Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Ban Truyền Thông DÒNG THỪA SAI BÁC ÁI CHÚA KITÔ
Slideshow Trang chủ
Slideshow Trang chủ
Chương VIII
CHƯƠNG VIII
PHẦN BA
KINH NGUYỆN CẦU XIN CHO LƯƠNG THỰC HÀNG NGÀY
Mỗi buổi sáng Mẹ Têrêsa và hội dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ, cũng như hàng triệu tín hữu trên khắp thế giới, thờ lạy Chúa Giêsu ngự trong phép Bí tích Thánh Thể. Thánh Thể, tiếng Hy-lạp có nghĩa là “tạ ơn”, nhắc nhớ người tín hữu rằng khi Chúa Giêsu bẻ bánh với các môn đệ, Ngài đã dâng lời tạ ơn thiên Chúa Cha. Việc làm này cũng khích lệ các tín hữu dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì quà tặng tình yêu của Chúa Giêsu. Người công giáo tin rằng Chúa Giêsu đang hiện diện cách thực sự với họ trong một cách thức rất đặc biệt mỗi khi họ tụ họp để dâng Thánh Lễ.
Trong phần phụng vụ Thánh Thể, lễ vật bánh và rượu được dâng lên trên bàn thờ, linh mục chủ tế cùng mọi người cầu nguyện để lễ vật ấy được Thiên Chúa chấp nhận. Mọi người ca hát ngợi khen sự thánh thiện của Thiên Chúa. Linh mục chủ tế xướng kinh nguyện Thánh Thể, lặp lại lời của Chúa Giêsu đã nói trong bữa tiệc sau hết và, cùng với những tín hữu, tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết, đã phục sinh, và sẽ trở lại thế gian ngày sau hết. Khi đọc xong kinh nguyện Thánh Thể, mọi người cùng đứng lên đọc kinh Lạy Cha. Sau đó linh mục bẻ bánh thánh, tuyên bố sự hiện diện của Con Chiên Thiên Chúa, và kêu gọi mọi người lên rước Chúa Giêsu Thánh Thể.
Thánh lễ là một phần sống còn trong đời sống cầu nguyện của Mẹ Tê-rê-sa. Phần Ba được trình bày dựa trên những kinh nguyện trong nghi thức phụng vụ Thánh Lễ mà Mẹ đọc và sống mỗi ngày.
CHƯƠNG TÁM
LỄ HY SINH ĐÁNG ĐƯỢC CHẤP NHẬN
Hy sinh là trọng tâm của đức tin Công giáo. Dân Chúa trong thời Cựu Ước xưa đã dâng lễ súc vật để tẩy xóa tội lỗi của mình -chiên, dê, bò, và bồ câu. Chúa Giêsu đã dâng chính mình như một lễ hy sinh cuối cùng và toàn vẹn, để từ nay những hy lễ súc vật không còn tái diễn nữa.
Trong Thánh lễ, Chúa Giêsu nuôi dân Ngài bằng chính Thịt Máu Ngài để dân trở nên một với Ngài -để họ, như tấm bánh, được gọi là thân mình Chúa Kitô. Một khi người Công giáo hiểu được rằng họ là thân thể của Chúa Kitô trên mặt đất này, họ sẽ nghe tiếng Chúa Kitô kêu gọi họ hãy hy sinh bản thân, phó thác, và chịu đau khổ thay cho người khác. Như thân thể huyền nhiệm của Đức Kitô, họ sẽ làm những công việc của Ngài theo cách thức Ngài đã chỉ, là hy sinh trao hiến bản thân cho anh em mình.
Hy sinh, phó thác và đau khổ ngày nay không còn là những chủ đề hấp dẫn. Nền văn hóa của chúng ta làm cho chúng ta tin rằng chúng ta có thể sở hữu tất cả, rằng chúng ta có quyền đòi hỏi những quyền lợi của chúng ta, rằng với những tiến bộ và phát minh của khoa học kỹ thuật, những vấn đề lương thực và những vấn đề khác đều có thể giải quyết được. Đây không phải là quan điểm của Thánh Kinh. Cũng không phải là thái độ của Mẹ Têrêsa. Kinh Thánh nhìn nhận rằng những người theo Chúa Giêsu sẽ phải đón nhận những hy sinh và sẽ phải đau khổ, như chính Chúa Giêusu đã làm. Mẹ Têrêsa biết rằng không thể giảm bớt những đau khổ của thế giới này nếu dân Chúa không hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa, không sẵn sàng đón nhận hy sinh, và cùng chịu đau khổ với người nghèo.
Trong Thánh Lễ, linh mục chủ tế và dân Chúa cùng cầu nguyện để lễ vật bánh và rượu đáng được Thiên Chúa chấp nhận: “để ca ngợi và tôn vinh Danh Chúa, và mưu ích cho chúng con và toàn thể Hội thánh Người”. Lễ vật đáng Thiên Chúa chấp nhận là gì? Đó là lễ vật đem lại lời ca ngợi và vinh quang cho danh Chúa. Đó là lễ vật thánh thiện và tốt lành cho dân của Người. Một lễ vật được dâng thay cho toàn thế giới. Đây chính là lễ vật mà Thánh Phaolô đã khích lệ tất cả mọi tín hữu phải làm: “Vì lòng thương xót của Thiên Chúa, tôi nài xin anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đáng được Thiên Chúa, Đấng anh em tôn thờ, chấp nhận” (Rm 12,1).
