Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

PHỤNG VỤ

SÁCH CÁC BÀI CA TIẾN CẤP ĐƠN GIẢN (GRADUALE SIMPLEX)

 

 SÁCH CÁC BÀI CA TIẾN CẤP ĐƠN GIẢN

(GRADUALE SIMPLEX)

 

 

MỘT PHẦN CỦA BẢN VĂN PHỤNG VỤ

 

Bản văn phụng vụ là Lời Chúa, kinh cầu và các câu đối đáp… dùng để đọc và hát trong phụng vụ (phụng vụ thánh lễ, phụng vụ cử hành các bí tích và phụng vụ các giờ kinh). Sách Hát Đơn Giản chỉ là một phần trong Bản văn phụng vụ dùng trong phụng vụ thánh lễ.

Sách Hát Đơn Giản (phiên dịch từ sách Graduale simplex - đọc như tiếng Việt: g-ra-đu-a-lê sim-b-léc-s) là sách thánh ca chuẩn mực và chính thức của Giáo hội Công giáo Roma phổ biến toàn cầu sau Công đồng Vaticanô II (1965); sách này có bản chất và những đặc tính:

  • Bản chất: Sách này là sự cô đúc và tỏ bày ý muốn lẫn giáo huấn bao đời của Giáo hội về thánh nhạc (trước Công đồng Vat. II từng có sách hát như vậy nhưng tên là sách Liber usualis nghĩa là Sách Thường dùng).
  • Đặc tính: Sách này (Sách Hát Đơn giản - Graduale simplex) có đặc tính: Âm nhạc Bình ca (từ thang âm điệu thức cho đến hình dạng ký tự âm thanh) nhưng tiến bộ hơn (tức được Giáo hội cải tiến theo chiều hướng tìm về nguồn để có tính Bình ca nguyên thủy, tìm về sự chân phương để có tính đơn giản và sáng sủa hợp thời hiện đại).
  • Đặc tính khác: Ca từ La ngữ (một trong những yếu tố làm nên Bình ca là ca từ bằng tiếng Latin, vì chính tiếng Latin quyết định nên giai điệu Bình ca).
  • Đặc tính khác: Sách này trình bày một phần của Bản văn Phụng vụ (vì Bản văn Phụng vụ gồm tất cả những gì phải đọc và hát trong buổi cử hành phụng vụ, ở đây đang nói về thánh lễ) của 65 thánh lễ (65 thánh lễ chung và đủ cho 3 năm phụng vụ A, B, C). Điều này nói lên chủ trương của Giáo hội a/ Hát ít (ít bài hát) mà đủ. b/ Hát ít mà đúng. c/ Hát đơn giản mà có cộng đoàn tham gia. d/ Hát bài cũ (tức với ít bài hát tất phải hát trở đi trở lại đến quen thuộc) mà hiệp thông. e/ Hát bài quen, cũ (đến thuộc lòng) mà có chiêm niệm. f/ Dùng ít sách (chỉ một quyển) mà thống nhất. g/ Dựa trên một Bản văn Phụng vụ thống nhất mà dễ “làm việc” cho giáo quyền và các cha sở (dễ kiểm soát và tiện việc kiểm duyệt). g/ Tình hình thánh nhạc không rối ren (mỗi nơi một ý, mỗi thời một cách).   
