Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

CHIA SẺ

SỐNG TÂM TÌNH MÙA VỌNG 12/ 2017 CÙNG GIOAN TIỀN HÔ: DỌN ĐƯỜNG CHÚA ĐẾN

SỐNG TÂM TÌNH MÙA VỌNG 12/ 2017

CÙNG  GIOAN  TIỀN  HÔ:

DỌN  ĐƯỜNG  CHÚA  ĐẾN

 

Trời bắt đầu se lạnh. Đâu đó đã vang lên bài “Trời cao hãy đổ sương xuống…” xen lẫn với “Bài Thánh ca đó còn nhớ không em…”. Ngoài kia, người ta đã thiết kế một hang đá cao to để chuẩn bị bước vào Mùa Vọng và đón mừng Đại lễ Giáng Sinh. Bầu khí như thế thật là tốt, nhưng để sự chuẩn bị này tốt hơn, chúng ta cùng tìm hiểu xem Mùa Vọng là gì và cần phải sống tâm tình đó như thế nào? 

  1. MÙA VỌNG LÀ GÌ?

Mùa Vọng theo tiếng Latin là “adventus” dịch từ Hylạp “parousia” (1Tx 5,23) có nghĩa là “đến, quang lâm”, nói về việc “Chúa đến”. Thời gian chuẩn bị chờ đợi Chúa đến được gọi là Mùa Vọng. Trong mùa này chúng ta chuẩn bị đón Chúa với ba tâm tình với ý nghĩa khác nhau: 1) là ý nghĩa lịch sử: mừng lễ Giáng Sinh; 2) ý nghĩa cánh chung: đợi Chúa Kitô quang lâm; 3) ý nghĩa hiện sinh: sống tốt giây phút hiện tại với thái độ tỉnh thức và sẵn sàng.

- Trước hết, đó là ý nghĩa lịch sử: Bốn tuần của Mùa Vọng ám chỉ toàn thể nhân loại 4000 năm trông chờ Đấng Cứu Thế, bao gồm 2000 lịch sử thế giới, thêm vào 2000 năm chờ đợi của dân Dothái xưa. Sống trong cảnh nô lệ, nhân loại và dân Chúa trông chờ Đấng Cứu Thế đến giải thoát họ.

- Ý nghĩa cánh chung: Mùa Vọng nhắc mỗi người chúng ta hướng về ngày Chúa sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang vào ngày tận thế để giải án tuyên công mọi người.

- Ý nghĩa hiện sinh: Giữa hai lần Chúa đến ấy, còn có cuộc Chúa ngự đến qua những biến cố hàng ngày. Ý nghĩa hiện sinh này có liên quan mật thiết đến ý nghĩa lịch sửý nghĩa cánh chung.

Như vậy, Mùa Vọng hướng về ba cuộc ngự đến của Chúa Kitô, như Hồng y Newman đã nhắc nhở: “Trong linh đạo Mùa Vọng, Đức Kitô xuất hiện như một người đã có mặt đó rồi, và đồng thời vẫn không ngừng được chờ mong. Và Kitô hữu sống linh đạo này như một người chờ đợi Đức Kitô”.

Để sống tâm tình Mùa Vọng như trên, Hội Thánh đề cao ba mẫu gương nổi bật để chúng ta noi theo: Ngôn sứ Isaia, Thánh Gioan Tiền Hô và Đức Maria.

 

  1. SỐNG TÂM TÌNH MÙA VỌNG
  2. Cùng với ngôn sứ Isaia, nguyện cầu Đấng Thiên Sai đến.

Is 45,8: “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa đấng chuộc tội”.

  1. Cùng với Đức Maria, xin vâng với chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Lc 1,38: “…Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng…”.

  1. Cùng với Gioan Tiền Hô, dọn đường Chúa đến.

Chúng ta suy niệm đề tài thứ ba này. Theo lịch sử cứu độ, Cựu Ước là một cuộc chuẩn bị cho Chúa Cứu Thế ngự đến. Thiên Chúa cần nhiều người dọn đường xuất hiện trong dòng lịch sử. Các ngôn sứ như Isaia đã làm công việc chuẩn bị này. Các vị ngôn sứ khác cũng đã loan báo Chúa sẽ đến, còn Gioan Tẩy Giả là ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước, đã chỉ cho mọi người biết, khi Người xuất hiện: “Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa tội trần gian; chính Người là Ðấng tôi đã nói trước...” (Ga 1,29). Như thế, Gioan là người trực tiếp dọn đường chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến. Quả thật, Gioan là một mẫu gương mà Hội Thánh muốn chúng ta noi theo để sống tâm tâm tình Mùa Vọng, hầu chuẩn bị một con đường xứng đáng cho Chúa ngự đến.

