Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Slideshow Trang chủ

Slideshow Trang chủ

Thống kê

Chương VII

 

CHƯƠNG VII

 

 

NGÀY LẠI NGÀY

 

        cách đây bảy trăm năm mươi năm, Thánh Richard of Chichester đã viết một lời kinh mà ngày nay nhiều người còn nhớ và đọc. Một bản nhạc cũng đã được sáng tác dựa theo lời kinh này mà suốt bảy thế kỷ qua đã trở nên nổi tiếng, đó là bản “Ngày lại ngày” của nhạc sĩ Godspell.

            Sự hấp dẫn của lời cầu nguyện này phát xuất từ nhịp điệu nhẹ nhàng rất nhẹ nhàng của lời kinh, nhưng cũng hấp dẫn vì sự hiến dâng trọn vẹn cho Chúa Giêsu Kitô từ suy nghĩ “để biết Ngài ngày càng rõ ràng hơn”, tâm hồn “để yêu Ngài ngày càng thắm thiết hơn” và rồi đến hành động “để theo Ngài ngày càng sát cánh hơn”.

            Sự hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa này cũng là dấu hiệu của những lời nói và cuộc đời Mẹ Têrêsa. Hằng ngày Mẹ và các nữ tu của Mẹ hằng tìm kiếm để hiểu biết thâm sâu hơn về Đức Kitô, bởi vì họ theo Ngài trên đường phố để phục vụ những người đau khổ và sau đó họ lại trở về nhà. Họ nhận chìm lời cầu và công việc của họ trong tình yêu.

            Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con cám ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho chúng con, vì tất cả những đau thương và những lời sỉ nhục Chúa đã ban cho chúng con. Ôi, Đấng Cứu Độ đầy lòng thương xót, là người bạn và người anh em chúng con, xin cho chúng con được biết Ngài nhiều hơn, yêu Ngài thắm thiết hơn, và theo Ngài sát hơn nữa, chỉ vì Ngài mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con cám ơn Chúa vì những ơn lành

 Chúa đã ban cho chúng con …

 

“Các con nói Thầy là ai ?” (Mt 16,15)

 

Ngài là Thiên Chúa.

Ngài là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa.

Ngài được sinh ra mà không phải được tạo thành.

Ngài cùng bản thể với Chúa Cha.

Ngài là Con Thiên Chúa Hằng Sống.

Ngài và Chúa Cha là một.

Ngài ở trong Chúa Cha từ nguyên thủy.

Mọi vật đều do bởi Ngài và Chúa Cha mà có.

Ngài là Con yêu dấu làm hài lòng Chúa Cha.

Ngài là Con của Đức Maria, được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần trong lòng Đức Mẹ.

Ngài được sinh ra tại Bethlem.

Ngài được Đức Mẹ bọc trong tã và đặt trong máng bò lừa đầy những cỏ.

Ngài được sưởi ấm bằng hơi thở của con lừa đã chở Đức Mẹ lúc đó đang mang thai Ngài.

Ngài là Con của Bố Giuse, người thợ mộc mà những người dân quê Nazareth biết đến.

Ngài là một người bình thường, không học nhiều, và đã bị những người học thức Is-ra-en kết án tử hình.

 

 

Đối với tôi Chúa Giêsu là ai ?

 

Chúa Giêsu là Ngôi Lời mặc xác phàm.

Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống.

Chúa Giêsu là Nạn Nhận chịu đau khổ trên Thánh giá vì tội lỗi chúng ta.

Chúa Giêsu là hiến lễ được dâng trong Thánh Lễ để đền tội cho cả thế giới và cho tội tôi.

Chúa Giêsu là Lời – để được nói.

Chúa Giêsu là sự thật – để được kể.

Chúa Giêsu là con đường để mọi người đi.

Chúa Giêsu là ánh sáng để được soi chiếu.

Chúa Giêsu là cuộc đời để được sống.

Chúa Giêsu là tình yêu để được yêu.

Chúa Giêsu là niềm vui để được chia sẻ.

