Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

CHIA SẺ

Mẹ Têrêxa, vị Tông đồ hoan lạc

Lời Giới Thiệu: Bài dưới đây được in trên nguyệt san Columbus của Tổ chức Hiệp sĩ Kha luân bố tháng 3 năm 2003. Chúng tôi xin đăng lại nhân dịp kỷ niệm ngày Mẹ được tôn phong Hiển thánh.

 

 

(VietCatholicNews 06/09/2007)

 

MẸ TÊRÊSA, VỊ TÔNG ĐỒ HOAN LẠC

 

Ngay lúc sinh thời, Mẹ Têrêxa đã được nhiều người coi như một vị thánh sống vì đã tận tuỵ hiến dâng cuộc đời cho những kẻ bần cùng và những người bị bỏ rơi trên khắp thế giới. Nhưng hôm 19 tháng 10 năm 2003, ngày Khánh nhật Truyền giáo, khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong chân phước cho Mẹ thì thực thụ Mẹ đã một tiến bước gần hơn tới bậc hiển thánh.

Theo linh mục Brian Kolodiejchuk, là cáo thỉnh viên vụ tuyên thánh, Mẹ Têrêxa không chỉ là biểu tượng của một tấm lòng từ bi nhân hậu và một vị nữ tu hoạt động xã hội, mà còn hơn thế nữa. Sau đây là trình thuật của cha Brian - các nữ tu dòng Thừa sai Bác Ái thường gọi tên cha vắn tắt như thế - ngài sinh tại Winnipeg (tỉnh bang Manitoba, Canada) năm 1956 và gặp Mẹ Têrêxa năm 1977. Chiều sâu của lòng phục vụ đầy yêu thương của Mẹ đã được khám phá trong suốt tiến trình tuyên thánh khởi đầu từ năm 1999, chỉ hai năm sau ngày Mẹ qua đời ở tuổi 87. Suốt cuộc đời, Mẹ Têrêxa đã rất kín đáo không đề cập tới những tranh đấu nội tâm cũng như lòng nhiệt thành thúc đẩy Mẹ thành lập Tu hội Thừa Sai Bác Ái. Trưởng thành về nhân đức

Cha Brian nói: Trong lúc điều tra về cuộc đời Mẹ Têrêxa tôi đã khám phá ra ngay lúc còn là nữ tu dòng Loreto dạy học tại Calcutta Mẹ đã trưởng thành trong cuộc sống tâm linh. Năm 1948, lúc 40 tuổi Mẹ rời bỏ dòng Loreto sau khi tu tập đã 20 năm trời và cho rằng lúc ra đi Mẹ thấy khó khăn còn hơn cả lúc rời gia đình. Ngay từ năm 1942 Mẹ Têrêxa đã long trọng nhưng âm thầm khấn hứa là sẽ không từ chối Chúa bất cứ điều gì. Đó là một bước quan trọng trong sự phát triển đời sống đạo đức. Coi mình như là người hiền thê của Chúa Giêsu, Mẹ Têrêxa đã “bừng cháy một niềm yêu mến Người như chưa từng yêu Người như thế”, Mẹ đã thuật lại câu đó. Và Mẹ muốn “làm điều gì thật tốt đẹp cho Chúa”.

Khoảng năm 1946-1947, Mẹ Têrêxa đã đạt tới giai đoạn quan trọng trong tiến trình tăng tiến về nhân đức. Mẹ đã có những đàm thoại nội tâm với Chúa Giêsu và Chúa đã yêu cầu Mẹ thiết lập một nhóm người mới để phục vụ những người bần cùng nhất, theo lời Mẹ, là “để thỏa mãn lòng Chúa khát khao tình yêu và các linh hồn”.