  • Đặc tính khác: Hình thể âm nhạc trong sách này gồm các hình thể Thánh ca Phụng vụ (mọi hình thể Thánh ca Phụng vụ đều do Giáo hội thiết lập để tương xứng với từng nghi thức phụng vụ, lại nữa, hình thể nào cũng có cách để hát Lời Chúa nguyên văn và hát cộng đoàn) và các hình thể này đã được quen dùng từ bao đời. Đó là những hình thể Missa (bộ lễ), hình thể Antiphona (đối ca), hình thể Responsorium (đáp ca), hình thể Alleluiaticus (đối ca Tung hô Tin mừng), hình thể Sequentia (ca tiếp liên), hình thể Tractus (Thánh vịnh liên mạch), hình thể Tonus (cung đọc).
  • Đặc tính khác: Sách này chia làm 3 phần: Phần các Bộ lễ Thông dụng có tên gọi là Kyriale simplex (chúng tôi không dịch phần này vì xét thấy không cần), phần các Bài ca Tiến cấp Phổ thông có tên gọi là Graduale simplex (chúng tôi chú trọng và chủ ý dịch phần này), phần các Cung Đọc Thông dụng có tên gọi là Tonus simplex (chúng tôi cũng không dịch phần này vì xét thấy cũng không cần).
  • Đặc tính khác: Bản dịch từ La ngữ sang Việt ngữ sách này do Dịch giả Phêrô Đỗ Văn Thuấn, cựu linh mục dòng Don Bosco, hiện ngụ tại nhà riêng ở giáo xứ thuộc giáo hạt Gò Vấp, tổng giáo phận TpHCM.
  • Đặc tính khác: Sách này có 3 phần, nhưng chỉ dịch 1 phần, đó là phần các Bài ca Tiến cấp Phổ thông (Graduale simpkex) như đã nói, với mục đích để các Nhạc sĩ Công giáo Việt Nam có sẵn Bản văn Phụng vụ của các Bài ca Tiến cấp (Đối ca Nhập lễ, Đáp ca, Đối ca Tung hô Tin mừng, Đối ca Dâng lễ, Đối ca Hiệp lễ) để sáng tác thành những tác phẩm Thánh ca Phụng vụ (cantus sacrae liturgiae) tiếng Việt; Thánh ca Phụng vụ là những thánh ca vừa hát Lời Chúa nguyên văn, vừa hát cộng đoàn (cộng đoàn hát đối đáp với ca đoàn, khác hẳn lối hát “cộng đồng” hay hát “tập thể”) theo đúng giáo huấn lẫn học thuật và kỷ luật thánh nhạc của Giáo hội.
  • Đặc tính khác: Sau mỗi câu Đối ca hay Đáp ca là phần Thánh vịnh. Trong sách dịch này, chúng tôi chỉ ghi số câu Thánh vịnh mà không dịch Thánh vịnh, vì Giáo hội Việt Nam từ lâu nay đã có nhiều bản dịch Thánh vịnh; chúng tôi lại cũng không chép bản dịch Thánh vịnh nào ra, mà để tự do cho các Nhạc sĩ tùy ý muốn sử dụng bản dịch Thánh vịnh nào thì tùy (thời điểm phát hành sách dịch này, Giáo hội Việt Nam qua Hội Đồng Giám mục Việt Nam chưa thống nhất chọn bản dịch Thánh vịnh nào, hay nói đúng, còn chờ Roma phản hồi một bản dịch mà Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã gửi để xin chuẩn nhận).

