Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Slideshow Trang chủ

Slideshow Trang chủ

Thống kê

Tài Liệu

Sài Gòn Thủ Đô Của Những Người Nghèo Nhất Trong những Người Nghèo Tại Việt Nam

Ngày 30/4/1975 đã đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm giữa Cộng sản miền Bắc và nền Dân chủ tại miền Nam Việt Nam. Thật không may, chiến thắng của Đảng Cộng sản miền Bắc đã dẫn lối cho một cuộc di cư ồ ạt của cư dân ở miền Nam Việt Nam.

 

Sài Gòn Thủ Đô Của Những Người Nghèo Nhất Trong những Người Nghèo Tại Việt Nam

 

 

CHƯƠNG 7

 

Sài Gòn Thủ Đô Của Những Người Nghèo Nhất Trong những Người NghèoTại Việt Nam

 

 

7.1         LỜI GIỚI THIỆU

Ngày 30/4/1975 đã đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm giữa Cộng sản miền Bắc và nền Dân chủ tại miền Nam Việt Nam. Thật không may, chiến thắng của Đảng Cộng sản miền Bắc đã dẫn lối cho một cuộc di cư ồ ạt của cư dân ở miền Nam Việt Nam. Rất nhiều người miền Nam đã liều mình bỏ chạy ra khỏi nước bằng đường biển. Có thể ước lượng rằng cuộc tản cư này đã làm cho hàng trăm ngàn người phải thiệt mạng giữa biển khơi. Thực vậy, đây là một tấm thảm kịch to lớn như trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, sự chấm dứt chiến tranh tại đây cũng là một sự may mắn cho toàn đất nước. Đó là điều may mắn bởi vì anh em trong cùng một gia đình, những người đã bị chia cách khi Việt Nam bị tách ra hai miền Nam - Bắc sau biến cố năm 1954, không còn chém giết và tiêu diệt lẫn nhau ngoài chiến trường. Điều đó cũng không có nghĩa là cuộc sống trở nên dễ thở và thoải mái hơn. Thực vậy, cuộc sống của người dân sau chiến tranh rất khắc nghiệt và thường khi nhẫn tâm. Nhưng nhiều người đã vui lòng đồng ý rằng họ thích hoà bình hơn sự nghèo đói. Sống trong thanh bình tạm thời sinh ra nhiều thử thách khác nhau. Việt Nam đã trải qua một cuộc bùng nổ dân số mà chính quyền đã không được chuẩn bị cho những gì sắp xảy tới. Nhà nước Việt Nam đã dùng hết nỗ lực của mình làm  những điều tốt nhất để đối phó và đáp ứng những nhu cầu của người dân, nhưng đã vô hiệu. Dân số gia tăng quá nhanh mà việc làm thì không đủ đáp ứng đã kéo theo nạn thất nghiệp tăng nhanh và sự nghèo đói lan tràn. Toàn nước Việt Nam đã rơi vào một nền kinh tế đang xuống dốc, và nó đòi hỏi những nổ lực to lớn về thực phẩm và những con người tận tuỵ hầu chặn đứng sự suy sụp và phục hồi đất nước. Chương tiếp theo sẽ trình bày rõ tình trạng kinh tế của đất nước Việt Nam cũng như của Thành phố Sài Gòn, những khó khăn mà Giáo hội Công giáo Sài Gòn dưới thời Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn phải đương đầu, cũng như sự nhận ra những con người bất hạnh nhất tại đây để yêu thương và chăm sóc họ tốt hơn.

