Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

Suy Niệm Lời Chúa

NGÀY 24 THÁNG 11: THÁNH ANRÊ DŨNG LẠC VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO

Sau lần bị bắt thứ ba, cha Anrê Dũng-Lạc như cảm nhận được bài học của thánh Phêrô xưa. Ý nghĩ con người không hẳn đã phù hợp với ý Chúa. Ngài xin tín hữu đừng chuộc ngài nữa, ngài đã chấp nhận hy sinh chính bản thân để trở nên một ngọn đèn, góp lửa với nhiều ngọn đèn khác làm chứng cho Chúa trên quê hương yêu dấu này.

 

NGÀY 24 THÁNG 11: THÁNH ANRÊ DŨNG LẠC VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO

 

Lm. Đaminh Phạm Xuân Uyển SDB

  1. Theo Gương Thánh Phêrô

Quo vadis, Domine? Lạy Thày, Thày đi đâu vậy?

Trên đường chạy trốn cơn bách hại khủng khiếp của bạo chúa Néron đang giáng xuống kinh thành Roma, vị tông đồ trưởng Phêrô đã bàng hoàng thốt lên câu hỏi trên khi bất ngờ gặp Chúa Giêsu vác Thập Giá đi ngược chiều với mình.

Sau đó là khoảng khắc im lặng … Sự im lặng tưởng chừng như đến muôn đời sẽ không bao giờ có giây phút nào im lặng như thế. Phêrô như đọc thấy câu trả lời trong ánh mắt của Đức Kitô, có một chút gì giống ánh mắt Ngài đã nhìn mình sau ba lần chối Chúa. Và trong bầu khí thinh lặng đó, chợt vọng tới tai ông giọng nói buồn bã nhưng ngọt ngào:

– Vì anh rời bỏ dân Thày, nên Thày phải đến Roma để chịu đóng đinh một lần nữa.

Phêrô lặng người đi và chợt hiểu.

Vị sứ đồ đã ra đi để xa lánh cơn điên cuồng của một bạo chúa, vì những lời nài nĩ chí tình của đoàn tín hữu. Họ coi ngài là sức mạnh, là hơi thở, là chỗ dựa. Cần phải sống để tiếp tục mưu ích cho đoàn chiên. Giờ đây, Phêrô được ôn lại bài học vĩ đại nhất của vị Tôn Sư Giêsu, người thợ mộc làng Nagiarét đã chết gục vào tuổi 33 trên Thập Tự để cứu chuộc nhân loại.

Thế là trong cái khoảng khắc kỳ diệu đó, thánh Phêrô chợt nhớ ra. Để rồi thay vì những bước chân rời rã, do dự chạy trốn thì giờ đây ngài bước một cách mạnh mẽ, dứt khoát quay lại… để có thể trở nên giống Thày mình. Từ đó, trên đá tảng Phêrô, Roma trở nên kinh thành muôn thưở. Đâu có ai thời đó nghĩ ra như thế. Vâng, đâu có ai thời đó đã hiểu được điều ấy.

Sau lần bị bắt thứ ba, cha Anrê Dũng-Lạc như cảm nhận được bài học của thánh Phêrô xưa. Ý nghĩ con người không hẳn đã phù hợp với ý Chúa. Ngài xin tín hữu đừng chuộc ngài nữa, ngài đã chấp nhận hy sinh chính bản thân để trở nên một ngọn đèn, góp lửa với nhiều ngọn đèn khác làm chứng cho Chúa trên quê hương yêu dấu này.

  1. Thánh Anrê TRẦN AN DŨNG-LẠC, Linh Mục (1795-1839)

1/ Ba Lần Bị Bắt

Sinh ra trong một gia đình ngoại giáo ở Bắc Ninh năm 1795, Trần An Dũng theo cha mẹ vào Kẻ Chợ, nay là Hà Nội. Tại đây vì nhà nghèo, cậu được gửi gấm cho một thày giảng nuôi nấng dạy dỗ và rửa tội với tên thánh là Anrê. Ít lâu sau, cậu Dũng xin vào chủng viện Vĩnh Trị, ở với cha chính Lan. Ngay từ đó, cậu Dũng lại siêng năng cần mẫn, có khiếu về thơ phú và giao tiếp với mọi người cách lịch thiệp hòa nhã. Có người nói rằng cậu chỉ đọc qua một đoạn sách hai lần là đã thuộc lòng.

Sau 10 năm làm thày giảng và 3 năm thần học, ngày 15-3-1823, thày Dũng được lãnh chức linh mục (cùng với lớp thánh Ngân và Nghi), rồi được bổ nhiệm làm phó xứ Đồng Chuối giúp cha Khiết. Sau đó về giúp cha Thi ba năm ở xứ Đoài, rồi lại giúp cha Thuyết ở Sơn Miêng. Cuối cùng, khi làm chánh xứ Kẻ Đầm thì bị bắt. Suốt cuộc đời linh mục, cha Dũng sống nhiệm nhặt.