Tin Mừng Mc 1,1-8:

1 Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.

2 Như được ghi trong sách ngôn sứ Isaia:

Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con,

người sẽ dọn đường cho Con.

3Có tiếng người hô trong hoang địa:

Hãy dọn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.

4Nầy Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa,

rao giảng phép rửa sám hối để được tha tội.

5Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông.

Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan.

6 Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da,

ăn châu chấu và mật ong hoang.7

Ông rao giảng rằng: “Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi,

tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.

8 Tôi thanh tẩy anh em trong nước, còn Người,

Người sẽ thanh tẩy anh em trong Thánh Thần.”

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta cùng suy niệm những điểm sau:

  1. Gioan – vị Tiền Hô dọn đường

Tin Mừng Mc khởi đầu bằng câu: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1,3). Sứ mạng đó làm nên tước hiệu “Tiền Hô” của Gioan. Chính thân phụ của Gioan cũng đã nói tiên tri khi ông chào đời: “…Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết rằng Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 1,76-77).

Với sứ mạng như trên, trước khi Đấng Cứu Thế hoạt động công khai, Gioan xuất hiện trong hoang địa Giuđê, quanh khu vực sông Giócđan để kêu gọi dân chúng chịu Phép Rửa tỏ lòng sám hối. Ông chỉ có một sứ mạng duy nhất: tiền hô và làm chứng về Chúa và thúc người ta chuẩn bị đón Chúa. Mọi lời nói và hành động của Gioan gắn chặt với cuộc đời Ðấng Cứu Thế.

Điểm nổi bật ở đây là “tiếng người hô” hay chính xác hơn “tiếng kêu”. Tiếng kêu của Gioan là để diễn tả lời của Thiên Chúa với sứ điệp: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1,3).

Từ xưa đến nay, Thiên Chúa vẫn truyền các sứ điệp bằng lời qua những tiếng kêu: qua các ngôn sứ, qua các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà thần học hay giảng thuyết, các Đấng lập Dòng, các nhà chiêm niệm, các Thánh trong mọi thời đại, qua tiếng lương tâm của mỗi người, qua tiếng của những người đang sống bên cạnh ta, qua người nghèo, thậm chí qua cả những kẻ đối lập và nhất là qua những biến cố xảy ra hằng ngày. Tiếng kêu có thể đa dạng nhưng lời của Đức Chúa và sứ điệp của Ngài vẫn là một: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.

  1. Sứ điệp của Gioan: Hãy dọn đường cho thẳng để Chúa ngự đến

Sứ điệp đã rõ ràng: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1,3). Thế nào là sửa lối cho thẳng? Theo lời Ngôn sứ Isaia, đó là:

Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy,

mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống,

nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng,

chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu” (Is 40,4).

Con đường quanh co, đồi núi gồ ghề, nơi lồi lõm ở đây nghĩa là gì? Kinh Thánh nói: “Đường lối của kẻ gian ác thì quanh co, hành động của người trong sạch thì ngay thẳng” (Cn 21,8); “Ngài ghê tởm tâm địa quanh co” (Cn 11,20). Những điều trên là biểu tượng ám chỉ về tình trạng của kẻ gian ác, của điều xấu xa ghê tởm và tội lỗi.

  1. Từ hình ảnh dọn đường…

Dọn đường cho thẳng nghĩa là lấp đầy thung lũng, bạt núi đồi, đào lồi san lõm, làm phẳng gồ ghề. Những hình ảnh này gợi đến nhiều điều trong đời sống chúng ta.

