Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

SỐNG LINH ĐẠO HỘI DÒNG

CHỮ “TÀI” CỦA NGƯỜI NỮ TU

“Bên cạnh ánh sáng lung linh của các vì sao còn có ánh sáng êm dịu và huyền bí của tâm hồn người phụ nữ”. Victor Hugo

 

 

CHỮ “TÀI” CỦA NGƯỜI NỮ TU 

 

Bạn thân mến!

Khi suy tư về người nữ tu thời nay, tôi có đọc trong bài viết “Nữ Tu nhìn lại để xác tín hơn vai trò của mình”  của sr M. Thécla Trần Thị Giồng – Dòng Đức Bà, sr có viết:  “Là nữ tu, chúng tôi vẫn luôn gắn kết với thân phận phụ nữ. Cuộc đời dâng hiến sẽ phong phú và ý nghĩa hơn biết bao khi các nữ tu sống hết mình với thiên chức phụ nữ của mình. Thật vậy, dù thừa nhận hay không, thực tế người phụ nữ luôn chiếm vị trí quan trọng trong mọi lãnh vực của cuộc sống.

 

Trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng (EG 103), Đức Phanxicô khẳng định: “Hội Thánh nhìn nhận sự đóng góp quan trọng của phụ nữ đối với xã hội, bởi sự nhạy cảm, trực giác và một số khả năng của họ… Tôi vui mừng vì biết bao phụ nữ chia sẻ trách nhiệm mục vụ với các linh mục, đang đóng góp phần vào việc giúp đỡ các cá nhân, gia đình hoặc các nhóm và có các đóng góp mới về sự suy tư Thần học. Nhưng chúng ta còn phải mở rộng không gian cho một sự hiện diện quyết định hơn của phụ nữ trong Hội Thánh. Bởi vì thiên tài của phụ nữ là điều cần thiết trong tất cả các hình thức của đời sống xã hội…”.

 

Khi tham khảo ý kiến của những người xung quanh về người nữ tu, họ quả quyết: các sơ rất TÀI, vừa thi hành bổn phận trong nhà dòng, vừa hun đúc đời sống tâm linh trong cầu nguyện, vừa tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống và cả Xã Hội nữa: Giáo dục, y tế, văn hóa… Hình ảnh các nữ tu – giáo viên, hay nữ tu – điều dưỡng, hay nữ tu –  bác sĩ… đã không còn lạ lẫm gì hiện nay. Và cả những hình ảnh các nữ tu với những công việc tầm thường nhưng Phi thường: làm hồ, thợ xây, vét cống, vét mương, sửa điện, sửa ống nước, cưa cây, sửa xe, lái xe chở hàng…. Đối với dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Ki-tô chúng tôi, các nữ tu đều làm tất cả mọi việc, với bằng cấp chuyên môn, hay với cả cái bằng NHÂN ÁI theo gương Mẹ Thánh Teresa trong các công việc phục vụ. Vì chúng tôi có lời khấn thứ 4 là Lời Khấn Phục vụ, nên các nữ tu của chúng tôi phải lấy Đức Ái để thi hành các việc bổn phận của mình, và trân trọng hình ảnh Chúa Ki-tô nơi những người nghèo mà chúng tôi phục vụ. Thi hành việc chăm sóc người nghèo, đó là TÀI LẺ, TÀI KHÉO, TÀI NĂNG… nhưng còn một chữ TÀI nữa – đó là “TÀI LANH” (theo kiểu nói của người miền Nam) Bạn ngạc nhiên chăng??? Cũng phải, các nữ tu TSBACKT của chúng tôi là thế đó! Bởi “TÀI LANH” ở chỗ cha mẹ ông bà thì không có một ngày chăm sóc khi trái gió trở trời, mà dốc toàn tâm lực cho những con người cù bất cù bơ, những người bị ruồng bỏ… Có những lúc đau đầu với những tính khí thất thường của các cô gái lỡ lầm; có lúc cúi mặt hai tiếng đồng hồ vào những vết thương thối rữa do mảng mục của các cụ già neo đơn; có những đêm trắng bên máy tạo oxi, bóp bóng thở khi chăm sóc các cụ bà bệnh nặng: những đêm trắng lau mát cho trẻ khi bé cô nhi bị sốt cao…, cả những lúc đọc kinh bên giường bệnh của các cụ cho đến giây phút cuối cùng của cụ, rồi lại lặng lẽ tắm xác cho cụ, chuẩn bị cho các cụ những bộ quần áo tươm tất nhất cho cuộc ra đi để trở về với Chúa… Ở gia đình, có khi chúng tôi không làm được như vậy. Vì Đức Ki-tô, vị Hôn Phu của chúng tôi nơi họ. Chúng tôi phục vụ họ như phục vụ chính Ngài.

 

“TÀI LANH” là như thế đó bạn ạ. Đối với chúng tôi, TÀI phải đi kèm với lòng mến, để chúng tôi có thể đủ sức thi hành thánh Ý Chúa nơi sứ mạng của Hội Dòng và bổn phận của mình. Xin cầu nguyện cho chúng tôi, những Nữ Tu “TÀI LANH” của Một Đức Ki-Tô Nghèo Khó Và Đau Khổ.

 

(Minh Nguyệt  MCC)

Tin liên quan