Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Slideshow Trang chủ

Slideshow Trang chủ

Thống kê

Suy Niệm Lời Chúa

“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” (Ngày 22 tháng 10 năm 2019 – Thứ ba, sau Chúa Nhật XXIX Thường Niên)

 

 

 
Bài đọc 1

Nếu chỉ vì một người mà sự chết đã thống trị, thì những ai được ban ân sủng dồi dào sẽ được sống và được thống trị.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

12 Thưa anh em, vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết ; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.

15b Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. 17 Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị.

18 Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. 19 Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.

20b Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội. 21 Như vậy, nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

 

Đáp ca

Đ.Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài.

7Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật,
nhưng đã mở tai con ;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,8acon liền thưa : Này con xin đến !

Đ.Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài.

8bTrong sách có lời chép về con9rằng : con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con.

Đ.Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài.

10Đức công chính của Ngài,
con loan truyền giữa lòng đại hội ;
lạy Chúa, Ngài từng biết :
con đâu có ngậm miệng làm thinh.

Đ.Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài.

17Ước chi mọi kẻ tìm kiếm Chúa,
đều mừng vui hoan hỷ trong Ngài !
Và những ai cảm mến ơn Ngài tế độ
luôn nói rằng : “Đức Chúa vĩ đại thay !”

Đ.Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài.

 

Tung hô Tin Mừng

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức đứng vững trước mặt Con Người. Ha-lê-lui-a.

 
Tin Mừng

Thật là phúc cho những đầy tớ khi chủ về mà thấy đang tỉnh thức.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

35 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. 36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. 37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em : chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. 38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.”

 

SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN

Suy niệm:

Chúng ta dành bao nhiêu thời gian để ăn, ngủ, và làm việc trong một đời?
Nhiều người nghĩ mình có thể đưa ra những con số khá chính xác.
Nhưng chúng ta dành bao nhiêu thời gian để chờ?
Có thứ chờ tính được bằng thời gian.
Có thứ chờ kéo dài liên tục nằm nơi trái tim mong ngóng.
Mẹ chờ con, vợ chờ chồng, những người yêu chờ nhau.
Trong một vở kịch của Samuel Beckett, văn sĩ được giải Nobel 1969,
có hai người chờ một nhân vật mơ hồ tên là Godot.
Cả hai chỉ quen sơ sơ ông này, nếu có gặp cũng chẳng nhận ra.
Vậy mà họ vẫn chờ, nhưng ông Godot nào đó đã không đến.
Có lẽ Samuel Beckett muốn nói đến cái phi lý của đời người.
Cứ chờ cứ đợi một điều mơ hồ và chẳng xảy ra.

Đức Giêsu dạy các môn đệ biết chờ đợi trong cuộc sống.
Chờ như những đầy tớ chờ chủ mình đi ăn cưới về.
Đám cưới ngày xưa hay vào ban đêm để tránh cái nóng.
Chủ có thể về trễ, nên phải chịu khó chờ,
nghĩa là phải tỉnh thức, không được ngủ quên.
Nhưng chờ lại không phải là thái độ ngồi yên, thụ động.
Chờ là đặt mình trong tư thế sẵn sàng phục vụ.
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng” (c. 35).
Người đầy tớ sẵn sàng bắt tay vào việc,
vì chiếc áo đã được vén lên gọn gàng,
và trong đêm, ngọn đèn được châm dầu vẫn luôn cháy sáng.

Có một giây phút quan trọng, giây phút ông chủ về.
Sự chờ đợi, sự tỉnh thức, sự sẵn sàng, tất cả hướng đến giây phút này.
Lỡ giây phút này là lỡ tất cả.
“Để khi chủ về tới, gõ cửa thì mở ngay” (c. 36).
Mở ngay vì mình đang chờ, đang thức, đang sẵn sàng,
áo đã được vén lên để chuẩn bị phục vụ,
đèn đã được thắp sáng để soi trong bóng đêm.
Chủ sẽ ngỡ ngàng vì sự mau mắn như vậy của các đầy tớ.
Nhưng các đầy tớ còn ngỡ ngàng hơn nhiều.
Chính khi các anh chuẩn bị phục vụ chủ, thì chủ lại phục vụ các anh.
“Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn,
và đến bên từng người mà phục vụ” (c. 37).
Rõ ràng đã có một sự đổi vai bất ngờ: chủ đã thắt lưng, phục vụ như đầy tớ.
Đầy tớ đã trở nên trọng hơn chủ, vì Thầy ở giữa anh em như người hầu bàn.

