Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

CHIA SẺ

SUY NIỆM NĂM SỰ VUI

 

 

Tháng Mân Côi


NĂM SỰ VUI : Chiếc phao cứu độ linh hồn.

Sưu tầm

1. Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai, ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

Năm sự Vui kinh Mân Côi nhắc nhở chúng ta suy niệm đến tình yêu của Thiên Chúa đã dành cho nhân loại khi Ngài tuyên án con rắn –đại biểu cho ma quỷ và sự dữ- rằng: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn gót nó”. Và lời hứa này đã thực hiện nơi Đức Mẹ Maria –người nữ sẽ đạp đầu con rắn- bởi lòng khiêm tốn vâng phục thánh ý của Thiên Chúa trong ngày Mẹ được sứ thần truyền tin.

Năm sự Vui kinh Mân Côi được bắt đầu từ mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng Đức Mẹ Maria bởi hai tiếng “Xin Vâng” của Mẹ, hai tiếng Xin Vâng này đã làm cho đất trời bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của cứu độ, ân sủng và hoà bình mà muôn dân đang trông đợi, và bởi lòng khiêm tốn và luôn đặt mình vào trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa nên Đức Mẹ Maria đã trở thành kho tàng ân sủng của Thiên Chúa –qua Chúa Giê-su- để ban phát cho tất cả những ai nhờ Mẹ để đến với Chúa Giê-su là nguồn mọi ân sủng.

Bởi tiếng Xin Vâng này, mà các thánh trong ngục tổ tông vui mừng, cửa thiên đàng rộng mở và tâm hồn những người công chính như nở hoa, bởi vì ngày cứu độ đã đến rồi.

Bởi tiếng Xin Vâng này mà Đức Mẹ Maria được chọn làm Mẹ của Thiên Chúa, như lời của thánh công đồng Vaticanô II đã dạy rằng: “Thực vậy, khi sứ thần truyền tin, Đức Nữ Trinh Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn cùng thân xác, và đem Sự Sống đến cho thế gian, nên được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Đấng Cứu Thế.”

Và với ưu thế là mẹ Thiên Chúa ấy, mà Mẹ Maria đã không đành lòng nhìn thấy Máu Thánh của Con mình đổ ra vô ích, Mẹ không đành lòng nhìn thấy những đứa con ngày càng đi xuống vực thẳm tội lỗi, Mẹ cũng đã không đành lòng khi thấy thời gian kiên nhẫn của Thiên Chúa sắp hết, nên Mẹ đã ra tay can thiệp với tất cả uy quyền của người mẹ trước toà Thiên Chúa, để xin Ngài tha tội cho nhân loại. Thánh I-rê-nê đã nói rất chí lý: “Chính Ngài (Đức Mẹ Maria), nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại”.

“Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai, ta hãy xin cho đặng ở khiêm nhượng”, sự khiêm nhượng này phải như khiêm nhượng của Mẹ Maria, tức là biết nhận ra thánh ý của Thiên Chúa cách minh bạch, và rồi mau mắn đáp trả và phó thác tương lai của mình trong tay Ngài. Con người ta thường có khuynh hướng ưa làm nổi mình dù biết mình chẳng tài cán bao nhiêu, và thích khiêm nhượng kiểu “ống điếu” để người khác chiều chuộng, mời mọc mới có giá trị v.v…

Như vậy, tiếng Xin Vâng của Đức Mẹ Maria đã trở thành chiếc phao cứu hộ của cả nhân loại, và khi chúng ta suy niệm đến cái mốc lịch sử này, thì phải nhận ra giá trị vô giá tiếng Xin Vâng của Đức Mẹ Maria.

2. Đức Bà đi viếng bà thánh I-sa-ve, ta hãy xin cho đặng lòng yêu người.

Ơn cứu độ này, niềm vui này cần phải được chia sẻ với mọi người, trước hết là trong bà con thân thuộc, rồi sau đó đến với người khác.
Đức Mẹ Maria là một phụ nữ nhạy cảm, một người có tâm hồn đang tràn ngập niềm vui thiên quốc và lòng yêu mến tha nhân, cho nên Mẹ đã không quản ngại đường sá xa xôi để đi đến phục vụ cho người chị em của mình là bà Ê-li-sa-bét, bà cũng đang mang thai được sáu tháng, đây là một hành động của người đang có niềm vui của Thiên Chúa, niềm vui này không thể ấp ủ hưởng thụ một mình, nhưng là cho đi, đem tới và toả rộng để chia sẻ với tha nhân, nó như ánh sáng chiếu toả khắp nơi chứ không chiếu sáng một mình ai, và đó chính là điểm bắt đầu của niềm vui cứu độ.