Từ thủa ban sơ, trái tim con người đã cảm thấy ước muốn dâng lễ vật lên Thiên Chúa, nhưng Thánh Phaolô nói: “Máu bò và dê không thể xóa được tội lỗi của con người.” (Dt 10,4). Chính vì thế, Chúa Giêsu đã phải dâng một lễ hy sinh khác, là chính bản thân Ngài. Chúa Giêsu chết trên thập giá là lễ hy sinh của chúng ta. Chúng ta đừng nghĩ rằng Thánh lễ Misa chỉ là một sự tưởng niệm. Không, Thánh lễ hôm nay và hy lễ mà Chúa Giêsu đã dâng hôm xưa trên thánh giá chỉ là một. Thật an ủi cho chúng ta biết bao vì hy lễ này chính là lễ vật của chúng ta dâng lên Thiên Chúa Cha.
Mùa chay là thời gian mà chúng ta tưởng niệm và sống lại cuộc thương khó của Chúa Kitô. Chúng ta đừng để mùa chay trở thành một mùa khó chịu, khó ở, nhưng hãy để mùa chay trở nên một cơ hội để chúng ta biết cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa, biết quên mình và thực hành những hy sinh. Hy sinh, theo đúng nghĩa, phải có trả giá. Hy sinh phải cảm thấy bị tổn thương, mất mát. Nó làm chúng ta trống rỗng. Chúng ta hãy đi lại cuộc khổ nạn của Chúa Kitô từng ngày một.
Muốn nên thánh phải trả giá nhiều. Sự từ bỏ, những cám dỗ, sự chiến đấu, bị ngược đãi, và tất cả những hy sinh khác vây quanh sự kiên quyết của tâm hồn. Người ta chỉ có thể yêu mến Thiên Chúa bằng chính những nỗ lực và mất mát của bản thân.
Hãy cố gắng gia tăng lòng yêu mến Thánh lễ và yêu mến cuộc thương khó của Chúa Kitô bằng việc đón nhận tất cả những hy sinh xảy đến mỗi ngày với niềm vui. Đừng bỏ qua những điều nhỏ mọn, vì chúng rất quý giá và ích lợi cho chúng ta cũng như cho người khác.
Nếu chúng tôi lập nhà mới ở ngoài nước, hoặc chúng tôi được sai đi đến đó, chúng tôi được hoàn toàn tự do đi hay không, vui vẻ chịu đau khổ và chết với người khác nếu cần, hoặc sẵn sàng ở lại đó cho đến khi đức vâng lời gọi chúng tôi đi đến một nơi khác. Trong việc thích nghi bản thân với những điều kiện sống của người dân tại điạ phương mà chúng tôi được sai đến, chúng tôi sẽ hy sinh những điều không thật sự cần thiết cho cuộc sống, vì nhớ rằng chúng tôi không chỉ ràng buộc với người nghèo ở đó mà thôi nhưng còn với người nghèo khắp nơi trên thế giới.
Hy sinh, để trở nên đúng nghĩa, phải làm chúng ta trở thành mất mát, không giữ lại điều gì.
Tất cả những cộng tác viên đều nhận biết rằng tất cả những điều tốt lành trên thế giới này đều là quà tặng những không của Thiên Chúa, và không ai có quyền trên những của cải thặng dư bao lâu còn có những người thiếu ăn và chết đói. Các cộng tác viên luôn cố gắng tìm mọi cách để bù đắp cho sự bất công lớn lao này bằng cách hy sinh những tiện nghi thoải mái trong cuộc sống hằng ngày của họ.
Và đó chính là thế hệ những người trẻ sẽ xây dựng thế giới tương lai. Người trẻ ngày nay đang tìm những cơ hội để hy sinh, từ bỏ. Một thanh niên thuộc một gia đình giàu có ở Nữu Ước lái xe đến nhà của chúng tôi và nói với tôi: “Con đã cho người nghèo tất cả những gì con có, và bây giờ con đến để theo Chúa Kitô”.
Chúa Giêsu đã chọn mỗi người chúng ta để trở thành tình yêu và ánh sáng của Ngài trên thế giới này. Tinh thần hy sinh luôn luôn là muối ướp trong Dòng của chúng ta.
Có nhiều người cô đơn đang ở xung quanh bạn trong các bệnh viện và tại các nhà thương tâm thần. Có quá nhiều người không nhà cửa, đang sống cảnh màn trời chiếu đất! Ở Nữu Ước, các chị em của chúng tôi đang làm việc trong những nhà hấp hối. Thật thương tâm biết bao khi nhìn thấy những người này. Giờ đây, chỉ có những địa chỉ đường phố là biết đến họ. Tuy nhiên tất cả những người này cũng là con cái của ai đó. Đã có ai đó đã từng yêu thương họ. Họ cũng đã thương yêu người khác trong suốt quãng đường đời của họ. Nhưng giờ đây chỉ có những địa chỉ trên đường phố là biết đến họ, chẳng còn ai nhớ đến tên họ nữa.
