Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

Ơn Gọi

NGUỒN GỐC ĐỜI TU KITÔ GIÁO

NGUỒN GỐC ĐỜI TU KITÔ GIÁO

 

TỪ TRUYỀN THỐNG TIN MỪNG ĐẾN THẾ KỶ

Đời tu đã xuất hiện trước khi có Kitô giáo. Nếu đọc lại trong lịch sử các tôn giáo, chúng ta sẽ thấy đã có những hình thức sống có thể so sánh với cách sống của người đan sĩ Kitô giáo. Trong bài này, tác giả chỉ đi tìm về nguồn gốc đời tu trong truyền thống Kitô giáo, vì vậy chỉ xin nói qua môi trường Thánh Kinh với những hình thức sống khá tương hợp theo đời sống tu.

 

Trước hết có thể nhắc đến nhóm người biệt phái. Nhóm biệt phái xuất hiện vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên từ nhóm người nhân đức ủng hộ ông Giu-đa Mác-ca-bê chống lại vua Antiochus Epiphane: "Bấy giờ huynh đoàn những người Hassidim những người kiên cường can đảm, hết thảy đều tận tình với lề luật đã sát nhập với họ" (1M2, 42). Người biệt phái tinh thông lề luật và có nhiệm vụ phổ biến dạy dỗ dân chúng. Họ tỉ mỉ áp dụng 613 điều luật một cách khắt khe như tác giả Mát-thêu ghi lại nơi chương 15,12. Với trách nhiệm dạy quần chúng nên nhóm biệt phái có mối quan hệ gần gũi với dân. Tuy nhiên, họ giữ khoảng cách đối với những người không tuân giữ lề luật thánh. Đức Giêsu rất gần gũi với nhóm biệt phái trong cách cầu nguyện, trong lời kêu gọi sám hối và trong niềm tin vào sự sống lại. Đức Giêsu thường trách họ thái quá và chỉ biết dựa trên lề luật để tiến gần đến Thiên Chúa. Dù Đức Giêsu tố giác nhóm biệt phái sống bề ngoài thái quá, nhưng không vì vậy làm giảm giá trị dự phóng cuộc sống của họ. Có một số người đã muốn theo dự phóng nầy nên đã tụ họp nhau lại thành huynh đoàn và tin rằng lề luật diễn tả trọn hảo ý Thiên Chúa. Họ cố gắng sống trọn vẹn theo luật. Nhóm biệt phái quy tụ được các ký lục, các tư tế và các giáo hữu. Tất cả mọi người không phân biệt giai cấp hay nam nữ đều có thể gia nhập nhóm nhưng bắt buộc phải qua giai đoạn tuyển chọn. Họ phải từ chối thỏa hiệp với xã hội đang sống. Và để giữ vững tinh thần, các thành viên trong huynh đoàn tụ họp nhau lại dùng cơm để củng cố mối liên hệ huynh đệ và giúp đỡ nhau về phương diện thiêng liêng.

 

Ngoài ra, có một nhóm khác mang nếp sống rất gần với đời tu mà người ta biết đến là nhóm "ẩn sĩ Ét-xê-nô". Tin Mừng không đề cập đến nhóm này. Nhờ tài liệu của các ông Pline người Rôma, triết gia do thái Philon thành Alexandrie, và sử gia do thái Flavius Josèphe nên chúng ta biết đến họ.

Những tài liệu tìm được ở Biển Chết năm 1947 cũng cho biết thêm di tích về cộng đoàn ẩn sĩ Ét-xê- nô. Họ sống ly khai với Do Thái giáo, ẩn tu trong sa mạc, xa lánh văn minh băng hoại, chuyên cần trong kinh nguyện và suy gẫm Thánh Kinh chờ ngày tận thế. Họ sống như thể khước từ thế gian, thầm lặng trước những khó khăn của xã hội Do thái thời bấy giờ. Họ tự cho là những người duy nhất trên con đường hoàn thiện, và trung thành tuân giữ lề luật với một tâm hồn hoàn thiện.

Dù Tin Mừng có nhắc đến những nhóm mang một lối sống gần với đời tu, nhưng cũng không nêu rõ ràng ai là Đấng sáng lập ra cách sống đó. Vì vậy khi nói đến nguồn gốc đời tu, người ta thường mang trong đầu hai lối giải thích giản dị. Lối giải thích thứ nhất cho rằng chính Chúa Kitô đã thiết lập nên đời tu và một giáo hội mang lối sống đan tu. Lối giải thích thứ hai lại cho rằng chính Đức Giêsu đã cho các lời khuyên trọn lành là gốc rễ thể chế đời tu hoặc ít ra chính Đức Giêsu là người khởi xướng.

 

Ai đã gieo ý cho lối giải thích thứ nhất nêu trên. Theo các sử gia thì ý đó do ông Jean Cassien ghi lại như vậy, vì ông đã dựa vào một số văn bản của các giáo phụ như Eusèbe thành Césarée cũng như văn bản theo thánh Jérôme. Đời sống cộng đoàn phát sinh từ thời các tông đồ giảng đạo. Thật vậy chính đời sống này mà chúng ta thấy xuất hiện ở Giê-ru-sa-lem, trong tổng thể muôn vàn tín hữu như sách Công Vụ các tông đồ phác họa: "Đông đảo các tín hữu chỉ có một lòng và một linh hồn (Cv 4,32) Tôi lập lại, đó chính là toàn thể Giáo Hội đã sống lối sống này. Như sau khi các Tông

 

đồ quá vãng, đoàn lũ các tín hữu bắt đầu nguội lạnh dần, nhất là những người đến từ bên ngoài niềm tin vào Chúa Kitô. Đối với những người còn sốt nóng ngọn lửa của thời các Tông đồ, họ bắt đầu thực hành riêng tư cho chính họ, những luật lệ mà họ nhớ lại là do các Tông đồ đã đặt ra để cho toàn thể thân mình Giáo Hội. Đấy, chính là một loại đan sĩ duy nhất có vào thời kỳ xa xôi đó".

 

Lối giải thích này ngày hôm nay không còn được ai nhìn nhận, vì lịch sử giáo hội đã cho những dự kiện chính xác bác bỏ lập luận trên. Nhưng tại sao ý trên vẫn có người cho là đúng. Họ cố gắng bào chữa cho rằng Đức Giêsu đã sống như một tu sĩ với các tông đồ kết thành một giáo hội. Giáo hội mang cuộc sống như một cộng đoàn. Họ dựa theo một lối giải thích Thánh Kinh để đi đến kết luận trên; ví dụ trong Tin Mừng thứ 4, thánh Gio-an cho biết các tông đồ bỏ tiền của vào chung nhau, và chính ông Giu-đa được giao trách nhiệm giữ gìn (Ga 12,6). Ngoài ra trong sách Công vụ các tông đồ, những tín hữu tiên khởi cũng đã làm theo đúng như vậy (2,44). Những đoạn văn trên có đủ vững vàng để chứng minh lối giải thích của họ hay không? Khi đọc lại chúng ta sẽ thấy những lập luận trên không đủ chứng minh.

 

Lối giải thích thứ hai cho rằng Đức Giêsu đã cho các lời khuyên Tin Mừng vẫn còn được một số người theo cho đến ngày hôm nay. Công Đồng Vaticanô II cũng như thể chấp nhận. Lối giải thích thứ hai không nói ngược lại những gì lập luận thứ nhất đưa ra, nhưng đôi khi người ta bỏ lối giải thích đầu để thử đặt nền tảng đời tu trên Lời của Đức Giêsu. Những lời này chỉ định Đức Giêsu trình bày một lối sống cá biệt rất phù hợp với triều đại Thiên Chúa mà Người truyền rao. Đức Giêsu đã mở ra hai con đường đi về Thiên Chúa hay để đạt đến ơn cứu độ: - Con đường đặt nền tảng trên lệnh truyền, đầy đủ và đòi hỏi cho tất cả mọi người. - Con đường các lời khuyên đề nghị cho những ai muốn đạt dễ dàng đến sự trọn lành.

 

Hai lối giải thích trên về nguồn gốc đời tu hôm nay không còn vững dù Công đồng Vaticanô II khẳng định "đời tu là ân huệ mà Giáo Hội nhận từ Thiên Chúa" (Lumen gentium 6). Nhưng cũng chính Công đồng Vaticanô II đã đưa ra một ý mới mẻ khác khi cho đời tu chiều kích lịch sử: "Theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chính giáo quyền ân cần giải thích các lời khuyên Tin Mừng, hướng dẫn cách thực hành, cùng thiết lập những lối sống cố định dựa trên những lời khuyên ấy. Do đó, như một cây đâm chồi nẩy lộc um tùm và kỳ diệu từ hạt giống Chúa gieo vãi trong cánh đồng của Người, thì cũng có nhiều lối sống khác nhau: đơn độc hay cộng đồng, và dòng tu khác nhau mà phần sản nghiệp dồi dào đem lại lợi ích cho các chi thể của dòng như toàn Thân Thể Chúa Kitô... (Lumen Gentium 43). Và trong P. Caritatis số 1 Vaticanô II còn khẳng định thêm: "...Ngay từ thời sơ khai của Giáo Hội, đã có những người nam cũng như nữ, qua việc thực hành các lời khuyên Tin Mừng, quyết tự nguyện theo Chúa Kitô với một tinh thần tự do thanh thoát hơn, bắt chước Người một cách trung thành hơn, và mỗi người một cách, tất cả đều sống tận hiến cho Thiên Chúa."

 

  1. TỪ THẾ KỶ THỨ I ĐẾN THẾ KỶ THỨ III

 

  • Những chứng nhân bằng cuộc sống: người khổ hạnh và bậc đồng trinh

Theo bối cảnh vừa ghi trên có những người muốn theo Chúa Kitô bằng mẫu gương cuộc sống. Họ thuộc thành phần nam nữ mang cùng một thực tại nhưng có khác nhau qua cách gọi. Vì vậy chúng ta gọi các ông là người khổ hạnh và các bà là bậc đồng trinh. Ta gọi họ chung chung với từ "những người sống độc thân". Họ lựa chọn cuộc sống xả kỷ, từ bỏ, chấp nhận đau khổ và chối từ sợ hãi phải đương đầu với cuộc sống tiết chế một mình. Tất cả những hy sinh đều có chỗ đứng quan trọng trong cuộc sống.