Trước mắt chúng ta là cảnh bà Ê-li-sa-bét ngạc nhiên và vui mừng tột cùng khi Mẹ Maria đến viếng thăm, bà ôm chầm lấy người em gái họ dễ thương và như có một sự thôi thúc đặc biệt tự trong tâm, bà đã thốt lên: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42), sự thôi thúc ấy chính là Thánh Thần Chúa đã dùng môi miệng của bà Ê-lia-sa-bét để ca ngợi hồng phúc mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ Maria. Nhưng quan trọng hơn cả lời ca ngợi của bà Ê-li-sa-bét, là lời chào của Đức Mẹ Maria đã làm cho thai nhi sáu tháng tuổi trong bụng bà Ê-li-sa-bét cảm nghiệm được ơn cứu độ của Thiên Chúa đã ưu ái đến mình nên mừng vui nhảy lên sung sướng, và hiệu quả của lời chào này là thai nhi –Gioan Tẩy Giả- được khỏi tội nguyên tổ.

Cuộc thăm viếng lịch sử này của Đức Mẹ Maria là chiếc phao cứu độ cho thánh Gioan Tẩy Giả, là đem niềm vui và hạnh phúc đến cho gia đình bà Ê-li-sa-bét. Cuộc thăm viếng này, có thể nói là Đức Mẹ Maria đã làm người tiên phong trong việc loan báo tin mừng cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người.

Ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người, chỉ có điều là có người được đón nhận trước và có người đón nhận sau, nhưng tất cả những ai đã diễm phúc đón nhận ơn cứu độ này, thì noi gương của Đức Mẹ Maria ra đi, đến với và cùng với tha nhân, để giới thiệu cho họ biết về tình yêu của Thiên Chúa bằng ngay chính cuộc sống của mình.

3. Đức Bà xin Đức Chúa Giê-su nơi hang đá, ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

Ngày tháng trông đợi Đấng Thiên Sai đến của người Do Thái thật dài đăng đẳng, biết bao nhiêu người đã qua đi khi trong lòng họ mong mỏi được nhìn thấy Đấng Cứu Thế, nhưng dù không đợi chờ được thì họ vẫn cảm thấy thoả lòng vì lời hứa ấy vẫn luôn được các tiên tri loan báo qua các thời đại, nhất là tiên tri I-sai-a, vị tiên tri khoảng hơn sáu trăm năm trước Chúa Giê-su sinh ra đã loan báo niềm hy vọng và ngày cứu rỗi đến:

-“Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9, 1).

-Vì một trẻ thơ đã chào đời đã cứu ta, một người con đã ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn Kỳ Diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” (Is 9, 5).

-Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa...”(Is 11, 1-9).

- “Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính; đất mở ra đi cho nẩy mầm ơn cứu độ, đồng thời chính trực sẽ vươn lên” ( Is 45, 8).

-Này đây, người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en.” (Is 7, 14b)

Và cuộc đợi chờ nào cũng sẽ có hồi kết thúc, Chúa Giê-su đã được Đức Mẹ Maria sinh hạ trong hang lừa ở làng Bê-lem, xứ Giu-đê-a.

Mầu nhiệm nhập thế này là cả một công trình sáng tạo của yêu thương, mà không có một kiến trúc sư nào trên thế gian thiết kế được, chỉ có Thiên Chúa –Đấng là tình yêu- mới làm được như thế: hy sinh Con Một của mình để cứu chuộc nhân loại.

Nơi hang lừa Bê-lem, Ngôi Hai Thiên Chúa đã làm người, một hài nhi nhỏ bé nghèo nàn, đang được bọc trong khăn (bởi vì không có áo), đang chia sẻ thân phận nghèo khó với những con người nghèo khó, cả tình yêu trời đất đang ở đó, Đấng cứu độ nhân loại đang ở đó nhưng nào có ai hay ! Mẹ Maria hiểu thấu nổi thiếu thốn này như là một sự chia sẻ của con mình với nhân loại, và như thế càng làm nổi bật tính “đồng công” cứu chuộc nơi Mẹ hơn.

