Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

Lịch Phụng Vụ

Ghế chủ tọa (P1)

 

 

Ghế chủ tọa (P1)

 

 

VÀI NÉT LỊCH SỬ

Ghế chủ tọa ngày xưa chính là chỗ ngồi hay ngai tòa của vị giám mục địa phương trong nhà thờ của ngài, tức nhà thờ chánh tòa. Trước tiên, chiếc ghế này được đặt ở ngay phía đầu của cung thánh (apse), Đức Giám mục sẽ chủ tọa cử hành phụng vụ và giảng dạy ở đây.

Đến thế kỷ thứ IV, chiếc ghế này mới trở nên như một ngai tòa khi các giám mục bắt đầu trở thành như những viên chức nhà nước với đẳng cấp nghị viện. Trong khi cử hành Phụng vụ Lời Chúa, cộng đoàn tụ họp chung quanh ngai tòa các Sách Thánh, hay chung quanh chỗ liên quan đến ngai tòa này, tức là ghế giám mục, được triển khai từ tòa Môsê. Trong thánh đường Tây phương, ghế giám mục thường đặt trên bục cao phía sau bàn thờ để giám mục có thể nhìn thấy toàn thể cộng đoàn tín hữu và mọi người cũng có thể nghe được tiếng nói của ngài. Hai bên ghế giám mục, có hai chiếc ghế dài hình vòng cung dành cho các linh mục, các phó tế và các thừa tác viên khác không có ghế dành riêng. Việc bố trí như thế vẫn duy trì cho mãi đến thế kỷ XIV.

Trong một số trường hợp, Hội Thánh bên Đông phương có những sáng kiến độc đáo liên quan đến cách bố trí thánh đường. Chẳng hạn trong thánh đường thuộc giáo phái Nestôriô, có hai cái bục cao: một bục dành để kê bàn thờ, còn một cái bục khác đặt giữa thánh đường, trên đó có ghế dành cho giám mục và các thừa tác viên. Sau phần Phụng vụ Lời Chúa, Đức Giám mục và các thừa tác viên sẽ rời ghế của mình. Họ tiến tới bàn thờ để bắt đầu phần Phụng vụ Thánh Thể.

Đến thế kỷ thứ XIV, trong các thánh đường Tây phương, bàn thờ được dời vào sát tường. Bàn thờ thường có cái giá phía trước mà khung sườn của cái giá này sát với bức tường dành cho các tranh ảnh thánh nên vị trí của chiếc ghế giám mục không thể ở phía đầu cung thánh được nữa. Thế là ghế giám mục và chủ tế phải chuyển dời sang một bên cung thánh, chính xác là phía Tin Mừng, tức phía bên trái của bàn thờ khi nhìn từ trên bàn thờ xuống lòng nhà thờ. Trong cung thánh cũng có các hàng ghế dành cho hàng giáo sĩ, kinh sĩ, đan sĩ và tu sĩ. Vì thế, dân chúng ngày càng lùi lại phía cuối thánh đường. Kết quả là đôi khi những người tham dự không còn nhìn thấy bàn thờ nữa bởi lẽ bàn thờ bị che khuất bởi các bức tường hay vách ngăn trang trí. Dân chúng bắt đầu thích tập trung chú ý vào những bàn thờ và nhà nguyện phụ có mặt trong thánh đường hơn là bàn thờ chính.1

Ngày nay, vị trí của chiếc ghế giám mục vẫn ở đó, tức là ở về một bên của cung thánh, nếu như kiến trúc của tòa nhà thờ không cho phép bố trí ghế giám mục trở lại vị trí thích hợp thuở ban đầu, tức là phía chóp đầu của cung thánh. Dĩ nhiên, bàn thờ hiện nay không dính sát vào bức tường ở phía đầu cung thánh nữa, cho nên khi thi hành một số nghi thức phụng vụ, chẳng hạn như nghi thức truyền chức, các giúp lễ sẽ mang và đặt ở phía trước bàn thờ một chiếc ghế dành cho vị giám mục phong chức.    

Với sự lớn mạnh của Giáo hội, cần thiết phải có một chiếc ghế dành cho vị chủ tế để ngài chủ tọa trên cộng đồng trong cử hành phụng vụ.