 

Từ thời Giáo hội sơ khai đã có những người sẵn sàng theo lý tưởng hoàn thiện phù hợp với lời Chúa Kitô mời gọi ghi trong Tin Mừng Mát-thêu 19,10-12: Các môn đệ thưa Người: "Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn". Nhưng Người nói với các ông: "Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Quả vậy, có những người là hoạn nhân vì từ lòng mẹ sinh ra đã như thế; có những người là hoạn nhân vì bị người ta hoạn; và có những người là hoạn nhân do họ tự ý sống như thế vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu."

 

Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Cô-rin-tô cũng khuyên như vậy (7,1.7.25-38). Những người này không phân biệt phái tính mang cùng một thực tại sống. Họ hoàn toàn tự do lựa chọn cuộc sống độc thân khiết tịnh, nhưng cũng có người đã sống đời sống gia đình một thời gian và quyết định không còn tương quan giao hợp với người phối ngẫu nữa. Họ tiếp tục sống và thương nhau như anh chị em. Họ không mang y phục nào đặc biệt và cũng không có dấu chỉ đặc biệt nào khác. Họ không sống thành cộng đoàn và không bị bó buộc theo cơ chế đặc biệt nào khác ngoài môi trường gia đình với những bận rộn công việc hằng ngày như mọi người chung quanh.

Hình thức khổ chế này không dễ được chấp nhận theo não trạng Do thái, vì nó đi ngược lại với ơn gọi đặc biệt của dân Do thái. Trong sách Sáng Thế, Thiên chúa đã ban truyền cho họ lệnh "sinh sôi nẩy nở" và sau này Lời Thiên Chúa hứa cùng Abraham không đi ra ngoài mục đích trên.

 

Thời Đức Giêsu cũng có những nhóm mang cuộc sống tiết chế như nhóm ẩn sĩ Ét-xê-nô ở Qumrân đã được ghi trên. Họ chối từ bậc sống hôn nhân và tin ngày tận thế sắp đến nên cần phải rút ra khỏi thế gian. Người khổ hạnh và bậc đồng trinh có cùng quan niệm đó không? Bối cảnh chờ ngày quang lâm quá quan trọng nên ngay trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, thánh Phaolô khuyên nhủ họ phải sống trạng thái trinh khiết: "Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi. (7,29- 31). Thánh Phaolô giải thích cuộc sống độc thân Kitô giáo. Người độc thân là chứng nhân trước  một xã hội không hiểu họ. Bậc hôn nhân trong đoạn thư này không cùng quan niệm như người Do thái trước kia. Người độc thân sống trạng thái tự do lựa chọn hiệp thông với Thiên Chúa. Họ tận hiến như hình thức phản kháng xã hội La mã thời bấy giờ. Một xã hội cổ võ tự do luyến ái làm con người có chỗ đứng rất hạn hẹp. Ngay từ thời các Tông đồ, tác giả Lu-ca cũng đã nhắc đến bốn nguời con gái của phó tế Philipphê. Bốn cô ở đồng trinh và được ơn nói tiên tri (Cv 21,8). Bởi vậy thời đó đã có những phụ nữ sống độc thân. Họ hoàn toàn ý thức lựa chọn cuộc sống mạc khải sự tự do và quyền người phụ nữ tự quyết trên lòng khao khát của xác thịt. Sống khiết tịnh là một việc làm hoàn toàn tự nguyện như đoạn Tin Mừng Mát-thêu 19 ghi trên.

 

Bước sang thế kỷ thứ III, vấn đề lựa chọn con đường khổ hạnh và khiết tịnh được nói đến rất nhiều. Một thể loại văn chương ca tụng việc giữ mình đồng trinh xuất hiện qua ngòi bút các giáo phụ Tertullien, Cyprien và Origène... "Tất cả đều chung lời chứng: sự đồng trinh là dấu chỉ thân phận mới mà Ngôi Lời nhập thể để cho nhân loại được sống. Một kỷ nguyên mới mang lại cho loài người những điều tốt của Nước Trời như cuộc sống, sự sống lại và những hôn lễ. Họ giúp chúng ta tái khám phá cái nhiệt tình thân phận mà họ sống, hầu làm cho người cùng thời có thể chấp nhận hình thái nếp sống mà ban đầu như thể lạ thường.

 

Trong văn bản các giáo phụ thường đặt giá trị sự đồng trinh đi theo chủ đề huyền nhiệm. Một số từ mới xuất hiện chỉ định các bậc đồng trinh như Virgines sanctae (bậc đồng trinh thánh thiện); sponsae Christi (hiền thê của Chúa Kitô); Virgines Christo maritatae (bậc đồng trinh kết hợp với Chúa Kitô); Ancillae Dei (tôi tá Thiên Chúa). Các giáo phụ cũng không quên huấn dụ họ phải kết ước dù thể thức như thể tạm bợ. Từ trước cho đến thế kỷ thứ II, họ không bị ràng buộc vào một lời hứa rõ ràng nào, nhưng từ khi các giáo phụ lên tiếng huấn dụ họ bắt đầu khấn sống khiết tịnh và hứa cùng Thiên Chúa giữ đồng trinh vĩnh viễn. Giáo phụ Cyprien gọi việc dấn thân này là Continae propositum gloriosum (dự án vinh quang về tiết chế). Lời khấn cùng lúc cho họ quy chế xã hội công cộng trong Giáo hội. Dù họ bám sâu vào việc suy niệm Thánh Kinh nhưng còn phải diễn tả qua lòng chia xẻ với kẻ nghèo và bệnh nhân. Họ không chỉ sống tiết chế nhưng còn được kêu gọi thực hành khó nghèo, chia xẻ tiền của cho người nghèo, thăm viếng bệnh nhân, tham gia vào đời sống Giáo hội củng cố đức tin anh em trong lúc đạo giáo bị bách hại. Trong bối cảnh lịch sử khó khăn, lối sống của người khổ hạnh và bậc đồng trinh ít được người đời thấu hiểu. Họ cần mang tinh thần hy sinh như các vị tử đạo, nhưng không phải trả bằng giá máu nhưng bằng tinh thần.

 

  • Những nhân chứng đức tin: Các vị tử đạo.

Người Kitô hữu thời sơ khai sống trong bối cảnh bị bách hại cho nên có người tử vì đạo là lẽ đương nhiên. Từ "tử đạo" dịch ra từ tiếng hy lạp "martus" có nghĩa là người đã thấy và nghe biết một điều gì đó, và họ được mời ra trước pháp luật làm chứng. Theo giòng đời biến chuyển, từ "martus" cuối cùng dùng chỉ định người hiến cuộc đời sống trung thành theo Chúa Giêsu Kitô. Ý nghĩa đã có trong sách Khải Huyền theo thánh Gio-an. Cuốn sách được tác giả soạn vào cuối thế kỷ thứ I hầu nâng đỡ người Kitô hữu đang còn sống trong giai đoạn khó khăn. Chúa Kitô như nhân chứng trung thành vì Người đã đi trọn đường thánh giá (1,5; 3,14). Ông Antipas cũng được gọi là "chứng nhân (martus) trung [của Thiên Chúa] ông đã bị giết trong thành của các người, nơi Sa-tan ở" (2,13). Mối liên hệ giữa cái chết và sự chứng nhận trong đoạn văn Khải huyền ghi trên là điều không thể chối cãi. Ông Antipas và những người khác (6,9; 17,6; 20,4) đều bị giết vì họ dám làm chứng nhân cho Chúa Kitô phục sinh. Người Kitô hữu phải hiểu họ cũng có thể được kêu gọi làm chứng cho Chúa Kitô. Từ đó "martus" mang nghĩa kỹ thuật với đề tài hiến sinh nói về ai đó dám chết vì đức tin. Vị tử đạo không chỉ là nhân chứng nhưng họ còn tuyên xưng đức tin bằng cái chết.

 

Tài liệu liên quan đến các vị tử đạo thời giáo hội sơ khai đến từ nhiều nguồn gốc. Từ Rô-ma có thư thánh Clément gửi giáo đoàn Cô-rin-tô. Khoảng năm 177 có thư Giáo hội đến từ thành Vienne và Lyon. Lục địa Phi châu cũng đi vào lịch sử đẫm máu của Giáo hội với "Văn kiện các vị tử đạo Scillitains" (Actes des martyrs Scillitains). Những tài liệu đến từ nhiều chân trời khác nhau nói lên ý các Cộng đoàn Kitô hữu khắp nơi bắt đầu ý thức tầm quan trọng vấn đề những người chết vì đức tin. Giáo phụ Tertullien từ Phi châu khơi mào suy tư tóm gọn trong thể thức: Chúa Kitô hiện diện trong vị tử đạo (Christus in martyre est) và máu người Kitô hữu là hạt giống (Semen est sanguis christianorum). Thánh Clément từ Alexandrie huấn dụ trong cuốn sách thứ IV của bộ Stromata, người tử đạo dâng hiến đời sống Kitô hữu cao quí nhất: Nếu như sau khi tuyên xưng lòng tin trinh khiết của mình, người hoàn thiện thành tử đạo vì tình yêu Thiên Chúa, thì họ đạt đến phẩm tước cao trọng nhất đã được đề nghị cho loài người. Và không phải trong da thịt họ ghi dấu ấn trọn hảo tại vì họ chỉ mang tước hiệu này sau khi chết (IV,21). Giáo phụ Origène mang chiều kích Giáo hội đến cho người tử đạo. Họ hy sinh như Chúa Kitô và được tham dự vào sự cứu chuộc của Thiên Chúa: "Cũng như chúng ta được mua lại bằng máu quí giá của Đức Giêsu, cho nên cũng bằng máu quí giá của các vị tử đạo thì muôn người được chuộc lại". Những chứng từ vừa kể cho biết Giáo hội ý thức phẩm giá người tử đạo, và đó là thân phận hiển nhiên cho cuộc sống Kitô giáo.

 

Trong suốt giai đoạn này, chúng ta không thấy có một nếp sống tu trì thiết chế như ngày hôm nay. Người Kitô hữu thời sơ khai không có ý định xây dựng điều gì có thể kéo dài tồn tại mãi mãi, vì họ sống mong chờ ngày Chúa Kitô trở lại. Trong cộng đoàn đã có những người sống với thái độ làm chứng gắn bó vào Chúa Kitô. Những người khổ hạnh, những bậc đồng trinh hay những vị tử đạo mang mỗi người mỗi vẻ khác nhau, nhưng họ đều giống nhau muốn giữ lòng chung thủy với Chúa Kitô. Họ chối từ nền văn minh tôn thờ ngẫu tượng dưới muôn vàn hình thức.