7.2         TÌNH TRẠNG CỦA ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM

Cuộc chiến 20 năm giữa miền Nam và miền Bắc là nguyên nhân của rất nhiều sự bất ổn không chỉ tại Hoa Kỳ mà còn tại Việt Nam. Sự mất mát về những nguồn tài nguyên có thể phục hồi bù đắp được, song làm sao đất nước có thể bù đắp sự thiệt mạng của hàng triệu thanh thiếu niên đã bỏ mạng vì sự tàn bạo của chiến tranh (!) Khi chiến tranh kết thúc năm 1975, dân số Việt Nam được ước lượng khoảng 40 triệu người, cả hai miền Nam - Bắc. Vì nền hoà bình mới được lập lại - không còn chiến tranh, số dân này đã tăng lên gấp đôi vào năm 2000, và sẽ còn tăng lên nữa. Những công nhân viên chức của chính phủ đã không được chuẩn bị để đối phó với tình hình phức tạp này, tuy nhiên, họ đã làm hết sức mình để đáp ứng những nhu cầu của sự gia tăng dân số cùng với những xu hướng và những chương trình mới. Như một chương trong Đề Án Trường Học ngày 15 tháng 5 đã báo cáo: “ Trong khi ‘đổi mới’ là một phong trào điều hành để nâng cao phẩm chất của đời sống cho một số lượng dân số to lớn, thì có những nhóm khác đã bị bỏ rơi.Mức lương thấp và thiếu công việc ổn định đã khiến cho rất nhiều gia đình đã gặp khó khăn khi phải chọn lựa giữa việc để con em mình tiếp tục việc học, hoặc phải ra đời để kiếm sống, phụ thêm vào bàn ăn của cả gia đình. Tại các tỉnh, cái nghèo của làng quê dân dã và giấc mơ một cuộc sống khá hơn ở đô thị đã dẫn lối cho rất nhiều bạn trẻ di cư vào các đô thị, để kiếm một việc làm ổn định, một chỗ ở tạm thời gần như không thể được.”[1]

Việt Nam là một quốc gia đang trên đường phát triển với rất ít những cơ hội cho người dân vốn không có chuyên môn và học thức tại các vùng nông thôn. Trung Tâm Huấn Luyện - Giáo Dục và Hướng nghiệp đã tường thuật: “Trong số 80 triệu dân mà 30% là dưới 16 tuổi và gồm 53 nhóm dân tộc thiểu số, thì 90% dân số sống trong sự nghèo đói tại các vùng nông thôn, không được thiên nhiên ưu đãi, các điều kiện cơ sở hạ tầng thấp kém, thiếu vốn đầu tư, thiếu thông tin về kỹ thuật, nghèo nàn về quan hệ ngoại giao kinh tế với các nước láng giềng,...Những điều này đã làm cản trở sự phát triển của đất nước. Dân di cư từ các vùng nông thôn và ngoại ô thiếu những kiến thức và chuyên môn cần thiết để làm việc trong các thành phố.”[2] Thành phần bị tổn thương và bị xúc phạm nhất là phụ nữ, đặc biệt là các thanh thiếu nữ. Trẻ em của các gia đình di trú này rơi vào một mối nguy bị đẩy ra bên lề cuộc sống, nơi mà các tệ nạn đen tối của xã hội đang chờ sẵn để lạm dụng và khai thác các em.

7.3         TÌNH HÌNH CỦA THÀNH PHỐ SÀI GÒN

Với một đất nước đang phải đối đầu với nạn thất nghiệp tăng cao, nhân công thì thiếu trình độ, rất nhiều thành phố ở Việt Nam cũng đã lâm vào cùng một số phận như vậy. Những thành phố đông đúc như Sài Gòn (Tp. Hồ chí Minh) thực ra cũng không được chuẩn bị để giải quyết vấn đề rất thực tiễn này. Sự bùng nổ dân số quá đột ngột này đã gây nên rất nhiều thiệt hại. Khi cuộc chiến 20 năm kết thúc năm 1975, dân số tại Sài Gòn khoảng 2 triệu dân, một thành phố tương đối đông đúc. Tuy nhiên, vào năm 2005, Sài Gòn đã gia tăng dân số lên 6 triệu. Hiện tại, số dân này đã được nhân lên 8 triệu. Trong khi dân số mỗi ngày một tăng, nhưng việc cung cấp nhà ở và việc làm thì chẳng đi đến đâu. Nguyên nhân của việc gia tăng dân số quá nhanh phần lớn là do nạn di dân của những người nghèo từ các vùng nông thôn lên thành phố. Ấp ủ trong lòng mơ ước một cuộc sống tốt đẹp hơn, những người dân nghèo không học thức và chuyên môn này đã di cư vào thành phố Sài Gòn với hy vọng kiếm được việc làm và tạo lập một tương lai khấm khá hơn.