 

MỤC ĐÍCH VIỆC PHIÊN DỊCH VÀ PHỔ BIẾN

SÁCH HÁT ĐƠN GIẢN - GRADUALE SIMPLEX

 

     Mục đích thứ 1: Kêu mời mọi người đến với Thánh ca Phụng vụ (ngoài việc phiên dịch Sách Hát Đơn Giản, còn giới thiệu, quảng bá và trình bày bằng truyền thông và hát bằng ca đoàn Thánh Thi… cho các nhạc sĩ, ca trưởng, ca đoàn và cộng đoàn Công giáo Việt Nam trong và ngoài nước, rằng bên cạnh việc sáng tác và ca hát Thánh ca Bình dân Tôn giáo hình thể ca khúc, thể loại thánh ca phổ biến trong các nhà thờ hiện nay- nên sáng tác và ca hát Thánh ca Phụng vụ, thể loại thánh ca mô phỏng Bình ca và chính thống hơn, thể loại thánh ca hát nguyên văn Lời Chúa và hát với cộng đoàn đối đáp, để nâng cao việc ca hát thờ phượng Chúa trong phụng vụ. Sáng tác và ca hát Thánh ca Phụng vụ là giúp mọi thành phần Dân Chúa chu toàn chức năng nhạc sĩ, ca trưởng, ca đoàn, cộng đoàn cùng một lúc hát những bài hát đúng tôn vinh Thiên Chúa & đúng thánh hóa tâm hồn (2 mục đích của thánh nhạc), lại cũng vừa giúp giáo quyền dễ canh phòng thánh nhạc (1 trong 3 nhiệm vụ của ủy ban thánh nhạc các cấp là: canh phòng, đào tạo và đoàn ngũ hóa, trong 3 nhiệm vụ ấy, dễ thấy nhất là công tác “imprimatur” thánh ca), đồng thời vừa nâng cao nghệ thuật thánh nhạc Việt Nam (nhạc đạo cần có bản sắc riêng và khác biệt nhạc đời), cũng vừa để thánh ca các nhà thờ Việt Nam được thống nhất (không còn cảnh mỗi nơi hát mỗi phách vào cùng một ngày lễ nào đó), vừa để các ca đoàn (cụ thể ca trưởng) khỏi gặp khó khăn về tư liệu lẫn cách chọn bài hát cho mỗi thánh lễ, nhưng quan trọng nhất là vừa hát đúng phụng vụ, hát bằng Lời Chúa nguyên văn (do giáo hội chỉ định) và hát cộng đoàn (cộng đoàn hát đối đáp với ca đoàn, tuyệt nhiên không phải hát cộng đồng hay hát tập thể quẩn quanh lui tới vài ba bài không thể đúng với hết mọi thánh lễ).

     Mục đích thứ 2: Sắp xếp cho hợp lý các thể loại thánh nhạc (có 6 thể loại thánh nhạc trong Giáo hội Công giáo Roma), phân định các thể loại thánh ca (có 5 thể loại thánh ca trong số 6 thể loại thánh nhạc) và xếp chỗ thật đúng cho các thể loại thánh ca hiện có ở Việt Nam (Việt Nam chỉ có 3 thể loại trong số 5 thể loại thánh ca). 3 thể loại thánh ca và chỗ đúng của từng thể loại là:

  1. Thánh ca Phụng vụ (cantus sacrae liturgiae) - hát trong phụng vụ (từ nhập lễ đến cuối lễ, cuối lễ được báo hiệu bằng câu: “Lễ xong chúc anh chị em đi bình an”).
  2. Thánh ca Bình dân Tôn giáo hình thể ca khúc (cantus religiosus popularis) – hát ngoài phụng vụ (tạ lễ, chầu, giờ kinh, rước kiệu, hành hương hoặc “hát dặm” sau Thánh ca Phụng vụ khi nghi thức nhập lễ hoặc hiệp lễ còn kéo dài).
  3. Giáo nhạc (musica religiosa) – hát ngoài phụng vụ (sân khấu, nhà riêng, băng đĩa, lễ hội, phong trào, giải trí).   

     Mục đích thứ 3: “Không loại mà phân loại”. Mục đích thứ 2 giúp cho mục đích thứ 3 là không còn tình trạng loại trừ nhau gây chia rẽ, nhưng phân loại để cùng tồn tại vì thánh ca nào cũng có chỗ đứng, thiện chí ca ngợi Chúa của nhạc sĩ nào cũng được trân trọng, trừ thánh ca có lời ca sai tín lý rõ rệt hoặc âm nhạc bất xứng.

     Mục đích thứ 4: Do phân định rõ, xếp chỗ đúng (ở mục đích 2 và 3 vừa nói) cho nên không còn tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Vài thí dụ về sự “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”:

  1. Tạo dư luận đồn thổi bài này đúng, bài kia sai.
  2. Cũng một bài, thời này được cho là đúng, thời khác bị cho là sai, chỗ này hát, chỗ kia cấm.
  3. Cùng một bài, giáo quyền này chuẩn nhận, giáo quyền khác không chuẩn nhận.
  4. Sửa lời những bài hát đã được phổ biến gây nên việc khó sử dụng.
  5. Tung tin khích bác nhau.

v.v…

     Mục đích thứ 5: Không còn ách tắc khi xin chuẩn nhận thánh ca.

     Mục đích thứ 6: Còn lại ít sách hát lưu hành và những sách này đều có chuẩn nhận (imprimatur).

