Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

Suy Niệm Lời Chúa

Bên ngoài, bên trong (15.10.2019 – Thứ ba Tuần 28 Thường niên)

 

Bên ngoài, bên trong (15.10.2019 – Thứ ba Tuần 28 Thường niên)

Lời Chúa: Lc 11, 37-41

Phúc Âm: Lc 11, 37-41

"Hãy bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa.

Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: "Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".

 

Suy niệm:

Một ông Pharisêu mời Đức Giêsu đến dùng bữa.
Cử chỉ đó cho thấy thiện cảm của ông đối với Ngài.
Đức Giêsu đã đáp lại lời mời, đã đến nhà ông và liền ngồi vào bàn tiệc.
Ông chủ nhà bị sốc vì thấy khách không rửa tay trước khi ăn.
Đối với ông đây là một thói quen quan trọng, không thể thiếu.
Thế là Đức Giêsu đã giảng cho ông một bài hẳn hoi.
Tuy nhiên, vì tế nhị, vì là khách mời cho một bữa ăn,
nên chắc Ngài đã chẳng nặng lời đến mức đó.
Bài Tin Mừng này thật ra phản ánh sự căng thẳng từ sau năm 70,
giữa những người Pharisêu thuộc giới lãnh đạo hội đường với các Kitô hữu.

Đức Giêsu đã dùng hình ảnh một cái chén uống nước và cái đĩa.
Đối với Ngài, các người Pharisêu chỉ lo lau rửa ở bên ngoài chén đĩa.
Chú trọng tỉ mỉ đến cái bên ngoài là nét riêng của họ.
Lắm khi cái bên ngoài chỉ là những cái phụ thuộc, không cần thiết.
Điều họ muốn mọi người tuân giữ lại không phải là chính Luật Môsê,
nhưng chỉ là những lời giải thích chi li Luật đó
được truyền miệng nơi các rabbi, rồi sau này được viết lại thành sách.
Đức Giêsu cho thấy cái bên trong của người Pharisêu,
cái bên trong của chén và đĩa mà họ không để tâm lau rửa.
“Cái bên trong của các người thì đầy chuyện cướp bóc, gian tà” (c. 39).
Như thế cái bên trong của chén đĩa
tượng trưng cho cái bên trong của tâm hồn con người.
Rửa sạch cái bên ngoài của chén đĩa, không đủ.
Cần phải rửa sạch cả cái lòng tham lam chiếm đoạt và lòng độc ác gian tà.
Rửa sạch cái bên trong mới là điều quan trọng hơn, cấp thiết hơn, khó hơn.
Có khi vì khó nên người ta né tránh bằng cách làm cái dễ.

Đức Giêsu bực bội về sự tương phản này nơi một số người Pharisêu,
tương phản giữa cái bên ngoài rất sạch và cái bên trong rất dơ,
khiến nhiều người có thể bị ngộ nhận.
Nhưng Thiên Chúa thì không.
Ngài thấy cả hai, vì ngài đã làm ra cả cái bên ngoài lẫn cái bên trong (c. 40).
Đức Giêsu cho ta cách để tẩy rửa cái bên trong nhơ uế, đó là bố thí (c. 41).
Trong tiếng Hy Lạp, bố thí có nghĩa gốc là bày tỏ lòng thương xót.
“Bấy giờ mọi sự trở nên sạch cho các người.”
Khi bố thí chia sẻ, người ta biến đổi từ bên trong.
Tấm lòng tham lam ác độc trở nên đầy tình bác ái xót thương.

Đức Giêsu đưa chúng ta về với cái bên trong, cái cốt lõi của đời Kitô hữu.
Như người Pharisêu cách đây hai ngàn năm, 
chúng ta vẫn bị cám dỗ để dừng lại và mãn nguyện với cái bên ngoài.
Làm sao để chúng ta thực sự trong sạch dưới ánh mắt của Thiên Chúa?
Làm sao để cái bên ngoài của chúng ta thực sự phản ánh cái bên trong?
Đời Kitô hữu chính là một nỗ lực đi từ việc giữ đạo hời hợt, hình thức,
đến việc sống đạo từ trong máu thịt mình.
Xin Chúa giúp ta rút ngắn khoảng cách giữa cái bên ngoài và cái bên trong.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.

Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.

Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.

Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.

Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

Thứ Ba: Lc 11, 37 – 41: Sự thanh sạch đích thực

 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, DCCT

Thái Hà (12.10.2015) – Những người Pharisiêu là những người rất kỹ càng trong việc tuân giữ các luật lệ và tập tục về sự thanh sạch. Họ không bao giờ ăn thứ gì khi mà họ chưa rửa tay.

12088579_1184885501528010_5726016608139264819_n

Trong bài Tin mừng hôm nay, một ông Pharisiêu mời Chúa đến nhà dùng bữa. Ông ta ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu, một nhân vật được dân chúng kính trọng như một thầy dạy đầy uy quyền, vậy mà không chịu rửa tay trước khi dùng bữa. Thực ra, Chúa chẳng hề quên rửa tay, nhưng Ngài như thể cố ý làm điều đó để dạy cho những người đạo đức giả một bài học. Điều làm cho người ta nhơ bẩn thật sự chính là lòng tham lam, sự độc ác trong cách ứng xử với người khác, chứ không phải chuyện rửa tay hay chuyện lau chén, đĩa bề ngoài. Phái Pharisiêu vốn dĩ bề ngoài rất bóng bảy, sạch sẽ, nhưng trong lòng họ thường ấp ủ nhưng mưu mô tính toan đầy gian tham, cướp bóc đối với những người thấp cổ bé họng trong xã hội.