Chúa Giêsu là lễ hy sinh để được dâng lên.

Chúa Giêsu là bình an để được trao tặng.

Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống để được ăn.

 

Ngài là người đang đói – cần được cho ăn.

Ngài là người đang khát – cần được cho uống.

Ngài là người trần truồng – cần được cho mặc.

Ngài là người không nhà cửa – cần được đón tiếp.

Ngài là người đau yếu – cần được chữa lành.

Ngài là người cô đơn – cần được yêu thương.

Ngài là người vô dụng – cần được người khác sử dụng.

Ngài là người phong cùi cần được rửa vết thương.

Ngài là kẻ xin ăn – cần được khác mỉm cười.

Ngài là kẻ say rượ - cần được lắng nghe.

Ngài là người bệnh tâm thần – cần được bảo vệ.

Ngài là một trẻ nhỏ - cần được ôm hôn.

Ngài là người mù – cần được dắt qua đường.

Ngài là người câm – cần được lên tiếng.

Ngài là người què – cần có người đi bên cạnh.

Ngài là người nghiện ngập – cần được giúp đỡ.

Ngài là cô gái điếm – cần được cứu khỏi nguy hiểm và được đối xử tốt.

Ngài là một tù nhân – cần được hỏi han và viếng thăm.

Ngài là một người già – cần được chăm sóc.

 

 

Đối với tôi :

Chúa Giê-su là Thiên Chúa của tôi.

Chúa Giê-su là người phối ngẫu của tôi.

Chúa Giê-su là cuộc sống của tôi.

Chúa Giê-su là tình yêu duy nhất của tôi.

Chúa Giê-su là tất cả của tôi trong tất cả mọi sự.

Chúa Giê-su là mọi sự của tôi.

Chúa Giếu, Đấng tôi yêu mến với cả trái tim, với cả hồn xác.

Tôi hiến dâng cho Ngài tất cả, cả những tội lỗi của tôi, và Ngài đã cưới tôi cho chính Ngài với tất cả lòng âu yếm và tình thương mến.

Bây giờ và trọn đời, tôi là vợ của Đấng Lang Quân chịu đóng đinh.

 

  Ngày nay, khi mà mọi thứ đều thay đổi và được đề cập đến, chúng ta hãy quay trở về Na-za-reth. Chúa Giê-su đã đến để cứu độ thế giới, để dạy chúng ta về tình yêu của Chúa Cha. Thật lạ lùng khi Ngài đã sống ba mươi năm tại thế này mà chẳng làm gì, thật phí thời gian! Ngài không tỏ lộ nhân cách của mình, cũng không cho thấy tài năng gì nơi Ngài. Chúng ta biết rằng ở tuổi mười hai, Ngài đã làm sửng sốt những luật sĩ thông thái tại Đền Thờ, là những người được học rất nhiều và rất giỏi. Nhưng khi cha mẹ tìm được Ngài, Ngài đã trở về Na-za-reth và hằng vâng phục cha mẹ mình. Trong hai mươi năm chúng ta không còn nghe nói về Ngài nữa, chính vì thế tất cả mọi người đã thật ngạc nhiên khi thấy Ngài đến giảng dạy giữa những đám đông… Ngài, con trai của một người thợ mộc, chỉ làm những công việc tầm thường tại một xưởng mộc trong suốt ba mươi năm trời!

 

 Nhiều năm trôi qua nhưng tôi không bao giờ quên cô gái trẻ người Pháp một ngày kia đã đến Calcutta.

 

Cô ta có vẻ rất lo lắng. Cô đến làm việc trong Nhà Hấp hối của chúng tôi. Và rồi, sau mười ngày, cô đến gặp tôi.

Cô ấy ôm chầm lấy tôi  và nói : “Con đã tìm thấy Chúa Giêsu !”

Tôi hỏi xem cô ấy đã tìm thấy Chúa Giê-su ở đâu.

“ Ở trong Nhà Hấp Hối.”, Cô trả lời.

“Và con đã làm gì sau khi tìm gặp được Ngài?”