     Mục đích thứ 7: Giúp ủy ban thánh nhạc các cấp không theo đuôi mà đi trước và dẫn dắt mọi người không đi lùi mà tiến bộ trong việc ca ngợi Chúa.

Còn nhiều mục đích khác nữa không thể kể hết, nhưng có thể nói tóm gọn, việc giới thiệu Sách Hát Đơn Giản v.v… nhằm ý đồ chân phương và trong sáng là: giúp mọi người san định để thánh nhạc và thánh ca Việt Nam ngày thêm tiến bộ.

 

TOÀN CẢNH PHỤNG VỤ VÀ THÁNH CA PHỤNG VỤ

 

Phụng vụ toàn cảnh gồm có 3 mảng:

  1. Phụng vụ Thánh lễ. Khởi đầu từ lúc hát Đối ca Nhập lễ, cho đến lời chào tạm biệt của chủ tế: “Lễ xong chúc anh chị em ra đi bình an”
  2. Phụng vụ Các Bí tích. Cử hành 7 Bí tích ngoài thánh lễ.
  3. Phụng vụ Các Giờ kinh. Giờ kinh phụng vụ của giáo sĩ và tu sĩ.

Mọi thánh ca dùng trong 3 mảng phụng vụ đều gọi là Thánh ca Phụng vụ miễn là hát nguyên văn Lời Chúa (hay nói hát nguyên văn Bản văn phụng vụ cũng được) và hát cả cộng đoàn theo kiểu đối đáp.

 

TOÀN CẢNH PHỤNG VỤ THÁNH LỄ VỚI BẢN VĂN PHỤNG VỤ PHỔ NHẠC THÀNH THÁNH CA PHỤNG VỤ

 

Phụng vụ thánh lễ có 3 phần:

  1. Phần Các Bài ca Tiến cấp

Hát Bản văn phụng vụ Lời Chúa (các câu Lời Chúa trong Cựu ước hay Tân ước và Thánh vịnh) với hình thể Đối ca (antiphona), hình thể Đáp ca (Responsorium), hình thể Thánh vịnh hát liền mạch (tractus), hình thể Tung hô Tin mừng (alleluiaticus), hình thể Ca tiếp liên (sequentia):

  1. Nhập lễ hát Đối ca Nhập lễ.
  2. Đáp ca hát Đáp ca + Đối ca Tung hô Tin mừng.
  3. Dâng lễ hát Đối ca Dâng lễ.
  4. Hiệp lễ hát Đối ca Hiệp lễ.
  5. Phần Bộ lễ

Hát Bản văn phụng vụ của Giáo hội đặt ra chia thành 6 bài (giới âm nhạc hàn lâm gọi là tổ khúc có 6 chương) với hình thể Bộ lễ (missa):

  1. Kinh Xin Chúa thương xót.
  2. Kinh Vinh danh.
  3. Kinh Tin kính.
  4. Kinh Thánh thánh.
  5. Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa.
  6. Câu chào kết lễ.
  7. Phần Thường lễ

Hát Bản văn phụng vụ của Giáo hội đặt ra với hình thể Cung Đọc (tonus):

  1. Các Lời nguyện, kinh Cáo mình, kinh Tiền tụng, kinh Lạy Cha: hát cung nguyện.
  2. Các Bài đọc và Tin mừng: hát cung sách.
  3. Các Cặp câu xướng đáp: hát cung xướng đáp.

 

CÁCH SỬ DỤNG SÁCH HÁT ĐƠN GIẢN – GRADUALE SIMPLEX PHẦN CÁC BÀI CA TIẾN CẤP PHỔ THÔNG

 