Ý NGHĨA GHẾ CHỦ TỌA

Vị tư tế là mục tử của Dân Chúa. Ghế của ngài trong nhà thờ phản ánh chức năng chủ tọa hơn là quyền hành của người ngồi ở đó. Ghế này có cùng một chức năng như là người đứng đầu bàn tiệc trong phòng ăn hay thủ trưởng của một phòng ban trong công ty.

Trong phụng vụ, ghế chủ tọa là dấu hiệu chỉ ra chức vụ của vị tư tế là chủ tọa cộng đoàn và điều khiển kinh nguyện (QCSL 310; XD 63). Theo Sách Các Phép số 881, ghế chủ tọa là một biểu tượng mà tại nơi này, vị chủ tế sẽ thực hiện chức năng chủ tọa cộng đoàn và hướng dẫn kinh nguyện của cộng đoàn phụng vụ. Vai trò của vị chủ sự là quan trọng và là trọng tâm trong bất cứ nghi thức phụng vụ nào, cho nên ghế chủ tọa nói lên phẩm giá của ngài xét như là người chủ tọa cộng đoàn nhân danh Chúa Kitô (XD 63).

Ý nghĩa thần học của ghế chủ tọa [xét như là một vị trí quan trọng mà từ đó vị tư tế chủ tọa thánh lễ] bắt nguồn từ cathedra hay ghế của Đức Giám mục trong giáo phận của ngài. Chiếc ghế này được đặt trong ngôi nhà thờ chính (chánh tòa) của giáo phận. Ghế chủ tọa, theo phụng vụ Rôma, không chỉ là một chiếc ghế vật chất hay là một đối tượng vật chất bên trong thánh đường, mà còn là biểu tượng vừa cho quyền bính của Đức Giám mục, vừa cho mối hiệp thông của Đức Giám mục với Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám mục khác trên toàn thế giới.2Đây là lý do phát sinh ra lễ kính ngai tòa thánh Phêrô hay lập Tông tòa thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng và Giám mục tiên khởi, được mừng vào ngày 22 tháng Hai. Vào thời kỳ hậu Công đồng Vatican II, ghế của giám mục được hiểu là ghế của người chủ trì và điều hành đời sống phụng vụ cũng như là thầy dạy của giáo phận tại địa phương;3 nó không chỉ là chỗ để ngồi, nhưng còn là dấu chỉ “sự hiệp nhất các tín hữu” (LNGM 42).

Như vậy, từ ghế giám mục mà ghế chủ tọa trong mỗi nhà thờ giáo xứ có được ý nghĩa và tầm quan trọng của nó. Bởi vì Đức Giám mục không thể có mặt ở khắp nơi trong giáo phận của mình để chủ tọa trên mọi thành viên trong tất cả những giờ phụng vụ, cho nên mới phân thành các giáo xứ, và trong mỗi giáo xứ đều có vị mục tử thế vào vị trí của Đức Giám mục. Vì lý do này, khi cung hiến thánh đường mới, thông thường, chính Đức Giám mục giáo phận sẽ ngồi vào ghế chủ tọa. Ngài là mục tử và thầy dạy cao nhất trong nhà thờ giáo phận của mình, nên ngài là người đầu tiên ngồi vào ghế mà trong tương lai, chính ngài sẽ dạy đoàn chiên của mình qua các vị mục tử do ngài bổ nhiệm để coi sóc giáo xứ. Ghế chủ tọa trở thành cathedra tạm thời cho Đức Giám mục trong nghi lễ cung hiến thánh đường. Rồi đây, ghế chủ tọa sẽ đại diện cho quyền giảng dạy của Đức Giám mục khi vị linh mục chủ tế ngồi vào đó. Khi Đức Giám mục viếng thăm giáo xứ và chủ sự buổi cử hành phụng vụ, ngài sẽ ngồi lại vào ghế chủ tọa xét như là một ghế giám mục tạm thời hay là sự nối dài hữu hình ghế giám mục tại nhà thờ chánh tòa của ngài. 