Lời Chúa Giêsu: “Các con hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu các con”, (Ga15,12) không chỉ là ánh sáng chiếu soi cho chúng ta mà phải trở thành ngọn lửa thiêu đốt cái tôi trong mỗi người chúng ta. Tình yêu thương, để sống còn, phải được nuôi dưỡng bằng hy sinh, nhất là hy sinh chính bản thân.
Các chị em và các thầy dòng của chúng tôi luôn phó thác đời mình vào tình yêu của Chúa Kitô, với một tình yêu không chia sẻ qua sự khiết tịnh và sự tự do sống nghèo khó. Đối với chúng tôi sự nghèo khó là một nhu cầu cần thiết. Chúng tôi phải biết sự nghèo khó là thế nào để có thể hiểu được người nghèo. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần sự tự do lựa chọn để trở thành khó nghèo với sự phó thác hoàn toàn qua đức vâng phục.
Phó thác cũng là tình yêu thực thụ. Chúng ta càng phó thác, chúng ta càng yêu mến các linh hồn. Nếu chúng ta thực sự yêu mến các linh hồn, chúng ta sẽ sẵn sàng đảm nhận chỗ đứng của họ, sẵn sàng mang lấy những sai lỗi của họ và chuộc lại những lỗi lầm của họ bằng chay tịnh và khổ chế không ngừng của chúng ta. Chúng ta phải là những của lễ toàn thiêu sống động, của lễ toàn thiêu cho các linh hồn đang cần đến chúng ta.
“Chúng ta đang ở chốn lưu đầy cách xa thiên nhan Chúa bao lâu chúng ta còn ở trong thân xác và còn khao khát những sự của thế gian này.” (Thánh Phanxicô Assisi). Không có sự nguyện gẫm chiêm niệm nào có thể thực hành được nếu không có sự khổ chế thân xác và sự từ chối chính mình. “Con đường của Đức Chúa đòi hỏi một điều rất cần thiết: từ chối bản thân thực sự, bên ngoài cũng như bên trong, qua sự phó thác mình cho những đau khổ vì Đức Kitô và cho sự hủy mình trong mọi sự” (Thánh Gioan Thánh giá).
Sự phó thác hoàn toàn, đối với chúng tôi, những người sống đời chiêm nệm còn mang ý nghĩa là một sự đáp trả nồng nhiệt và vui vẻ trước tiếng mời gọi của Chúa là trở nên hiệp nhất nên thâm sâu với ngài qua :
- Sự buông rơi hoàn toàn bản thân trong cánh tay của Ngài.
- Sự khuất phục hoàn toàn trước mọi tác động tình yêu của Ngài, trao hiến cho Ngài sự tự do cao cả nhất để biểu lộ tình yêu của chúng ta đối với Ngài, mà không còn nghĩ về bản thân.
- Việc mơ ước mãnh liệt những đau khổ và vui sướng vì được hiệp nhất với Ngài trong những đau khổ đó.
Nó cũng có nghĩa là:
- trở nên một tù nhân tình nguyện của lòng yêu Thiên Chúa, một nạn nhân tình nguyện của tình yêu thương đầy thương tích của Ngài, một lễ vật toàn thiêu sống động;
- thậm chí nếu Chúa cắt chúng ta thành từng mảnh, chúng ta sẽ la lên: “Lạy Chúa, tất cả những mảnh đó là của Chúa!”.
Từ bỏ có nghĩa là trao dâng ý muốn, lý trí, cuộc đời của tôi trong thái độ của đức tin. Linh hồn tôi có thể đang ở trong bóng tôi. Chịu đựng những thử thách gian nan là sự kiểm tra chắc chắn nhất của sự từ bỏ mù quáng của tôi.
Từ bỏ cũng nói lên tình yêu. Chúng ta càng từ bỏ, chúng ta càng yêu mến Thiên Chúa và con người.
Tình yêu của Thiên Chúa không có giới hạn. Sự sâu thẳm của tình yêu Thiên Chúa không bao giờ dò thấu được: “Thầy không để các con mồ côi” (Ga 14,18).
Cũng sẽ không có một giới hạn nào cản trở chúng ta trao hiến bản thân cho Thiên Chúa và trở nên nạn nhân của tình yêu của Ngài. Những điều thông thường và bình thường không sẽ không đủ cho chúng ta. Điều mà tốt cho người khác thì chưa đủ cho chúng ta. Chúng ta phải làm giảm cơn khát của Thiên Chúa bằng việc luôn chết đi cho tình yêu. Không bằng lòng với những điều tốt bình thường, nhưng với một lòng can đảm đối đầu với những nguy hiểm với một tâm hồn bình thản, tĩnh lặng, luôn luôn sẵn sàng với bất cứ hy sinh nào, để hoàn thành bất cứ một bổn phận hay công việc nào. Một tu sĩ Thừa Sai Bác Ái luôn tìm mọi cách có thể để ở gần gũi và thân cận hơn với vị Vua của mình đang chết vì khát.
