Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

Tài Liệu

Những Cô Gái Lỡ Lầm

Việt Nam là một đất nước cổ truyền với hàng ngàn năm văn hiến và truyền thống. Một trong những truyền thống đã được gìn giữ qua nhiều thế kỷ là sự gắn bó mật thiết trong gia đình.

Những Cô Gái Lỡ Lầm

 

 

CHƯƠNG 8

 

Những Cô Gái Lỡ Lầm

 

 

8.1        LỜI GIỚI THIỆU

Việt Nam là một đất nước cổ truyền với hàng ngàn năm văn hiến và truyền thống. Một trong những truyền thống đã được gìn giữ qua nhiều thế kỷ là sự gắn bó mật thiết trong gia đình. Không giống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, thanh thiếu niên bắt đầu 18 tuổi thì được coi như đã là người trưởng thành và có thể thoát ly khỏi sự đầm ấm của gia đình để học tại các trường đại học hoặc đi làm xa nhà; ở Việt Nam, thanh thiếu niên đã trưởng thành vẫn không thể ra ở riêng nếu không được phép của bố mẹ. Thậm chí, ngay cả sau khi đã lập gia đình, hai vợ chồng cũng phải ở nhà cha mẹ cho đến khi cha mẹ cho phép ra ở riêng. Truyền thống tốt đẹp này chỉ có hiệu lực khi gia đình tương đối khá giả và công việc ổn định. Nhưng, nếu kinh tế của gia đình eo hẹp thì truyền thống này phụ thuộc vào kế sinh nhai và sự sống còn của gia đình. Cái nghèo thường có khuynh hướng làm giảm thiểu những truyền thống quí báu nhất, bất kể truyền thống này đã có từ lâu đời hay linh thiêng như thế nào. Những thanh thiếu nữ của các gia đình nghèo thường phải sớm lìa xa sự ấm áp của gia đình với hy vọng tìm được việc làm ổn định ở các thành phố lớn và sau đó là gửi những món tiền kiếm được về quê để giúp đỡ cha mẹ. Vì chưa bao giờ ra khỏi ranh giới của xóm làng thân yêu, những thiếu nữ này chẳng biết gì nhiều về cách xử đối của thế giới bên ngoài. Vì thế họ dễ dàng trở thành những miếng mồi ngon cho những người lợi dụng đang đặt bẫy chờ đợi những nạn nhận ngây ngô ở những thành phố lớn. Những người lợi dụng xấu xa này thường biến những đứa trẻ ngây thơ vô tội vạ này thành những kẻ bán buôn ma tuý và hành nghề mại dâm. Chỉ cần sa chân lỡ bước một lần thì cuộc đời người con gái coi như tàn lụi. Điều này thể hiện rõ nét hơn nơi những thiếu nữ bị lợi dụng tình dục và đã lỡ mang thai. Họ quá xấu hổ và không dám trở về quê, vì biết rằng gia đình sẽ đuổi họ ra khỏi nhà, hoặc tệ hơn nữa, sẽ từ chối không còn nhận họ là con. Và họ bắt buộc phải đương đầu với sự khắc nghiệt của cuộc sống và của chính bản thân họ. Chương này sẽ bàn về những trẻ em nữ bị lạm dụng làm những người buôn bán ma tuý và mại dâm khiến các em mang thai; và sự bùng nổ về nạn phá thai tại Sài Gòn; sự phản ứng của Mẹ Teresa liên quan đến tệ nạn mang thai ở tuổi vị thành niên và nạn phá thai, công việc của các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô giữa các các cô gái cơ nhỡ; bài phỏng vấn với Nữ tu Maria Martinô Hàn Lệ Thuý, giám đốc Mái Ấm Tình Mẹ - nơi các cô gái lầm lỡ đang trú ngụ - cảm tưởng của các bà mẹ trẻ ở Mái Ấm Tình Mẹ; và cuối cùng là sự kết thúc tốt đẹp - đám cưới.

8.2         SỰ LAN TRÀN CỦA NẠN MANG THAI Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊN VÀ NẠN NẠO PHÁ THAI Ở SÀI GÒN