“Con đã đi xưng tôi và rước Mình Thánh Chúa sau mười lăm năm con bỏ Chúa.”

Sau đó, tôi lại nói: “Con còn làm gì nữa?”

‘Con đã gửi điện tín cho bố mẹ để báo cho bố mẹ hay con đã gặp được Chúa Giêsu”.

Tôi nhìn cô ấy và nói: ‘Bây giờ, con hãy quay trở lại và về nhà. Hãy về nhà và đem trao niềm vui, tình yêu và bình an cho bố mẹ con”.

Cô ấy đã trở về nhà, lòng rạng rỡ niềm vui, bởi vì tâm hồn cô đã được đầy tràn niềm vui sướng. Cô ấy đã về nhà, và thật sung sướng biết bao cho gia đình của cô!

 

Tại sao?

Bởi vì cô ấy đã đánh mất sự ngây thơ trong trắng của tuổi trẻ và đã tìm được nó.

 

  Chúng ta hãy bắt đầu đường thánh giá của chúng ta với niềm phấn khởi và vui sướng bởi vì qua việc tiếp rước Chúa Giêsu Thánh Thể chúng ta có Chúa Giêsu ở với chúng ta. Chúng ta có Chúa Giêsu, Bánh Hằng Sống, Đấng ban cho chúng ta cuộc sống và sức mạnh. Niềm vui của Ngài là sức mạnh của chúng ta, và tình yêu của Ngài cũng là sức sống của chúng ta. Không có Ngài chúng ta không thể làm gì được.

 

  Chúng ta hãy trở nên cành nho đích thực và sai trái của cây nho là Đức Kitô, đón nhận Ngài vào cuộc sống của chúng ta theo cách thức Ngài đã trao ban chính Ngài cho chúng ta: như sự thật phải được nói lên, như cuộc đời phải được sống, như ánh sáng phải được chiếu tỏa, như tình yêu phải được bày tỏ, như con đường phải được bước đi, như niềm vui phải được thông truyền, như bình an phải được phản chiếu, như những hy sinh phải được trao tặng trong gia đình của chúng ta, cho những người hàng xóm thân cận nhất của chúng ta, cũng như cho những người ở xa.

 

 

… vì tất cả những đau thương và sỉ nhục Ngài đã gánh chịu thay chúng ta …

 

Chúng ta không chấp nhận sự nghèo khó bởi vì chúng ta bị ép buộc phải nghèo, nhưng bởi vì chúng ta đã lựa chọn trở nên nghèo khó vì tình yêu Đức Kitô; bởi vì Ngài, Đấng vô cùng giàu có, đã trở nên nghèo nàn vì yêu thương chúng ta. Chúng ta đừng thất vọng.

 

Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã chịu chết, Ngài đã trao hiến tất cả, sự sống, máu, tất cả.

Và bây giờ đến lượt con.

 

  Một người chiến binh bình thường thì chiến đấu ở những chỗ thông thường, nhưng một người chiến sĩ thì cố gắng chiến đấu ở gần người chỉ huy của mình để chia sẻ số phận với ông. Đây là sự thật duy nhất, là điều duy nhất quan trọng, vì đó chính là tinh thần của Đức Kitô.

 

 Cứ mỗi lần Chúa Giêsu muốn chứng tỏ tình yêu của Người cho nhân loại chúng ta, thì Ngài lại bị chính con người loại bỏ. Trước ngày sinh của Ngài, cha mẹ Ngài đã hỏi xin một chỗ trọ qua đêm khiêm tốn nhưng đã không có ai giúp đỡ bởi vì cha mẹ Ngài quá nghèo. Chủ quán trọ có lẽ đã nhận thấy Giuse chỉ là một tay thợ mộc nên cho rằng ngài sẽ chẳng đủ tiền để thuê phòng trọ. Vì thế Ngài đã bị từ chối. Nhưng Mẹ Đất đã mở một hang động để tiếp nhận Con Thiên Chúa.