Thánh Têrêsa, Bông Hoa Nhỏ, đã nhận xét và giải thích về sự phó thác rất dễ thương khi chị nói: “Tôi giống như một trái bóng nhỏ trong tay Chúa Giêsu. Ngài chơi với tôi. Có khi Ngài ném tôi ra xa, để tôi nằm một xó. Và sau đó giống như một đứa nhỏ muốn xem bên trong trái bóng có gì, Ngài xé trái bóng ra từng mảnh và quăng đi.” Đây là điều mà mỗi tu sĩ nam nữ phải trở thành, trái bóng nhỏ kia trong tay Chúa Giêsu, nói với Chúa Giêsu rằng: “Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn, như Ngài muốn, khi nào Ngài muốn, và bao lâu Ngài còn muốn.”
Chúng ta luôn ở trong sự sử dụng của Chúa. Nếu Ngài muốn bạn đau bệnh ở trên giường, hoặc nếu Ngài muốn bạn công bố lời của Ngài trên đường phố, hay nếu Ngài muốn bạn lau chùi nhà vệ sinh mỗi ngày, tất cả điều đó đều tốt, mọi thứ đều rất tốt. Chúng ta phải nói: “Lạy Chúa, con thuộc về Ngài. Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài thích.” Đây chính là sức mạnh, là niềm vui của Đức Chúa.
Chúng ta phải biết chính xác khi chúng ta thưa xin vâng với Thiên Chúa: trong tiếng “xin vâng” đó là gì. Xin vâng có nghĩa là “Con phó thác”, hoàn toàn, trọn vẹn, không một chút tính toán nào, không một chút kiểm tra xem: “Điều này có hợp lý không? Điều đó có thuận lợi không?” Tiếng “xin vâng” của chúng ta với Thiên Chúa không được giữ lại một điều gì. Đó là điều để trở thành một tâm hồn chiêm niệm. Tôi thuộc về Ngài hoàn toàn đến nỗi chẳng còn gì để e dè, giữ kẽ. Và điều mà chúng ta cảm thấy không còn là vấn đề quan trọng.
Thật gian nan, vất vả khi bị trừng phạt đau đớn, khi bị khinh bỉ khạc nhổ. “Xin cất chén đắng này đi!” Chúa Giêsu đã cầu nguyện như thế trong cơn hấp hối. Thiên Chúa Cha đã không đến trực tiếp bên Ngài và nói: “Đây là Con yêu dấu của Ta”, nhưng Ngài đã an ủi con của Ngài qua lời của thiên thần. Chúng ta hãy cầu nguyện để tâm hồn chúng ta luôn đầy ắp lòng tin tưởng và phó thác của Chúa Giêsu, và để chúng ta hiểu thế nào là sự phó thác hoàn toàn.
Đức tin trong hành động là cầu nguyện, đức tin trong hành động là phục vụ: mỗi việc đều cùng là một điều, cùng là một tình yêu, cùng một lòng trắc ẩn. Chúng ta, mỗi nam nữ tu sĩ, phải tuyên xưng đức tin đó. Đây là điều sẽ động viên khích lệ chúng ta và là sức mạnh cho chúng ta, và chúng ta sẽ giúp nhau hoàn thiện mỗi ngày một hơn. Vì chúng ta là những con người, chúng ta cần sự phân biệt, tách rời và những cái tên khác nhau. Linh hồn, tâm trí, và trái tim; tuy nhiên, chúng ta có cùng một điều này: sự phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Vào giây phút chúng ta nhận ra điều đó, chúng ta thực sự đã phó thác vào Ngài, và thế là chúng ta sẵn sàng tùy ý Ngài sử dụng, và rồi chẳng còn điều gì khác biệt giữa chúng ta nữa.
Trong Phúc Âm, chúng ta đọc thấy rằng Thiên Chúa giống như một người tình hay ghen tương. Chúng ta không thể làm tôi hai chủ, vì chúng ta sẽ phục vụ quyến luyến chủ này và ghét chủ kia.
Tự bản chất những lời khấn chẳng là gì cả ngoài việc dẫn dắt linh hồn về với Thiên Chúa, và đặc biệt lời khấn khiết tịnh được đề cập tới như một phương tiện để dâng hiến trái tim cho Thiên Chúa. Trái tim con người là một trong những năng lực cao quý và đáng kính nhất trong các phân khoa nghiên cứu, nhưng nó cũng là một nguồn nguy hiểm. Bởi lời khấn, chúng ta hiến dâng cho Thiên Chúa trái tim của chúng ta và từ bỏ niềm vui hạnh phúc của bậc sống gia đình.
Vâng, chúng ta từ bỏ thiên chức mà Chúa đã ban cho người nữ là thiên chức làm mẹ, để đạt được những điều lớn lao hơn đó là trở thành những trinh nữ của Chúa Kitô, thành những người mẹ của các linh hồn.
