Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

Hạnh Các Thánh

Ngày 4/11: Thánh Ca-rô-lô Bô-rô-mê-ô - Giám mục (1538-1584)

“Lạy Chúa, xin giữ gìn trong dân Chúa tinh thần sống động của thánh Charles Borromée, để Hội Thánh Chúa không ngừng canh tân và luôn trung thành với Tin Mừng, nhờ đó có thể tỏ lộ cho thế giới khuôn mặt đích thực của Đức Kitô.”

 

Lễ nhớ buộc

12757 St. Carolo

I. Ghi nhận lịch sử - phụng vụ

Thánh Charles Borromée qua đời tại Milan ngày 3 tháng 11 năm 1584, được phong thánh năm 1610 và có tên trong lịch phụng vụ từ năm 1613. Lễ nhớ ngài giới thiệu cho chúng ta một trong những vị thánh quan trọng nhất của cuộc cải cách hậu công đồng Tren-tô.

Charles (Carolus) là con của bá tước Gilbert Borromée và bà Marguerite de Médicis, sinh tại Arona (Lombardie) năm 1538. Đậu tiến sĩ luật năm 21 tuổi, ngài đuợc phong Hồng y do cậu ngài là Giáo hoàng Piô IV và được vị Giáo hoàng này triệu về Rôma để cai quản các công việc của Hội Thánh. Thế là ở tuổi 22, ngài là vị Quốc vụ khanh đầu tiên của Vaticanô, theo nghĩa hiện đại của từ này.

Từ 1560 đến 1563, ngài đóng một vai trò tích cực trong những khóa họp cuối của Công đồng Trentô. Sau khi vượt qua một khủng hoảng nghiêm trọng khi anh cả Frédéric của ngài qua đời (1562), ngài được thụ phong linh mục và giám mục. Được bổ nhiệm làm tổng giám mục Milan, ngài cai quản một địa phận rất rộng lớn, bao gồm cả ba thung lũng của Quận Grisons (Thuỵ Sỉ) và một phần lãnh thổ Genova và Venetia. Trong bầu khí đặc biệt tạo ra do sự thống trị của Tây Ban Nha ở Lombardie, thánh Charles Borromée đã biết bảo vệ những quyền lợi và đặc quyền của Hội Thánh, thậm chí chống lại việc đưa Toà Án Dị Giáo (Inquisition) vào địa phận ngài.

Năm 1589, ngài thoát một cuộc mưu sát do một nhóm tu sĩ chống đối cuộc cải cách của ngài, nhưng vị thánh giám mục càng kiên quyết theo đuổi công trình của mình hơn bao giờ. Là nhà cải cách nhiệt thành, ngài cũng là một mục tử đích thực, nhạy cảm trước mọi vấn đề của thành phố. Là người thúc đẩy nhiều công cuộc xã hội, ngài tận tụy đối với dân của mình, nhất là vào những giờ phút nghiêm trọng nhất, như trường hợp xảy ra nạn dịch tễ năm 1576 tại Milan. Ngài bán hết tài sản tại Napôli của mình, kể cả những vật dụng cá nhân để cứu giúp những người khốn khổ.

Sức lực cạn kiệt vì lao nhọc, ngài qua đời tại Milan lúc 46 tuổi, sau khi đã xưng tội chung lần cuối.

II. Thông điệp và tính thời sự

Lời Nguyện của ngày giới thiệu thánh Charles Borromée như một người thúc đẩy cuộc cải cách Giáo Hội: “Lạy Chúa, xin giữ gìn trong dân Chúa tinh thần sống động của thánh Charles Borromée, để Hội Thánh Chúa không ngừng canh tân và luôn trung thành với Tin Mừng, nhờ đó có thể tỏ lộ cho thế giới khuôn mặt đích thực của Đức Kitô.”

Từ 1565, khi triệu tập hội đồng tỉnh của giáo phận ngài, giám mục Charles Borromée đã thúc đẩy việc áp dụng các sắc lệnh công đồng. Trong hai thập niên làm giám mục, ngài đã triệu tập nhiều hội đồng giáo phận và tỉnh. Các nghị quyết của các hội đồng này được in trong các Văn kiện của Giáo Hội Milan với các Huấn thị cho Dân Chúa của ngài, được sử dụng trên toàn nước Ý và cả ở nước ngoài như mẫu mực cho các vị giám mục cải cách khác.

Lời Nguyện trên lễ vật gợi ý “sự đề cao cảnh giác” và những “nhân đức mục tử” của thánh giám mục Milan. Là mục tử rất nhiệt thành, ngài không chỉ giới hạn vào các cuộc kinh lý mục vụ – lên tới hàng ngàn lần– mà ngài còn xây dựng những thánh điện và chủng viện, trong đó có chủng viện Milan. Cũng thế, ngài đã sáng lập hay khích lệ việc sáng lập các trường trung học cho thanh thiếu niên. Ngài cũng là tác giả của các “huynh hội” –như huynh Hội Thánh Thể để thờ lạy Thánh thể (chống lại lạc thuyết Tin Lành)–, những nhà trọ cho thanh niên và một ngọn-đồi-sùng-đạo. Sau hết, ngài đã nâng đỡ các “trường đức tin” để đào luyện tôn giáo và đạo đức cho dân chúng.

Trong số các “nhân đức mục tử” của thánh Charles Borromée, chúng ta cũng kể đến khả năng đánh giá cao việc đối thoại và hợp tác. Ngài mời gọi nhiều giáo sĩ và giáo dân hợp tác với ngài và thiết lập các “bộ” để xem xét và giải quyết các vấn đề khác nhau. Ngài được thông báo đều đặn về diễn tiến công việc, không ngần ngại cho ý kiến của ngài hay đề nghị những giải pháp, như được chứng minh trong hàng chục ngàn lá thư còn để lại cho chúng ta. Nhưng cũng nên nhớ rằng, thánh Charles, được gọi là “giám mục lỗi lạc” trong Lời Nguyện trên lễ vật, đã khuyên nhủ các “người của Giáo Hội” như sau: “Thưa anh em, xin hãy hiểu rằng không gì cần thiết bằng việc phải nguyện ngắm trước, trong, và sau mỗi hành động của chúng ta.” (Giờ Kinh Sách).

Lời Nguyện hiệp lễ nhấn mạnh những khía cạnh khác nơi tính cách phi thường của thánh Charles Borromée: “sức mạnh nội tâm”, lòng trung thành “với sứ mạng” và “lòng bác ái” vô bờ của ngài.

Ngài để ý khiển trách những sự lạm dụng và bảo vệ đức tin công giáo, nhưng trên hết ngài lo lắng cho việc đào luyện các giáo sĩ: “Nếu anh em ban bí tích, hãy nghĩ đến điều anh em làm; nếu anh em cử hành thánh lễ, hãy nghĩ đến điều anh em dâng; nếu anh em đọc thánh vịnh trong cộng đoàn, hãy nghiền ngẫm những lời anh em nói hay đọc; nếu anh em hướng dẫn các linh hồn, hãy nghĩ đến máu đã đổ ra để rửa sạch các linh hồn; hãy làm các việc đó với tất cả lòng yêu mến . . . Bằng cách đó chúng ta sẽ có khả năng sinh ra Đức Kitô nơi chúng ta và nơi người khác” (Giờ Kinh Sách).

Enzo Lodi

Tin liên quan