Mặc dầu Mẹ cảm thấy không xứng đáng với trách nhiệm lập tu hội, Mẹ nghe tiếng Chúa thách thức: “Con sợ là con sẽ mất ơn gọi, sẽ trở thành người thế tục, sẽ bị đòi hỏi phải kiên trì nhẫn nại. Này con, ơn gọi của con là yêu mến, là chịu khổ đau và cứu rỗi các linh hồn, và theo đường hướng đó con sẽ thỏa mãn nỗi khát khao của trái tim Cha đối với con“. Đã nhiều lần Mẹ nghe Chúa Giêsu hỏi Mẹ có từ chối lời Người yêu cầu không. Và Mẹ đã không từ chối Người. Gương mẫu cuộc sống thánh thiện

Bằng một tấm lòng nao nức, Mẹ bắt đầu công tác mới phục vụ những kẻ cùng khổ nhất ở Ấn độ. Mẹ tìm thấy tấm gương khuôn mẫu nơi chị Frances Xivier Cabrini (1850-1917) một nữ tu người Ý đã phục vụ tại Mỹ. Mẹ Têrêxa viết: “Tôi đọc sách thuật về cuộc đời của thánh Cabrini, thấy rằng Người đã phục vụ hết mình cho người Mỹ vì người đã hoà mình làm một người Mỹ như họ. Tại sao tôi lại không làm được ở Ấn như thánh nhân đã làm ở Mỹ?”

Giai đoạn cuối cùng trong sự tăng tiến về nhân đức của Mẹ đã tới khi Mẹ bắt tay vào công tác mới. Mẹ khổ sở vì điều Mẹ gọi là “Bóng tối”: Mẹ mong mỏi được Chúa, nhưng cảm thấy hụt mất Người.

Mẹ thú nhận: “Tôi càng mong mỏi Chúa tôi càng cảm thấy Người ít cần tôi”. Nhưng Mẹ vẫn kiên trì trong lời đã khấn hứa với Người và trung thành với kỷ luật tự đặt ra cho mình, chẳng hạn ngày nào cũng thức dậy vào 4g40 sáng để có mặt đầu tiên tại nhà nguyện. “Bóng tối” đã trở thành người bạn đồng hành với Mẹ. Mẹ hàng phục Chúa Giêsu bằng một đức tin thuần khiết nhưng mù quáng, tự coi mình như “cây viết chì trong tay Người”

Mẹ là chứng nhân mạnh mẽ cho điều mà nhiều người gọi là “đêm đen bao phủ tâm hồn”. Mẹ đã có lần viết: “Tôi tự hỏi khi mà trong nội tâm tôi chẳng có gì hết thì Chúa lấy gì mà nhận đây?” Trong một bức thư viết cho Tổng Giám mục Calcutta là Ferdinand Périer, Mẹ viết: “Linh hồn con có thật nhiều mâu thuẫn: con mong muốn Chúa thật sâu xa đến nỗi đau khổ triền miên, nhưng lại thấy Chúa chẳng muốn gì con, thấy bị ruồng bỏ, trống vắng, không niềm tin, không tình yêu, không nhiệt tình. Các linh hồn không còn là điều làm con hấp dẫn. Thiên đường không còn ý nghĩa, con chỉ thấy như là một nơi trống vắng. Vậy mà con lại bị hành hạ vì lòng mong muốn mến yêu Chúa. Xin cầu nguyện để con vẫn mỉm cười với Người bất chấp những chuyện đó.”

Mẹ coi điều khổ sở nhất là nỗi khổ của những người không được yêu mến, không được chăm sóc, không được ai cần, những người nghèo nàn tâm linh mà chính Mẹ đã trải qua trong mối liên lạc với Chúa Giêsu. Rạng rỡ niềm vui

Mẹ đã dự phần vào cuộc khổ nạn của Chúa, vào cảm giác bị bỏ rơi nơi vườn Cây dầu và trên thập giá. Chính sự chia sẻ khổ đau đó với Chúa đã kéo người ta đến với Mẹ. Và nỗi khổ đau tiếp tục theo Mẹ đến cuối cuộc đời.

Tuy nhiên thay vì bám chặt lấy nỗi cô đơn của mình, Mẹ đã trở thành vị tông đồ của niềm vui. Bất chấp nỗi đau khổ của chính mình, Mẹ đã lúc nào cũng làm rạng rỡ niềm vui cho những người chung quanh, đó là minh chứng hùng hồn đức tin sâu xa của Mẹ.

Cha Brian đã thấy có mối liên hệ giữa sự tăng tiến nhân đức của Mẹ với công việc xã hội và cách thức Mẹ thực hiện: Nhiều người đã hỏi tại sao Mẹ không lập một nhà thương to lớn và tân tiến tại Calcutta mà lại làm Nhà Cho Người Hấp Hối. Nhưng Mẹ đã muốn mọi công tác phải được thực hiện trên căn bản cá nhân, cho từng người, để thể hiện tình Chúa yêu thương, từ bi và hiện diện, như lời chứng của một bệnh nhân: “Tôi đã sống như một con vật nhưng với Mẹ Têrêxa tôi đang chết như một thiên thần.”