Sự từ bỏ hoàn toàn còn bao gồm việc trao hiến trọn vẹn bản thân cho Thiên Chúa vì chính Thiên Chúa đã hiến ban chính mình Ngài cho chúng ta. Nếu Thiên Chúa, Đấng chẳng hề mắc nợ chúng ta điều gì, mà lại sẵn lòng trao tặng cho chúng ta tất cả, cả mạng sống của mình, thì liệu chúng ta, chúng ta có thể đáp trả ân tình của Ngài bằng việc hiến dâng chỉ một phần bản thân chúng ta được không? Khi từ bỏ chính mình, tôi đã hiến dâng cuộc đời tôi trong tay Chúa để Ngài có thể sống trong tôi.
Chúng ta sẽ nghèo nàn biết bao nếu Thiên Chúa không ban cho chúng ta khả năng biết hiến dâng bản thân cho Ngài! Nhưng thay vì như thế, giờ đây chúng ta thật giàu có biết bao!
Để chinh phục Thiên Chúa thật dễ biết bao! Chúng ta trao hiến bản thân cho Ngài, và Thiên Chúa trở thành của chúng ta, và chúng ta chẳng có gì ngoài Thiên Chúa. Phần thưởng mà Thiên Chúa sẽ ban tặng cho sự từ bỏ của chúng ta là chính Ngài.
Sự phó thác hoàn toàn của chúng ta vào Thiên Chúa có nghĩa là chúng ta luôn sẵn sàng trong việc sử dụng của Chúa Cha như Chúa Giêsu và Mẹ Maria ngày xưa. Khi dâng hiến trọn vẹn chính mình cho Thiên Chúa, vì Chúa đã trao ban chính mình Ngài cho chúng ta, chúng ta hoàn toàn thuộc quyền sử dụng của Ngài :
- để được sở hữu bởi Ngài để chúng ta có thể có Ngài.
- nhận bất cứ gì Ngài ban và trao dâng bất cứ gì Ngài lấy với nụ cười thật tươi.
- để Ngài sử dụng như ý Ngài muốn mà không cần hỏi ý kiến của chúng ta.
- để dâng cho Ngài tự do, ý chí, trọn cuộc đời chúng ta trong niềm tin thuần túy, để Ngài có thể nghĩ ý nghĩ của chúng ta trong tư tưởng của chúng ta, làm công việc của Ngài qua đôi tay của chúng ta, và yêu thương với trái tim của chúng ta.
Chúng ta sẽ không quan tâm xem Chúa nói với chúng ta qua những phương tiện hay cách thức nào, nhưng chúng ta hãy để tâm xem Chúa nói gì với chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện để được hiểu thế nào là thuộc quyền sử dụng của Chúa.
Một lần kia Đức Hồng Y Giáo phận Thánh Louis xin tôi viết ít chữ cho ngài trong cuốn sách kinh thường nhật của ngài. Tôi viết: “Hãy để Chúa Giêsu sử dụng Đức Hồng Y mà không cần hỏi ý kiến của Đức Hồng Y”. Và Đức Hồng Y đã viết thư cho tôi, nói rằng: “Thật Mẹ không biết điều Mẹ đã viết cho tôi. Ngày nào tôi cũng đều xét mình và tự vấn lương tâm: ‘Hôm nay tôi có để Chúa Giêsu dùng tôi làm công việc của Ngài mà không cần hỏi ý kiến của tôi không?’ ”
Thiên Chúa đã và đang đổ xuống muôn ơn phúc trên hội dòng chúng ta, và Mẹ nghĩ rằng chúng ta mắc nợ tình thương mến đối với những người nghèo khổ thật nhiều. Cuộc đời đau khổ của họ, đời sống cầu nguyện của họ, cuộc đời kiên trì độ lượng của họ trước gian khổ đã đem lại cho chúng ta biết bao là ân phúc. Cũng vậy, đã có hàng ngàn người nghèo khó như thế đã chết trong vòng tay của chúng tôi. Và tôi chắc rằng họ sẽ cầu nguyện nhiều cho chúng tôi khi về thiên đàng. Tất cả việc này không có gì là phi thường, cũng chẳng có gì là đặc biệt. Đây chỉ là một lòng phó thác đơn sơ, một lời thưa “vâng” chất phác với Chúa Kitô, để Ngài thực hiện những điều Ngài muốn trên cuộc đời chúng ta. Đó là điều khiến cho mọi công việc trở thành công việc của Ngài. Tôi chỉ là một mẩu bút chì nhỏ trong bàn tay của Người. Ngày mai, nếu Ngài tìm được một ai đó bất lực hơn tôi, ngu dốt và tuyệt vọng hơn tôi, thì tôi nghĩ rằng Ngài sẽ dùng người đó để làm những điều vĩ đại hơn thế nữa.