 

  1. THẾ KỶ THỨ IV-V: TIẾN TRIỂN NẾP SỐNG ĐAN TU TẠI ĐÔNG PHƯƠNG.

Đế quốc La mã ở thế kỷ thứ IV sống thời bình do công sức của hoàng đế Constantin. Kitô giáo được ưu đãi tận tình nên bắt đầu nhen nhúm số người sống theo cơ hội chủ nghĩa và những người hững hờ với đạo giáo. Tinh thần do các vị tử đạo lưu truyền bắt đầu bị lãng quên. Giáo hội sống tình trạng nguy cơ bị nghẹt trong giàu sang và tìm kiếm quyền hành nhất thời. Một số Kitô hữu chán nản và khao khát tìm về cuộc sống thiêng liêng. Họ ao ước cái gì khác hơn. Phong tục càng làm họ thất vọng khi họ nhìn thấy luân lý tuột dốc với thú vui trò xiếc đẩy con người vào cái chết. Đạo giáo ngày càng phai nhạt từ khi Giáo hội thành hiện tượng quần chúng như một tôn giáo chính thức.

 

Dưới môi trường này mới hiểu thấu phản ứng của nhóm Kitô hữu rời bỏ thế gian tìm cái chủ yếu. Chúng ta thấy lại các bậc sống độc thân thời sơ khai. Điều mới mẻ trong giai đoạn là họ thử một kinh nghiệm khác theo gương Chúa Kitô trong sa mạc. Tìm về sa mạc sống gần với Đức Giêsu Kitô và phản ứng đã làm thay đổi bộ mặt Giáo hội. Những đan sĩ từ bỏ thành thị nơi Giáo hội đang phát triển để tìm về sa mạc. Họ làm chứng ý chí gìn giữ lý tưởng tôn giáo khai sinh trong thời đạo bị bách hại. Khi tách khỏi môi trường xã hội mới, họ từ bỏ cùng lúc thỏa hiệp do xã hội đẩy đưa người Kitô hữu phải tuân theo.

 

Từ "đan sĩ" dịch từ tiếng Hy lạp "monachos" có nghĩa độc nhất, đơn độc. Đến thế kỷ thứ IV, "monachos" chỉ mọi kitô hữu sống khổ hạnh, rời xa xã hội sống một mình. Điểm chính yếu sống tiết chế, không lập gia đình và độc thân. Tiến trình lịch sử cho thấy hiện tượng này xuất hiện ở nhiều  nơi khác nhau, vì thế chúng ta thường nghe nói đời đan tu bên Đông phương và bên Tây phương.

 

  1. Thánh Antoine (251-356): Vị sáng lập nếp sống đan tu bên Đông phương.

Thánh Antoine (tiếng việt thường gọi là An-tôn) vẫn thường được coi là cha đẻ ra nếp sống đan tu Kitô giáo. Dầu vậy, Ngài cũng không phải là đan sĩ Kitô giáo đầu tiên. Trước đó, người ta đã nghe nói đến một người tên là Phaolô thành Thèbes (236-347). Trong cuộc bách hại đạo dưới triều hoàng đế Dèce (250-251), Phaolô bị anh em rể phản bội nên ông lẫn trốn trong đất đai sở hữu gia đình gần sa mạc. Ông sống xa cách mọi người. Vào khoảng cuối cuộc đời, Phaolô gặp Antoine và hai người trò chuyện với nhau rất lâu. Ít lâu sau, Antoine trở lại tìm gặp Phaolô thì thấy ông đã qua đời và Antoine chôn cất người quá cố. Phaolô thành Thèbes không rao giảng, không viết lách và cũng không thu nhận đệ tử; nhưng theo chứng từ do Antoine để lại, thì Phaolô thành Thèbes chỉ toả rạng bằng mẫu gương sống mà thôi.

 

Nếp sống đan tu Kitô giáo khai sinh tại Ai cập, nơi có thành Alexandrie cũng là thành phố lớn thứ nhì thời cổ đại. Tại đây có một cộng đoàn Kitô giáo quan trọng. Alexandrie lại gần sa mạc và khí hậu rất thuận lợi cho cuộc sống thanh đạm. Chung quanh thành lại rất có nhiều hang động. Các đan sĩ tránh không sống trong vùng hạ lưu sông Nil nơi đất phì nhiêu, nhưng họ vào miền sa mạc phiùa nam thành Alexandrie.

 

Vào năm 357, Athanase, thượng phụ thành Alexandrie cho phát hành cuốn sách viết bằng tiếng Hy lạp kể "Cuộc đời Antoine". Cuốn sách được ông Evagre ở Alexandrie dịch ra tiếng La tinh năm 370 (Vita Anton). Nhờ vậy cộng đoàn Kitô giáo khám phá cuộc sống huyền diệu của một đan sĩ. Cách thánh Antoine sống giúp người Kitô hữu biết thêm một con đường hoàn thiện khác với con đường do các vị tử đạo khai phá.

 

  • Tóm lược cuộc đời Thánh Antoine theo Athanase.

Antoine sinh khoảng năm 251 trong một gia đình Kitô giáo thuộc truyền thống Copte (Ai cập) ở Koma, gần thành Héraclée. Antoine mồ côi cha mẹ năm 18 tuổi, và Ngài sống săn sóc cô em gái. Một ngày kia, khi đang suy gẫm về sự hoàn thiện của các thánh tông đồ và Giáo hội sơ khai, Antoine bước vào giáo đường và nghe được Lời Chúa theo Tin Mừng Mát-thêu 19,21: "Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời". Antoine về nhà quyết định bán tất cả những gì mình có và chia cho người nghèo.

Ngài gửi cô em gái sống với các bậc đồng trinh, và lui về sống đơn độc ở một nơi gần làng. Tại đây, Antoine vẫn thường lui tới trò chuyện với một ông già có kinh nghiệm đón nhận các lời khuyên.

 

Sau thời gian chuẩn bị, Antoine quyết định đi sâu hơn vào sa mạc với mục đích đánh thắng quỷ dữ. Trước hết, Ngài sống gần một ngôi mộ khoảng 13 năm. Antoine bị quỷ đến quấy phá dữ dội. Nhiều lúc Ngài thấy quỷ xuất hiện nhưng nó không có quyền gì trên người tin tưởng vào Thiên Chúa. Năm 286, Antoine vừa tròn 35 tuổi, Ngài lại tự khép mình sống gần 20 năm trong một lầu pháo đài bỏ hoang. Đến năm 306, Antoine 55 tuổi mới bắt đầu thu nhận đệ tử theo lời khuyên của người bạn tên là Athanase. Antoine dọn đến ở gần núi Kolzim trong sa mạc Ả-rập trốn tránh khách viếng thăm.

Vào năm 338, Antoine chấp nhận trở về Alexandrie giúp Athanase chống bè lạc giáo Ariô. Ngài qua đời năm 356 hưởng thọ 105 tuổi.

 

  • Đan sĩ độc tu: lý tưởng cho cuộc sống Kitô giáo.

Qua kinh nghiệm do thánh Antoine để lại, cuộc sống Kitô giáo thêm nhiều yếu tố mới. Trước hết, đời sống khổ hạnh không còn coi như dành riêng cho thành phần ưu tú nào đó và nhất là dành cho hàng giáo sĩ. Antoine chỉ là tín hữu bình thường và các đan sĩ đều là giáo dân. Bậc sống này cũng không dành riêng cho giới trí thức vì Antoine là người ít học và các đan sĩ thời ấy phần nhiều xuất thân từ giới nông dân. Người đan sĩ biểu trưng lý tưởng Kitô giáo. Cuộc sống dẫn đến con đường hoàn thiện và mọi người đều được mời gọi dù khó thực hành. Trong giai đoạn đầu, Antoine sống đơn độc và gần cuối đời Ngài mới chấp nhận các đệ tử tụ họp lại sống gần nhau. Cuộc sống đặc trưng bằng khổ hạnh, cầu nguyện và làm việc. Nếp đan tu theo Antoine được gọi là cuộc sống độc tu (anachorète). Theo nguyên từ Hy lạp Ana có nghĩa xa lánh và chorein là ra đi. Người đan sĩ độc tu là người rút khỏi xã hội sống đơn độc.

 

  1. "KOINONIA": ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN VỚI THÁNH PACÔME (292-346).

Mẫu gương sống theo thánh An-toine mang nguồn phấn khởi mới cho tất cả những ai tìm cuộc sống hoàn thiện. Ơn gọi đan sĩ mỗi ngày một gia tăng và các sử gia coi đó như thời đại hoàng kim của nếp đan tu ở Ai cập. Và cũng từ nơi phương trời đó, nếp sống đan tu đơn độc chuyển sang nếp sống đan tu cộng đoàn. Hình thức mới được chỉ định bằng từ "koinobion" với sắc thái riêng biệt là các đan sĩ sống chung với nhau. Cộng đoàn ẩn tu khai sinh ra tại Tabenne ở miền thượng Ai cập với thánh Pacôme năm 325.

 

  • Tóm lược tiểu sử Thánh Pacôme.

Thánh nhân sinh năm 292 tại Thébaide thuộc gia đình ngoại giáo nghèo. Năm hai mươi tuổi, ngài bị bắt vào đoàn bảo an binh và lên đồn trú tại vùng Antinoé (vùng Suez ngày nay) thuộc miền thượng Ai cập. Pacôme có dịp gặp gỡ làm quen với người Kitô hữu ở Thèbes qua những lần họ tiếp đón ngài. Pacôme không hiểu tại sao họ có thể tiếp nhận một kẻ không quen biết và lại là người không mang cùng tôn giáo. Ngài được biết họ hành động như thế vì tình thương cho Thiên Chúa. Cách sống bác ái đánh động ngài và đưa Pacôme quyết định gia nhập Kitô giáo. Sau khi rời khỏi đoàn bảo an binh, Pacôme lại sống gần một cộng đoàn Kitô hữu khác tại làng Senesêt. Chính tại nơi đây Pacôme theo học giáo lý và nhận lãnh phép rửa.

 

Trong đêm ngài lãnh nhận phép rửa, Pacôme được thần kiến: Ngài thấy sương mai từ trời sa xuống trên đầu và cô đọng lại, rồi thành một luồng mật trong bàn tay phải và dàn trải ra khắp mặt đất.