Trước khi bàn luận đến vấn đề mang thai ở tuổi vị thành niên và phá thai là những hậu quả có thể thấy được, chúng ta hãy thăm dò và xét đến nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân của nạn mang thai ở tuổi vị thành niên và nạn nạo phá thai phần lớn bắt nguồn từ việc mại dâm. Trẻ em sinh ra là để được yêu thương, nhưng hầu hết những trẻ em của các gia đình nghèo thì không những bị cha mẹ, anh chị bỏ bê mà có khi chúng còn phải đối đầu với những khó khăn không thể tưởng tượng được, chẳng hạn như sự nghèo đói và việc bị lạm dụng. Sự thực, cái nghèo là nguyên nhân gốc rễ của rất nhiều khó khăn khiến các em gái đi vào con đường mại dâm. Văn Phòng Dân Chủ -Lao Động và Quyền Con Người đã báo cáo : “Sự nghèo đói đã góp phần rất lớn vào việc gia tăng trẻ em hành nghề mại dâm tại các thành phố lớn, đặc biệt là trẻ em nữ, nhưng cũng có một số trẻ nam. Rất nhiều gái điếm tại Thành phố Hồ Chí Minh dưới 18 tuổi. Một số trẻ hành nghề mại dâm ở tuổi vị thành niên - đã bị ngược đãi từ gia đình - đã bị cưỡng bức hành nghề mại dâm để giải quyết vấn đề kinh tế cho gia đình. Một số trẻ bị bán cho các gia đình làm người hầu kẻ ở, cũng có một số trẻ em bị bán ra nước ngoài với mục đích khai thác tình dục.[1] Nữ tu Franklin, người làm việc giữa các trẻ em đường phố tại Việt Nam đã nhận xét: có ít nhất 25.000 trẻ sống lang thang ngoài đường phố, và đây là một ước lượng hết sức dè dặt. Những trẻ em đường phố này hầu hết đều sinh ra tại các vùng nông thôn, vì nạn thất nghiệp và số dân quá đông, các em đã phải tìm đến các thành phố. Việc này kéo theo sự chia ly các thành viên trong gia đình và mất hẳn việc những người lớn làm gương cho con em mình. Khi đến những thành phố lớn, những đứa trẻ này bắt đầu tiêm nhiễm những những tệ nạn như: ma tuý, mại dâm. Trong nhiều trường hợp, khi đã tiêm nhiễm rồi, các em thường bị bỏ rơi, và tệ hơn nữa bị bán cho người khác. Đường phố trở nên nhà của các em, và các em trở thành những trẻ bới rác, xin ăn, đánh giày, quét chợ, người khuân vác, rửa chén đĩa và mại dâm.[2] Thật nát lòng khi nghe biết chính cha mẹ của các em đã bỏ rơi các em vì quá nghèo. Nhưng thật không thể tưởng tượng được khi có những người cha người mẹ vô tâm và độc ác đến nỗi bắt con mình phải bán thân nuôi miệng. Đài Sing-ga-po Quốc Tế đã có lần đã phát thanh: Việt Nam, Nạn mại dâm ở tuổi vị thành niên đã thuật lại câu chuyện làm ớn lạnh như sau: “Nhung, tiếng Việt có nghĩa là “thỏ con” đã hành nghề mại dâm từ lúc 12 tuổi. Là con gái của một đầu bếp của một trường đại học tại Việt Nam, cô rất hãnh diện về cha của mình, bởi vì cô đã có thể kiếm được nhiều tiền hơn mọi người khác trong dòng họ của mình bằng cách hành nghề mại dâm.”[3]

Với sự lan tràn của nạn hành nghề mại dâm, chắc chắn sẽ kéo theo những hậu quả hợp lý là sự mang thai và nạn nạo phá thai. Cô Hilary White đã báo cáo trên mạng Internet - mục Tin Tức Sự Sống như sau: “Nạn mại dâm đang lan tràn tại Việt Nam. Con số thống kê gần đây cho thấy hơn 74.264 trẻ em thai nhi đã bị giết hại tại Thành phố Hồ Chí Minh trong vòng 9 tháng đầu năm 2005.[4] Vấn đề nạo phá thai không chỉ là hậu quả của những luật lệ của chế độ Cộng sản, mà nó còn phản ánh sự lớn dần của Chủ nghĩa Cá nhân và Chủ nghĩa Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng đang thâm nhập vào Việt Nam qua sự phát triển mối quan hệ kinh tế với các nước phương Tây. Điều này đã làm gia tăng tỷ lệ nạo phá thai. Hơn nữa, sự đổ vỡ trong mối quan hệ gắn bó gia đình qua việc di trú đến các thành phố lớn đã làm cho các em phải đương đầu với một tương lai đen tối đầy thách thức. Tờ báo Lao Động tại địa phương đã tường trình: “Cứ 5 người phụ nữ đi phá thai thì có 1 người ở tuổi vị thành niên... Khoảng 300.000 phụ nữ không chồng mà có thai tại Việt Nam đi phá thai mỗi năm, phần lớn là giới trẻ. Có khoảng 20% giới trẻ tuổi từ 15 - 20 ở các thành phố lớn đã có sinh hoạt tình dục trước hôn nhân, và rất nhiều trong số họ đã từng phá thai.”[5] Nạn mang thai ở tuổi vị thành niên và nạn nạo phá thai là hai vấn đề nhưng chúng đều bắt nguồn từ một nguyên nhân là không được yêu thương và bị lạm dụng.  Tình thương yêu chính là giải pháp duy nhất của hiện trạng rất đỗi khắc nghiệt này.

8.3         SỰ PHẢN ỨNG CỦA MẸ TERESA TRƯỚC TỆ NẠN MANG THAI Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊN VÀ NẠN NẠO PHÁ THAI