Xin nhắc lại, Sách Hát Đơn Giản – Graduale simplex có 3 phần: Phần Bộ lễ (Kyriale simplex), phần Các Bài ca Tiến cấp (Graduale simplex), phần Cung đọc (Tonus simplex). Nhưng chúng tôi chỉ phiên dịch phần Các Bài ca Tiến cấp (Graduale simplex) không thôi. Lý do vì Giáo hội Việt Nam đã hát đúng phần Bộ lễ (2 bộ lễ Seraphim và Ca lên đi được hát nguyên văn Bản văn phụng vụ và hát với cộng đoàn) và hát đúng phần Cung đọc (kinh Cáo mình, các Lời nguyện, kinh Tiền tụng, kinh Lạy Cha, các câu đối đáp giữa chủ tế và cộng đoàn đều được hát với giọng tụng – bộ 3 dấu trụ lá sol mì); chỉ có phần Các Bài ca Tiến cấp cần hoàn thiện (vì ở phần này, hát Thánh ca Bình dân Tôn giáo hình thể ca khúc: không nguyên văn Lời Chúa hay nguyên văn Bản văn phụng vụ, và hát bởi chỉ một nhóm người là ca đoàn).

Vì chỉ phiên dịch phần Các Bài ca Tiến cấp, cho nên xin chỉ nói về cách sử dụng bản dịch phần Các Bài ca Tiến cấp. 

Cách sử dụng bản dịch Các Bài ca Tiến cấp:

  1. Phổ nhạc cho câu Đối ca hay câu Đáp ca.
  2. Chọn bản dịch Thánh vịnh được Hội đồng Giám mục Việt Nam thống nhất chọn và xin chuẩn y của Tòa thánh.
  3. Phổ dấu trụ vào các câu Thánh vịnh đã ghi.
  4. Lưu ý:
  5. Có 365 ngày của năm A, 365 ngày của B, 365 ngày của năm C (3 năm phụng vụ), vị chi phải có 1095 thánh lễ; nhưng Sách Hát Đơn Giản phần Các Bài ca Tiến cấp ghi ra chỉ có 65 thánh lễ (mỗi thánh lễ chỉ đăng các Bài ca Tiến cấp). Có nghĩa một thánh lễ trong Sách Hát Đơn Giản dùng chung cho nhiều thánh lễ. Ví dụ: 8 thánh lễ mùa Thường niên trong Sách Hát Đơn Giản dùng chung cho trên dưới 100 thánh lễ mùa Thường niên năm A, B và C (mỗi năm phụng vụ có hơn 30 thánh lễ mùa Thường niên).
  6. Tuy Giáo hội làm thế vì nhiều lý do đã nói trên, nhưng tâm lý của nhiều người trong các cộng đoàn Việt Nam lại ưa thích thánh lễ nào thì Bản văn phụng vụ tức Thánh ca Phụng vụ phải có lời ca chính xác, cụ thể, nói thật rõ về thánh lễ ấy; vậy nên người dùng có thể tham khảo và lấy thêm ở Sách Lễ Roma, ví dụ có thể lấy Bản văn phụng vụ Đáp ca trong Sách Lễ Roma để thánh lễ tăng thêm phần thích đáng kiểu người Việt mong muốn.
  7. Cũng trong chiều hướng số b vừa nêu, tâm lý của nhiều người trong các cộng đoàn Việt Nam muốn thánh ca hát lúc dâng lễ phải có các từ ngữ đại loại như “bánh”, “rượu”, “tiến dâng” v.v… trong khi các Đối ca Dâng lễ hoàn toàn không có các từ ấy, mà chỉ hát Thánh vịnh Giáo hội đã dày công sắp đặt. Trong trường hợp đó, người dùng có thể thích ứng tâm lý người Việt bằng cách dùng Bản văn phụng vụ trong Sách Lễ Roma dùng cho nghi thức dâng lễ, phổ nhạc bằng hình thể Đối ca Dâng lễ.  

 

GRADUALE SIMPLEX  (nguyên bản tiếng Latin) pdf

SÁCH HÁT ĐƠN GIẢN (GRADUALE SIMPLEX tiếng Việt, bản dịch của Pet. Đỗ Văn Thuấn) Word

SÁCH HÁT ĐƠN GIẢN (GRADUALE SIMPLEX tiếng Việt, bản dịch của Pet. Đỗ Văn Thuấn) pdf

 

nguồn: http://thanhnhacngaynay.vn/sach-hat-don-gian-32-mtc.html

Tin liên quan