Đời sống tại Sài Gòn quả thực khó khăn hơn nhiều so với những gì họ từng nghĩ. Ngay khi họ đến Sài Gòn, họ đã thật sự rất thất vọng vì Sài Gòn là một thành phố không dễ gì giao thiệp và hết sức lạnh lùng. Có rất ít việc làm tại đây. Và càng khó kiếm việc làm hơn nữa khi họ không có kiến thức và chuyên môn. Sài Gòn thật chẳng giống như họ mơ tưởng chút nào. Vì không đủ tiền để trở về quê, họ đành chịu đựng vất vả, cố gắng chắt chiu, tằn tiện để tự mưu sinh. Và vì không có chuyên môn, nhiều người trong số họ đã được nhận vào làm với những công việc lặt vặt, phụ giúp như người ở, vú nuôi tại các gia đình khá giả hay người giúp việc trong các khách sạn. Đó là nếu họ may mắn tìm được việc làm. Những thanh thiếu nữ thì bị lôi kéo vào những tệ nạn cặn bã của xã hội như buôn bán ma tuý, mại dâm, hay mồi chài đàn ông. Còn các thanh thiếu niên thì hầu hết là hướng tới cuộc sống bụi đời. Năm 1995, sự khảo sát mới nhất đã được thực hiện, kết quả là: “Tại Việt Nam, 50.000 trẻ em sống ngoài đường phố, trong số đó có 17.000 trẻ em tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong số trẻ em đường phố này, có 40% sinh tại Sài Gòn và 60% từ các tỉnh lẻ di cư vào thành phố.”[3]

7.4         CUỘC PHỎNG VẤN VỚI ĐỨC HỒNG Y GIOAN BAOTIXITA PHẠM MINH MẪN, TỔNG GIÁM MỤC SÀI GÒN VIỆT NAM VỀ TÌNH HÌNH CỦA THÀNH PHỐ SÀI GÒN

Biết được tình hình của nước Việt Nam và của thành phố lớn nhất là Sài Gòn sẽ cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về tình trạng khó khăn của vấn đề dân số tại đây. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một tấm hình tổng quát không tên tuổi và mặt mũi để chúng ta cảm thấy gần gũi hơn. Để liên tưởng đến vấn đề con người có hình hài và tên tuổi, tốt nhất chúng ta hãy nghe điều này từ những người hết sức quan tâm đến hiện trạng này tại Sài Gòn. Hy vọng nhận ra và tìm được một hướng giải quyết cho vấn đề này, Tổng Giám mục Sài Gòn, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã đưa ra những suy nghĩ của ngài. Lúc đầu, ngài chỉ cho phép phỏng vấn 15 phút tại văn phòng của Toà Giám Mục, nhưng sau đó thì buổi nói chuyện của ngài đã kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Đức Hồng Y Gioan Baotixita là Tổng Giám mục của Tổng Giáo phận Sài Gòn. Tổng Giáo phận có 198 giáo xứ và khoảng 50 điểm truyền giáo, có khoảng 500 linh mục triều và linh mục dòng phục vụ tại các giáo xứ và những điểm truyền giáo này. Hiện tại, Tổng Giáo phận Sài Gòn còn rất thiếu linh mục, và Nhà nước rất giới hạn việc nhận các chủng sinh cũng như việc cho phép truyền chức cho các tân linh mục. Trong suốt 9 năm gần đây, trong tư cách là Tổng Giám mục Sài Gòn, Đức Hồng Y được biết từ năm 1975 đến 1998, có khoảng 250 linh mục đã về hưu hoặc qua đời. Cũng trong khoảng thời gian này, Nhà nước cũng chỉ cho phép 150 linh mục được lãnh tác vụ mục tử. Đức Hồng Y Gioan Baotixita đã dí dỏm nói rằng : “Tôi nói với Nhà nước rằng họ còn mắc nợ tôi 100 linh mục nữa.” Khi được hỏi về vấn đề tu sĩ nam nữ, Đức Hồng Y nói rằng ngài báo cáo với Toà Thánh ở Roma khoảng 5.000 tu sĩ. Nhưng ngài nói thêm: rất nhiều nam nữ tu sĩ đã không được báo cáo số liệu, bởi vì họ gia nhập vào dòng trong âm thầm mà không xin phép của Nhà nước. Ngài còn nhấn mạnh rằng luật không còn đòi hỏi các tu sĩ nam nữ phải xin phép Nhà nước nữa. Nhưng trong những năm trước kia thì không như vậy. Với tính tình rất hài hước, là điều cần thiết khi phải giải quyết những vấn đề khó khăn, Đức Hồng Y Gioan Baotixita nói ngài chỉ báo cáo cho Rôma con số đã được báo cáo cho ngài, còn con số thực sự thì chỉ có Chúa biết. Rất quan tâm đến số người Công giáo tại Sài Gòn, Đức Hồng Y cũng đã đương đầu với tình trạng khó xử như vậy. Ngài nói: “Trong Giáo phận, có khoảng 630.000 người công giáo” Nhưng số dân còn lại thì không thể biết được vì sự tăng vọt của số công nhân di dân từ các tỉnh lẻ vào thành phố. Đức Hồng Y Gioan Baotixita đã chia sẻ cho chúng tôi con số thống kê rất đáng sửng sốt: hơn 2 triệu công nhân đã di trú từ các vùng nông thôn vào thành phố này để kiếm việc làm. Nếu 10% (theo tỉ lệ trung bình người Công giáo tại Sài Gòn) trong số 2 triệu dân của Sài Gòn là người Công giáo, thì sẽ có thêm 200.000 người Công giáo nữa trong Tổng Giáo phận Sài Gòn.[4]