Ngoài những ngày ăn chay theo luật của Giáo Hội, cha còn giữ chay suốt Mùa Chay, và nhiều khi cả các ngày thứ sáu, thứ bảy quanh năm. Thường xuyên cha chỉ dùng những thức ăn đơn giản. Cha Dũng hết mình với nhiệm vụ chủ chăn, chẳng khi nào thấy cha ngại ngùng việc gì. Cha có lòng ưu ái đặc biệt với người nghèo. Có được của cải gì, cha chia xẻ cho họ hầu hết.

Khi lệnh bách hại của vua Minh Mạng trở nên gay gắt qua chiếu chỉ toàn quốc ngày 6-1-1833, cha phải ẩn náu tại các nhà bổn đạo, sau trốn lên Kẻ Roi và lập nhà xứ ở đó. Một hôm, cha dâng lễ vừa xong thì quân lính ập tới, cha liền cởi áo lễ và ngồi lẫn trong tín hữu. Lính bắt cha như một trong 30 giáo hữu hôm đó, vì quan quân không biết cha là linh mục. Ông Tổng Thìn bỏ ra 6 nén bạc, nhận cha là thân nhân đi dự lễ để chuộc về. Từ đấy cha đổi tên là Lạc.

Lần thứ hai cha bị bắt khi đến Kẻ Sông xưng tội với cha Thi theo thói quen hàng tháng. Lý trưởng Pháp bắt được hai linh mục và mặc cả với giáo hữu phải chuộc với giá 200 quan. Các tín hữu gom góp được 100 quan nên viên lý trưởng chỉ tha cha Lạc. Thế nhưng ngay trên đường về, vì gặp mưa gió, thuyền cha phải ghé vào bờ. Căn nhà cha đang trú lại đang bị quân lính khám xét. Thế là cha bị bắt lần thứ ba và bị giải lên huyện Bình Lục cùng với cha Thi.

Một lần nữa, giáo hữu cùng Đức Cha Retord Liêu tìm cách chuộc hai cha về, nhưng lần này cha Lạc thấy ý Chúa đã định cho mình, ngài nhắn về với Đức Cha câu chuyện thánh Phêrô hai lần thoát khỏi ngục, đến lần thứ ba, Chúa Giêsu đã yêu cầu ở lại tử đạo tại Roma, và xin các tín hữu đừng lo liệu tiền chuộc làm chi nữa.

2/ Được Cảm Tình Mọi Giới

Quan huyện Bình Lục đối xử với hai vị linh mục một cách tử tế. Ông truyền dọn cơm cho hai cha bằng mâm bát của mình, bắt lý trưởng trả lại quần áo đã tịch thu và thanh minh rằng: ”Phép triều đình cấm đạo và giết các cụ, chứ không phải tôi. Tôi không có tội gì trong việc này”. Ba ngày sau, quan huyện đưa hai cha xuống thuyền chuyển về Hà Nội. Các tín hữu thương tiếc đi theo rất đông, hoặc bằng thuyền, hoặc đi bộ trên bờ. Quan lấy làm lạ hỏi: ”Đạo trưởng có cái gì mà dân chúng thương tiếc quá vậy?” Một phụ nữ gần đó đáp lại: “Thưa quan, các cha dạy chúng tôi những điều hay lẽ phải, dạy chồng hiền lành, đừng cờ bạc rượu chè, dạy vợ sống thuận thảo với chồng theo như giáo lý trong đạo”.

Hai vị linh mục khi thấy nhiều người khóc lóc tiễn đưa mình, đã dừng lại an ủi và khích lệ họ sống đạo cho tốt đẹp.

Tại Hà Nội, sau mấy lần tra hỏi, và dọa nạt hai vị chứng nhân Đức Kitô không thành công, các quan làm án xin vua xử trảm.

Thời gian trong tù, hai cha chiếm được tình cảm của lính gác, được tôn trọng và đối xử tử tế. Khi nhận được quà tiếp tế, hai cha chia cho lính canh, chỉ giữ lại những thứ tối thiểu. Mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối, hai cha quỳ bên nhau cầu nguyện lâu giờ. Tuy các tín hữu xin được phép đưa cơm vào tù mỗi ngày, hai cha vẫn tìm cách hãm mình dặn họ đừng mang thịt hay cá làm chi, các ngài vẫn tiếp tục giữ chay ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu và thứ bảy. Những ngày đó, hai cha ăn thật ít, vừa đủ.

Lễ Các Thánh (1-11-1839), linh mục Trân đưa Mình Thánh Chúa vào ngục. Vừa thấy ngài, cha Lạc đã ra chào đón: ”Xin chào bác, tôi đợi bác đã lâu vì hết lương thực rồi”. Sau đó, cha cung kính rước lễ, và trao Mình Thánh cho cha già Thi.