Pacôme cho rằng thần kiến mang sứ vụ Thiên Chúa trao cho mình. Muốn hiểu ý nghĩa thị kiến, chúng ta cần biết đến bối cảnh. Pacôme cũng như các đồ đệ sau này đều là những người đến từ ngoại giáo. Họ nhập tu viện để được tái sinh. Họ đến học biết đức tin Kitô giáo và để lãnh phép rửa. Người tân tòng nhận phép rửa trong thánh lễ, vì vậy khi Pacôme nhận nước đổ trên đầu thì nước ấy biến thành lương thực thơm ngon trong bàn tay.

 

Pacôme ở lại Senesêt khoảng ba năm và ra tay phục vụ người chung quanh. Sau đó, ngài đi vào sa mạc sống gần nhà khổ hạnh Palémon và nhận ông làm linh hướng. Pacôme bắt chước thầy mình trong cách cầu nguyện, chay tịnh, cách ngủ nghỉ, cách dùng tiền bạc... Vài năm sau, ngài nhận ra tiếng gọi trong tâm hồn và rời bỏ Palémon theo lịnh một thiên thần đến cư ngụ trong làng Tabannèse như một đan sĩ. Người chung quanh tò mò đến xem và có một số người xin ở lại. Trong số đó có một người tên là Gio-an được Pacôme dạy giáo lý và trở thành đan sĩ sống gần ngài.

 

Lúc đầu, Pacôme giúp đỡ những người đến với ngài, và Pacôme thử tụ họ lại thành một cộng đoàn theo tinh thần cộng đoàn Kitô hữu sơ khai tại Giêrusalem ghi trong sách Công vụ các tông đồ. Thí nghiệm thất bại cho Pacôme hiểu đời sống cộng đoàn cần phải dựa vào sự giúp đỡ lẫn nhau chứ không thể dựa trên sức phục vụ của một người. Thật vậy, Pacôme đã tận tình giúp đỡ họ như một người đầy tớ.

 

Thất bại trên không làm Pacôme chán nản nhưng còn cho ngài những kinh nghiệm hữu ích. Pacôme dành thời giờ suy nghĩ và soạn ra bộ luật cho cộng đoàn tương lai. Ngài thêm tình tương thân tương trợ và chia xẻ. Bước đầu rất khó khăn nhưng Pacôme hình thành dần dần được một cộng đoàn nam và một cộng đoàn nữ. Pacôme linh hướng các ông, và các bà thì được cô Marie, em gái của ngài trông nom. Pacôme qua đời năm 346, và nếp sống do ngài chủ xướng phát triển mạnh mẽ với 9 cộng đoàn nam và 2 cộng đoàn nữ.

 

  • Cộng đoàn ẩn tu: quan niệm mới về Viện phụ và đức vâng lời.

Quan yếu đời sống cộng đoàn ẩn tu không khác bao nhiêu đối với đời sống đan tu đơn độc. Họ đều là đan sĩ sống nhắm vào Thiên Chúa, diễn tả qua việc cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa và chối từ thân phận cuộc sống trần gian. Với luật lệ do mình soạn ra, thánh Pacôme đưa ra lần đầu tiên khái niệm về Viện phụ và đức vâng lời hoàn toàn tự do ưng thuận.

 

Theo Pacôme, viện phụ là người điều khiển cộng đoàn (koinônia). Riêng mỗi nhà được tổ chức theo nghề nghiệp cũng có một người đứng đầu. Pacôme ghi rõ ràng mức độ quyền hành của những người thừa hành quyền bính. Và nơi mỗi cấp bậc đều có một người mang trách nhiệm theo dõi cho mọi việc suông sẻ.

 

Về đức vâng lời, trước hết người đan sĩ phải tách bỏ cội rễ ý chí riêng. Sau đó họ tùng phục vào công ích mà Viện phụ là người mang trách nhiệm. Trong hoàn cảnh thứ nhất, vâng lời bắt người đan sĩ phải bỏ ý chí riêng và họ có thể bị sai khiến bất cứ điều gì. Vâng lời trong mối tương quan thầy với trò. Trong cách sau, khi Viện phụ đòi hỏi một việc gì đó nhân danh vâng lời mang lợi ích chung cho cộng đoàn. Vâng lời mang tinh thần huynh đệ với lề luật và vâng lời viện phụ là tôn trọng lề luật. Và luật là dấu chỉ hiệp thông cộng đoàn.

 

Dù luật Pacôme có đức vâng lời nhưng người đan sĩ vẫn chưa phải khấn vì thời ấy chưa có lời khấn hứa công cộng. Ngày người đan sĩ nhận áo dòng hay ngay người đó chịu phép rửa chính là ngày họ tuyên khấn. Nếu như người đan sĩ đi quá xa khỏi lề luật, Viện phụ bắt ép họ trở về theo đúng luật. Đức vâng lời theo Pacôme cụ thể hơn nữa gồm những điều gì? Trong bộ luật đầu tiên, Pacôme thường nói về cách ăn mặc hợp với đức khó nghèo, thức ăn của uống liên quan đến chay tịnh và đạm bạc, và sự nghỉ ngơi. Những điều này đụng đến các tác phong hằng ngày. Ngoài ra vâng lời trong trong cách cầu nguyện như cầu nguyện bằng cách nào và lúc nào, tác phong lúc cầu nguyện phải ra sao?

 

Ngoài ra, bộ luật Pacôme còn mang một số chi tiết khác liên quan đến việc tổ chức đời sống cộng đoàn. Pacôme là người thu nhận thỉnh sinh. Họ phải trải qua một thời gian thử thách và được tập đọc tập viết. Y phục các đan sĩ đều đồng nhất gồm áo dài với nón bằng vải lanh (lin), một giây lưng bằng da... tất cả đồ vật khác đều bỏ vào chung nhau. Họ dùng cơm chung một ngày hai bữa. Riêng ngày thứ tư và thứ sáu và những ngày chay chỉ dùng một bữa. Những ai muốn ăn chay nhiều hơn thì khỏi đến nhà cơm, và sẽ có người mang bánh mì và nước lã đến phòng. Giờ suy gẫm chung vào mỗi sáng và mỗi chiều. Thứ bảy và Chúa nhật đến thánh đường dự lễ chung. Và cũng trong hai ngày đó có giờ học chung. Ngoài những giờ giấc sống chung, người đan sĩ được mời gọi suy gẫm một mình nhất là ban đêm!

 

Đối với một số người đồng hành, bản luật do thánh Pacôme soạn còn quá lỏng lẻo, vì vậy có một số người đã phản ứng mạnh mẽ như trường hợp đan sĩ Schenoudi. Ông nổi tiếng là một nhà tu hung hăng, trộn lẫn thánh thiện và điên khùng! Ông tìm cách cải cách luật Pacôme và tách ra lập một tu viện riêng. Schenoudi thêm vào điều luật bắt buộc các đan sĩ phải ký giấy hứa vâng lời. Những ai không tuân giữ sẽ bị trừng phạt bằng cách đánh họ bằng dùi cui. Ngoài những thái quá, Schenoudi được coi là người đầu tiên đưa lời khấn vào đời đan tu.

 

Tóm lại, đời đan tu bên Ai cập đi một bước tiến dài từ cuộc sống đơn độc sang cuộc sống cộng đoàn. Cuộc sống theo Chúa Kitô cũng sang một bước quan trọng. Người đan sĩ tại Ai cập dù theo hình thức nào đi nữa cũng giữ một vai trò quan trọng trong Kitô giáo thời bấy giờ.

 

Khi nếp sống đan tu khai sinh, một số nhà khổ hạnh cũng rời bỏ thành thị đi vào sa mạc và họ trở thành đan sĩ đơn độc hay đan sĩ chọn lựa cuộc sống cộng đoàn. Trong bối cảnh, các bậc đồng trinh cũng bắt đầu tụ họp sống thành cộng đoàn dưới sự hướng dẫn của một vị bề trên hoặc dưới ảnh hưởng vị linh hướng. Một số tu viện nữ khai sinh từ khoảng giữa thế kỷ thứ IV chia ra thành hai hình thức:

1. cách thức xưa cổ với những bậc đồng trinh sống âm thầm giữa đời.

  1. 2. cách thức mới với những bậc đồng trinh mang cuộc sống cộng đoàn ẩn dật.

 

  1. NẾP SỐNG ĐAN TU TẠI PALESTINE:

 

Người đan sĩ bắt đầu dấn thân vào xã hội và Giáo hội.

Khởi đi từ Ai cập, nếp sống đan tu lan sang tận Palestine và Syrie. Tại Palestine, người tiên khởi là ông Hilarion. Ông học tại thành Alexandrie và có nghe nói đến thánh Antoine. Ông đi tìm gặp thánh nhân và ở lại bên ngài gần hai tháng. Ông khám phá lý tưởng đời đan tu. Nhưng Hilarion trở về nguyên quán ở Gaza, vì ông thấy Antoine có nhiều đệ tử nên bận rộn luôn. Hilarion về quê hương và ông thuộc gia đình khá giàu có, nên quyết định đem bán tất cả của cải và sống ẩn dật trong vòng 45 năm. Tại Palestine, Hilarion được nhiều người biết đến như trường hợp Antoine bên Ai cập. Một thời gian sau, Hilarion trở qua Ai-cập, ông đi qua ngả Sicile và Dalmatie. Cuối cùng đến đảo Chypre và qua đời tại đó vào năm 371. Những nơi Hilarion đi qua đều có những người chạy theo và tìm cách sống theo ông.

 

Theo gương Hilarion, các vị ẩn tu tìm vào sa mạc Giu-đa và dọc bờ biển Gaza, và trở thành những trung tâm đan tu rất phồn thịnh. Ngoài ra, đất Palestine bắt đầu thu hút khách hành hương dưới thời hoàng đế Constantin. Trong đám khách hành hương có người đã lưu lại Palestine và lập những đan viện gần những nơi mang dấu tích thánh. Vì vậy chúng ta biết đến một đan viện nữ thành lập bởi một người đàn bà đạo đức tên Mélanie vào năm 375 tại Giêru-salem. Tại cùng thành Giêrusalem, có ông Chariton gốc ở Iconium tổ chức những cộng đoàn ẩn tu sống bên hai ven đường dẫn đến nguyện đường. Những người thuộc cộng đoàn này phần đông đến từ các đoàn di dân Ai cập qua Palestine sinh sống. Các cộng đoàn ẩn tu này gọi là "Laure" (tu viện) và sống dưới quyền điều hành của một vị linh hướng thường gọi là "abbas" (cha). Từ "Laure" đến từ gốc la-tinh "Laura" là con đường. Mỗi đan sĩ sống đơn độc trong hang riêng và Chariton làm linh hướng cho họ. Ông tụ họp tất cả lại vào thứ bảy mỗi tuần kiểm điểm việc họ sống trong tuần. Từ năm 350 trở đi, những "Laure" biến thành những tu viện ẩn tu mang đời sống cộng đoàn, và họ phát triển tràn lan khắp lãnh thổ từ Biển đỏ đến thành Ninive.