 

Lại nữa, trước biến cố Cứu Chuộc và sự kiện Phục Sinh, Ngài đã bị chính dân của Ngài loại bỏ. Họ đã không muốn Ngài – họ muốn Cê-sa-rê ! Họ đã không muốn Ngài – họ muốn Ba-ra-ba! Và cuối cùng, dường như chính Cha ruột của Ngài cũng không muốn nhìn Ngài bởi vì thân mình Ngài đã phủ đầy những tội lỗi dơ bẩn của chúng ta. Từ tận cung lòng sâu thẳm của Ngài, Ngài đã kêu lên: “Cha ơi, Cha ơi ! Sao Cha bỏ con?”.

 

 Đối với Chúa, ngày hôm qua luôn là ngày hôm nay. Vì thế, trong thế giới hôm nay Chúa Giêsu vẫn đứng đó, thân mang đầy tội lỗi của chúng ta, trong sự cải trang đau khổ nơi anh chị em tôi. Tôi có muốn Ngài không? Nếu chúng ta không cẩn thận, thì chẳng mấy chốc sự phù hoa giàu có của tinh thần thế tục sẽ trở thành một vật cản. Và chúng ta sẽ không có khả năng nhìn thấy Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu đã nói : ‘Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa”.

 

Người ta đã loại bỏ Chúa Giêsu bởi vì sự nghèo khó của Ngài đang đánh vào sự giàu có của họ. Hỡi các chị em, người nghèo của chúng ta có loại trừ chúng ta vì sự giàu có của chúng ta làm tổn thương sự nghèo khó của họ không? Họ có cảm thấy thoải mái với chúng ta vì chúng ta cũng sống nghèo hệt như họ không? Chúng ta có thể nhìn thẳng vào người nghèo và chân thành nói với họ rằng: “Tôi hiểu thế nào là cái nghèo; sự nghèo khó là bạn đường của tôi.” ; “Tôi yêu sự nghèo khó, vì đó là mẹ tôi.” ; “Tôi phục vụ sự khó nghèo vì đó là thầy dạy của tôi.”

 

 Khi mặc khải Thánh Tâm mình cho Thánh nữ Magaret Mary, Chúa Giêsu đã nói đi nói lại điều này: “Hãy yêu mến Thầy như Thầy đã yêu mến con.” – “Không thể được”, Thánh nữ trả lời – “Chỉ có cách mà con có thể làm được điều ấy đó là Chúa lấy đi trái tim con và ban tặng con Trái Tim của Ngài”. Chúng ta cũng hãy thành khẩn xin Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin hãy cho phép con được chia sẻ sự cô đơn của Chúa, nỗi buồn tủi của Chúa vì không được ai yêu thương, không được ai chăm sóc”. Ngày nay, chúng ta hãy làm một điều gì đó để chia sẻ cuộc thương khó của Chúa. Có thể Chúa Giêsu đang xin chúng ta làm một điều gì đó trong một cách thức nào đó, có thể là một điều gì rất nhỏ bé, tầm thường. Và nếu như Ngài không hỏi xin bạn, rất có thể là bởi vì bạn đang nắm giữ cái gì đó thật chặt trong tay bạn. Ngài không bao giờ cưỡng ép bạn phải mở bàn tay ra. Rất có thể Ngài chỉ muốn bạn mỉm cười với ai đó; có thể Ngài muốn bạn nói với ai đó: “Tôi có thể giúp bạn điều gì không ? ” có thể Ngài chỉ muốn bạn giữ đúng giờ; hoặc Ngài muốn bạn từ bỏ một tình bạn không lành mạnh.

 

           Ngày nay,cho dẫu Chúa Giêsu không còn cần phải vác thập giá và đi về phía đồi Can-vê nữa – nhưng trong tôi, trong bạn, và trong giới trẻ của thế giới hôm nay, Ngài vẫn tiếp tục chịu cuộc thương khó của Ngài. Một đứa trẻ, một đứa trẻ đói lả đang cắn chậm rãi từng miếng bánh nhỏ, bởi vì em sợ cơn đói của em vẫn còn mà cái bánh sẽ hết – Đó chính là chặng đầu tiên của đường thánh giá !