Cuối năm 1839, khi quân lính đến công bố lệnh xử án, hai cha vui vẻ đón nhận bản án như một phần thưởng trọng hậu. Trên đường đến pháp trường, hai cha yên lặng cầu nguyện. Lúc ra khỏi cổng thành, cha Lạc chắp tay lại, hát lớn tiếng mấy câu La tinh chúc tụng Chúa. Trước phút hành quyết, người lý hình đến nói với cha: ”Chúng tôi không biết các thày tội gì, chúng tôi chỉ làm theo lệnh trên, xin các thày đừng chấp”.

Cha Lạc tươi cười trả lời: ”Quan đã truyền anh cứ thi hành”. Sau đó, hai cha xin ít phút để cầu nguyện lần chót, rồi nghiêng đầu cho lý hình chém.

Hai vị đã lãnh phúc tử đạo ngày 21-12-1839 tại bãi ngoài cửa ô Cầu Giấy (Hà Nội), giáp đường lên tỉnh Sơn Tây. Thi hài của cha Lạc được đưa về an táng tại nhà bà Lý Quý gần đó.

Nhớ đến thánh Dũng-Lạc, phải nhớ đến những vần thơ ngài tâm sự trong thư viết trong ngục cho cha Thực rằng:

Lạc rđã rõ chn quân quan

Bút chép thơ này gởi th than

Lòng nhớ bn, ni còn vt v

Dạ thương khách, chạy cha yên hàn,

Đông qua tiết li thì xuân ti

Khổ trm mai sau hưởng phúc an

Làm kẻ anh hùng chi qun khó

Nguyện xin cùng gp chn thiên đàng.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII (1878-1903) suy tôn cha Anrê Trần An Dũng-Lạc lên bậc Chân Phước ngày 27-5-1900.

Chúa Nhật 19-6-1988, trong bối cảnh Năm Thánh Mẫu, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) đã long trọng nâng Cha Anrê Trần An Dũng-Lạc và 116 Bạn Tử-Đạo Việt-Nam lên hàng hiển thánh. Thánh Lễ diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong sách nhỏ – phân phát vào dip này – ghi như sau:

LỄ TRNG

Do Đức Thánh Cha GIOAN PHAOLÔ II

chủ s để tôn phong lên bậc Hin-Thánh

Các Chân Phước

ANRÊ DŨNG-LC, Linh-mc

TÔMA THIỆN và EMMANUELE PHNG,

Giáo-dân

GIRÔLAMÔ HERMOSILLA

và VALENTINÔ BERRIÔ-OCHOA,

hai Giám-mục OP

và 6 Giám-mục khác

TÊÔPHAN VÉNARD,

Linh-mục Hi Tha-sai Paris

và 105 Bạn TĐạo Việt-Nam

 

Quảng-trường Thánh Phêrô, Vaticanô

19-6-1988.

 

III. GIÁO HỘI VIỆT-NAM QUA CÁC THỜI ĐẠI

Công cuộc rao giảng Tin Mừng, khởi sự vào đầu thế kỷ thứ 16 tại hai địa phận đầu tiên ở miền Bắc (Đàng Ngoài) và miền Nam (Đàng Trong) được thiết lập vào năm 1659, qua các thế kỷ, đã biểu lộ sức phát triển lạ lùng, nhờ đó ngày nay có được 26 địa phận (10 ở miền Bắc và 15 ở miền Nam). Hàng Giáo Phẩm đã được thành lập (ngày 24 tháng 11 năm 1960), và trong toàn lãnh thổ Việt-Nam hiện nay có tới 6 triệu người Công Giáo.

Kết quả này có được là nhờ hạt giống đức tin, ngay từ những năm đầu tiên, đã hòa trộn với máu đào lai láng của các vị tử đạo đổ xuống trên mảnh đất Việt-Nam, của các giáo sĩ ngoại quốc, giáo sĩ bản xứ và của giáo dân Việt-Nam. Tất cả đã cùng chấp nhận những lao nhọc do việc tông đồ, đồng thời đã cùng sát cánh đương đầu với cái chết để làm chứng cho chân lý Phúc Âm. Lịch sử Giáo hội Việt-Nam đã ghi nhận 53 sắc lệnh do các Chúa Trịnh và Nguyễn, hay do các Vua hạ bút ký, trong hơn hai thế kỷ, và suốt 261 năm (1625-1886), ra chỉ thị chống lại người Kitô giáo bằng những cuộc bách hại gắt gao cứ mỗi lần thêm dữ dội. Có tới khoảng 130.000 người đã ngã gục khắp nơi trong lãnh thổ Việt-Nam.

Người ta có thể nói rằng trong các thế kỷ trước đây những vị chết vì Đức tin này đã bị chôn vùi một cách lặng lẻ như là cùng nằm trong một ”Ngôi mộ của chiến sĩ vô danh”; tuy nhiên niềm thương nhớ các Ngài vẫn còn sống động trong lòng người Việt-Nam.