Đau khổ sẽ phải đến, bởi vì nếu bạn nhìn lên thánh giá, bạn sẽ thấy đầu Chúa đã nghiêng xuống -Ngài muốn hôn lấy bạn- cánh tay Ngài dang rộng- Ngài muốn ôm trầm lấy bạn. Trái Tim Ngài đã được khai mở để đón nhận bạn. Và rồi khi bạn cảm thấy mình khốn đốn trong tâm hồn, hãy nhìn lên thánh giá và bạn sẽ biết điều gì đang xảy đến cho bạn. Đau khổ là quà tặng của Thiên Chúa. Nó đang ở giữa bạn và Chúa Giêsu một mình đơn côi. Đau khổ, thương tích, phiền sầu, cảm giác lạc lõng bị hắt hủi, tất cả chẳng là gì cả, chỉ là nụ hôn của Chúa Giêsu chịu đóng đinh, là dấu chỉ bạn đang tiến đến gần Ngài đến nỗi Ngài có thể hôn được bạn.
“Tôi đang hoàn tất những điều còn thiếu trong cuộc thương khó của Đức Kitô”. Thật khó hiểu được đâu là mối liên hệ giữa sự ăn năn sám hối của chúng ta với cuộc tử nạn của Ngài. Chúng ta phải không ngừng theo dấu những vết chân của Chúa Giêsu Kitô trong những cách thức hãm mình khổ chế như thể đóng đinh thân xác mình vào thập giá.
Hãy nhớ rằng cuộc thương khó của Chúa Kitô luôn kết thúc trong niềm vui sống lại của Ngài, vì thế mỗi khi bạn cảm thấy tâm hồn đau khổ với những khổ đau của Chúa Kitô, hãy nhớ rằng sự sống lại sẽ đến và niềm vui của ngày Phục Sinh sẽ ló dạng. Đừng bao giờ để nỗi buồn phiền bao phủ chế ngự bạn và làm cho bạn quên đi niềm vui của Chúa Phục Sinh.
Các con thương mến, không có đau khổ, các công việc của chúng ta chỉ là những công việc của xã hội, rất tốt và rất ích lợi, nhưng đó không phải là công việc của Chúa Giêsu Kitô, và cũng không dự phần vào công cuộc cứu chuộc. Chúa Giêsu muốn giúp đỡ chúng ta bằng cách chia sẻ cuộc sống của chúng ta, những sự cô đơn, nhọc nhằn và cái chết của chúng ta. Tất cả những điều đó chính bản thân Ngài đã kinh qua vì chúng ta, và Ngài đã thực hiện điều đó trong đêm u ám mịt mù nhất. Ngài chỉ có thể cứu vớt chúng ta bằng cách trở nên một với chúng ta. Chúng ta cũng được phép làm như Ngài đã làm; tất cả những mảnh đời hiu quạnh, u sầu phiền muộn, về thể xác lẫn tinh thần, đều phải được cứu độ và chúng ta phải chia sẻ và dự phần trong đó.
Những người mắc những căn bệnh nan y không thể chữa trị được đều có thể trở thành những cộng tác viên rất thân mến của mỗi tu sĩ Thừa Sai Bác Ái. Và như thế, mỗi tu sĩ thừa sai nam cũng như nữ đều có thể có một bản thân thứ hai để cầu nguyện và chịu đau khổ cho mình. Mỗi người sẽ kín múc từ nguồn trợ giúp này một sức mạnh mới, và cuộc đời của họ sẽ giống như ngọn đèn sáng luôn cháy hao mòn vì lợi ích các linh hồn.
Đau khổ tự bản thân chẳng có ý nghĩa gì, nhưng đau khổ được chia sẻ với sự khổ đau trong cuộc tử nạn của Chúa Kitô thì sẽ trở nên quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa và là một dấu chứng của tình yêu. Thiên Chúa thật nhân lành khi ban tặng các bạn từng ấy những đau khổ và từng ấy tình yêu thương. Tất cả những điều này trở thành niềm vui thực sự đối với tôi, và nó mang lại cho tôi một sức mạnh kỳ diệu vì các bạn.
Chính cuộc đời hy sinh của các bạn đã mang lại cho tôi sức mạnh. Lời kinh nguyện và những đau khổ của các bạn giống như chén lễ dâng trên bàn thờ mà chúng tôi, những người đang hoạt động, có thể rót vào đó tình yêu của các linh hồn mà chúng tôi gặp gỡ. Vì thế các bạn cũng thật cần thiết như chúng tôi vậy. Chúng tôi và các bạn, chúng ta cùng nhau làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho chúng ta.
Ơn gọi của các bạn, những cộng tác viên đau khổ, thật đẹp đẽ biết bao! Các bạn là những sứ giả của tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta mang trong mình tình yêu của Thiên Chúa, Đấng hằng khao khát các linh hồn. Các bạn có thể làm dịu đi cơn khát của Ngài bằng những đau khổ lớn lao của các bạn, nhờ những đau khổ đó mà các công việc vất vả của chúng tôi được hiệp nhất. Chính các bạn là những người đã nếm thử chén gian nan cay đắng trong cơn hấp hối của Chúa Giêsu.