Khi được hỏi về việc có đủ công ăn việc làm cho số lượng công nhân di trú này hay không, Đức Hồng Y đã chia sẻ cho chúng tôi những thông tin nội bộ về cuộc gặp gỡ diễn ra  giữa 7 công chức của Nhà nước với Đức Hồng y. Trong cuộc nói chuyện, Đức Hồng Y đã trích dẫn con số thống kê từ một tờ báo địa phương rằng Sài Gòn có hơn 2 triệu dân công nhân nhập cư, thế nhưng thành phố chỉ có thể cung cấp việc làm cho 1.200.000 đến 1.300.000 công nhân. Điều tệ hơn nữa, là số công nhân di cư vào thành phố mỗi ngày một đông. Năm 2006, Nhà nước đã báo cáo rằng họ có thể dạy nghề cho khoảng 250.000 nhân công. Như vậy, số người có công ăn việc làm là khoảng 1.500.000 người. Thế còn hơn nửa triệu người không có công ăn việc làm thì sao ? Trong số người thất nghiệp ồ ạt này, rất nhiều người đã rơi vào những tệ nạn cặn bã của xã hội, họ bị ép buộc phải bán ma tuý, buôn người và mại dâm. Những tệ nạn xấu xa này đã dẫn lối cho sự tiêm nhiễm lan tràn căn bệnh thời đại HIV/AIDS. Đức Hồng Y Gioan Baotixitia đã hỏi các vị đại diện nhà nước: “Nhà nước có giải pháp hay chương trình nào để giúp cho những người này không ?” Họ trả lời: “Chúng tôi không thể lo cho tất cả mọi người được.” Và Đức Hồng Y đã tiếp nối câu hỏi khác: “Vậy thì tại sao các anh không để cho các giáo xứ, dòng tu và các tổ chức bác ái từ thiện làm việc đó giúp Nhà nước ?”[5] Họ thinh lặng không trả lời. Biết rằng Nhà nước còn bị giới hạn nhiều trong việc trợ giúp số lượng khổng lồ những công nhân di trú, Đức Hồng Y đã đề cập đến một số người đang được các nam nữ tu sĩ, những người thiện nguyện giúp đỡ. Họ phục vụ và chăm sóc các trẻ mồ côi, các thiếu niên bụi đời, nhưng chỉ trong âm thầm vì Nhà nước không cho phép họ công khai làm những việc từ thiện bác ái này. Đức Hồng Y Gioan Baotixita đã dẫn chứng Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô, công việc bác ái của họ đã được nhiều người nghèo biết đến. Nhưng họ còn bị giới hạn nhiều trong phạm vi hoạt động vì quan điểm của Nhà nước.