Từ đầu thế kỷ 20, có 117 vị trong số các anh hùng trên đây, là những người được coi là đã chịu đựng các thử thách lớn lao hơn, đã được chọn và được Tòa Thánh tôn lên bậc Chân Phước:

– Năm 1900 thời Đức Giáo Hoàng Lêô XIII: 64 vị

– Năm 1906 thời thánh Giáo Hoàng Piô X: 8 vị

– Năm 1909 thời thánh Giáo Hoàng Piô X: 20 vị

– Năm 1951 thời Đức Giáo Hoàng Piô XII: 25 vị

Các vị này được xếp theo các quốc gia như sau:

* 11 vị người Tây-Ban-Nha: tất cả thuộc dòng thánh Đaminh. Gồm 6 giám mục và 5 linh mục.

* 10 vị người Pháp: tất cả thuộc Hội Thừa Sai Paris. Gồm 2 Giám Mục và 8 linh mục.

* 96 vị là người Việt-Nam: Gồm 36 linh mục (trong số đó có 11 linh mục dòng thánh Đaminh), và 59 tín hữu (trong đó có một chủng sinh, 16 thầy giảng và một phụ nữ).

Các vị này là ”những người đến từ cơn thử thách lớn lao: họ đã giặt áo của họ và giủ sạch trong trắng trong máu Con Chiên” (Khải Huyền 7,13-14). Cuộc tử đạo của các Ngài được xếp theo niên biểu sau đây:

– 2 vị tử đạo dưới thời Chúa Trịnh-Doanh (1740-1767)

– 2 vị tử đạo dưới thời Chúa Trịnh-Sâm (1767-1782)

– 2 vị tử đạo dưới thời Vua Cảnh-Thịnh (1792-1802)

– 58 vị tử đạo dưới thời Vua Minh-Mạng (1820-1840)

– 3 vị tử đạo dưới thời vua Thiệu-Trị (1840-1847)

– 50 vị tử đạo dưới thời Vua Tự-Đức (1847-1883).

Tại pháp trường án lệnh của nhà vua đặt bên mỗi vị, có ghi rõ hình thức mỗi bản án như sau:

* 75 vị bị xử chém đầu;

* 22 vị bị xử bằng thừng thắt cổ;

* 6 vị bị thiêu sống;

* 5 vị bị phân thây từng mảnh;

* 9 vị bị tra tấn và chết rũ tù.

KINH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Lạy Chúa là CHA Chí Nhân,

chúng con hân hoan ghi nhớ các ân huệ

Chúa đã ban cho dân tộc Việt Nam.

Nhờ lời rao giảng của Giáo Hội

Cha Ông chúng con đã đón nhận Tin Mừng cứu rỗi.

Các Ngài đã vững tin vào Chúa,

là Đấng tạo thành trời đất,

và Chúa Kitô Đấng Cứu Thế được sai đến trần gian.

Trong cơn gian lao thử thách,

Chúa đã ban cho Các Ngài sức mạnh của Thánh Linh

để Các Ngài can đảm tuyên xưng Đức Tin,

và hiên ngang hy sinh mạng sống,

để làm vinh quang Thập Giá Chúa Kitô.

Các Thánh Tử Đạo là ân huệ

Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam.

Vì thế chúng con dâng lời cảm tạ và ca tụng Chúa,

hợp với cuộc hy sinh tử đạo

của các tiền nhân anh dũng chúng con.

Xin dâng lên Chúa lời cảm tạ,

để biểu lộ tình con thảo với Chúa là CHA,

bằng chứng từ đức tin sống động của chúng con.

Vì công nghiệp của Các Thánh Tử Đạo

xin ban cho dân Việt Nam chúng con,

được an vui và thịnh vượng,

cho mọi người đón nhận Tin Mừng cứu rỗi,

và bước theo con đường chân lý.

Xin cho Giáo Hội Việt Nam,

được sống trong hòa thuận và hiệp nhất,

luôn thông hảo trọn vẹn với Đấng kế vị Thánh Phêrô,

và hăng say lo việc tông đồ,

nhiệt thành rao giảng Đức Kitô cho mọi người.

Xin cho chúng con

được trung thành với Chúa ở trần gian

để ngày sau về hưởng vinh quang bất diệt

cùng Các Thánh Tử Đạo chúng con ở trên trời. Amen.

PHỤ ĐỀ: 26-7-1944: Á THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN

Thầy Giảng Vị Tử Đạo Tiên Khởi của Giáo Hội Việt Nam

Ngày 5 tháng 3 năm thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc chân phước một thanh niên Việt Nam, tử đạo ngày 26 tháng 7 năm 1644, và được biết dưới tên thánh Anrê, và đồng thời cũng là thầy giảng.