Có thể đời sống chúng ta còn có những đỉnh đồi kiêu ngạo, luôn tự mãn, không bao giờ chịu thua kém người khác; núi tự ái cao ngất trời, không bao giờ chịu nhận lỗi, chẳng chịu tha thứ; tìm cách nâng mình lên và hạ người khác xuống…

Có thể đời sống chúng ta còn có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt và thu vén tư lợi; có vũng lầy của giận hờn, ghen ghét, đố kỵ, chia rẽ, gây bất hoà; có vực thẳm đam mê dục vọng, miệt mài theo đuổi lợi danh; có hố sâu ngăn cách giữa anh em do phân biệt vùng miền, tuổi tác hay chức vụ …

Có thể đời sống chúng ta còn có những khúc quanh co của sự dối trá, không áy náy với chính mình, không thành thật với người khác và cả với Chúa nữa. Cũng có thể đó là khúc quanh co của sự giả hình, tìm cách qua mặt người huấn luyện, luồn lách qua cầu chờ ngày khấn…; hoặc tránh bổn phận, trốn trách nhiệm, đi theo lối riêng của bản thân…

 Tất cả những đồi cao hoặc hố sâu, những khúc quanh co hoặc gồ ghề, lồi lõm ấy là những chướng ngại vật cản trở Chúa đến với tâm hồn chúng ta. Vì thế, ông Gioan Tiền Hô đã mời gọi chúng ta sửa chữa con đường thiêng liêng, con đường trong tâm hồn cho thẳng và cho phẳng để đón Chúa Giêsu đến. Như thế, dọn đường đón Chúa không gì khác hơn ngoài việc tháo gỡ những rào cản đang được dựng lên trong tâm hồn để Thiên Chúa có thể đến được với chúng ta.

  1. …đến hoán cải nội tâm

Để làm được điều đó, chúng ta cần có tinh thần sám hối ăn năn hầu được tha tội như Tin Mừng đã thuật: “ông Gioan rao giảng phép rửa sám hối để được tha tội. Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan” (Mc 1,4-5).

Sám hối hay hoán cải (μετανοία/ metanoia), theo tiếng Hylạp, diễn tả thái độ “suy nghĩ lại”, “thay đổi nếp nghĩ”, “hối hận”, hay “hoán cải” hay “quay về” với Thiên Chúa để được ơn tha thứ. Đây là sự thay đổi trọn vẹn lối sống. Sự thay đổi này bao gồm 2 phương diện: bỏ con đường tội lỗiquay về với Thiên Chúa.

Cụ thể như thế nào? Trong đoạn văn song song ở Lc 3,1-18, ông Gioan giải thích: Với đám đông: sống bác ái và công bình, “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Với người thu thuế: “Ðừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định ...” Với binh lính: “Ðừng hà hiếp ai, đừng tống tiền người ta, hãy bằng lòng với số lương của mình”…Không biết với chúng ta ngày hom nay, ông Gioan sẽ kêu gọi sám hối cụ thể như ra sao? Xin mỗi người tự tìm lấy câu trả lời cho riêng mình.

Sám hối hay hoán cải như là một khởi điểm mới đưa dẫn tới một tiến trình tăng trưởng, với bốn chiều kích: lý trí, tình cảm, luân lý tôn giáo.

- Về lý trí: phân định sự thật và giả dối, điều gì là cốt yếu, điều gì là thứ yếu.

- Về tình cảm: chuyển từ trạng thái ghét sang yêu, từ quay lưng lại với nhau trở thành nhìn ngắm nhau và cùng nhau quay về một hướng.

- Về luân lý: biết phân định tốt và xấu, lành dữ, từ đó có chọn lựa quyết định cho cuộc đời mình.

- Về tôn giáo: khiến người ta quyết tâm từ bỏ tội lỗi để quay về với Thiên Chúa, đáp lại tình yêu của Người.

Nói cách khác, hoán cải khiến con người có một thay đổi tận căn: quay lưng nói KHÔNG với điều xấu, sự dữ và tội lỗi, quay mặt nói với Thiên Chúa và những điều thiện hảo.

Phải làm gì bây giờ? Điều này đòi hỏi chúng ta, một mặt, cần hoán cải mỗi ngày như lời bài hát “nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu”; mặt khác, phải cố gắng vươn tới để gặp gỡ Thiên Chúa. Hoán cải không chỉ xảy ra một lần, mà là một tiến trình được làm mới mỗi ngày. Hoán cải không phải chỉ bằng nỗ lực của bản thân mà còn phải xin ơn Chúa trợ giúp.