Chúng ta thường nói với Chúa Kitô: “Lạy Chúa, xin hãy làm chúng con thành những người dự phần trong cuộc thương khó của Ngài”… Nhưng, khi ai đó làm chúng ta nổi giận, chúng ta rất dễ quên rằng đó chính là giây phút chúng ta sẻ chia với Chúa Giêsu! Thiết tưởng chúng ta cũng nên nhớ rằng chính Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta những cơ hội làm những việc đẹp lòng Chúa qua những con người hay những hoàn cảnh, những tình huống như vậy.
Đau khổ tự bản thân chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng đau khổ được chia sẻ với sự thương khó của Chúa Kitô sẽ là một quà tặng tuyệt vời, một món quà đẹp nhất, một biểu chứng của tình yêu. Thiên Chúa Cha đã ban tặng cho thế gian một biểu chứng của tình yêu bằng việc từ bỏ chính Con Một của mình. Đó chính là một quà tặng, quà tặng tình yêu cao quý nhất, vì sự đau khổ của Ngài chính là sự chuộc tội cho chúng ta.
Chúng ta phải đau khổ với Đức Kitô. Bằng việc này chúng ta sẽ có thể sống, có thể chia sẻ và thông phần với người nghèo.
Hội dòng của chúng tôi một ngày kia có thể không còn nữa nếu các chị em không còn đi theo những nhịp điệu của Chúa Kitô trong những đau khổ của Ngài, và nếu các chị không còn sống trong sự khó nghèo. Sự nghèo khó nghiêm ngặt của chúng tôi chính là sự bảo vệ an toàn của chúng tôi. Chúng tôi không muốn, như những trường hợp của các dòng tu khác trải qua trong lịch sử, đó là ban đầu thì phục vụ người nghèo khó, nhưng dần dần chuyển sang phục vụ những người giàu.
Để hiểu được điều này, và để có thể giúp cho những người đang thiếu thốn mọi sự, chúng ta phải sống nghèo như họ. Sự khác biệt này nằm ở chỗ những người mà chúng tôi giúp đỡ phục vụ là những người nghèo vì số phận phải chịu vậy, nhưng trái lại chúng tôi sống nghèo khó vì chúng tôi đã chọn cho mình như vậy cách tự do.
Những suy nghĩ của tôi thường hướng về các bạn, hỡi những người đang đau khổ, và tôi thường dâng những khó khăn vất vả của các bạn lên Chúa, những đau khổ của các bạn thật lớn lao trong khi những đau khổ của tôi thì thật nhỏ bé.
Hỡi tất cả các bạn, những người đau đau yếu bệnh nạn, khi cơn bệnh trở nên nặng nề và trầm trọng, các bạn hãy tìm nương ẩn nơi Thánh Tâm của Chúa Kitô. Nơi đó, tâm hồn tôi và bạn sẽ tìm thấy sức mạnh và nguồn tình yêu lớn lao.
Các bạn có ước ao chịu đau khổ với một tình yêu mến tinh khiết không? Đó có phải là tình yêu mà Chúa Kitô đã chọn cho bạn không? Hãy trao ban và trao ban nhiều hơn nữa, cho đến khi bạn trao hiến mọi sự.
Tôi cảm thất biết ơn Chúa biết bao vì Ngài đã ban tặng các bạn cho tôi! Tâm hồn tôi được khích lệ bởi ý nghĩ rằng các bạn đang dâng những đau khổ nhọc nhằn, những vết thương nhức nhối của các bạn lên Thiên Chúa vì lợi ích các công việc của chúng tôi. Và điều này khiến tôi cảm thấy dễ mỉm cười hơn khi chạm trán với những khó khăn trong cuộc sống.
Các bạn chịu đau khổ, chúng tôi hoạt động, làm việc. Chúng ta đang cùng nhau dâng lên Thiên Chúa cùng một chén lễ trong hy tế cứu độ của Ngài.
Để nên thánh, chúng ta phải chịu đau khổ nhiều. Đau khổ phát sinh tình yêu mến và sự sống trong tâm hồn.
Như những sứ giả của tình yêu Thiên Chúa, chúng ta phải được đầy tràn tình yêu để hoàn tất và trung thành với danh hiệu của chúng ta! Chúng ta hãy ở lại với Đức Maria bên cạnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh, với chén lễ được làm bởi bốn lời khấn của chúng ta, và được rót đầy với thứ rượu hy sinh của từng mỗi người.
Tất cả những cử điệu, hành động của chúng ta phải nhắm vào việc gia tăng sự hoàn thiện của bản thân và của tha nhân -tận tình chăm sóc người đau yếu và hấp hối, đưa về những trẻ em bị bỏ rơi ngoài đường phố và dạy dỗ chúng, tạo nơi trú ngụ cho những người không nhà cửa. Tận hiến đời mình vì sự hoán cải của người nghèo ngay trong làng xóm đô thị của chúng ta, đó là một nghĩa vụ gian nan, không ngơi nghỉ, cũng không mong chờ kết quả hay một phần thưởng nào.