Đó là mối phúc dành cho người tỉnh thức vào giờ lẽ ra đang yên ngủ.
Canh hai, canh ba, là đã quá nửa đêm về gần sáng (c. 38).
Kitô hữu biết mình chờ ai, chờ một người sớm muộn chắc chắn sẽ đến.
Chờ một cách tích cực với thái độ sẵn sàng làm việc dưới ánh đèn.
Hạnh phúc đến với tiếng gõ cửa đầu tiên trong đêm.
Chúng ta mong nghe được tiếng gõ nhẹ ấy như một tiếng gọi.
Xin mở cửa ngay để được thấy tận mắt Thiên Chúa phục vụ con người.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,
không có giờ đi vào sa mạc
để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.
Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.
Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu
là con có thể tạo ra sa mạc.

Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa
mà con đã bỏ mất :
Khi chờ một người bạn,
chờ đèn xanh ở ngã tư,
chờ món hàng đang được gói.
Khi lên cầu thang,
khi đến nơi làm việc,
khi kẹt xe,
khi cúp điện bất ngờ.
Thay vì bực bội hay nóng ruột
con lại thấy mình sống an bình
trong sự hiện diện của Chúa.

Lạy Chúa,
những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày
giúp con tỉnh thức
để nhạy cảm với ý Chúa.

Xin cho con yêu mến Chúa hơn
để tìm ra những sa mạc mới
và vui vẻ bước vào.

(gợi hứng từ Madeleine Delbrêl)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

“Anh em hãy thắt lưng cho gọn,
thắp đèn cho sẵn
(Lc 12, 35-38)

 

35 “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.

37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.

38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

 

Lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay và ngày mai nhắc nhớ chúng ta: “Hãy sẵn sàng”, vì chúng ta không biết ngày nào Chúa của chúng ta sẽ đến. Ngày Chúa của chúng ta sẽ đến là ngày Quang Lâm, nghĩa là thời điểm tận cùng của thời gian và của lịch sử loài người; ngày này chắc chắn sẽ đến, vì chúng ta không sống trong vĩnh cửu, nhưng đang sống trong thời gian có thủy có chung; nhưng thời điểm tận cùng của thời gian chắc là còn lâu[1].

Nhưng nếu chúng ta hiểu ngày của Chúa chúng ta sẽ đến là thời điểm tận cùng, không phải của loài người, nhưng của chính mỗi người chúng ta, thì thời điểm này có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, dù chúng ta ở trong độ tuổi nào. Ai còn trẻ, người đó hi vọng sống được nhiều năm nữa; nhưng điều này đâu có chắc chắn, và chỉ là hi vọng mà thôi. Hơn nữa, môi trường và hoàn cảnh chúng ta đang sống, có quá nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe và cả tính mạng nữa.

 

  1. Người tôi tớ

Vì thế, khi nhắc nhớ chúng ta hãy canh thức, Lời Chúa đưa chúng ta trở về với sự thật của cuộc sống: đó là chúng ta phải luôn sẵn sàng, để trả lại cho Chúa sự sống của chúng ta:

Anh em hãy thắt lưng cho gọn,
thắp đèn cho sẵn.

(c. 35)

Đó là một sự thật hay bị quên lãng, vì chúng ta quá bận rộn, quá bận tâm và quá gắn bó với những gì trong cuộc đời này. Tuy nhiên, mọi sự không tồn tại mãi, nhưng sẽ qua đi, chúng ta cũng không tồn tại mãi, nhưng có một ngày chúng ta sẽ qua đi, và có thể qua đi bất cứ lúc nào.

Và trong khi chờ đợi và canh thức, Đức Giê-su mời gọi chúng ta sống như người tôi tớ trung tín và khôn ngoan: người tôi tớ khôn ngoan là người hiểu ra rằng Chúa có thể đến bất cứ lúc nào; và vì thế, người này lúc nào cũng trung tín với Chúa, ngang qua việc khiêm tốn và kiên nhẫn “đúng giờ và đúng lúc”, thi hành sứ mạng được giao. Và như thế, Chúa có thể đến bất cứ lúc nào và ban phúc cho người tôi tớ.

  • Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay” (c. 35)
  • Đức Giê-su còn nói: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?” (c. 42)

Và lời Chúa cũng mời gọi chúng ta đừng trở thành người tôi tớ bất trung và ngu dại: đó là người tôi tớ nghĩ trong lòng một cách sai lầm rằng: “Còn lâu chủ ta mới về!” Và vì thế, anh ta tự biến mình thành chủ nhân, chiều theo lòng ham muốn, sống một cuộc sống bạo lực, lệch lạc và bê tha.

Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy rằng, chúng ta sẽ bình an hơn, hòa thuận và hạnh phúc hơn, nếu chúng ta biết sống tâm tình của người tôi tớ, hay nói như Đức Maria, tâm tình của người “Nữ Tỳ”, “Nữ Tỳ hèn mọn”: đó là đón nhận như là ơn huệ Chúa ban, không chỉ tài sản, nhưng là tất cả mọi sự: gia đình, con cái, những người thân yêu, cộng đoàn, anh em, chị em và cả sự sống của chúng ta nữa.