Nhưng sự nghèo khó thiếu thốn của Mẹ không làm chùn bước các mục đồng đến thờ lạy, không làm cho các nhà bác học xa xôi đến bái thờ Đấng Cứu Thế mới sinh ra...

Đức Mẹ Maria mời gọi chúng ta đọc kinh Mân Côi và suy ngắm mầu nhiệm Nhập Thế này, không phải để chúng ta cảm thấy tội nghiệp cho Chúa Giê-su và Đức Mẹ, nhưng là để chúng ta thấy được tình yêu vô biên của Cha trên trời –qua kinh Mân Côi- và nhận ra rằng, Chúa Giê-su chính là Đấng cứu độ nhân loại, là chiếc phao cứu rỗi các linh hồn đang chới với giữa biển trần gian...

4. Đức Bà dâng Đức Chúa Giê-su trong đền thánh, ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

Một cái mốc quan trọng nữa trong mầu nhiệm Nhập Thế của kinh Mân Côi –năm sự Vui- đó là suy ngắm đến Chúa Giê-su khi mang thân phận con người như chúng ta, chịu lệ thuộc vào lề luật của con người như tất cả mọi người khác, đó là luật dâng con trai đầu lòng cho Thiên Chúa như luật Mô-sê chỉ định: “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa.” (Lc 2, 23)

Đức Mẹ Maria và thánh cả Giu-se là những người công chính thánh thiện, luôn là mẫu gương tuân giữ lề luật của cha ông mà dâng con trai đầu lòng của mình cho Thiên Chúa, dù nghèo, nhưng không vì thế mà chuẩn chước cho mình khỏi tuân giữ lề luật, bởi vì các ngài biết rằng, tuân giữ lề luật là thực hành ý Chúa truyền dạy.

Trong ngày dâng Chúa trong đền thánh này, mọi việc liên quan đến Chúa Giê-su mà Đức Mẹ Maria đã biết, thì giờ đây được bày tỏ công khai với mọi người qua lời tiên báo của một người công chính và sùng đạo là Si-mê-on:

"Muôn lạy Chúa, giờ đây
Theo lời Ngài đã hứa
Xin để tôi tớ này được an bình ra đi
Vì chính mắt con được nhìn thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
Là vinh quang của Ít-ra-en dân Ngài.” (Lc 2, 29-32)

Ông già Si-mê-on là đại biểu cho những người Do Thái công chính mong đợi Đấng Cứu Thế, sự mong đợi này Thiên Chúa đã tỏ mình đặc biệt cho ông thấy nhãn tiền Hài Nhi mà ông đang ẳm trên tay chính là Đấng mà muôn dân trông đợi, vui sướng lắm, hạnh phúc lắm, và Chúa Thánh Thần đã qua miệng ông đã nói với Đức Mẹ Maria rằng: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà...” (Lc 2, 34)

Dâng con cho Thiên Chúa, thay vì nhận được những lời chúc phúc thì lại nghe những lời tiên báo về tương lai của con mình và chính mình, người mẹ nào lại không buồn bả lo âu, Đức Mẹ Maria cũng thế, Mẹ lo âu buồn bả vì lời tiên đoán thì ít, mà vì tội lỗi của loài người thì nhiều, và lời tiên báo này hiệu nghiệm khi Mẹ đứng dưới chân thập giá để cùng đồng công cứu chuộc nhân loại với con mình khi một lưỡi đòng đâm thâu cạnh nương long Chúa Giê-su, thì đồng thời cũng có một lưỡi gươm sắc bén thiêng liêng đâm thâu qua Trái Tim cực thánh của Mẹ...

Lần hiện ra ở Fatima với ba trẻ, Đức Mẹ Maria đã cho các em thấy được sự khốn nạn của hoả ngục và những linh hồn bị giam cầm trong đó, và Mẹ không muốn một đứa con nào của Mẹ đã được Máu Thánh của Chúa Giê-su đổ ra để rửa sạch, tha thứ và ban ơn phải vào trong hoả ngục chịu hình phạt đời đời nữa, nên Mẹ đã nhiều lần và nhiều cách hiện ra nhắn nhủ nhắc nhở và dạy bảo hãy ăn năn đền tội và cải thiện đời sống. Đời sống mà ngay từ khi đón nhận bí tích Thanh Tẩy chúng ta đã trở nên con của Thiên Chúa, được trở nên đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần và đương nhiên là đón nhận chính cuộc sống của Chúa Giê-su vào trong cuộc sống đời thường của mình.

