẬN

Những công việc mà Dòng Thừa Sai Bác Ái đang thực hiện để làm thoả mãn cơn khát của Chúa Giêsu là chúc thư trực tiếp đối với Linh Đạo của Mẹ Teresa: thinh lặng, cầu nguyện, tin tưởng, yêu thương, phục vụ và bình an. Sự hiểu biết sâu xa về Linh đạo đã dẫn Mẹ đến sự nhận biết rõ ràng sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể và trong người nghèo. Điều này đã làm cho Mẹ có khả năng ôm lấy những con người cùng khốn nhất mà hầu hết chúng ta thường xa tránh và cảm thấy ghê tởm. Mặc dù với tất cả những việc phục vụ tuyệt vời nhất mà Mẹ đã hiến dâng cho những con người bất hạnh, Mẹ vẫn cảm thấy tình yêu của Mẹ thật chẳng là gì khi so với tình yêu mà Chúa đã dành cho Mẹ. Tâm tình này của Mẹ đã được phản ánh trong một bài hát cầu nguyện mà Mẹ rất yêu thích, đó là bài Chỉ Là Cái Bóng:

Lạy Chúa, tình yêu mà con dành cho Chúa

Chỉ là một cái bóng của tình yêu mà Chúa dành cho con,

một tình yêu sâu lắng và vĩnh cửu.

Niềm tin tưởng của con ở nơi Ngài, Lạy Chúa

chỉ là một cái bóng của sự tín nhiệm mà Chúa đặt nơi con,

một sự tín nhiệm sâu xa và chân chật.

Cuộc sống của con là ở trong tay Ngài.

Chúa ơi, tình yêu mà con dành cho Chúa sẽ lớn lên.

Ánh sáng của Chúa  trong con sẽ chiếu toả.

Lạy Thiên Chúa của con, giấc mơ con có ngày hôm nay,

cũng chỉ là một bóng mờ trong giấc mơ của Chúa về con,

nếu như con chỉ đi theo một mình Ngài.

Niềm vui con cảm nhận ngày hôm nay, lạy Chúa,

chỉ là một bóng mờ so với niềm vui của Chúa đối với con.

Tất cả của con chỉ là một cái bóng trong mọi sự

trong ngày con được tận mắt nhìn thấy Chúa.[35]

Nỗi xúc động về nhu cầu đáp trả tình yêu Thiên Chúa đã làm Mẹ gia tăng mơ ước làm giảm vơi cơn khát của Chúa Kitô. Ý định làm vơi cơn khát của Chúa Kitô nơi Mẹ có lẽ đã bắt đầu ở Calcutta, nhưng mơ ước đó đã tràn qua Calcutta để đến với các quốc gia khác trên khắp thế giới. Chương kế tiếp sẽ trình thuật cách sáng sủa về sự hiện diện của Mẹ Teresa tại Việt Nam.

Tin liên quan