 

Ngày nay, những sinh linh nhỏ bé và vô tội đã bị tước mất tình thương mến ngay cả khi các em chưa được sinh ra. Các em đã phải chết bởi vì chúng ta không muốn có thêm một đứa con nữa. Đứa trẻ kia đã phải chịu trần truồng gió lạnh bởi vì chúng ta đã không muốn nó có mặt trên đời này. Chúa Giêsu đã chán ngán những nỗi đau không thể diễn tả thành lời ấy. Đứa trẻ không được sinh ra kia đã chịu đựng điều ấy bởi vì em đã không còn một cơ hội sống sót nào khác. Nhưng tôi, tôi có thể muốn đứa trẻ đó, tôi có thể yêu mến em, chăm sóc cho em. Đứa trẻ này là em trai của tôi, là em gái nhỏ của tôi.

 

Thật tốt nếu chúng ta tập trung vào Thiên Chúa và tự vấn bản thân mình: “Tôi có thực sự yêu mến Chúa Giêsu như thế không? Tôi có chấp nhận niềm vui yêu thương bằng cách chia sẻ cuộc thương khó của Ngài không?”. Bởi vì cho đến tận ngày hôm nay, Chúa Giêsu vẫn đang tìm kiếm một ai đó an ủi và động viên Ngài.

 

 Các bạn nhớ điều gì đã xảy ra trong vườn Giệt-xi-ma-ni: Chúa Giêsu đã mòn mỏi mong đợi được ai đó chia sẻ cơn hấp hối của Ngài. Những điều tương tự như vậy cũng đang xảy ra ngay trong cuộc sống của chúng ta. Ngài có thể chia sẻ nỗi buồn của Ngài cho chúng ta không? Bạn  có ở đó để an ủi Ngài không?

 

Ngài đã đến với bạn trong người đang đói.

Ngài đã đến với bạn trong kẻ trần truồng không áo mặc.

Ngài đã đến với bạn trong người đang cô đơn, không có ai biết đến.

Ngài đến với bạn trong một người nghiện ngập.

Ngài cũng đến với bạn trong một cô gái điếm.

Ngài đến cùng bạn trong người đang ở ngoài đường.

Ngài có thể đang đến với bạn nơi người cha cô đơn, trong người mẹ, người chị, hay người anh em trong chính gia đình bạn.

 

Bạn có sẵn sàng chia sẻ niềm vui thương mến với họ không?

 

 Tôi luôn có cảm tưởng rằng cuộc thương khó của Đức Kitô đang được sống lại ở mọi nơi. Chúng ta có sẵn sàng chia sẻ với Ngài cuộc thương khó này không? Chúng ta có sẵn sàng chia sẻ những đau khổ cực nhọc của mọi người không, không chỉ trong những quốc gia nghèo nàn lạc hậu mà còn ở khắp nơi trên thế giới?

 

Tôi thấy dường như sự nghèo nàn khủng khiếp tại các nước phương Tây thì thật khó để giải quyết. Khi tôi đem những người sắp chết đói ở ngoài đường về nhà và tặng cho họ một chén cơm hay một miếng bánh mì, tôi có thể làm thỏa mãn cơn đói của họ. Nhưng một người bị đánh đập, hay cảm thấy mình vô dụng, không được ai cần đến, hoặc lo sợ bị đẩy ra ngoài xã hội – người này đã trải qua kinh nghiệm của một thứ nghèo đói còn đau thương và sâu đậm hơn nhiều. Phương cách để chữa trị cái nghèo này thì khó tìm hơn. Các Sisters của tôi làm việc giữa những loại người như thế tại các nước phương Tây. Các chị chia sẻ cuộc thương khó của Chúa Kitô ở đó.