Ba thế kỷ rưỡi đã trôi qua kể từ ngày Thầy anh dũng dâng hiến mạng sống vì trung thành với đức tin Kitô và những lời Thầy cam kết với Chúa Kitô trong tư cách là người truyền bá Tin Mừng và giáo lý Kitô, nhưng ký ức về Thầy vẫn không suy giảm; trái lại, tấm gương của Thầy Anrê vẫn là một nguồn mạch nâng đỡ và khích lệ đích thực cho các tín hữu Công Giáo tại Việt Nam, giúp đỡ họ sống phù hợp và trung thành với đức tin, mặc dù đất nước phải trải qua nhiều thăng trầm phức tạp và khó khăn.

Thầy Giảng Anrê, gốc tỉnh Phú Yên (giáo xứ Mằng lăng, Giáo phận Quy Nhơn), là con út của một phụ nữ tên thánh là Gioanna. Tuy góa bụa nhưng bà đã giáo dục con cái với tất cả lòng tận tụy và khôn ngoan. Anrê là một cậu bé mảnh khảnh, nhưng tư chất rất thông minh, có óc phán đoán tốt và tâm hồn hướng chiều về sự thiện. Do lời năn nỉ của bà mẹ, cha Đắc Lộ, vị Linh Mục thừa sai dòng Tên nổi tiếng, đã nhận cậu Anrê vào số các môn sinh của ngài. Anrê chăm chỉ học chữ Nho và chẳng bao lâu trổi vượt các bạn đồng môn.

Anrê được lãnh nhận bí tích Rửa Tội cùng với mẹ ba năm trước khi bà qua đời, tức là năm 1641, khi Anrê được 15 tuổi. Anrê sinh năm 1625 hay 1626, không rõ ngày tháng, và lúc chịu chết năm 1644, Thày trạc độ 19 hay 20 tuổi.

Một năm sau khi chịu phép Rửa Tội, tức là năm 1642, Anrê được cha Đắc Lộ nhận vào nhóm cộng sự viên thân tín của ngài, và sau một năm huấn luyện thêm về tôn giáo và văn hóa, Anrê được gia nhập Hội Thầy Giảng gọi là “Nhà Đức Chúa Trời” mà cha Đắc Lộ đã khôn ngoan thành lập: các thành viên Nhà Đức Chúa Trời cam kết, bằng lời hứa chính thức và công khai, suốt đời phụng sự Giáo Hội trong việc giúp các linh mục và truyền bá Tin Mừng.

Lòng hăng say của Thầy Anrê sống trọn điều quyết tâm khi chịu phép Rửa đã chuẩn bị cho Thầy can đảm đương đầu với cuộc tử đạo và ngoan ngoãn đón nhận ơn tử đạo Thiên Chúa rộng ban cho Thầy.

Trước cuối tháng 7 năm 1644, quan Nghè Bộ trở lại tỉnh nơi Thầy Giảng Anrê sinh sống. Quan mang theo sắc lệnh của chúa Nguyễn cấm truyền bá đạo Kitô trong nước: vì thế quan quyết định hành động trước tiên chống lại các thầy giảng.

Cha Đắc Lộ không hề hay biết ý định này của quan, nên tới thăm quan vì xã giao, nhưng ngay sau đó cha được biết chúa Nguyễn rất giận dữ khi thấy vì cha mà có đông người dân bản xứ theo đạo Kitô. Vì thế cha phải bỏ xứ Đàng Trong để trở về Macao và không được phép dậy giáo lý cho dân nữa. Còn các tín hữu theo đạo thì bị trừng phạt rất nặng nề.

Rời dinh quan Nghè Bộ, cha Đắc Lộ đi thẳng xuống nhà tù nơi giam giữ một thầy giảng già 63 tuổi tên là Anrê, mới bị bắt hai ngày trước đó. Trong khi ấy, quan ra lệnh cho lính tới nhà cha lùng bắt một thầy giảng khác tên là Ignatio. Nhưng thầy Ignatio đã đi làm việc tông đồ. Lính chỉ tìm thấy Thày Anrê trẻ: để khỏi trở về dinh quan Bộ tay không, lính đánh đập Thầy Anrê, trói Thầy lại, rồi giải xuống thuyền đem về dinh quan trấn thủ. Chiều ngày 25 tháng 7 năm 1644, Thày đựơc dẫn tới trước mặt quan. Lính thưa với quan rằng họ không tìm thấy thầy Ignatio, nhưng đã bắt được một “thầy giảng khác giống như vậy, vì suốt cuộc hành trình, anh ta luôn nói về đạo Kitô và khuyến khích họ theo đạo”.

Nghe vậy quan tìm mọi cách làm cho Thầy Anrê “từ bỏ cái đạo điên rồ đó và bỏ lòng tin”.

“Nhưng thanh niên can trường ấy trả lời quan rằng mình là Kitô hữu, và rất sẵn sàng chịu mọi khổ hình chứ không từ bỏ đạo mình tuyên xưng: nên xin quan cứ tùy ý chuẩn bị các hình cụ, chàng vui lòng đón nhận, với xác tín rằng, vì đức tin, càng chịu khổ đau chừng nào thì càng chết vinh quang chừng ấy”.