Chúa nặng lời với ông Pharisiêu không phải là ghét bỏ, đố kỵ gì với ông, nhưng tất cả là vì Chúa muốn ông được hoán cải để trở nên người trong sạch thật sự. Vì vậy, Chúa nêu ra cho ông ta một phương án để tẩy rửa sự ô uế bấy lâu nay trong lòng ông ta: “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người”.

Lòng tôi và bạn nhiều khi cũng nhơ bẩn với biết bao mưu mô, tính toán, gian tham. Mỗi khi ta đến với Chúa, quần áo chúng ta chỉnh tề đâu ra đó; mặt mũi trang điểm trông sách sẽ, đẹp đẽ không chê vào đâu được, nhưng lòng chúng ta thì vẫn còn hậm hực, tức tối đối với người này, người kia; lòng chúng ta vẫn còn tìm cách lợi dụng hoặc tìm cách hạ giá người này người khác.

Lời Chúa nói với ông Pharisiêu trong bài Tin mừng hôm nay cũng như đang nói thẳng với mỗi chúng ta: Hãy có lòng bác ái, vị tha và quảng đại trong tư tưởng, lời nói và hành động thì ta mới có được sự trong sạch đích thực để có thể tiếp rước vị khách cao quý là chính Chúa đến thăm ngôi nhà tâm hồn chúng ta.

Suy Niệm Tin Mừng: Thứ Ba Tuần XXVIII Thường Niên

Lời Chúa: Lc 11, 37-41

Suy niệm

“Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các ngươi”. (x. Lc 11,41)

Chúa Giê-su đã lên án những người Pha-ri-sêu, bởi vì họ giữ luật Chúa chỉ bằng những hành động bên ngoài, còn trong lòng lại đầy “những chuyện gian tà”. Đối với Chúa Giê-su, những hành động tốt lành bên ngoài không làm đẹp lòng Thiên Chúa nếu nó được thúc đẩy bởi ý hướng bất chính bên trong.

Lời Chúa hôm nay lời gọi chúng ta suy xét lại ý hướng của bao hành động tốt lành chúng ta đã dâng lên Thiên Chúa. Có người chỉ muốn làm việc tốt ở chỗ đông người. Có người lại muốn việc bố thí họ làm phải được đáp trả lại. Những hành động như thế có vẻ quy hướng về Thiên Chúa và tha nhân, nhưng thực chất lại ẩn chứa ý hướng quy về mình. Chúng ta hãy để những hành động tốt lành được thúc đẩy bởi những ý hướng thánh thiện.

Lạy Chúa, đã bao lần con lợi dụng những hành động tốt lành dâng lên Chúa để đạt được lợi ích riêng tư. Xin Chúa thương xót và tha thứ cho con. Xin Chúa đổi mới tâm hồn con để hành động bên ngoài và ý hướng bên trong chỉ hướng về Chúa mà thôi. Amen.

 

Thứ Ba sau Chúa Nhật 28 Mùa Thường Niên

Quan Tâm Ðến Ðiều Cốt Yếu

 

(Lc 11,37-41)

 

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nhóm Biệt phái ngạc nhiên vì Chúa Giêsu không rửa tay trước khi dùng bữa. Họ ngạc nhiên không phải vì Chúa Giêsu không giữ phép vệ sinh, nhưng vì Ngài không giữ luật định, theo đó, trước mỗi bữa ăn phải rửa tay bằng nước chứa trong các chum lớn bằng đá, với một số lượng nước được quy định và qua một cách thức được ấn định. Dưới con mắt người Biệt phái, người nào không giữ luật này, đó là người không xử sự đúng đắn: chẳng những không giữ vệ sinh, mà còn nhơ bẩn trước mặt Thiên Chúa; không rửa tay trước khi dùng bữa sẽ trở nên đối tượng tấn công của quỉ dữ, dẫn đến nghèo đói vì bị phá sản; và bánh ăn với bàn tay không sạch thì chẳng khác gì phân bón.

Vì những lý do trên và những lý do khác tương tư, sách các Rabbi có ghi những mẫu truyện như sau: Một Rabbi nọ không giữ luật rửa tay trước khi dùng bữa chỉ có một lần, thế mà đến lúc chết đã bị chôn cất như một người bị dứt phép thông công. Một Rabbi khác bị người Rôma giam giữ, đã dùng nước uống cung cấp rất hạn chế cho việc thi hành nghi thức rửa tay trước và trong khi dùng bữa, vì thế đã gần phải chết khát, bởi lẽ ông nhất định thà chết khát hơn là chểnh mảng giữ luật rửa tay.

Quan niệm và tâm thức của những người Biệt phái thời Chúa Giêsu coi các phong tục, tập quán, luật lệ là cốt tủy của việc thờ phượng Thiên Chúa và có giá trị như trọng tâm của tôn giáo, do đó những ý nghĩa cao thượng khác của niềm tin và tôn giáo cũng như những giá trị luân lý quan trọng hơn hầu như bị chôn vùi dưới lớp bụi dầy đặc của những luật lệ rườm rà tỉ mỉ; tâm thức này đưa họ đến việc giữ đạo vụ hình thức. Câu trả lời của Chúa Giêsu hướng con người vào những giá trị bên trong, quan tâm đến điều cốt yếu là sự trong sạch của lương tâm và tâm hồn.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại cách thức và mức độ giữ đạo và hành đạo của chúng ta. Ước gì chúng ta dần dần từ bỏ những cách thức giữ đạo hình thức, để đi vào chiều sâu của việc sống đạo với một lương tâm trong sạch, một tâm hồn quảng đại và ý hướng ngay lành.

Tin liên quan