 

 Chúng ta hãy nhìn lên và chiêm ngắm thánh giá. Chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy đầu của Ngài hơi cúi xuống để hôn chúng ta. Hãy nhìn đôi bàn tay Ngài. Bàn tay ấy như muốn nói: “Thầy yêu chúng con”. Chúng ta thấy đôi cánh tay Ngài dang rộng trên hai cánh thánh giá như muốn ôm trọn chúng ta vào lòng. Chúng ta thấy Trái Tim Ngài mở rộng để tiếp nhận chúng ta. Đó là thánh giá, cái được tượng trưng cho Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập tự mà hầu hết chúng ta đều có ở trong nhà chúng ta. Mỗi lần chúng ta liếc nhìn lên thánh giá là mỗi lần chúng ta được say yêu Chúa Kitô hơn. Điều đó sẽ giúp chúng ta yêu mến Ngài hơn với một tâm hồn chân thành, tha thiết. Có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của Thiên Chúa đối với từng người chúng ta? Tình yêu của Ngài không phải là tưởng tượng. Đây là tình yêu có thực.

 

Lạy Đấng Cứu Chuộc đầy lòng thương xót, là bạn, là anh của chúng con

Ước gì chúng con được nhận biết Chúa mỗi ngày một hơn …

 

 

Chúng ta phải có, phải sở hữu trước khi chúng ta có thể trao ban. Chúa Giêsu, Đấng mang sứ mạng hiến thân cho người khác cũng phải lớn lên trước hết trong sự nhận biết về Thiên Chúa. Chính Ngài đã được đầy tràn sự hiểu biết ấy.

 

Sự nhận biết sẽ làm cho các bạn trở nên mạnh mẽ. Các bạn hãy yêu Chúa Giêsu  một cách quảng đại. Hãy yêu mến Ngài với lòng tin tưởng, không quay lại, cũng không sợ hãi. Hãy hiến thân trọn vẹn cho Ngài- Ngài sẽ dùng bạn để thực hiện những điều lớn lao với điều kiện là bạn phải tin tưởng vào tình yêu của Ngài hơn là chỉ nghĩ đến những khiếm khuyết nơi bạn. Hãy tin vào Ngài- tin tưởng vào Ngài cách mù quáng và với sự tín thác hoàn toàn bởi vì Ngài là Giêsu. Hãy tin rằng Chúa Giêsu và chỉ một mình Chúa Giêsu là sự sống, là cuộc sống của bạn. Và sự thánh thiện chẳng là gì cả ngoài việc Chúa Giêsu sống gần gũi và mật thiết với bạn; và sau đó đôi tay Ngài sẽ sẵn sàng nắm lấy và ôm lấy bạn. Hãy trao hiến bản thân bạn cách kiên định, trong mọi sự hãy thích nghi bản thân mình theo ý định thánh thiện của Thiên Chúa, được biểu lộ qua các bề trên của bạn.

 

Nếu mỗi ngày chúng ta trung thành và tận tụy chu toàn các bổn phận thiêng liêng của chúng ta, thì dần dần Chúa Giêsu sẽ đưa chúng ta vào mối thân tình với Ngài đến nỗi ngoài các giờ cầu nguyện, chúng ta sẽ không cảm thấy khó khăn gì trong việc luôn ý thức đến sự hiện diện thiêng liêng của Ngài. Nói cách khác, thực hành thường xuyên về việc ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa qua ước nguyện sốt sắng khi làm việc và trong lúc nghỉ ngơi sẽ mang lại cho chúng ta những ân sủng càng phong phú. Chúng ta phải cố gắng và nỗ lực sống một mình với Chúa Giêsu đang ngự trong thánh điện nơi sâu thẳm của cung lòng chúng ta.

 

Từ giây phút một tâm hồn có được ơn nhận biết Thiên Chúa, người đó phải tìm kiếm Ngài. Nếu người đó không tìm kiếm Thiên Chúa thì sẽ bị lầm đường lạc lối, và không đạt được tới chính lộ. Thiên Chúa ban tặng cho tất cả mọi tâm hồn đã được Ngài tạo dựng một cơ hội để gặp được Ngài diện đối diện, để đón nhận Ngài vào cuộc đời của mình, hay là từ chối Ngài.