 

Ông Rufin thành Aquilée, sau một thời gian sinh sống tại Scété, lập một tu viện nam tại núi Cây dầu năm 380. Vào năm 386, thánh Jérôme đến định cư tại Bethlehem và lập nên một số cộng đoàn tu trì. Jérôme sinh năm 347 thuộc một gia đình Kitô giáo khá giàu tại miền bắc nước Ý. Năm hai mươi tuổi, ngài muốn làm công chức triều đình tại tỉnh Trèves, nhưng một kinh nghiệm thiêng liêng xảy đến làm ngài chuyển hướng. Giờ đây, Jérôme nhắm mục đích làm nhà khổ tu trên quê hương. Tình thế đưa đẩy ngài đến sống tại sa mạc Chalcis gần thành An-ti-ô-kia. Kinh nghiệm thất bại và Jérôme quyết định học hỏi đào sâu khoa chú giải Thánh Kinh tại Antioche và Constantinople với các giáo phụ Apollinaire thành Laodicée và Grégoire thành Nazianze.

 

Sau thời gian thụ huấn, Jérôme trở về La mã nhân dịp công đồng nhóm họp vào năm 382. Đức giáo hoàng Damase thấy Jêrôme có khả năng nên nhận vào làm trong ban thư ký. Song song với công việc, Jérôme nhận lời giúp đỡ một cộng đoàn nữ tu về Thánh Kinh. Trong cộng đoàn có Paula nhận ngài làm thầy và trở thành một đồ đệ trung thành. Sau khi Đức giáo hoàng Damase qua đời, Jérôme từ giã La mã năm 385 lòng đầy cay đắng sang sinh sống tại Palestine. Paula theo thầy và hai người đến định cư tại Bethlehem gần hang đá nơi Đức Giêsu sinh ra trong vòng 35 năm. Họ lập nên 3 cộng đoàn ẩn tu cho phụ nữ và 1 cộng đoàn cho các ông. Jérôme đã đưa phụng vụ La mã vào đời sống cộng đoàn ẩn tu.

 

Nếp nổi bật đời sống đan tu tại Palestine là các đan sĩ bắt đầu tham gia vào các sinh hoạt xã hội và Giáo hội. Hai trung tâm lớn là thành Giêrusalem và Bethlehem.

 

  1. TẠI XỨ SYRIE: NHỮNG ĐAN SĨ ĐỘC ĐÁO.

 

Tại đây không có những khuôn mặt đan sĩ nỗi bật như tại Ai cập và Palestine. Trung tâm đan tu nổi tiếng nằm ở Chalcis cách thành Antioche khoảng 50 cây số. Tại đây có đan sĩ Malchos và là nơi Jérôme trải qua thời gian 3 năm từ 375 đến 378 tập sống đời đan tu. Người đan sĩ xứ Syrie sống rải rác và rất cá thể. Việc này có thể cắt nghĩa do ơn đoàn sủng cá nhân không? Dù thế nào đi nữa tại Sy-ri có nhiều hình thức khác biệt và ly kỳ:

  • "những thầy tu lang thang" (Gyrovagues). Họ sống nay đây mai đó và không bao giờ ở một chỗ nhất định.
  • "những người gậm cỏ" (Brouteurs). Họ sống lang thang trong cánh đồng hay các vùng thảo nguyên và tự nuôi dưỡng bằng cỏ. Họ sống đơn độc và không bao giờ tìm kết đoàn.
  • "những người ở ẩn" (Reclus). Họ tự đóng mình vào trong một căn phòng bé nhỏ, đôi khi có người sống suốt cuộc đời trong đó. Phòng thường tiếp cận với nguyện đường. Họ nhìn qua khung cửa mở hẹp theo dõi những nghi lễ, và thức ăn cũng đưa vào từ khung cử
  • "ẩn sĩ sống trên cột" (Stylites). Tiếng Hy lạp cột trụ gọi là Họ sống trên một cột trụ cao bằng đá. Người nổi danh là đan sĩ Sy-mé-on sống ở thế kỷ thứ V: "Ông nhắm sống trên một cột trụ và trước hết cho làm một cột mười khuỷu chiều cao (5 thước), sau đó là mười hai, và thêm một cột hai mươi mốt khuỷu. Và cột mà ông ở hiện tại cao ba mươi sáu khuỷu (18 thước). Ao ước của ông là bay được bay bổng về trời và làm cho ông cách xa dần trái đất". Hình thức khổ hạnh thái quá thu hút một số người bên Đông phương, nhưng thánh Jérôme cũng cảnh cáo như sau: "Syrie trở nên xứ của các đan sĩ hôi thối và đầu tóc bù xù (hirsute), thân mình đầy vết thương đẫm máu, vì họ ham mê theo cái điên dại của họ để hối cải và kiếm cái tuyệt đối (Jérôme, Thư XV).
  • những người chỉ sống trên các cành cây (Dendrites; dendron tiếng Hy lạp có nghĩa là cây cối).
  • những người sống thành cộng đoàn 2 hoặc 3 người nhưng không có người nào làm bề trên (Sarabaites). Biển đề (phương châm) là sống chung
  • những vị ẩn tu không ngủ (Acémètes). Họ sống thành cộng đoàn và luôn luôn có người thức để cầu nguyện.

Với những nếp sống điển hình vừa kể đời đan tu tại Syrie là nơi đặc huệ hình thức khổ hạnh kỳ dị và thường có vẻ phô trương bên ngoài.

 

  1. TẠI VÙNG TIỂU Á: THÁNH BASILE (330-379) HAY KHUÔN MẪU ĐAN TU THÁNH PACÔME ÁP DỤNG PHÙ HỢP CHO MIỀN CAPPADOCE (THỔ NHĨ KỲ = TURQUIE).

Khí hậu gia giết hơn bên Ai Cập và đó là lý do giải thích tại sao đời sống ẩn tu đơn độc không mấy phát triển tại miền Cappadoce. Người ta tìm về sống chung với nhau hơn là sống đơn độc. Thánh Basile thành Césarée trở thành người sáng lập thứ hai nếp sống tu trì. Basile sinh năm 329 tại thành Césarée miền Cappadoce (khác với Césarée bên Palestine) thuộc một gia đình có rất nhiều người nên thánh như Macrine (bà nội), Basile (ông bố), Emmélie (bà mẹ), Grégoire thành Nysse (em trai)... Ngài có số vốn học rất vững vàng thu thập tại các đại học ở Césarée, Constantinople và Athènes, và là bạn giáo phụ Grégoire thành Nazianze. Ngài noi gương bà mẹ và người chị tìm sống ẩn dật 5 năm tại thành Annesi.

 

Năm 25 tuổi, Basile quyết định du hành qua Syrie, Ai cập, Palestine và Lưỡng-hà-địa khám phá cuộc sống đan tu. Ngài bị nếp sống đan tu của thánh Pacôme quyến rũ. Khi trở về nguyên quán, Basile liền tổ chức một tu viện với những phương tiện riêng. Tu viện chỉ hoạt động gần 8 năm vì Basile được bầu làm Giám mục thành Césarée năm 370. Thế nhưng, suốt cuộc đời Basile luôn luôn mang lòng luyến tiếc nếp sống đan tu. Basile vẫn nghĩ ngài chỉ có ơn gọi làm đan sĩ, vì vậy dù bận rộn với nhiệm vụ Giám mục, Basile thường hay đi thăm viếng các tu viện. Và ngay trong thành Césarée, Basile lập nên một tu viện rất lớn mang cuộc sống chung với đời sống cầu nguyện, làm việc và mục vụ. Tu viện xây cất bên cạnh toà Giám mục mang tên "basiliade". Bên cạnh tu viện còn có một nhà đón khách, một trường học, một bệnh xá... Ngài qua đời năm 379.

 

  • Luật đời đan tu: nhen nhúm tinh thần bác ái.

Sau khi đi thăm những trung tâm phát sinh đời đan tu bên Đông phương. Basile soạn một bộ luật luân lý, nhắm vào đời sống Kitô hữu. Vào năm 364, sau khi làm linh mục và được đề cử đi thăm các cộng đoàn đan tu dọc bờ biển Hắc-hải (Mer Noire), Basile soạn ra 203 Câu hỏi và trả lời (Questions et Réponses), còn được gọi là Petite Ascéticon hay Luật thánh Basile (Règle de saint Basile). Bản văn luật được Rufin ở Aquilée dịch ra tiếng La tinh. Sau khi lên làm Giám mục thành Césarée, Basile sửa đổi lại 203 câu hỏi và trả lời và được gọi là Grand Ascéticon hay Luật đan tu của thánh Basile.

 

Luật đan tu theo Basile có thể tóm lại như sau: Để yêu mến Chúa thì phải xa lánh trần thế, và để yêu mến tha nhân thì phải chung sống với nhau. Bộ luật lấy nguồn từ Thánh Kinh và bám rễ sâu vào Giáo Hội. Hai đường hướng Basile lấy từ kinh nghiệm bản thân. Ngài là nhà chú giải Thánh Kinh và là Giám mục.

Basile thường rút ra những câu Tin Mừng và chú giải chuyển biến theo đời sống đan tu. Bác ái Tin Mừng lẽ ra phải ấp đầy trong đó, nhưng mỗi khi tác giả đi vào đời sống cụ thể thì lại thấy xuất hiện đầy lời cảnh cáo trừng phạt. Vì vậy luật Basile chỉ mới nhen nhúm tinh thần bác ái Tin Mừng mà thôi.

 

Basile lấy lại tinh thần huynh đệ theo luật thánh Pacôme, nhưng ngài thay đổi phong cách nếp sống bằng cách giảm bớt số người trong một cộng đoàn với những luật lệ gắt gao hơn. Con số nhỏ trong cộng đoàn giúp vị viện phụ dễ dàng quan tâm đến các anh em khác. Vai trò viện phụ càng quan trọng hơn, và đức vâng lời cũng thế. Dầu sao không vì thế mà cộng đoàn thành tổ chức thực tiễn, nhưng vị bề trên đại diện Chúa Giêsu Kitô. Viện phụ là người Cha ông giữ vai trò giúp anh em định hướng theo Tin Mừng.