Trong công việc bác ái giữa những người nghèo, Mẹ Teresa thường âu yếm dành cho các trẻ em chưa chào đời một chỗ rất sâu kín trong trái tim của Mẹ. Mẹ thường nhắc nhở các nữ tu của Mẹ và những ai muốn nghe rằng: “Trẻ em chưa sinh ra ở ngay giữa những người nghèo nhất trong những người nghèo. Chúng rất gần cung lòng của Thiên Chúa... Mẹ nhìn thấy Thiên Chúa trong đôi mắt của từng em bé - tất cả mọi trẻ em không được ai yêu thương đều phải được chúng ta tiếp đón. Chúng ta sẽ tìm cho các em những gia đình tử tế nhận các em làm con nuôi.”[6] Mẹ Teresa có khả năng nhìn xuyên qua điều Mẹ thấy nơi một đứa trẻ. Mẹ nhìn thấy tầm quan trọng của từng em bé và so sánh đối chiếu từng em với Thánh Gioan Tiền Hô: “Con người đầu tiên trên trần gian đã tiếp đón Chúa Giêsu, đã nhận ra Ngài trong cung lòng của người mẹ, lại là một đứa trẻ: Đó là Thánh Gioan Tiền Hô. Thật tuyệt vời: Thiên Chúa đã chọn một đứa trẻ chưa chào đời để loan báo sự giáng lâm của Đấng Cứu Thế là Con Một rất yêu dấu của Người.”[7] Trẻ em luôn mang một giá trị cao quý trong cái nhìn của Chúa Giêsu, vì Ngài đã kêu gọi chúng ta hãy trở nên như trẻ nhỏ, “Chúa Giêsu đã đi vào trần thế này từ cung lòng của một người mẹ, Ngài đã ẵm bế trẻ em trên cánh tay mà nói rằng: Vương quốc của Ngài thì thuộc về những ai có tâm hồn trẻ thơ và trở nên như trẻ thơ. Và ngay từ buổi sơ khai, người Công giáo đã sống rất đúng đắn với tình yêu mà Chúa dành cho các trẻ nhỏ và cuộc sống gia đình.”[8] Ngày mồng 3/2/1994, trong Bữa Điểm Tâm Cầu Nguyện Quốc Tế (National Prayer Breakfast) diễn ra tại Washington, Mẹ Teresa đã được mời làm người diễn thuyết chính thức của buổi lễ. Có rất nhiều người quyền thế ở đó đang chờ đợi Mẹ, trong đó có Tổng thống Clinton và vợ ông là Phu nhân Hilary. Mẹ Teresa đã không ngần ngại trong lời nói khi Mẹ đề cập đến vấn đề nạo phá thai. Mẹ đã nói thẳng thừng với những thính giả bất đắc dĩ đang rất đỗi sửng sốt: “Bất cứ quốc gia nào cho phép nạo phá thai thì họ đang dạy cho dân tộc mình đừng yêu thương, nhưng hãy dùng bạo lực để đạt được điều mình muốn.”[9] Vào một dịp khác, trước những thính giả cứng lòng hơn, Mẹ Teresa đã nói với họ rằng: “Kẻ phá hoại hoà bình ghê gớm nhất trong thế giới hôm nay đó chính là sự nạo phá thai, bởi vì đây là một cuộc chiến tranh chống lại một đứa trẻ, một sự giết hại những trẻ thơ vô tội bởi chính người mẹ ruột của mình. Và nếu như chúng ta chấp nhận một người mẹ có thể giết con ruột của mình, làm sao chúng ta có thể nói người khác đừng giết hại lẫn nhau?”[10] Quan điểm của Mẹ Teresa về việc nạo phá thai được tóm gọn trong lời phát biểu thường được Mẹ trích dẫn : “Thật là nghèo nàn khi quyết định rằng đứa trẻ phải chết để bạn được sống như bạn muốn.”[11] Chiến lược của Mẹ Teresa trong cuộc chiến chống nạo phá thai là việc nhận con nuôi. Mẹ và Hội dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ chăm sóc những người mẹ chưa chồng và tìm những gia đình tử tế nhận nuôi những đứa con của họ.

Để cứu thai nhi, trước tiên Mẹ Teresa phải cứu người mẹ. Sinh sống và phục vụ ở Thành phố Calcutta đã nhiều năm, Mẹ Teresa rất hiểu về phong tục văn hoá và truyền thống Ấn Độ. Mẹ biết rằng thật là tai tiếng cho một gia đình Ấn Độ khi trong nhà có một đứa con gái chưa chồng mà mang bầu. Vì thế, Mẹ đã cố gắng nói chuyện và thuyết phục cha mẹ cô gái đừng bắt ép cô phải nạo phá thai. Và khi đã hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này, bước kế tiếp là đưa cô gái đi xa nhà để tránh tai tiếng cho gia đình. Khi em bé được sinh ra, gia đình cô gái có thể quyết định đưa em bé về nhà. Nếu em bé bị bỏ rơi, Mẹ Teresa cố gắng kiếm những gia đình tốt lành tử tế để nhận nuôi em. Bên cạnh công việc với những gia đình này, Mẹ Teresa cũng viết thư cho những y tá phụ khoa làm việc trong các bệnh viện tư để nói với họ rằng những nữ tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ sẽ nhận nuôi bất cứ đứa trẻ nào bị bỏ rơi, cho dù chúng ốm yếu hay tật nguyền như thế nào. Mẹ cũng gửi thư cho các bác sĩ phụ khoa tại các bệnh viện xin họ hãy gửi cho Mẹ bất cứ cô gái lỡ lầm nào muốn được giúp đỡ. Họ có thể đến với bất cứ một mái ấm nào của các nữ tu Thừa Sai Bác Ái, và họ sẽ được chăm sóc miễn phí trong suốt thời gian mang thai cũng như chi phí bệnh viện khi sinh con, cho đến khi đứa trẻ thôi bú. Đổi lại, các cô chỉ cần giúp các nữ tu trong các công việc lặt vặt thường ngày.[12]