Với những cộng tác viên đau yếu, Tti cảm thấy vui sướng biết bao khi tưởng nhớ đến các bạn. Mỗi khi công việc gặp khó khăn, tôi rất hay nghĩ về các bạn và thưa với chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin hãy nhìn đến những con cái của Chúa đang chịu nhọc nhằn đau đớn, và chúc phúc cho những công việc của con vì lợi ích của họ.” Và tôi luôn cảm thấy được an ủi. Các bạn thấy không, các bạn là kho tàng giấu ẩn, là sức mạnh bí mật của các tu sĩ Thừa Sai Bác Ái. Cá nhân tôi luôn cảm nghiệm niềm hạnh phúc, một sức mạnh mới mẻ tràn vào tâm hồn khi nghĩ về tất cả những người đang hiệp nhất chung sức với chúng tôi trong đời sống tâm linh. Với sự cộng tác và trợ giúp của các bạn, chúng ta có thể làm được mọi điều tốt đẹp cho Thiên Chúa.
Cách đây không lâu, một luồng gió bác ái bất ngờ đã diễn ra trên khắp nước Bengal. Thức ăn và áo quần đã được chở đến cho đất nước này từ khắp nơi trên thế giới. Những hiện vật này được đưa tới từ các trường học, các trẻ em và tất cả mọi người lớn bé để phân phối cho các nạn nhân trong suốt thời gian bị tai họa gió mùa ở đây. Gió mùa thật là một điều thật tai haị, nhưng nó đã mang lại những điều lớn lao, đẹp đẽ. Nó đã mang về cho con người tấm lòng biết chia sẻ. Nó đã mang lại cho con người sự ý thức quan tâm đến những anh chị em của mình đang đau khổ vì thiên tai. Và rất nhiều người đã quyết định làm điều gì đó để giúp đỡ những người gặp nạn này. Đã có những người chuẩn bị những bữa ăn tại nhà mình và phân phát cho những đang đói. Đây thật là một điều gì đó thật đẹp minh chứng rằng những đau khổ lớn lao như thế cũng có thể mang lại một điều tốt đẹp cho nhiều người.
Q : Làm sao chúng ta có thể tin vào một Thiên Chúa nhân lành khi mà có quá nhiều đau khổ xảy ra chung quanh chúng ta?
MT : Đau khổ tự bản thân không có lợi ích gì, nhưng đau khổ được thông phần chia sẻ in cuộc khổ nạn của Chúa Kitô sẽ là một món quà tuyệt diệu cho cuộc sống con người. Sự tuyệt vời nhất của quà tặng đó là chúng ta được dự phần chia sẻ vào cuộc thương khó của Chúa Kitô.
Q : Sao? Đau khổ là một quà tặng sao?
MT : Phải, đó là dấu chứng của tình yêu bởi vì chính Thiên Chúa Cha đã chọn con đường đau khổ để tỏ cho chúng ta thấy Ngài đã yêu mến thế gian qua việc ban tặng Con Một của mình để chết thay cho chúng ta. Và vì thế, xuyên suốt cuộc sống của Chúa Kitô, đau khổ đã được minh chứng như một quà tặng, một quà tặng vĩ đại của tình yêu, bởi vì qua đau khổ nhục nhằn của Ngài mà tất cả tội lỗi chúng ta đã được xóa bỏ.
Q : Tội lỗi của chúng ta?
MT : Phải, trên tất cả mọi sự, là tội lỗi của chúng ta. Đó chính là lý do tại sao chúng ta phải quay trở về. Nếu chúng ta thừa nhận rằng chúng ta là những tội nhân và chúng ta cần được ơn tha thứ, thì chúng ta sẽ rất dễ dàng tha thứ cho người khác. Nhưng nếu tôi không thừa nhận điều này, tôi khó có thể nói: “Tôi tha thứ cho anh”, cho dù người ấy là ai đi nữa.
Q : Chúng ta nên làm gì khi gặp đau khổ thử thách?
MT : Hãy đón nhận đau khổ với nụ cười tươi.
Q: Đón nhận với nụ cười tươi?
MT : Vâng, đón nhận với nụ cười, bởi vì đó là món quà lớn lao mà Thiên Chúa trao tặng chúng ta.
Để nên thánh, mỗi người phải đau khổ nhiều, và để yêu mến nhiều chúng ta phải chịu đau khổ nhiều hơn nữa. Đau khổ phát sinh tình yêu, nhưng điều đó cũng ích lợi cho chúng ta bởi vì đau khổ làm phát sinh sự sống cho linh hồn. Thật chúng ta phải được tràn đầy tình yêu ấy để xứng đáng với danh hiệu của chúng ta.
“Hỡi các con yêu dấu, hãy đón nhận biểu chứng của vị hôn phu chịu đóng đinh của chúng ta. Hãy đi theo dấu chân Ngài trong việc tìm kiếm các linh hồn. Hãy đưa Ngài và ánh sáng của Ngài vào nhà của người nghèo, nhất là cho những linh hồn đang cần đến lòng thương của Chúa hơn hết. Hãy lan tỏa tình yêu và lòng thương mến của Ngài khắp mọi nơi các con đi tới, và hãy làm giảm vơi cơn khát vô tận của Ngài vì thương yêu các linh hồn.”