Điều lạ lùng là, khi chúng ta từ bỏ quyền làm chủ, để sống tâm tình của người tôi tớ hay nữ tì, chúng ta không chỉ không bị mất mát, nhưng còn được gấp trăm, như tổ phụ Abraham đối với người con duy nhất và yêu quí của mình là Isaac. Ngược lại, mỗi khi chúng ta tự biến mình thành bà chủ hay ông chủ, nhất là trong tương quan với những người thân yêu và người khác, trong bổn phận hay sứ vụ, kinh nghiệm sống cho chúng ta thấy rằng, khi đó sẽ là tai họa, tai họa cho mình và cho người người khác, nhất là chúng ta sẽ đánh mất người khác và chính khi chúng ta đánh mất người khác, là chúng ta đánh mất chính mình.

 

  1. Tình yêu và lòng thương xót của Chúa

Nhưng điều gì có sức lôi cuốn chúng ta mạnh mẽ đến độ khiến chúng ta có thể sống tâm tình của người tôi tớ, từ bỏ quyền làm chủ mọi sự, nếu đó không phải là Ngôi vị của Chúa, tình yêu của Ngài, lòng thương xót của Ngài và những gì thuộc về Ngài. Tình yêu và lòng thương xót của Chúa thật nhưng không và vượt quá sự chờ đợi của chúng ta, như chính Chúa nói trong bài Tin Mừng:

  • Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.” (c. 32)
  • Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.” (c. 37)

Trên thế gian này không có người chủ nào hành động như “ông chủ Giê-su” của chúng ta: “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (c. 37). Có thể nói, người chủ tự hạ mình thành tôi tớ để phục vụ. Thế mà Đức Giê-su vẫn làm như thế hàng ngày đối với từng người trong chúng ta: Ngài ban cho chúng ta sự sống và tất cả những gì để sống mỗi ngày, cho dù ngày sống đó như thế nào, Ngài nuôi dưỡng chúng ta bằng cách trao ban cách quảng đại Lời của Ngài, mình và máu Ngài trong Thánh Lễ, và Ngài đã hạ mình thấp hơn cả người tôi tớ, khi rửa chân cho các môn đệ, để báo trước rằng, mình sẽ bị chà đạp và bị giết chết trên Thập Giá hầu bày tỏ cho loài người chúng ta lòng bao dung và thương xót vô hạn của Thiên Chúa.

Chúa nói: “Kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó” (c. 34). Vậy lòng chúng ta đang hướng về kho tàng nào? Kho tàng tất yếu sẽ qua đi hay kho tàng sẽ vững bền mãi mãi, là tình yêu bao dung chúng ta dành cho nhau, còn sống cũng như đã qua đời, như là tình yêu bao dung Chúa vẫn luôn dành cho mỗi người chúng ta?

 

  1. Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến

Vậy, chúng ta được mời gọi canh thức, để chờ đợi ngày Chúa đến. Nhưng thực ra Chúa vẫn đến với chúng ta mỗi ngày trong Thánh Lễ, qua những ân huệ và biến cố của từng ngày sống. Do đó, chúng ta có thể thực tập đón Chúa đến mỗi ngày, để cho lúc Chúa thực sự đến, chúng ta không còn bị bất chợt và sợ hãi; nhưng chúng ta đón mừng Chúa đến trong niềm vui của đợi chờ, giống như niềm vui được lập lại hằng năm của thời gian chờ đợi Chúa đến lần thứ nhất, trong đêm Giáng Sinh.

Và để có thể nhận ra Chúa đến và hiện diện và để sống tâm tình sẵn sàng của người tôi tớ khôn ngoan và trung tín, không có cách nào tốt hơn là cầu nguyện, cầu nguyện với Lời Chúa và cầu nguyện với ngày sống hay với một giai đoạn sống của chúng ta.

  • Cầu nguyện trong những giờ dành riêng cho việc cầu nguyện.
  • Và chúng ta cũng được mời gọi sống ngày sống của chúng ta như là một lời cầu nguyện.

Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống cầu nguyện hằng ngày. Không có cách nào khác, là chính chúng ta phải tự tìm ra cho riêng mình những phương cách để vượt qua khó khăn và duy trì đời sống cầu nguyện. Có hai tâm tình có thể giúp chúng ta vượt qua khó khăn trong việc cầu nguyện:

  • Cầu nguyện là dâng lại cho Chúa một ít thời gian của chúng ta một cách nhưng không.
  • Và cầu nguyện là lời tạ ơn và ca tụng Chúa, về “những điều cao cả” Chúa làm cho chúng ta trong cuộc đời, trong hành trình ơn gọi và trong từng ngày sống.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Hiện nay có những người đi qui tụ người ta để chờ ngày tận thế! Nhưng hình như đó là cớ để lừa gạt.

Tin liên quan