8.4         CÔNG VIỆC CỦA DÒNG THỪA SAI BÁC ÁI CHÚA KITÔ VỚI CÁC CÔ GÁI CƠ NHỠ TẠI SÀI GÒN

Theo gương Mẹ Teresa - người thầy có vấn thông thái - Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã mở hai Nhà Mái Ấm Tình Mẹ tại Sài Gòn để giúp đỡ cho các cô gái lỡ lầm. Qua việc giúp đỡ các bà mẹ trẻ, các nữ tu cũng hy vọng sẽ ngăn chặn cho các em những tai họa của nạn phá thai. Đến một trong hai Nhà Mái Ấm Tình Mẹ, tiếng Anh là ‘Mother’s Love Home’, ta sẽ thấy một tấm biển khá lớn sơn sáng với khẩu hiệu : “Phò sự sống - Chống phá thai”, tiếng Anh có nghĩa là “Pro life & Anti Abortion”. Mái Ấm này hoạt động dưới sự điều hành của Nữ tu Maria Martin Hàn Lệ Thuý từ năm 1996 đến nay. Trong 11 năm qua, Mái Ấm Tình Mẹ đã từng là nơi trú ngụ của gần 700 các em cơ nhỡ, là những người mà nếu không có Mái Ấm này thì không còn chỗ nào khác trú ngụ. Thực tế, Mái Ấm Tình Mẹ không chỉ mang đến cho gần 700 cô cơ nhỡ một cơ hội thứ hai làm lại cuộc đời mà còn cứu được gần 700 thai nhi thoát khỏi sự độc ác của nạn nạo phá thai. Số lượng các cô cơ nhỡ tại Mái Ấm này dao động mỗi năm. Hiện tại, có hơn 30 cô đang sống trong sự ấm áp của Mái Ấm Tình Mẹ.[13]

Nữ tu Maria Martinô Thúy tiếp tục giải thích: những khó khăn và những tình huống khó xử mà các cô gái cơ nhỡ đương đầu thường dẫn các cô đến dự định nạo bỏ thai. Vì có thai trước hôn nhân bị coi như một nỗi xấu hổ và sai quấy với phong tục. Theo phong tục truyền thống, con cái không được phép ở riêng khi chưa lập gia đình. Điều này có vẻ như xa lạ đối với người nước ngoài, nhưng thật ra nó ngăn chặn rất hiệu quả việc sinh hoạt tình dục trước hôn nhân. Các thế hệ đi trước như: thế hệ của ông bà, cha mẹ, các cô chú thường không hiểu và không không chấp nhận bất cứ thành viên nào trong gia đình chưa cưới hỏi mà đã có con. Vì thế, khi nghe tin đứa con gái chưa lập gia đình mà đã mang thai, lập tức gia đình sẽ từ chối đứa trẻ trong bụng mẹ, hoặc tệ hơn nữa, từ bỏ luôn người con gái đó khỏi gia đình, hoặc ra hình phạt nặng nề cho cô gái. Rất thường khi, cha mẹ nói những lời đau lòng gây tổn thương cho con cái như: “Con gái chúng tôi đã chết. Chúng tôi không có đứa con gái vô đạo đức như vậy.” Sự mang thai ngoài ý muốn cũng ngăn cản những bà mẹ trẻ ngưng làm việc, vì điều này có thể nguy hiểm cho đương sự. Nếu bà mẹ trẻ quyết định giữ lại đứa con, cô sẽ không được một sự trợ giúp từ gia đình, cũng không có nguồn tài chính cần thiết nào để nuôi dưỡng và chăm sóc đứa bé.[14]