THỰC HÀNH

1] Chỉ một ghế chủ tọa

Ghế giám mục tại nhà thờ chánh tòa là dấu hiệu hàng đầu của thẩm quyền giảng dạy, quyền bính mục vụ của Đức Giám mục cũng như là dấu hiệu sự hiệp nhất các tín hữu mà vị giám mục là chủ chăn của đoàn chiên (LNGM 42). Do đó, để diễn tả một cách thích hợp chức vụ đó, sẽ chỉ có duy nhất một ghế giám mục được đặt ở một nơi trong nhà thờ chánh tòa, để từ đây, ngài chủ tọa cử hành phụng vụ trên toàn thể giáo phận (LNGM 47). Tùy thuộc vào thiết kế của nhà thờ chánh tòa, sách LNGM số 47 phát biểu rằng, nên đôn cao ghế giám mục lên để mọi thành viên trong cộng đoàn nhà thờ có thể thấy ngài, nhưng không nên trang trí ghế giám mục lộng lẫy quá đáng hay có tán che phía trên (DX 70).

Cũng vậy, tại các thánh đường giáo xứ, sẽ chỉ có một chiếc ghế chủ tọa vừa khác biệt vừa nổi bật hơn tất cả những chiếc ghế khác dành cho phó tế, cho các vị đồng tế hay cho các linh mục hiện diện trong buổi cử hành mà không đồng tế (QCSL 310). Ghế chủ tọa trở thành như một dấu chỉ chức vụ của linh mục chủ tế chủ tọa trên cộng đồng và hướng dẫn kinh nguyện của cộng đồng ngay tại nơi của Đức Giám mục.   

Không cần đặt hai bên ghế chủ tọa các ghế dành cho giúp lễ bàn thờ. Việc sắp xếp này nảy sinh từ các thánh lễ Misa hát trọng thể thời tiền Công đồng Vatican II khi thầy phó tế và thầy phụ phó tế hỗ trợ vị tư tế. Như QCSL 310 nói rõ: “Còn ghế cho các người giúp khác phải đặt sao cho phân biệt rõ ràng với ghế của hàng giáo sĩ và cho các người giúp có thể thi hành phận vụ mình cách dễ dàng trong cử hành phụng vụ”.

Khi đoàn đồng tế hiện diện, những người tham dự  phải nhận ra rằng chủ tọa là chức năng của duy một người chứ không phải của cả một ủy ban cho nên phải có một ghế chủ tọa mà thôi. Cung thánh không nên sắp xếp theo kiểu làm cho người ta trông đoàn đồng tế như thể là một ban quản trị nhà trường đang chủ tọa trên các sinh viên hay như một ban giám đốc công ty xí nghiệp đang cùng nhau điều khiển một cuộc họp các cổ đông. Các vị đồng tế nên ngồi một cách bình thường ở hai bên vì đúng ra các ngài là một thành phần của cộng đoàn hơn là những nhân vật thêm vào cho vị chủ tế. 4

Khi Đức Giám mục chủ tọa trong nhà thờ chánh tòa của mình, ngài ngồi vào ghế giám mục của mình. Khi các Đức Giám mục hay các vị giám chức khác cùng hiện diện trong cử hành đó, phải chuẩn bị cho các ngài những chỗ ngồi khác, tại một nơi thuận tiện, nhưng không được giống như ghế giám mục chánh tòa (LNGM 30).

Khi một linh mục chủ tế tại nhà thờ chánh tòa, ngài không được ngồi vào ghế giám mục chánh tòa bởi vì một ghế dành cho linh mục chủ tế được định vị ở một nơi khác trong nhà thờ chánh tòa, tách biệt khỏi ghế giám mục. Điều quan trọng là mọi người phải thấy được chiếc ghế này. Nó diễn tả chức năng chủ tọa của vị chủ sự trên cộng đồng và hướng dẫn kinh nguyện cộng đoàn (LNGM 47).

Như vậy, tại nhà thờ chánh tòa sẽ luôn luôn có “hai” ghế chủ tọa - một cái dành cho Đức Giám mục khi ngài hiện diện, và một cái kia dành cho linh mục chủ tế khi Đức Giám mục khuất diện. Điều này có nghĩa là vẫn chỉ sử dụng một chiếc ghế chủ tọa trong khi cử hành phụng vụ mà thôi. Sự khéo léo ở đây chính là làm sao để kích cỡ của ghế chủ tọa dành cho linh mục chủ tế phải nhỏ hơn và đơn giản hơn ghế giám mục, vì từ ghế giám mục mà chiếc ghế này đón nhận ý nghĩa và tầm quan trọng của nó.

 

Lm Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh Thể SSS

Tin liên quan