 

7.5         NHỮNG NGƯỜI NGHÈO NHẤT TRONG NHỮNG NGƯỜI NGHÈO TẠI SÀI GÒN, ĐÓ LÀ NHỮNG CÔ GÁI CƠ NHỠ, CÁC TRẺ MỒ CÔI, NHỮNG NẠN NHÂN NHIỄM HIV/AIDS VÀ NHỮNG CỤ GIÀ NEO ĐƠN BỊ BỎ RƠI

Khi đề cập đến người nghèo, người Việt phần đông rất nghèo. Thực ra, con số người nghèo ở Việt Nam cao tới gần 90%. Tuy nhiên, hầu hết những người nghèo này đểu có khả năng tự xoay sở để kiếm sống bằng những việc phục vụ khiêm tốn. Thực ra, họ rất cần những sự trợ giúp của xã hội để nâng cao kiến thức và được học nghề hầu có thể thoát ra khỏi sự lạc hậu và nghèo đói. Trong số những người nghèo này, còn có một nhóm người cùng cực hơn mà nếu không có sự giúp đỡ của những người biết quan tâm chắc chắn sẽ chết. Nhóm người nghèo cùng cực này dược xem như là những người nghèo nhất trong những người nghèo. Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô và những hội dòng khác đã muốn chăm sóc và giúp đỡ cho hết mọi người nghèo bất cứ ở đâu họ gặp thấy, nhưng vì sự ngăn cấm của Nhà nước cũng như những sự hạn chế của họ, mà các dòng tu chỉ có thể giúp đỡ và chăm sóc một số những đối tượng thực sự cần được chăm sóc trước tiên. Vì vậy, những người nghèo nhất trong những người nghèo tại đây, đó là những cô gái lỡ lầm, những  em cô nhi, những nạn nhân bị hiễm HIV/AIDS và những cụ già neo đơn bị bỏ rơi.

 

7.6        KẾT LUẬN

Sau 20 năm chiến tranh loạn lạc và đói kém, cuối cùng Việt Nam đã thống nhất thành một quốc gia. Với nền hoà bình vừa lập lại và sự hoà thuận êm ấm trong đất nước, Việt Nam đã trải qua một cuộc bùng nổ dân số đột ngột. Cảm thấy như bất lực trước tình cảnh hết sức khó khăn này, Nhà nước Việt Nam đã làm hết sức mình có thể để đáp ứng phần nào những đòi hỏi của sự gia tăng dân số quá nhanh. Những thành phố lớn như Sài Gòn cũng đã chịu ảnh hưởng của sự bùng nổ dân số này, hàng triệu nhân công không có chuyên môn và kém học thức đã di trú vào thành phố này để kiếm sống. Các giáo xứ, các dòng tu và những tổ chức từ thiện bác ái xã hội đã sẵn lòng giúp Nhà nước một tay, nhưng Nhà nước đã không đón nhận. Vì vậy, những tổ chức từ thiện này cũng như các nam nữ tu sĩ đã phải hoạt động với những nỗ lực giới hạn của mình trong âm thầm để giúp đỡ những con người bất hạnh này. Và vì không thể giúp đỡ hết tất cả người nghèo, thì việc nhận ra những người có nhu cầu khẩn thiết nhất trong số những người nghèo để giúp đỡ là điều cần thiết đáng làm. Những người có nhu cầu khẩn thiết nhất là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đó là những cô gái lỡ lầm, những em cô nhi, các nạn nhân bị nhiễm HIV/AIDS và những cụ già neo đơn bị bỏ rơi. Chương kế tiếp sẽ dừng lại lâu hơn ở đề tài những cô gái cơ nhỡ tại Sài Gòn, Việt Nam.

 

 

 

Tin liên quan