 

Cộng đoàn cũng có vai trò quan trọng. Basile nhấn mạnh cộng đoàn không phải những nhân vị đặt kề nhau, nhưng là nhóm người nhìn nhận tình thương của Thiên Chúa trong mỗi người anh em. Đó là cộng đoàn Bác ái sống chung nhau và cùng nhau tiến bước. Tất cả điều đó mang hậu quả thực tiễn hơn nữa. Cộng đoàn không nên có nhiều người và cần tổ chức như một gia đình. Cộng đoàn là nhà cầu nguyện và nơi mặc niệm : "Thiên Chúa muốn chúng ta cần đến nhau... Ơn đặc sủng của từng người trở thành công ích chung của tất cả, để trong đời sống cộng đoàn, sức mạnh Thánh Thần Chúa đã cho một người trở nên tất yếu sức mạnh của mọi người (Luật số 10)".

 

Cuộc sống được hòa nhịp điệu bằng sự cầu nguyện. Các tu sĩ có thể được truyền chức linh mục giúp cộng đoàn. Phép thánh thể cử hành bốn lần trong tuần, và cộng đoàn vẫn còn là nhà lao động và làm việc tông đồ. Sự cân bằng tìm giữa việc học hỏi Lời Chúa và công việc ngoài đồng áng. Các đan sĩ thực hành bác ái cụ thể như điều kiện cần thiết để tiếp đón khách đến thăm tu viện. Khách thường là những kẻ nghèo hay bệnh tật: "Thiên Chúa luôn liên kết hai giới luật, tự nhận như điều làm cho chính mình cái tốt mà ta làm cho tha nhân. Điều đó thấy hiển hiện điều ta giữ trọn giới luật thứ hai nơi ngay điều ta kiện toàn giới luật thứ nhất, và ta trở về giới luật thứ nhất khi kiện toàn giới luật thứ hai. Ai yêu mến Thiên Chúa thì yêu thương tha nhân bởi một hậu quả cần thiết. Đó là một hậu quả không sai lầm mà những ai yêu tha nhân thoả mãn giới luật họ nhận yêu mến Thiên Chúa. Thiên Chúa đón nhận cho ngài dấu hảo tâm đó. (Luật số 3)".

 

Từ đó các đan sĩ dấn thân vào xã hội ngày càng quan trọng với trường học, viện mồ côi, bệnh xá hoặc xưởng làm cho người nghèo. Tất cả các công việc trên của họ không tránh khỏi chỉ trích. Họ là mục tiêu cho dân ngoại và người Kitô giáo đánh phá. Đời độc thân bị chỉ trích nặng nề như lối khinh miệt thế gian. Dù vậy, họ vẫn được đánh giá cao và dần dần hội nhập vào Giáo hội. Các tu viện    trở thành nơi quan trọng được tham khảo.

 

  1. Đời đan tu bên Tây phương trong thế kỷ thứ IV - V

 

Đời đan tu bên Tây phương được khai sinh trong một bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác với hoàn cảnh lịch sử bên Đông phương; nhưng giữ một chỗ đứng quan trọng trong đời sống tôn giáo ở thế kỷ thứ IV và thứ V.

 

Từ thế kỷ thứ IV, đời đan tu cho phụ nữ đã thấy xuất hiện bên Tây phương. Các đan viện tổ chức nơi chốn thành thị ước ao chung sống Tin mừng. Dù nói là đan viện nhưng cuộc sống cộng đoàn còn trong thời kỳ phôi thai, dò dẫm, nhưng cũng có cộng đoàn bắt đầu đặt trọng tâm vào việc tông đồ truyền giáo.

 

Khuôn mẫu đời đan tu bên Đông phương tỏ lộ ra bên Tây phương nhờ công lao giám mục Athanase khi ngài bị lưu vong tại thành Trèves; vì vậy chắc chắn đời đan tu bên Đông phương ảnh hưởng và gợi hứng ít nhiều cho Tây phương. Và rồi từ Rôma, bắc Phi, xứ Gaule v.v..., đời đan tu trong mỗi địa phương đều có phong cách riêng. Thánh Jérôme khai mào cuộc sống đan tu tại thành Rôma, và sau khi thánh nhân qua sinh sống tại Palestine, đời đan tu bên Tây phương vẫn tiếp tục phát triển như trường hợp tại Milan với sự trợ giúp của giáo phụ Ambroise. Kể từ thế kỷ thứ V, tại Phi châu và tại xứ Gaule hai công trình lớn thành hình với thánh Augustin và thánh Martin.

 

  • Martin thành Tours: Theo dấu vết của Pacôme.

 

Martin sinh khoảng năm 317 tại Sabaria thuộc vùng Pannonie nước Hung gia lợi hiện nay. Đây là một thành phố có quân đội đồn trú. Gia đình Ngài thuộc dân ngoại. Khi vừa được 15 tuổi, Martin vào quân đội và ở trong đó hơn 20 năm. Martin thuộc đoàn kÿ binh dưới trào hoàng đế Constance và hoàng đế Julien. Lúc 18 tuổi, Martin nằm mơ gặp Chúa Kitô và xin trở lại đạo.

 

Năm 356, Martin giải ngũ và quyết định sống ẩn tu. Ngài đi gặp đức giám mục tên Hilaire (315-

367) thành Poitiers. Đức giám mục Hilaire đã nổi tiếng thời bấy giờ vì vậy Martin mới tìm đến gặp. Đức Hilaire nhận Martin vào hàng ngũ giáo sĩ địa phận và Martin có thể xin giải ngũ. Dù tìm thấy đường, Martin cũng trở về nguyên quán gặp cha mẹ và tin cho họ biết sự lựa chọn của mình. Trên đường trở lại Poitiers, Martin hay tin Hilaire bị lưu đày sang Phrygie mãi tận bên Đông phương, cho nên Martin tìm sống ẩn tu tại Milan, và sau đó sống tại đảo Gallinara tránh lạc giáo Ariô bách hại. Hilaire bắt đầu cuộc lưu đày từ năm 356 kéo dài cho đến năm 360. Khi Hilaire trở về giáo phận, Martin cũng tìm về gần và cư ngụ tại Ligugé. Lần hồi có những người đến xin Martin vào chung sống và từ đó họ thiết lập nên một cộng đoàn đan sĩ.

 

Năm 372, Đức giám mục Litorius thành Tours qua đời và Martin được đề cử lên thay thế. Dù mang trách nhiệm giám mục một giáo phận nhưng Martin không muốn từ bỏ đời sống đan tu; vì vậy ngài đưa cộng đoàn về sống ở Marmoutiers phía bắc thành Tours và tổ chức theo khuôn mẫu của thánh Pacôme. Họ sống theo luật Pacôme và đi rao giảng Tin mừng trong các làng mạc. Cuộc sống đòi hỏi đời sống khổ hạnh khắt khe. Cơ cấu cộng đoàn còn lỏng lẻo nhưng dầu sao cũng là đan viện đầu tiên bên Tây phương. Martin qua đời năm 397 tại Candes vùng Touraine, và trở nên một trong những thánh nhân bình dân nhất xứ Gaule.

 

  • Augustin thành Hippone (354-430): Nếp sống đan tu "trí thức".

 

Một khuôn mặt lớn khác bên Tây phương là thánh Augustin. Ngài sinh ngày 3 tháng 11 năm 354 tại Thagaste, (hiện nay là Souk Ahras, thuộc miền biên giới giữa xứ Algérie và xứ Tunisie) bên bắc Phi châu. Bố người ngoại giáo tên Patricius và mẹ tên Monique thuộc gia đình công giáo.

 

Năm 370, Ngài theo học tại đại học thành Carthage và chung sống với một người đàn bà không cưới hỏi. Augustin mang một cuộc sống rất phóng túng và tự do. Bà mẹ rất thất vọng về con trai mình.

 

Năm 383, Augustin rời thành Carthage qua dạy học tại thành Roma và thành Milan. Tại Milan Augustin làm quen với Giám mục Ambroise và hai người thường xuyên gặp nhau thảo luận. Các bài giảng của Ambroise giúp Augustin tìm lại lòng tin trong giáo huấn công giáo về cách chú giải Thánh Kinh. Từ đó cũng mặc khải cho Augustin quan niệm linh hồn thiêng liêng và quan niệm về Thiên Chúa. Vào dịp lễ Phục sinh năm 387, Augustin nhận phép rửa cùng với đứa con trai tên Adéodat. Sau đó, Augustin trở về quê hương Carthage sống giữa dân tộc hầu thực hiện ý định sống chung thành cộng đoàn phục vụ Thiên Chúa. Trong cuộc hành trình trở về Phi châu, bà Monique qua đời tại Ostie.

 

Năm 388, Augustin bắt đầu cuộc sống cộng đoàn chiêm niệm với vài ba người bạn tại thành Thagaste. Cuộc sống mang đặc điểm dành cho người độc thân, sống đời cầu nguyện, chay tịnh và học hỏi. Augustin vẫn chưa hài lòng lắm. Năm 391, Augustin chịu chức linh mục và được phong lên giám mục phụ tá thành Hippone (Annaba hiện nay tại xứ Algérie) năm 395, và giám mục hiệu toà năm 396. Ngài mất ngày 28 tháng 8 năm 430.

 

  • Luật dòng của Augustin.

 

Dù làm linh mục và lên tới chức giám mục nhưng Augustin vẫn luôn tự coi mình là đan sĩ. Ngài luôn luôn mang nỗi nhớ về đời đan tu. Khi được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá, Augustin xin phép Đức giám mục Valère tiếp tục nếp sống đan tu. Vì vậy, Augustin cho xây bên cạnh thánh đường một đan viện. Đó là đan viện thứ hai. Sau khi Augustin lên kế vị Đức Valère, Augustin lại cho xây một tu viện khác ngay toà giám mục và chung sống với các linh mục. Đó là đan viện thứ ba.

 

Augustin viết một bản luật theo khuôn mẫu đan tu. Ngài áp đặt cuộc sống đan tu cho tất cả hàng linh mục trong giáo phận. Đặc điểm đời đan tu theo Augustin đặt trọng tâm vào duy trí và quy chế đan sĩ-giám mục. Luật dòng cũng giúp tụ họp các linh mục chung sống thành cộng đoàn, quây quần chung quanh vị giám mục. Nhưng nơi đây cần xem rõ luật dòng đó thực sự là gì?