Tức giận vì sự bất khuất của Thầy Anrê không hề sợ hãi trước những lời đe dọa, quan truyền đóng gông và giải Thầy vào ngục, cùng nơi giam giữ thầy Anrê già.

Cha Đắc Lộ và một vài thương gia Bồ Đào Nha tới thăm hai thầy: Thầy Anrê trẻ thanh thản và vui mừng vì được chịu khổ đau vì Chúa Kitô đến độ những người đến thăm Thầy bịn rịn không rời Thầy được, và nước mắt tràn bờ mi, họ xin Thầy nhớ đến họ trong lời cầu nguyện. Thấy vậy, Thầy tự nhạo cười mình và xin họ cầu nguyện cho Thầy, để Chúa ban cho Thầy ơn trung thành với Chúa cho đến chết, “dâng hiến mạng sống trong tình yêu trọn vẹn, hầu đáp trả tình yêu thương vô biên của Chúa, Đấng đã hiến mạng sống vì loài người… những lời Thày luôn lập lại cho đến khi trút hơi thở cuối cùng là: Chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp trả tình yêu của Chúa chúng ta, hãy lấy mạng sống đáp trả mạng sống”.

Sáng hôm sau, 26 tháng 7 năm 1644, hai tín hữu Kitô cùng tên Anrê, Anrê già 63 tuổi và Anrê trẻ, cổ mang gông, bị dẫn qua các đường phố đông người qua lại nhất trong thành, băng qua chợ Kẻ Chàm, đến dinh quan trấn thủ để bị tra hỏi công khai. Quan trấn triệu tập một vài quan khác, lôi kéo họ về phía mình và tuyên án tử cho Thầy Giảng Anrê trẻ, rồi ra lệnh dẫn Thầy trở về ngục thất.

Còn thầy Anrê già thì được tha vì lý do tuổi tác nhờ lời xin của cha Đắc Lộ và các thương gia Bồ Đào Nha.

Vào khoảng 5 giờ chiều, một viên chỉ huy cùng với 30 người lính vào nhà tù, nơi vị Tôi Tớ Chúa bị giam giữ, và ra lệnh cho Thầy phải đi theo tới nơi hành quyết. Thầy Anrê cảm tạ Chúa vì giờ hiến tế đã tới, và sau khi chào mọi người hiện diện trong tù, Thầy nhanh nhẹn bước đi. Quân lính vây chặt chung quanh và dẫn Thầy Anrê đi qua các đường phố ở Kẻ Chàm, tới một cánh đồng ngoài thành. Cha Đắc Lộ, nhiều Kitô hữu Bồ Đào Nha và Việt Nam cũng như nhiều người lương đã đi theo và chứng kiến cuộc xử tử vị Tôi Tớ Chúa.

Theo thói quen tại đây, cha Đắc Lộ xin và được phép trải một tấm chiếu dưới người Thầy Anrê để hứng lấy máu Thầy, nhưng Thầy Anrê không muốn nhận điều ấy, Thầy muốn máu mình thấm xuống đất, để được giống như máu cực trọng Chúa Kitô đã đổ ra. Trong khi đó, Thầy Anrê nhắn nhủ các Kitô hữu hiện diện hãy luôn kiên vững trong đức tin, đừng buồn phiền vì cái chết của Thầy, và hãy giúp lời cầu cho Thày được trung thành tới cùng.

Cuộc hành quyết Thầy Anrê được thi hành bằng mấy nhát lao đâm thấu cạnh sườn bên trái, và sau cùng khi một người lính sắp dùng đao chém đầu, Thày lớn tiếng kêu lên “Giêsu”.

Cho tới hơi thở cuối cùng, Thầy Anrê đã chứng tỏ lòng kiên trung trong việc chấp nhận dâng hiến tế cuộc sống vì lòng tin yêu Chúa Kitô.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho các giáo lý viên và các bạn trẻ, ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù nơi bị cấm cách, hay trong xã hội tân tiến với nhiều quyến dũ, biết noi gương Chân Phước Thầy Giảng Anrê Phú Yên, hăng say loan truyền Tin Mừng Tình Yêu và Hòa Giải và trung kiên theo Chúa Giêsu, hiến mạng sống đáp trả lại tình yêu của Ngài.

(Lời Nguyện Giáo Dân Thánh Lễ Tôn Phong Chân Phước Anrê Phú Yên tại Công Trường Thánh Phêrô, Vatican 5.3.2000)

“Gió chiều phơn phớt lạnh

Lặng cả tiếng thì thầm

Rừng người đứng trầm ngâm

Nghe lý hình than thở:

“Lạy Trời, xin tha thứ

Tôi là kẻ thừa hành

Có đổ máu người lành

Xin Trời Xanh tha tội”.

Than rồi, ông bước tới

Cố nén tiếng thương đau

Lấy ngọn giáo đâm thâu

Xuyên từ sau ra trước.