Dâng Chúa Giê-su vào đền thánh, một cái mốc lịch sử của ơn cứu độ, khi suy niệm điều này, Đức Mẹ Maria mời gọi chúng ta hãy dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa, để Ngài làm chủ chiếm trọn lấy linh hồn và thân xác của mình, và chỉ có những ai thành tâm dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa thì như người trôi nổi phiêu bạt long đong trên biển cả nắm được cái phao cứu hộ, họ sẽ được sống và sống đời đời với Thiên Chúa, được hưởng hạnh phúc muôn đời với Đức Mẹ Maria, các thiên thần và các thánh nam nữ.

5. Đức Bà Tìm được Đức Chúa Giê-su trong đền thánh, ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

Cộng đoàn thân mến,
Nếu chẳng may bạn đánh mất một chiếc nhẫn kim cương quý giá mà tìm lại được, thì niềm vui của bạn sẽ không bút nào tả xiết; nhưng nếu chẳng may bạn mất đi người thân yêu, thì nổi buồn sẽ tăng gấp nhiều lần, bởi vì bạn không bao giờ được lại người thân yêu đã ra đi nữa.

Chúa Giê-su là con duy nhất của Đức Mẹ Maria, là cả kho tàng yêu thương và hạnh phúc của Mẹ và thánh cả Giu-se, lạc mất Chúa Giê-su cũng có nghĩa là Mẹ đã mất cả hạnh phúc của cả đời mình, Mẹ buồn lắm và cùng với thánh cả Giu-se tất tả tìm kiếm khắp nơi như lời tường thuật của thánh sử Lu-ca: “Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết, ông bà cứ tưởng cậu là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người thân thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.” (Lc 2, 43-45)

Lòng dạ của người mẹ khi lạc mất con thì như có lửa đốt cháy, nóng bừng và rối bời bời, bà chạy khắp nơi hỏi han người này người nọ để coi có ai biết tung tích con mình không ? Đức Mẹ Maria cũng vậy, ba ngày tìm kiếm con là ba ngày Mẹ như sống trên lửa cho đến khi tìm gặp lại Chúa Giê-su ở trong đền thờ ngồi giữa các thầy thông thái mà trò chuyện, và ai nghe Ngài nói cũng đều thán phục trí thông minh và những lời đối đáp của Ngài (Lc 2, 46-48). Không có niềm vui nào sánh bằng khi tìm lại được con mình sau ba ngày lạc mất, Đức Mẹ Maria vừa vui mừng vùa suy nghĩ những việc vừa xảy ra để chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa, để chuẩn bị chia sẻ và đón chịu những nổi buồn lớn hơn sau này, khi Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá.

Đức Mẹ Maria mời gọi chúng ta suy niệm về việc tìm lại được Chúa Giê-su trong đền thánh của Mẹ và của thánh cả Giu-se, là để chúng ta nhìn lại bản thân mình, đã bao lần chúng ta lạc mất Chúa Giê-su, đã bao lần chúng ta lạc đường chính lộ, đã bao lần chúng ta đã vì sự thế phù vân mà lạc mất đường về với tình yêu của Cha trên trời ?

Mẹ mời gọi mọi người chúng ta hãy trở về nẻo chính đường ngay, tức là cải thiện cách sống của mình cho phù hợp lời dạy của Chúa Giê-su. Đã có nhiều linh hồn cố chấp trước lời mời gọi thiết tha của Mẹ nên đã bị hình phạt hoả ngục, đã có nhiều người biết mình lạc mất phương hướng trong đời sống tu đức, nhưng vẫn cố chấp kiêu ngạo không sửa đổi, nên đã bị án phạt đời đời trong hoả ngục như các linh hồn mà ba trẻ ở Fatima đã được Mẹ Maria cho thấy.

Tìm được Chúa Giê-su trong đền thờ là một niềm vui và là một bài học cho chúng ta, Đức Mẹ Maria đã lo âu khi Chúa Giê-su lạc mất thế nào, thì Mẹ cũng lo âu khi lạc mất chúng ta như vậy, đó là niềm hy vọng và là niềm vui của những người con tội lỗi là chúng ta. Mau mắn trở về với Chúa và từ bỏ con đường lầm lạc để trở lại con đường mà Chúa Giê-su và Đức Mẹ Maria đã đi qua, đó là con đường hẹp, đường lên núi Sọ, đường đưa đến hạnh phúc đời đời.

 

Tin liên quan