Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Slideshow Trang chủ

Slideshow Trang chủ

Thống kê

Suy Niệm Lời Chúa

NGƯỜI NÀY CŨNG LÀ CON CHÁU TỔ PHỤ ÁP-RA-HAM

 

NGƯỜI NÀY CŨNG LÀ CON CHÁU TỔ PHỤ ÁP-RA-HAM

 Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

Việc chủ động xin vào trọ trong nhà ông Da-kêu, một thủ lãnh nhóm thu thuế, một lần nữa lại cho thấy, đời Đức Giê-su luôn gắn liền với các người tội lỗi… Có thể Ki-tô hữu chúng ta đã dần quen và xem thường hình ảnh này, nhưng không phải vậy đối với các Biệt Phái và đám quần chúng Do Thái; “Mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Lý do duy nhất Đức Giê-su đưa ra để biện minh cho quyết định táo bạo này là: “Bởi vì người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham”, cho dầu ông ta có tội lỗi bất xứng tới đâu.

Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”! Bằng nhiều cách nói khác nhau, Đức Giê-su đã không ngừng xác định sứ mệnh của Người khi đến trần gian là: để cứu vớt. Đó là mục tiêu chính và lẽ sống của Người! Do đó, tin và chấp nhận Đức Ki-tô sẽ không là gì khác hơn: chân thành nhìn nhận rằng mình đáng bị hư mất. Ai không nhìn nhận như thế sẽ không thể là Ki-tô hữu, đơn giản vì họ cho là mình không có lý do gì để đón nhận ơn cứu độ Người mang đến. Nhưng để giải thích được điều rất mới mẻ này, tối hậu Đức Giê-su chỉ trưng ra được có một lý giải duy nhất; Người long trọng tuyên bố: “người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham”. Câu nói này mang tính cách mạng ghê gớm! vì trong đầu óc và ngôn ngữ Do Thái thì câu này cũng tương tự như nói với người Công Giáo về một người phạm trọng tội đáng bị rút phép thông công rằng: “vì người tội lỗi này cũng đang là con cái Thiên Chúa!”

Đối với quần chúng Do Thái, nhất là các luật sĩ và nhóm Biệt Phái, thì các người thu thuế nói riêng, và mọi kẻ tội lỗi nói chung, không còn là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham nữa: họ đã phản bội Giao Ước, họ phải bị khai trừ, họ đáng bị khinh miệt và ghét bỏ, họ sẽ bị coi như người dân ngoại. Mọi người Do Thái chân chính đáng danh con cháu tổ phụ Áp-ra-ham buộc phải xa tránh họ và nếu có thể…, tiêu diệt họ bằng cách ném đá cho chết. Do đó bất cứ ai tiếp xúc với họ (huống hồ tới trú ngụ trong nhà họ) đều bị coi là đã ‘mắc ô uế’. Lối suy nghĩ tương tự như thế là hoàn toàn hợp lý, và rất phổ biến trong bất kỳ tập thể xã hội hay tổ chức nào dựa trên luật lệ, kể cả xã hội Ki-tô giáo chúng ta hôm nay xét theo diện một tổ chức (thử nghĩ tới thái độ đối với các bè rối với những vạ tuyệt thông…). Vậy mà Đức Giê-su đã xác định ngược lại: thu thuế hay tôi lỗi tới đâu cũng vẫn là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham, và vì thế cần phải đi tìm và cứu vớt họ. Câu hỏi được đặt ra là: dựa trên tiêu chuẩn nào mà Người lại đòi hỏi như thế?