Không có ai để quay về, cũng không biết phải đi về đâu, sự lựa chọn duy nhất của các bà mẹ trẻ bất hạnh này là tìm đến cái chết hoặc là nạo phá thai. Nói cách khác, hoặc ai đó sẽ chết, hoặc sự sống sẽ mất. Rất am hiểu tình huống khó khăn mà các bà mẹ trẻ phải đương đầu, các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã ra đường tìm đến những ngõ ngách trên các đường phố, tới các bệnh viện và các bệnh viện tư với hy vọng tìm các bà mẹ trẻ và cho họ thêm một chọn lựa nữa cho cuộc sống. Thỉnh thoảng, các nữ tu cũng mạo hiểm ra ngoài khi trời tối, đến các công viên để tìm gặp các cô gái bất hạnh này, mời đón họ đến với Mái Ấm Tình Mẹ để cho đứa con của họ có cơ hội được sống. Rất nhiều cha sở tại các giáo xứ địa phương cũng giới thiệu và gửi các bà mẹ trẻ đến với các Soeurs. Thỉnh thoảng, những cô đã từng sống tại Mái Ấm Tình Mẹ cũng giới thiệu những cô khác đồng cảnh ngộ đến với Mái Ấm này. Nữ tu Martinô Thúy nói: “Mục đích của chúng tôi là cứu lấy sự sống. Vì thế, chúng tôi chào đón và tiếp nhận tất cả và từng em cơ nhỡ, không phân biệt tuổi tác, tôn giáo hay màu da.” Khi đến với Mái Ấm Tình Mẹ, các em được các soeurs chăm sóc về cả 4 phương diện: thể lý, tâm lý, tinh thần và hướng nghiệp. Các bà mẹ trẻ lần đầu tiên đến với Mái Ấm thường rất bối rối và không tin tưởng, bởi vì các em đã từng bị nói dối và đánh lừa đưa đến tình trạng hiện tại của các em. Các nữ tu đã cố gắng khuất phục các em chỉ đơn giản bằng việc hiện diện, chăm sóc, sống giữa các em, ăn uống với các em và cầu nguyện cho các em. Với lời khấn Khó nghèo, các nữ tu đã vui nhận một cuộc sống hoà đồng giống như các em suốt 24 giờ một ngày, 7 ngày trong một tuần và 52 tuần trong một năm. Về thể lý, các em được các nữ tu chăm lo mọi nhu cầu từ chỗ ngủ cho đến từng bữa ăn hằng ngày. Khi các em đã vững vàng và tương đối ổn định tinh thần, các nữ tu sẽ bắt đầu nói chuyện với các em về tình trạng thai nghén của họ, về những nhu cầu mà các em cần biết để tự chăm sóc mình và chăm sóc cho đứa con trong bụng. Các bà mẹ trẻ này cũng chia sẻ cho nhau về bản thân và gia đình của mình. Cùng chung cảnh ngộ, sự chia sẻ giữa các em tạo nên một sự gắn bó rất đặc biệt. Khi có cơ hội, các nữ tu sẽ làm việc như những người trung gian giữa các cô gái và gia đình các em để giải hoà các em với cha mẹ, với hy vọng cha mẹ sẽ cho phép các em được trở về gia đình. Về tinh thần, đặc biệt đối với các em theo đạo Công giáo, các nữ tu sẽ liên hệ với các linh mục sở tại để nhờ các ngài giúp can thiệp và hoà giải giữa cha mẹ và các em. Bên cạnh những việc này, các bà mẹ trẻ được mời gọi, mà không bắt buộc, tham gia cầu nguyện với các nữ tu trong các Thánh lễ, các giờ Chầu Thánh Thể, cũng như các giờ kinh của Cộng đoàn. Về hướng nghiệp, các cô được các soeurs dạy một số nghề như: thêu, may, đánh máy, v.v... để các em có thể tự lo liệu kiếm sống khi rời khỏi Mái Ấm. Và như vậy, giúp các em thoát khỏi sự cám dỗ quay lại lối sống cũ. Được trang bị với như những chuyên môn mới, các em rất có khả năng kiếm được việc làm. Các nữ tu cũng liên hệ và xin những người chủ có đạo Công giáo nhận thuê mướn các em làm trong các công ty, xí nghiệp của họ. Điều rất đáng ngạc nhiên là, những bà mẹ trẻ này thích ứng rất nhanh và làm việc rất tốt trong những môi trường mới vừa tìm được.[15]

Khi thời kỳ đã mãn và đứa trẻ được sinh ra, người mẹ có thể quyết định giữ nuôi em bé hoặc bỏ con lại cho các gia đình nhận nuôi. Trước năm 2000, các nữ tu không thể giúp các các bà mẹ nuôi con vì qui định của Nhà nước không cho phép. Nếu một khi các bà mẹ quyết định bỏ con mình, thì đứa trẻ sẽ được chuyển đến cô nhi viện. Những người mẹ bỏ con thường rất đau khổ, vì nỗi lo buồn chia cách luôn là hậu quả của việc đã ruồng bỏ chính con ruột của mình. Các cô thường cố gắng hết sức trở về nhà và làm lại cuộc đời, nhưng họ vẫn đau khổ vì nỗi phiền muộn dằn vặt. Họ thường gọi điện thoại đến các nữ tu để thổ lộ nỗi buồn của mình. Một số các bà mẹ trẻ cuối cùng đã tìm lại được tình yêu và đã tiến tới hôn nhân. Một điều rất khó hiểu là, có một số trong các cô này đã không thể mang thai một lần nữa. Vì thế, họ quay lại Mái Ấm Tình Mẹ với hy vọng lấy lại đứa con của mình. Nhưng thật không may, hầu hết các bé này đã được chuyển đến cô nhi viện. Thỉnh thoảng, những người cha của các em bé này, dù đã từng một lần quay lưng không muốn biết gì đến chúng, bây giờ cũng đến Mái Ấm Tình Mẹ với hy vọng nhìn ngắm con của mình. Nhưng họ cũng gặp thất vọng tương tự. Và niềm đau của các bà mẹ trẻ vẫn còn đó.[16]

8.5         TÂM TÌNH CỦA CÁC BÀ MẸ TRẺ

Trong số gần 700 bà mẹ trẻ đã từng trú ngụ nơi Mái Ấm Tình Mẹ, có khoảng 10% là người công giáo. Tuy nhiên, qua những liên hệ hằng ngày với các nữ tu, qua việc cầu nguyện, các giờ giải trí, hoặc qua những lần chia sẻ với các soeurs, có khoảng 50% các bà mẹ trẻ bày tỏ ước muốn được rửa tội để được làm con Chúa. Một số các em cuối cùng đã tìm được tình yêu tại những nơi làm việc mới. Các nữ tu, mặc dầu rất xa lạ với các nghi thức hôn nhân và cưới hỏi, cũng đã cố gắng đóng vai trò như những người cha người mẹ của các cô để lên chương trình cho lễ cưới và tiếp tân. Khi các bà mẹ trẻ đủ sức bước đi trên đôi chân của mình, và cũng đến lúc họ  rời bỏ sự ấm áp của Mái Ấm, các cô thường để lại những cảm nghiệm, tâm tình của mình trong cuốn Hồi ký - được lưu lại tại Mái Ấm của các nữ tu - để bày tỏ lòng biết ơn các soeurs và cũng để an ủi, động viên những cô gái đồng cảnh ngộ khác.