 Ý thức điều này, thánh Phanxicô Assisi đã xem đời tu của Ngài là một đời hoán cải, khi nói: “Chúa đã ban cho tôi ơn bắt đầu sống cuộc đời hoán cải như sau….”

 

  1. Các phương thế để dọn đường cho Chúa đến

Sám hối để đổi mới đời sống là một việc không dễ chút nào. Vì vậy, ngoài việc xin ơn Thiên Chúa trợ giúp và những cố gắng của bản thân, còn cần đến những phương thế. Chúng ta có thể tìm được những phương thế đó nhờ vào mẫu gương đời sống của ông Gioan.

  1. Vào sa mạc: chốn riêng tư để kết hợp với Thiên Chúa.
  2. Khổ chế: mặc áo lông lạc đà và thắt lưng bằng dây da.
  3. Sống trung thực: biết mình, biết Chúa để làm chứng cho Chúa.

 

Thay lời kết: Làm những hang đá lung linh đèn màu với cây noel xinh xắn là một việc mang tính truyền thống tốt đẹp để mừng lễ Giáng Sinh cần lưu giữ, nhưng tốt đẹp hơn nếu chúng ta thiết kế một hang-đá-tâm-hồn với ngôi sao Lời Chúa chiếu soi, với chùm đèn Thần Linh lấp lánh, với một cây noel mang màu sắc Laudato Si’, được tô điểm bằng tinh thần sám hối ăn năn và treo đầy những món quà hy sinh bác ái.

Chỉ khi chúng ta thực hiện như thế, Mùa Vọng mới thật sự là mùa dọn đường đón Đấng Emmanuel, mùa chuẩn bị để nhận niềm vui vì có “Thiên-Chúa-ở cùng- chúng ta”.

 

Học viện Phanxicô ngày 2/12/2017

Tu sĩ Linh mục Giuse Ngô Ngọc Khanh OFM.

 

DỌN LÒNG                        (Trích: Bâng Khuâng Chiều Tím).


Vào sa mạc, tâm tình lắng đọng,

dọn tâm hồn chờ đón thiên ân.

Đón Con Thiên Chúa giáng trần,

đem nguồn cứu độ phúc ân cho đời.

Nghe tiếng vọng gọi mời chỉnh đốn,

lòng thẳng ngay, khiêm tốn, hãm mình.

Lương thực bồi dưỡng tâm linh,

nhu cầu thân xác hy sinh chân thành.

Sửa ngay thẳng khúc quanh giả dối,

bạt núi đồi, lối sống kiêu căng.

Đam mê theo đuổi lợi danh,

Tự cao, tự mãn, san bằng lối đi.

Lấp hố sâu hoài nghi, hờn dỗi,

gây bất hòa, gian dối, quanh co.

Ngôn hành thành thật,đắn đo,

quyết tâm từ bỏ sóng xô, gồ ghề.

Lấp hố sâu u mê dục vọng,

giữ tâm hồn trong sáng, đơn sơ.

Lộ trình thiêng thánh ươm mơ,

tha nhân chung tiếng tình thơ an bình.

 

TÂM TÌNH SÁM HỐI

 

  1. 1. Lạy Chúa Giêsu, xin chỉ cho chúng con thấy trong đời sống của chúng con còn có những đồi núi, vực sâu, khúc quanh co gồ ghề nào nào cần sửa chữa bạt đi hoặc san lấp cho thẳng, cho bằng để đón Chúa đến.

 

  1. Lạy Chúa Giêsu, sám hối không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi. Xin Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải, dám từ bỏ thói hư tật xấu, và chấp nhận chịu cắt tỉa đớn đau.

 

  1. Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức rằng việc chuẩn bị đón Chúa đến trong ngày lễ Giáng Sinh không chỉ hệ tại nơi hình thức bên ngoài như trình diễn hoạt cảnh công phu, trang hoàng hang đá nguy nga, đèn sao lộng lẫy, cây thông cao vút, quà cáp ngập phòng…, mà quan trọng hơn là cần chuẩn bị tâm hồn để sẵn sàng gặp Chúa.

 

Lm. Giu-se Ngô Ngọc Khanh OFM

Tin liên quan