Suy nghĩ thông thường vẫn là: anh sai phạm thì anh phải cải tà qui chính để may ra được chúng tôi thứ tha và được nhận trở lại chăng; nếu anh thành tâm sám hối và sửa lỗi mình thì anh mới được tha, và được cho hội nhập trở lại. Rất thường khi, sự tha thứ này còn kèm theo nhiều điều kiện hoặc thử thách khắc nghiệt khác nữa. Trường hợp của Da-kêu cho ta thấy một tiến trình trái ngược: Đức Giê-su chủ động xin tới với ông ta trước, Người vào nhà chia sẻ cuộc sống với ông; điều này xảy ra trước cả khi ông hứa sẽ đền bù thỏa đáng những lầm lỗi của mình. Đối với Người, trình tự này là hoàn toàn hợp lý với lời giải thích: “hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi vì người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham!”. Nếu sau đó ông Da-kêu có thưa với Người: “Đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” thì đó vẫn không phải là lý do tại sao Đức Giê-su quyết định vào nhà ông; đó chẳng qua chỉ là hậu quả của việc Người chủ động xin đến trú ngụ mà thôi. Nếu vậy thì ta phải đi tới kết luận: khi Đức Ki-tô có quyết định đến với bất cứ tội nhân nào thì không phải là vì họ đã có công trạng gì trước, kể cả có lòng thống hối chân thành. Người cứu chuộc chúng ta chỉ vì Người là Con Thiên Chúa từ nhân, và muôn đời Người sẽ còn tiếp tục hành sử với chúng ta như thế. Cho dầu tội lỗi đầy mình tới mấy, chúng ta vẫn luôn mãi là con cái của Thiên Chúa, là con cái của tình yêu tha thứ xót thương. Đối với Người, con chiên dầu có đi lạc thì vẫn là chiên của chủ chăn, đồng bạc dầu có bị mất thì cũng vẫn là đồng bạc của bà chủ, và đứa con có đi hoang thì vẫn luôn là con của ‘cha già’. Vì như Người khảng định: “Con Người đến để tìm và cứu những gì (Người) đã mất”.

Một trong các tư tưởng căn bản của nền thần học Ki-tô giáo là: ơn cứu độ của Thiên Chúa hoàn toàn là một quà tặng biếu không (gratuitous). Chúng ta chỉ có thể khiên tốn đón nhận với lòng tri ân sâu xa chứ không bao giờ xứng với nó. Nếu có ai cho rằng mình xứng đáng được hưởng ơn cứu độ, hoặc vì lắm công nhiều nghiệp, hoặc vì đầy dẫy các nhân đức, thánh thiện, trung thành tới mức tử đạo, hoặc tối thiểu, vì đã chân thành thống hối ăn năn, thì, trong tiêu chuẩn của Đức Giê-su, người đó đã mắc sai lầm cực kì nghiêm trọng. Ngay cả Mẹ Tê-rê-xa Kơn-ka-ta, vị nữ tu cả đời chỉ làm toàn việc thiện và bác ái, được người đương thời bất luận thuộc tôn giáo nào tán dương như một vị đại thánh, một vĩ nhân, cũng vẫn phải chân thành nhìn nhận: “Thiên Chúa yêu thương tôi không phải vì tôi tốt lành, nhưng tôi cố gắng trở nên tốt lành, vì biết rằng Chúa thương yêu tôi”. Thế đấy, khi nói lên các việc đền bù mình sẽ làm, Da-kêu cũng đang cố gắng trở nên tốt hơn, chỉ vì nhận thức ra rằng: Thầy Giê-su đã chủ động yêu thương và tha thứ cho mình trước. Do đó ta có thể kết luận: nỗ lực sửa mình và cố gắng vươn lên không phải là điều kiện để được Chúa tha thứ và thương mến, nhưng chỉ là hiệu quả của niềm tin đó mà thôi; và đương nhiên việc vươn lên đó còn tùy thuôc rất nhiều vào mức độ ta nhận biết mình được Thiên Chúa yêu thương đến đâu. Hình như có một tỷ lệ thuận nào đó giữa hai vế, nhưng thứ tự lại ngược hẳn với lối suy nghĩ thông thường: không phải ‘ai yêu nhiều thì được tha nhiều’, nhưng là “Ai được tha nhiều (và nhận thức rõ điều đó) thì yêu nhiều hơn” (xem bình giải Lc 7:47 trong Christian Community Bible) .

Ôi sức mạnh của việc nhận biết lòng thương xót Chúa: vừa rất êm dịu, lại vừa mãnh liệt xiết bao!

Lạy Thiên Chúa từ nhân, xin cho con không ngừng nhận biết lòng Chúa xót thương, nhất là trong các dịp xét mình hay đi xưng tội. Ngay cả trước khi bước vào tòa giải tội để xưng thú tội lỗi, trước cả khi giục lòng thống hối ăn năn và quyết tâm sửa mình, con biết Chúa đã tha thứ cho con vô điều kiện rồi. Với niềm thâm tín này, xin cho các nỗ lực vươn lên của con luôn xuất phát từ niềm tin vào tình yêu tha thứ của Chúa, để ngay cả những lúc thấy mình tội lỗi và thấp hèn nhất, niềm tin của con vẫn luôn hòa quyện trong tâm tình tri ân cảm tạ sâu xa. A-men.

Tin liên quan