 

Bản luật đúng theo nghĩa đầu tiên là bản Praeceptum hay là Luật của những tôi tớ Thiên Chúa. Bản này thường được gọi Luật thánh Augustin. Thánh nhân soạn bản văn luật cho tu viện thứ hai khi ngài rời bỏ họ về sống tại toà giám mục Hippone. Sau này, bản luật được soạn lại thành một lá thứ mang tên Thơ thứ 211. Lá thư được viết gửi cho một dòng nữ đang bầu lại bề trên mới. Trong thư thánh Augustin kêu gọi họ hoà hợp với nhau.

 

Sau đó còn có bản Ordo monasterii. Bản văn này ngắn hơn và không đề tên tác giả; vì vậy các sử gia cho rằng tác giả có thể là ông Alypius, bề trên kế vị Augustin ở tu viện Thagaste. Và cho đến hôm nay, người ta cũng chưa tìm thấy có một văn bản nào cho tu viện thứ ba hay không để có thể tụ họp các giáo sĩ chung quanh vị giám mục.

Sau khi thánh nhân qua đời, các cộng đoàn trên không tồn tại được bao lâu dù ngày hôm nay cũng còn rất nhiều dòng sống theo tinh thần luật dòng của thánh Augustin. Bản luật đời tu do thánh Augustin biên soạn là bản luật đầu tiên được viết thành văn bên Tây phương.

 

  • Honorat thành Lérins: Lối sống khổ hạnh nghiêm khắc.

 

Bên Tây phương còn có một số cộng đoàn đan tu nổi lên như cộng đoàn Lérins do Honorat thành lập vào năm 410. Honorat người gốc miền Bourgogne. Ông lựa chọn về sống tại một hòn đảo nhỏ trước mặt tỉnh Cannes và Antibes tên là Lérins. Địa điểm nơi đây thuận tiện thanh vắng cho việc tu trì. Nhất là tại đây ông sống gần gũi với giám mục Léonce là một người mà ông thân thiết. Honorat theo khuôn mẫu đan tu nào. Câu hỏi cũng khó trả lời vì các văn bản để lại không thấy nói đến những khuôn mặt lớn đời đan tu mà ta đã biết; nhưng cũng chính vì không rõ ông theo khuôn mẫu nào nên chúng ta có thể coi rằng Honorat không bắt chước dựa vào ơn gọi đan tu của một ai đó, nhưng ông theo một số chứng nhân về đời đan tu mà ông được đọc qua. Đó là những chuyện về những chuyến du hành, những bản luật đến từ Đông phương dịch ra tiếng La tinh, những cuộc đời của các đan sĩ như "Cuộc đời của Antoine"... Nhưng khi đi tìm nguồn gốc đan tu, chúng ta cũng không nên quên Tân ước là nguồn suối cho họ, vì thế Honorat đã theo và thực hành những giới luật Tin Mừng. Ông cùng dăm ba người bạn đến lập cư tại đảo Lérins. Theo chứng từ do ông Cassien viết khoảng năm 427, Cộng đoàn Lérins mang cuộc sống ẩn dật, khổ hạnh theo khuôn mẫu các đan sĩ Đông phương và nhất là đến từ Ai cập. Cộng đoàn phát triển nhanh khắp vùng, nên cần có một hệ thống điều hành cuộc sống huynh đệ thường ngày. Theo các chứng từ để lại, Honorat giữ vai trò đứng đầu cộng đoàn. Ông mang hình ảnh người mục tử cũng như hình Mô-sê dẫân đưa dân về miền Đất hứa. Đó là vai trò "vừa là Thầy vừa là Cha" và anh em phải vâng phục. Đức vâng phục là đức hạnh đầu tiên của người đan sĩ. Ngoài ra, Honorat còn đưa ra một số luật dựa vào giáo huấn các giáo phụ Ai-cập để điều hành cộng đoàn.

 

Honorat làm giám mục thành Arles năm 426 và thành lập thêm một đan viện khác trong một hòn đảo trên dòng sông Rhône. Rất nhiều giám mục của xứ Gaule xuất thân từ đan viện Lérins như giám mục Hilaire thành Arles (401-449), Fauste de Riez (410-495), Césaire thành Arles (470-542), hay giám mục Loup thành Troyes (395-479). Césaire là người phát huy tư tưởng của Honorat, và chính ông đã soạn một bộ luật có ảnh hưởng sâu rộng trong các tu viện cho đến thế kỷ thứ VII. Ông soạn thảo hai bộ luật về đời đan tu. Césaire là người đầu tiên đã ghi vào luật điều kiện dấn thân cho một đan sĩ cũng như luật buộc đan sĩ phải vĩnh cư trong đan viện dưới tên stabilitas loci.

 

  • Jean Cassien (360-435): Thầy linh hướng các đan sĩ miền Provence.

 

Một khuôn mặt nổi tiếng khác cùng miền là ông Jean Cassien. Cuộc đời của ngài ít được biết đến; có điều chắc chắn Jean Cassien gốc miền Scythe tức là xứ Roumanie hiện nay. Năm 378 ngài đến cư ngụ tại Bethlehem gần hang đá Giáng Sinh, nhưng hình như nếp sống cộng đoàn ẩn tu không thích hợp với ngài. Ngài xin đi qua Ai cập và sống bên đó gần 10 năm. Sau khi rời Ai cập, Cassien qua thành Constantinople và chịu ảnh hưởng sâu xa tinh thần của Jean Chrysostome (Gioan Kim Khẩu). Sau đó Cassien qua Rôma và kết thân với Đức Léon sau này lên ngôi giáo hoàng. Ông được chịu chức linh mục tại đây. Cuối cùng Jean Cassien tìm đến cư ngụ tại thành Marseille từ 415 đến

 

  1. Khi ông đến thành này thì các cộng đoàn ẩn tu đã có mặt; nhưng ông cũng lập nên hai đan viện. Đan viện thánh Victor dành cho các ông, và đan viện Đấng Cứu Chuộc dành cho các bà. Jean Cassien mang mối tương quan rất chặt chẽ với đan viện Lérins và nhất là với ông Honorat.

 

Từ năm 420, Jean Cassien bắt đầu ghi lại tất cả những kinh nghiệm ông lấy được từ Đông phương. Ông cho phát hành ít lâu sau đó bộ Institutions cénobitiques (Hiến pháp đời sống của cộng đoàn ẩn tu) gồm 12 cuốn. Trong bộ sách này, Jean Cassien kể lại những sắc thái khác biệt của đời đan tu.

Sau đó ông lại cho in bộ Conférences des Pères du désert (Những bài nói chuyện của các tu phụ sa mạc) thuật lại cuộc đàm đạo của các bậc thầy sống trong sa mạc với người bạn của ông tên là Germain. Đối với Cassien, các tu phụ Ai cập hiện thân tốt nhất lý tưởng đời đan tu. Vì vậy phải làm cho lý tưởng đó phù hợp với văn hóa của từng vùng. Giáo phụ Basile thành Césarée đã thực hiện điều đó cho miền Cappadoce và giờ đây Jean Cassien muốn làm điều ấy cho miền Provence. Jean Cassien trở nên mau chóng một bậc thầy linh hướng cho các đan sĩ vùng Provence.

 

Những văn bản do Jean Cassien soạn thường được gửi cho các giám mục thành Apt hay Fréjus, hoặc cho các đan sĩ hoặc viện phụ các đan viện. Ông muốn có mối tương quan với những vị có quyền hành và các đan sĩ trong vùng. Với Jean Cassien, những khảo luận về phương pháp đời sống thiêng liêng mang dấu ân sủng và đời sống cầu nguyện. Điều này ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn chương và văn luật đời đan tu sau này.

 

  • Benoit thành Nursie: Đấng sáng lập đời đan tu bên Tây phương.

 

Sau thế kỷ thứ V, khuôn mặt đời đan tu thay đổi toàn diện với Benoit. Bối cảnh chính trị cũng thay đổi ít nhiều. Đế quốc La mã tàn lụi, những đền đài bị bỏ hoang và các đền thờ ngày càng hoang vắng. Hoàng đế cũng không còn nữa. Các nhóm binh sĩ nổi dậy và tự đặt ra điều lệ và cướp bóc của cải dân chúng. Người dân sống trong lo âu và đói rách. Với bối cảnh đó một thế giới mới đang thành hình. Tại Ý, tướng Man dân Goth Théodoric, trị vì; và tại xứ Gaule, Clovis đang nhiếp chính.

 

Trong lúc đó, tại Đông phương mọi sự đều tiếp tục theo mặt bề ngoài. Benoit là nhân vật qui chiếu cho tất cả đan sĩ tại Tây phương ngày hôm nay. Cuộc đời của Benoit được biết đến qua hai nguồn tài liệu. Nguồn tài liệu thứ nhất là cuốn "Những cuộc đối thoại" (Les Dialogues) của thánh Grégoire Le Grand (Cả) (sinh năm 540, lên ngôi 590-604); và nguồn tài liệu thứ hai là bộ Luật do chính Benoit biên soạn.

 

Benoit sinh năm 480 tại thành Nursie (hôm nay là Norcia, gần thành Spolète bên Ý) thuộc một gia đình khá giả theo Thiên Chúa giáo. Bà chị, Scholastique, tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa khi còn nhỏ. Benoit được gửi lên học tại Rôma nhưng việc học theo ngành nghệ thuật tự do không thích hợp lắm với ngài. Năm 20 tuổi, Benoit bỏ trốn đi và bắt đầu sống kinh nghiệm đơn độc. Ngài đi gặp một vài nhà tu khổ hạnh và thiết tha sống giống như họ; cuối cùng Benoit cũng rời bỏ chốn đó và muốn mang một cuộc sống khắc khổ hơn nữa. Benoit tìm về sống đơn độc trong một hang đá gần con sông ở Subiaco, cách thành Roma khoảng chừng 60 cây số về hướng đông. Ngài sống như vậy gần 10 năm trong kinh nguyện và làm việc hằng ngày.

 

Qua giai đoạn thứ hai, Benoit nếm thử đời sống cộng đoàn. Số là gần đó có tu viện Vicoraro đang gặp khó khăn. Các tu sĩ liền kêu cầu Benoit đến trợ giúp. Ngài nhận lời nhưng cuộc sống này không kéo dài dược bao lâu, vì Benoit áp đặt lên họ một cuộc sống quá khắt khe. Lý tưởng của ngài quá xa vời. Benoit đành chia tay vì họ không còn muốn sống theo những luật lệ do ngài đề ra.