Tâm tình đầu tiên là của em Thanh Nga tâm sự cùng Soeur Mary Martin Thúy. “Con sinh ra trong một gia đình nông dân. Gia đình con rất nghèo, phải rất tằn tiện chắt góp mới đủ sống trên vùng đất đỏ nghèo nàn. Chân tay con lúc nào cũng lấm lem với màu đỏ của thứ đất sét rất mến người. Cuộc sống thật vất vả và khó khăn. Con thường mơ ước sẽ làm một công việc gì khác dễ kiếm tiền hơn để giúp đỡ gia đình. Sau nhiều tháng dự định, ngày kia, con đã gom góp tất cả đồ đặc của mình và từ giã cha mẹ, các anh chị và cả vùng đất đỏ thân thương, nơi con đã từng lớn lên và được học sự khoan dung nhân ái. Từ một làng quê bé nhỏ tỉnh Nghệ An, con đã đến Thành phố Sài Gòn là một thành phố rất lớn. Cách xa hàng ngàn ki-lô-met, và nhất là xa tất cả những người con biết và yêu thương, con cảm thấy sợ và rất hoang mang vì những cảnh sắc và những tiếng ồn ào của một thành phố lớn và đông đúc. Sài Gòn chẳng giống những gì con đã tưởng tượng tí nào. Đây là một thành phố cục súc và trục lợi, nơi mà những cạm bẫy được giăng đầy và chờ đợi ở mọi ngóc ngách đường phố. Vì đang cần tìm một công việc để kiếm tiền giúp đỡ gia đình, con đã nhanh chóng bị lừa gạt và rơi vào cạm bẫy của những con người độc ác. Và con đã cảm thấy thế giới vỡ tan thành từng mảnh khi phát hiện mình có thai. Lòng đầy xấu hổ và mặc cảm tội lỗi, con nghĩ cách tốt nhất để thoát khỏi tình trạng cùng quẫn này là tìm đến cái chết. Biết chắc gia đình sẽ không bao giờ chấp nhận con trở về vì con sẽ mang sự tai tiếng xấu hổ về nhà; con cảm thấy rất đỗi hụt hẫng và cô đơn. Giải pháp duy nhất hiện giờ của con là cái chết, bởi vì trên cuộc đời này, con chẳng còn gì để chờ đợi và ước mong. Nhưng con đã không thể phạm thêm sai lầm nữa vì có rất nhiều người thiện tâm đã dành trọn cuộc đời để nâng đỡ và yêu thương những cô gái lầm lỡ như con. Con nhận ra rằng Thiên Chúa đã không bỏ rơi con vì Ngài vẫn hằng ở bên cạnh con. Các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã âu yếm yêu thương và giúp đỡ con trong suốt bốn tháng cuối của thời kỳ thai nghén. Soeur Martinô Thuý đã đích thân nấu từng bữa ăn cho con, lo lắng cho con cả chỗ ngủ ấm áp. Lúc nào Soeur cũng có đó khi con cần đến Soeur, nhất là những lúc con tràn ngập lo buồn và cần một ai đó để thổ lộ. Soeur đã kiên nhẫn ngồi nghe con nói và giải thích cho con hiểu những phức tạp, rối rắm của cuộc sống mà con không thể biết hết được. Thật lòng mà nói Soeur Martinô Thúy giống như người mẹ, người chị cả của con. Con sẽ không bao giờ quên được tấm lòng yêu thương và chăm sóc mà các soeurs đã dành cho con.

Còn đối với các chị kết nghĩa của em, chỉ còn hơn hai ngày nữa em sẽ rời xa các chị và mái ấm đầy yêu thương này. Mặc dù chúng ta từ bốn phương trời và học thức khác nhau, nhưng chúng ta đã trở nên như một gia đình thân mật và gắn bó vì chúng ta cùng chung một cảnh ngộ và đã chia sẻ với nhau. Tất cả chúng ta đều có những khó khăn riêng phải đương đầu và những thánh giá phải vác lấy. Đã có những lúc em cũng đã quẫn trí trước những khó khăn riêng mình. Nhưng sau khi chia sẻ với các chị, em nhận thấy thanh thản hơn vì đã có thể tha thứ cho chính mình. Các chị thân mến (các bà mẹ trẻ), em hy vọng mọi người trong các chị đều sinh nở an toàn và mẹ tròn con vuông. Đừng sợ hãi và lo lắng quá, vì như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt cho các bé còn trong thai. Trong suốt bốn tháng cuối em ở với các chị, nếu em có làm điều gì sai lỗi thì em xin các chị tha thứ cho em. Em cám ơn các chị đã yêu thương và chăm sóc em suốt hai tuần lễ sau khi sanh. Em nghĩ rằng những trang giấy nhỏ bé này không đủ chỗ để em nói hết lời cảm ơn các chị. Có một điều em xin các chị. Sau khi sanh em bé, nếu các chị có thể chăm sóc và nuôi dưỡng con mình, hãy đem chúng về và nuôi nấng chúng. Và như vậy, con cái chúng ta sẽ không phải đau khổ vì lỗi lầm của chúng ta. Em chẳng có gì để lại cho các chị ngoài tấm hình này khi em mang thai được 5 tháng. Mỗi khi các chị nhìn thấy hình này, xin hãy nhớ và cầu nguyện cho em. Nguyện xin Thiên Chúa khấng ban cho các chị được sức khoẻ và sự nhẫn nại để yêu thương nhau như các chị em cùng một gia đình.”[17]