Thầy An-rê vẫn ngước

Nhìn trời mắt đăm đăm

Rồi quay lại chăm chăm

Thầy chào cha Đắc Lộ.

Lòng cha bao đau khổ

Vẫn gắng ngỏ một lời:

“Con ơi hãy nhìn trời

Giê-su Ngài đang đợi!”

Thầy nghe lời cha nói

Vội nhìn trời bao la

“Giê-su ! Ma-ri-a!”

Lời thốt ra luôn miệng.

Người lý hình tê điếng

Rút lại ngọn giáo dài

Đâm một nhát thứ hai

Rồi đâm thêm nhát nữa.

Thầy vẫn chưa gục ngã

Kiên vững cả xác hồn

Trên đôi môi như son

Vẫn kêu giòn danh Chúa.

Thấy cực hình lâu quá

Một người lính đứng gần

Tuốt ra lưỡi gươm trần

Nhắm chém ngay vào cổ.

Nhưng thầy vẫn quỳ đó

Danh Chúa thầy vẫn kêu.

 

NHỮNG PHÉP LẠ NHỜ LỜI CẦU KHẨN CỦA CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
ĐƯỢC TÒA THÁNH CÔNG NHẬN

Những phép lạ được trình bày sau đây không phải do mỗi cá nhân từng vị thánh Tử đạo đã làm, nhưng là khi giáo dân, Việt Nam cũng như ngoại quốc, cầu khẩn, họ cầu một cách tổng quát: “Vì công nghiệp các thánh Tử đạo Việt Nam” hay là “Các thánh Tử đạo Việt Nam, cầu cho chúng tôi”. Do đó những phép lạ nói đây mang tính cách tập thể, và giá trị được tuyên bố là giá trị chung cho toàn khối các thánh Tử đạo Việt Nam.

Ba phép lạ đầu tiên (số 1, 2, 3 dưới đây) là những phép lạ chính thức, nghĩa là đã được Tòa Thánh nghiên cứu với các Ủy ban bác sĩ liên hệ, và đã công nhận: Do đó có giá trị cho toàn khối 90 vị Tử đạo (được phong Chân phước trong đợt I: 1900; đợt II: 1906; đợt III: 1909). Còn lại 27 vị (2 vị đợt I: 1900 và 25 vị đợt IV: 1951), vì đã có bằng chứng hiển nhiên các ngài đã chết vì Đức Tin: vì vậy Tòa Thánh đã tha việc đòi hỏi phép lạ trước khi tôn phong Chân phước.

Còn một số phép lạ khác (số 4) và các phép lạ do một vài cá nhân Tử đạo (hai Giám mục Valentinô Berrio Ochoa và Melchor Garcia Samedro), mặc dầu không được Tòa Thánh lập Ủy ban điều tra chính thức và công nhận, tuy nhiên vẫn là những sự kiện siêu nhiên vì đã cứu chữa rất nhiều bệnh nhân một cách lạ thường, và còn tiếp tục trong thời gian hiện tại.

  1. Phép lạ: Bà Margarita Maria Goldsmit, người Anh, được khỏi bệnh: Ngày 4/04/1853:

Năm 1849, sau một lần đi tắm, bà Margarita Maria Goldsmit tự nhiên bị lạnh cả người và cảm thấy đau đớn suốt trong mấy tháng trời. Sang năm 1850, thấy có phần thuyên giảm, bà theo chồng sang Paris. Nhưng rồi chính ở Paris cơn bệnh trở lại trầm trọng. Bác sĩ Skrimpton, bác sĩ tư của gia đình, từ London sang hiệp lực với 3 vị bác sĩ người Pháp, nhưng không làm sao cho bà đi trong nhà. Nằm trên giường không thèm ăn, không thèm ngủ mãi cho tới cuối năm 1852 phải áp dụng cả đến phương pháp dùng quang tuyến đốt một phần tế bào bên trong, nhưng càng làm cho bệnh nhân suy nhược!

Bà Goldsmit là một thiếu phụ ngoan đạo, năng xin rước lễ. Sau cùng, bỏ tất cả các thứ thuốc trần gian, bà nghe lời cha giải tội làm tuần 9 ngày kính các vị Tử đạo thuộc nhóm Thừa sai Paris, trong đó có nhiều vị Việt Nam, mà đức Gregorio XVI vừa mới tuyên bố đưa lên bậc đáng kính (năm 1840 và 1843). Trong suốt thời gian 9 ngày đặc biệt đó, bà đeo trên mình mẫu ảnh, trong đó đựng hài cốt mấy vị Tử đạo, bắt đầu từ hôm 27/03/1853. Ðêm sau cùng bệnh tình càng gia tăng, nhưng sáng hôm sau, ngày 4/04/1853, sau khi rước lễ, bà cầm trí tạ ơn Chúa, trong tay nắm chặt mẫu ảnh mang di tích các vị Tử đạo.