 

Benoit tìm về sống lại ở Subiaco. Thế nhưng cũng có một vài đan sĩ trong tu viện Vicoraro đồng ý với chí hướng của Benoit nên họ đến xin sống chung với ngài. Benoit liền chia họ ra sống thành từng nhóm nhỏ và mỗi nhóm đều có một viện phụ đứng đầu. Benoit sống ở Subiaco gần 35 năm để rồi tiến đến một giai đoạn mới.

 

Lần này, Benoit tìm về sống tại núi Cassin nằm giữa hai thành phố Rôma và Naples. Nơi đây trước kia là một nơi quan trọng của dân ngoại. Họ đã xây tại đó mộ đền thờ kính thần Jupiter. Benoit thay vào đó một đền thờ kính thánh Martin thành Tours và một đền thờ khác kính thánh Gioan Baotixita. Tại đây vào năm 529, Benoit đã cho cộng đoàn sống theo bộ luật do ngài soạn thảo. Bà chị Scholastique cũng đến cư ngụ ở núi Cassin với một cộng đoàn nữ. Benoit qua đời năm 547.

Vào thế kỷ thứ VI và thứ VII khắp miền bắc Âu chưa biết đến Thiên Chúa giáo. Đức Giáo hoàng Grégoire Le Grand gửi một số đan sĩ sang xứ Anh giảng đạo cho người Saxon. Từ đó mới thấy xuất hiện những đan viện tại Anh quốc. Sau này, những đan sĩ người Anh lại lên đường đi rao giảng cho người Saxon đang sinh sống tại lục địa Âu châu. Willibrod (658-739) trở thành tông đồ xứ Hoà Lan; Winfrid (678-754) còn được gọi là Boniface (= người làm việc tốt) đã rao giảng khắp xứ Germanie.

 

LUẬT CỦA THÁNH BENOIT.

 

Benoit qua đời và chưa thật sự lập nên một cộng đoàn đan tu áp dụng đúng theo bộ luật do ngài biên soạn. Benoit sống và trải qua kinh nghiệm đời đan sĩ để viết lên một bộ luật. Khoảng năm 540, với kinh nghiệm bản thân và dựa vào một bộ luật cũ có tên "Luật của bậc Thầy" (Regula Magistri), Benoit soạn ra một luật riêng cho mình và ngài chưa bao giờ cho đó là một công trình độc đáo.

Ngoài cuốn Luật của bậc Thầy, Benoit còn dựa vào những văn bản xưa như của Augustin, Cassien và Basile. Vì thế, bộ Luật Benoit thấm nhuần tinh thần đan tu Đông phương nhiều hơn, và được coi như mẫu gương cân bằng và điều độ. Tất cả những luật lệ khớp vào nhau giữa đời sống cầu nguyện, việc làm, nghỉ ngơi giải trí nhưng không coi thường nếp sống khổ hạnh. Người đan sĩ cần được sống trong bầu khí huynh đệ, bác ái và vâng lời lẫn nhau:"Anh em vâng lời nhau và biết rằng qua con đường vâng lời anh em sẽ đi tới Thiên Chúa".

 

Cuộc sống này giúp người đan sĩ dễ dàng tìm kiếm Thiên Chúa, sống thân mật với Người để thấy được ý của Thiên Chúa. Cộng đoàn cần múc lấy sức mạnh trong mối tương quan thân mật với Thiên Chúa, vì vậy phương châm của người đan sĩ theo Luật Benoit là "Cầu nguyện và lao động" (Ora et Labora): "Sự kiện thiếu vắng việc làm là kẻ thù của tâm hồn. Người đan sĩ vào những giờ nhất định phải làm việc bằng tay chân. Anh em phục vụ lẫn nhau, không ai có quyền tự miễn việc làm bếp, ngoại trừ những anh em đau yếu, hay những người đã mang trọng trách quan trọng. Đối với người yếu kém, ta cần giúp đỡ để họ làm việc không buồn chán, nhưng tất cả anh em phục vụ nhau dưới lề luật bác ái".

 

Bộ luật Benoit không nổi tiếng ngay và ít được dùng đến; chỉ một thời gian sau này nó mới được phổ biến rộng rãi với ít nhất ba lý do sau đây:

 

  • - Bộ luật mang nhiều điều rất thực hành, ngắn gọn và chính xác áp dụng cho mọi lứa tuổi. Văn bản chia thành 73 chương nhỏ luôn luôn được bắt đầu bằng lời ngỏ: "Hãy lắng nghe, hỡi con, những giới luật của Thầy và hãy nghiêng tai tâm hồn .."

 

  • - Bộ Luật mềm dẻo, ôn hoà nhưng vẫn có nét nghiêm ngặt trung thành với đời khổ hạnh hằng ngày thể hiện qua đức bác ái trong một cuộc sống cộng đoàn giản dị.

 

  • - Bộ luật chất chứa cái cơ bản khôn ngoan của nhân loại nâng đỡ đấng Viện phụ trong mọi khó khăn. Tu viện là gia đình của người đan sĩ. Họ sống trong cộng đoàn như sống trong một gia đình thường trự Từ đó nảy sinh ra quan niệm một cuộc sống ổn định trong cộng đoàn.

 

Chúng ta ghi ở phần trên từ Hy lạp monos (= đơn độc) chỉ định tình trạng một người sống đơn độc và ở độc thân cho tình yêu Thiên Chúa. Theo luật Benoit, từ nay còn chỉ định người sống trong tu viện kín, ở giữa một cộng đoàn. Họ đi tìm lại trong Thiên Chúa sự triệt để hiệp nhất của bản thể; vì vậy người đan sĩ không chỉ được định nghĩa ở cách sống cách biệt nhưng còn là người mang tâm hồn kết hiệp.

 

Bộ luật Benoit không loại trừ hàng giáo sĩ nhưng những vị này được chức tước tư tế là để đáp lại nhu cầu cần thiết của cộng đoàn. Tinh thần Benoit muốn nhấn mạnh nơi đây trước hết họ là những tu sĩ. Bộ luật cũng phân chia rõ ràng ba thời gian cho những ai xin gia nhập cộng đoàn: thời gian tiếp đón, thời gian chuẩn nhận và thời gian chấp nhận. Lời khấn công được đọc trước cộng đoàn bao gồm sự kiên trì, hoán cải phong hoá và sống đức vâng lời. Viện phụ được anh em bầu lên vĩnh viễn và ngài đại diện Chúa Giêsu Kitô: "Viện phụ cần phải luôn luôn thực hiện những hành vi tương xứng với địa vị của mình. Vì chúng tôi tin rằng trong tu viện, viện phụ mang địa vị của Chúa Kitô. Ngài biết có ích lợi cho mình phải sa vào luật của Thiên Chúa hơn là chủ trì, yêu mến anh em, phải luôn luôn ngờ vực cái yếu đuối của chính mình, và nhớ là không bao giờ nghiền nát cây sậy đã gãy".

 

Viện phụ mang trong mình Tin Mừng hằng ngày. Ngài được anh em đề cử, nếu như được sự đồng ý chung vẫn hơn, bằng không ngài được đề cử bởi nhóm điều hành qua nhận định đúng đắn cho dù đó chỉ là con số ít.

Đường linh đạo nào ngấm ngầm trong bộ luật này?

 Luật Benoit cơ bản là sự lắng nghe trong đời sống huynh đệ. Cuộc sống người đan sĩ đặt trên đức vâng lời cho dù đó không phải là điều tất yếu cho đời sống cộng đoàn. Đức vâng lời đặt nền tảng vào gương vâng lời của Chúa Kitô như cách thức hoàn thành ý chí của Thiên Chúa Cha. Đức vâng lời tự nó là phương cách giúp người đan sĩ thực hành đức khiêm nhường như là "mẹ và là thầy của mọi nhân đức".

 

Trước mặt Thiên Chúa, người đan sĩ nhìn nhận mình không là gì cả. Họ phải mang đời sống cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn. Việc ngẫm đọc Lời Chúa (Lectio Divina) nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện của họ. Kinh thần vụ (Office divin) gồm việc đọc sách Thánh vào những giờ nhất định là công trình của Thiên Chúa. Việc đạo đức trên đòi hỏi sự thinh lặng và nó là yếu tố quyết định cuộc đời đan tu. Sự chiêm niệm dẫn người đan sĩ ý thức cái yếu kém thân phận làm người và vì vậy họ phải dựa vào Thiên Chúa.

 

Những tu viện sống theo luật Benoit đã đóng một vai trò quan trọng bên Tây phương. Nó trở nên những trung tâm ổn định và sống động. Những tu viện này đem lại cho thời cổ đại một nền linh đạo tốt nhất như nơi thể hiện cuộc đời cầu nguyện. Benoit ao ước những cộng đoàn chỉ gồm từ 12 đến 20 đan sĩ, nhưng những tu viện trên rất mau chóng trở nên quan trọng và rộng lớn bằng nhân số hay bằng nhà cửa. Nó trở thành những trung tâm văn hoá với di tích các thánh, những kho tàng phụng                vụ, những thư viện và những thủ bản. Đời đan tu trở thành cách duy nhất, hình thái độc nhất của nền văn hoá cổ. Mọi tu viện mọc lên ở Tây phương đều được phát sinh ra từ một tu viện mẹ theo truyền thống luật Benoit.

 

Đời đan tu bên Tây phương xuất hiện sau đối với Đông phương. Một vài điểm khác biệt cần nêu  lên. Các đan sĩ Đông phương thâm nhập vào xã hội nhưng tinh thần của họ phản kháng đường hướng chính trị ngoài đời hay trong giáo hội; thế nhưng họ lại không giữ một vai trò quyết định nào. Ngược lại, bên Tây phương với bộ luật Benoit người đan sĩ ảnh hưởng sâu xa vào cuộc sống xã hội hay trong thứ bậc của giáo hội. Chúng ta thấy rõ hơn từ thế kỷ thứ IX trở đi, Hoàng đế Charlemagne và nhất là dưới trào Louis Le Pieux, hai ông hoàng đế này đã áp đặt bộ luật Benoit cho mọi đan sĩ trong đế quốc. Điều đó cũng đã được Công đồng Mayence năm 813 và Công đồng Aix La Chapelle năm 817 chấp nhận dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của đan sĩ Benoit thành Aniane.

 

Lm Lê Phú Hải

Tin liên quan