Tâm tình thứ hai là của một bà mẹ trẻ dấu tên: “Con sinh ra ở miền trung Việt Nam, và lớn lên tại Thành phố Huế - một thành phố cổ. Huế khác hẳn với các thành phố lớn ở Việt Nam. Con rời Huế lên Thành phố Hồ Chí Minh, nơi con cảm thấy thật sự cô đơn vì không có ai để thăm hỏi, nói chuyện hay thư từ gì. Con đang chết một cái chết thinh lặng không ai biết đến và cũng chẳng ai ngó ngàng. Đôi khi có người nào tử tế ngồi lại nói chuyện với con và hỏi thăm con về gia đình là con cảm động không nói lên được một lời. Nước mắt chảy dài trên má, con chỉ biết khóc, khóc và khóc. Cuối cùng, con đã quyết định đặt bút viết về thân phận kém may mắn của con, về bệnh tật và định mệnh của mình. Con được sinh ra trong một gia đình rất đáng yêu, được cha mẹ rất đỗi yêu thương và chăm sóc tử tế. Cha mẹ đã làm việc vất vả để cho con được theo đuổi việc học. Con đã được dạy phải biết giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn, và nói chung con rất tin tưởng nơi mọi người và sống rất lạc quan. Con rất ngây thơ và đã từng nghĩ rằng cuộc đời này chỉ toàn những điều tốt lành và những con người chân thật. Con chẳng biết gì về cuộc sống đầy đảo điên. Con thấy mình như hạt cát bị hất tung giữa sa mạc đầy dối trá. Con lớn lên trong một gia đình mà mọi người trong nhà đều tin tưởng lẫn nhau. Thế nhưng khi phát hiện con đã có thai, thì cha mẹ đã tống khứ con ra khỏi mái nhà duy nhất là nơi con đã từng gắn bó và yêu thương. Cha mẹ không những từ bỏ con mà còn đối xử tệ bạc như thể đối với họ con đã chết. Hơn thế nữa, họ còn nói rằng họ ước gì đừng bao giờ có đứa con gái như con. Anh chị con cũng đồng tiếng đồng lòng đối xử tệ bạc và tấn công con. Con đã suy nghĩ nhiều về tình trạng của mình và đi đến kết luận rằng con đường duy nhất có thể giải thoát con khỏi tình trạng cùng khốn này là cái chết. Nhưng khi nghĩ đến đứa con đang lớn dần trong bụng, con đã không đủ can đảm để tự sát. Cha mẹ con đã cho con hai sự lựa chọn: hoặc là phá thai thì con được ở lại trong nhà, còn nếu giữ lấy đứa bé thì con phải ra đi. Con đã bị từ chối và không biết phải làm gì. Con tự hỏi, nếu con để đứa bé chào đời thì hai mẹ con sẽ sinh sống ra sao nếu không có sự trợ giúp và nâng đỡ yêu thương của gia đình ? Còn nếu con tự mình nuôi con thì con sẽ biết đi về đâu giữa cuộc đời mênh mông đầy gian dối lừa đảo này ?... Con là ai nếu không phải là một đứa con gái bạc nhược và yếu đuối ? Và rồi con vẫn luôn bị ám ảnh với ý định tự tử, vì con thực sự cảm thấy mình là một gánh nặng cho gia đình và cho xã hội.

Một ngày kia, khi con đang đi dạo dọc bờ sông thì gặp một người phụ nữ, cô nhìn vẻ mặt của con và chợt nhận ra rằng con đang có điều gì đó đau khổ. Không giống như những người con đã từng gặp là những người chỉ muốn lợi dụng con, người phụ nữ này rất thiện cảm và tỏ ra thật lòng quan tâm đến con. Con đã rất tự nhiên kể lại cho cô nghe về quá khứ của con và cô tỏ ra rất hiểu biết và thông cảm. Sau đó, cô dẫn con đến một nơi tôn nghiêm để cầu nguyện. Nơi này con đã đi ngang qua rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ đặt bước vào bên trong. Chính ở bên trong ngôi thánh đường này mà con đã gặp một nữ tu. Soeur đã mời con về nhà và cho con một chỗ trú thân mỗi khi con không có nơi nào để tựa đầu. Ngôi nhà mới của con có tên là Mái Ấm Tình Mẹ, ở Giáo xứ Đức tin, Gò Vấp. Cuộc sống bên ngoài đã dạy con phải thận trọng và cảnh giác, nhưng ở Mái Ấm Tình Mẹ, con không còn phải sợ hãi bị lợi dụng hay bị ngược đãi. Ở đó có nhiều cô gái khác cũng đồng cảnh ngộ như con. Và mặc dầu trình độ học thức và được giáo dục khác nhau, chúng con đã được học phải tin tưởng lẫn nhau trong Mái Ấm này. Niềm tin tưởng lẫn nhau dần dần dẫn chúng con đến sự yêu thương và chăm sóc cho nhau. Con tin rằng, tình thương mến mà con vừa tìm thấy chắc chắn phải đến từ Thiên Chúa và đã lan tỏa trên mọi người ở trong nhà. Các nữ tu ở đây thật đáng khâm phục. Các soeurs đã trở nên giống như chúng con và sống với chúng con trong cùng một mái nhà. Khi suy nghĩ về hoàn cảnh của mình, con nhận ra rằng, con phải ở đây vì con không còn nơi nào khác để trú thân, nhưng các soeurs thì không phải như vậy. Các soeurs đã chọn sống cuộc sống này - bên cạnh chúng con - để chia sẻ những khốn đốn của chúng con. Ngày cũng như đêm, các soeurs yêu thương và chăm sóc cho con. Các soeurs càng thương mến, chăm sóc cho con, thì con càng thấy buồn thấm thía khi nghĩ nghĩ về gia đình, về cha mẹ khi đành lòng xua đuổi ra khỏi nhà chính con ruột của mình.