Tự nhiên bà cảm thấy nôn nao, nghe như có tiếng bên trong thúc bà ngồi dậy, bà nhận chuông gọi y tá, rồi bà đòi ăn vì cảm thấy đói sau bao nhiêu ngày tháng kiêng cử. Cô y tá bưng thịt, bưng bánh đưa cho bà ăn. Ăn xong bà đòi lấy xe đưa bà đến nhà thờ dự lễ. Trên xe bà không còn thấy diễn lại những lần chân tay co rút đau đớn và nhức nhối như hồi nào! Trong nhà thờ bà đứng lên ngồi xuống một cách bình thản như mọi người khác. Về tới nhà bà không cảm thấy mệt mỏi: Cuộc đời đã tươi sáng trở lại, vì từ đó cơn bệnh đã hết hẳn!

  1. Phép lạ: Nữ tu Saint Bernard, nhũ danh Eleonore Rogé được chữa lành ngày 23/08/1854:

Là một nữ tu chuyên nghề y tá trong bệnh viện thành phố Reims bên Pháp, năm 32 tuổi chị mắc chứng bệnh trẹo xương bên chân trái. Từ tháng 5 năm 1850 cho tới tháng 4 năm 1854, chị bị giải phẫu tất cả 7 lần, và lần thứ 8 (9/04/1854) là trầm trọng hơn cả. Bác sĩ bắt chị phải đi một thứ giầy ống, và sau đó còn phải bó bột ống chân. Ngày 25/05/1854 chị mệt hẳn người, và chứng đau gân nơi ống chân trái lan tới cả bộ gân trên đầu, đau nhức đến mức độ chị lịm đi một hồi lâu, ai cũng tưởng là chị đã chết! Thực ra chị phải nằm suốt 15 ngày đêm trong tình trạng đó. Chính lẽ, phải đưa chị ra khỏi bệnh viện, đem về nhà dòng để chuẩn bị ra đi vĩnh biệt, nhưng chị năn nỉ ở lại chờ vận mệnh Chúa sẽ gửi tới.

Ðúng thế! Tự nhiên một linh mục bạn gia đình đến thăm và từ giã vì sắp sửa tới ngày nhập chủng viện Hội thừa sai Paris và lên đường truyền giáo. Một tháng sau vị linh mục đó viết thư đưa tin cho chị: trong Hội thừa sai đang vận động cuộc phong Chân phước cho các vị Tử  đạo thuộc Hội dòng xưa kia ở Trung Hoa và Việt Nam, và đề nghị chị nên làm tuần 9 ngày cầu xin, linh mục đó hứa sẽ hợp ý cùng với Hội dòng thừa sai cầu nguyện cho chị. Tuần cửu nhật bắt đầu hôm 15-08-1854, kính Ðức Mẹ Nữ vương các thánh Tử đạo và kính tất cả những vị thừa sai và giáo dân đã chết vì đức tin.

Trong khi đó chân của chị mỗi ngày càng sưng phồng lên và người ta thấy rõ nốt bầm máu lan rộng, bệnh nhân không ngủ được. Nhưng sáng hôm 23-8-1854, ngày cuối cùng tuần cửu nhật, chị Saint Bernard đòi xuống nhà thờ, một bên nách chống nạng, còn bên kia nhờ một chị em nâng đỡ, chứ không dám để chân trái chạm tới đất. Chị ngồi vào chỗ, nhìn thẳng lên nhà tạm và tượng Ðức Mẹ, chị cảm thấy có một biến chuyển trong mình, nhưng không làm sao diễn tả cho chính xác, rồi chị tự nhủ: “Có lẽ nào mà mình được khỏi, nhờ lời cầu khẩn của bằng ấy vị Tử đạo: Lạy Chúa, vì Chúa mà các ngài đó đã đổ hết máu đào, lạy Mẹ, chính Con Mẹ mà các ngài đã chịu cực hình”. Xong lễ, chị ra khỏi nhà thờ lúc 8 giờ sáng: Một mình chị chống nạng hai bên nách và thử lê chân trái chạm tới đất. Chị tiếp tục làm hết tuần cửu nhật. Vào buổi trưa, thay vì nạng, chị di chuyển bằng một cây gậy.

Lúc 15g30, chị đi hát kinh chiều với cộng đoàn, ngồi bên bà giám đốc. Về cuối giờ kinh chị cảm thấy nơi ống chân tự nhiên giật mạnh một cái đau nhói, nhưng rồi êm luôn. Chị Saint Bernard một mình đứng dậy, hai tay không mang gì hết, chị tiến thẳng về tượng Ðức Mẹ xa cách đó chừng 20 thước và quỳ tạ ơn. Toàn thể cộng đoàn ngơ ngác nhìn chị với vẻ ngạc nhiên, nhưng hết sức vui mừng phấn khởi, tất cả đều đứng lên theo bà giám đốc tu viện và đồng nhịp họ lớn tiếng hát bài Magnificat tạ ơn Thiên Chúa!

Tin liên quan