Cần phải có một phép lạ trước mới được tuyên thánh. Mẹ Têrêxa đã làm được phép lạ nào?

Đó là vụ chữa lành năm 1998 cho một phụ nữ Ấn tên Monika Besra, bị sưng một bướu lớn nơi bụng. Sự chữa lành mau chóng đã hội đủ các điều kiện đòi hỏi của một phép lạ là phải tức thời, hoàn toàn, vĩnh viễn và không giải thích được bằng khoa học. Monika khoảng chừng hơn 30 tuổi và có 5 đứa con. Bà đã tới tham dự lễ phong chân phước Mẹ Têrêxa.

Christopher Hitchins đã viết một cuốn sách chỉ trích Mẹ Têrêxa vì đã liên lạc với các nhà lãnh đạo thối nát như Fidel Castro và Ferdinand Marcos vị tổng thống Phi luật tân đã bị dân chúng bắt lưu vong, và vì Mẹ được chữa trị bằng các phương tiện tốn kém mà những người Mẹ phục vụ không được hưởng. Cha Brian trả lời rằng: Mẹ đã phải vâng lời các giám mục vì các ngài yêu cầu cho Mẹ được chữa trị tại các nhà thương tốt như ở Tijuana. Phải nhiều cố gắng cam go mới giữ được Mẹ ở trên giường bệnh viện vì Mẹ vẫn mong muốn đuợc chết trên chính chiếc giường của mình chung quanh là các chị em của tu hội. Và Mẹ đã qua đời như vậy. Vâng phục ý Chúa

Giáo Hội Chúa sẽ phong phú hơn khi Mẹ Têrêxa đuợc tôn phong hiển thánh. Cha Brian cho biết làm nhiệm vụ cáo thỉnh viên là một kinh nghiệm tốt đẹp cho ngài.

“Ngoài việc khám phá ra khía cạnh huyền nhiệm nơi Mẹ Têrêxa, tôi còn cảm nhận sâu xa đuợc sự kiện “các thánh cùng thông công” nữa. Lúc này tôi cám ơn nhiều hơn tình thương đích thực và sâu xa của các vị thánh trên thiên đường đối với chúng ta và thấy các ngài có thể trở thành bạn đồng hành và bằng hữu của chúng ta. Mẹ Têrêxa chẳng hạn, khi còn sống ta khó mà tiếp xúc được với người bằng điện thoại, và ngay cả khi được người trả lời thì câu chuyện cũng vắn tắt lắm vì người không ưa nói chuyện lâu bằng điện thoại. Thế nhưng bây giờ thì tôi có cảm giác rằng người sẵn sàng ở đó 24 giờ một ngày và 7 ngày một tuần.

cha Brian nói Mẹ cũng đã có những yếu đuối của con người. Mẹ cũng đã có lúc tức bực, chẳng hạn khi có lầm lẫn trong việc sắp xếp buổi nói chuyện của Mẹ tại một giáo xứ ở Roma khiến giáo dân phải chờ đợi, Mẹ đã rầy la chị nữ tu có trách nhiệm nhưng sau đó, theo thói quen của mình, Mẹ đã xin lỗi bằng một cử chỉ thân thiện.

Một chuyện nữa là Mẹ rất thích càrem. Tại nhà dòng chính ở Calcutta, vì có đông các nữ tu nên theo lệ là mỗi năm chỉ có càrem hai hoặc ba lần. Nhưng nếu có ai đưa càrem cho Mẹ thì Mẹ nhận liền. Cha Brian nói khi song thân cha tới thăm Mẹ thường có đem theo một số bánh ngọt. Mẹ Têrêxa tiếp nhận bánh ngọt đó với tâm tình cũng như khi nhận một món ăn cháy khét, như cả hai đều do Chúa ban. Đó là cách thức Mẹ vâng theo ý Chúa.

 

Phạm Hoàng Nghị (viết theo Desmond O’Grady)

Phạm Hoàng Nghị

Tin liên quan