“Cuối cùng, ngày chào đời của đứa con đã đến. Con cám ơn Chúa thật nhiều. Đứa con đã trở nên nguồn an ủi và sức mạnh cho con. Ẵm con trên tay, cuối cùng con đã nhận ra thế nào là hạnh phúc khi được làm mẹ. Ngay từ ngày đầu mới sinh, con bé lúc nào cũng đau yếu. Con thật lòng cám ơn các soeurs vô cùng đã chi tiêu tằn tiện hết sức trong sinh hoạt cũng như trong ăn uống để chữa bệnh cho con gái của con. Nước mắt chảy dài trên má mỗi lần và bất cứ khi nào con nghĩ đến những gì mà các soeurs đã làm cho hai mẹ con con. Con không biết phải trả ơn các soeurs thế nào cho đủ vì tấm chân tình và lòng nhân hậu mà các soeurs đã dành cho con. Con chỉ biết cầu nguyện cho các soeurs. Và mặc dù, con không phải là người có đạo, nhưng con tin có một Thiên Chúa, và vị Thiên Chúa này sẽ chúc phúc cho các soeurs thay cho con. Nguyện xin Chúa không ngừng chúc lành cho những công việc bác ái của các soeurs để giúp cho những người nghèo và đau khổ, đặc biệt là những bà mẹ trẻ kém may mắn như con.”[18]

8.6         KẾT LUẬN

Phong tục và truyền thống đã được gìn giữ vì mục đích sống còn của từng chủng tộc, từng quốc gia. Thế hệ này qua thế hệ khác đã trở nên hưng thịnh và phát triển nhờ những phong tục và truyền thống. Ngày nay, những truyền thống xưa kia rất đáng kính trọng nay đang bị đe doạ vì sự nghèo đói và rất nhiều vấn nạn khác nảy sinh từ sự đói nghèo. Chính cái nghèo đã thúc đẩy rất nhiều thanh thiếu niên đơn sơ dễ tin đến các thành phố lớn để tìm một cuộc sống tốt hơn. Nhưng điều mà họ tìm thấy ở những nơi này chỉ là những nỗi đau buồn và xấu hổ. Những truyền thống tốt đẹp ngày xưa đã từng gắn bó, củng cố cho những quan hệ tốt đẹp trong gia đình, nay lại ngăn cản những cô gái gặp chuyện không may về lại mái nhà của mình. Bị chính gia đình ruột thịt của mình xua đuổi, những cô gái đau khổ này thường tìm đến cái chết để tự giải thoát mình. May mắn thay, đã có những con người tốt lành như Mẹ Teresa, và các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô, những người đã sống theo Linh đạo của Mẹ cách triệt để, đã cho các em một cơ hội để thoát khỏi những cảnh ngộ đau lòng và đáng thương này. Bắt chước gương Chúa Giêsu - Đấng đã trở nên nhục thể như chúng ta để cứu chúng ta - các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô cũng đã chọn trở nên giống như những bà mẹ trẻ để tỏ cho các em biết rằng Thiên Chúa yêu thương các em. Bằng việc chia sẻ chính cuộc sống hằng ngày với những cô gái lầm lỡ, các nữ tu đã làm cho các em biết rằng các em rất quan trọng trước mắt Thiên Chúa. Ngay cả khi các em cảm thấy hay nghĩ rằng mình đã đánh mất tất cả, Thiên Chúa vẫn luôn ở đó, ngay bên cạnh các em để lo lắng cho các em. Vì sự thực, các em rất quí giá trong cái nhìn của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nhấn mạnh điều này khi công bố rằng Ngài đến không phải để cứu những người công chính, nhưng là để cứu những người tội lỗi. Những cô gái lỡ làng này đã nhận được niềm an ủi khi hiểu rằng Chúa Giêsu vẫn yêu thương họ. Và Ngài cũng yêu thương con cái của họ cách đặc biệt, mà phần lớn trong số trẻ em này đã trở thành cô nhi. Chương kế tiếp sẽ đề cập cụ thể vấn đề này.

Tin liên quan