 

            Mục đích của những cuộc tĩnh tâm là làm tăng thêm sự nhận biết Thiên Chúa và tình yêu thương của Ngài, để thanh tẩy tâm hồn, để hối cải và biến đổi đời sống của chúng ta theo lối sống của Chúa Giêsu Kitô, gương mẫu của chúng ta. Đó chính là thời gian thinh lặng sâu sa, của những lời nguyện cầu sốt sắng hơn, của sự sám hối đặc biệt hơn, và của những hoạt động tinh thần mạnh mẽ hơn. Đó không phải là lúc để nhìn lại phía sau với những thành công và thất bại trong quá khứ cho bằng hướng về tương lai phía trước, với một quyết tâm bắt chước đời sống của Chúa chúng ta một cách quảng đại hơn, tích cực hơn.

 

Chúa Giêsu phải được đem đến, phải được làm cho mọi người biết đến. Chúa Giêsu là câu trả lời duy nhất của chúng ta. Các bạn -những người cộng tác viên- các bạn phải thật sự tự do với chính mình. Nếu các bạn dùng danh “Mẹ Têrêsa” trong công việc, điều đó chỉ bởi vì đó là một phương tiện cho việc phục vụ và yêu mến Chúa Giêsu nơi người nghèo. Tận trong đáy lòng các bạn, các bạn phải xác tín rằng các bạn và tôi là những cộng tác viên của Chúa Kitô. Và như thế, các bạn phải thật gần gũi và thân thiết với Ngài. Các bạn phải chia sẻ với Ngài. Các bạn phải luôn sẵn sàng tùy ý Ngài sử dụng.

 

            Lần cuối cùng chúng tôi có một cuộc gặp gỡ với các cộng tác viên ở Mỹ. Tôi nói với họ : “Mỗi cộng tác viên phải luôn sẵn sàng cho Đức Kitô đến độ Ngài có thể sử dụng chúng ta mà không phải hỏi chúng ta: Thầy có thể…? Thầy không thể…? Con có cho phép Thầy…? … Nói cách khác, Ngài có thể dùng chúng ta mà không cần chúng ta ưng thuận trước.

 

Thật là tốt đẹp và tự do khi chúng ta trao hiến trọn vẹn bản thân ta cho Chúa Giêsu, mỗi người theo cách thức của mình, mỗi người trong hoàn cảnh gia đình của riêng mình.”

 

 

Chúa Kitô đã chọn các bạn để các bạn có thể thi hành chính xác ơn gọi lớn lao và trìu mến này, đó là làm việc như một cộng tác viên. Tại sao lại là các bạn mà không phải là những người khác? Tại sao lại là tôi mà không phải là người khác? Tôi không biết; đó là một mầu nhiệm. Nhưng việc chúng ta được ở và làm việc cùng nhau sẽ giúp chúng ta đào sâu hơn sự nhận thức của chúng ta về Thiên Chúa, và sự nhận biết này sẽ làm chúng ta yêu mến Ngài, và tình yêu ấy sẽ dẫn dắt chúng ta đến việc phục vụ Ngài.

 

Sự đơn sơ mộc mạc trong đời sống chiêm niệm của chúng ta sẽ làm cho chúng ta nhìn thấy Dung Nhan thánh thiện của Thiên Chúa trong mọi sự, trong mọi người, ở mọi nơi, và trong mọi lúc ; và điều đó cũng giúp chúng ta nhìn thấy bàn tay của Ngài trong tất cả những sự việc đang xảy ra, và khiến chúng ta làm tất cả những việc mà chúng ta đang làm -dù chúng ta suy nghĩ, học tập, nói năng, ăn uống, hay nghỉ ngơi -chúng ta làm tất cả những việc đó trong Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu, và cho Chúa Gi-su, dưới ánh nhìn đầy yêu thương của Thiên Chúa Cha, hoàn toàn sẵn sàng, tùy nghi cho Ngài sử dụng trong bất cứ hình thức nào Ngài đến với chúng ta.

 

 Chúa Giêsu, ẩn mình trong những anh em hèn mọn nhất của chúng ta, không chỉ đói khát một miếng bánh mì, nhưng đói khát tình thương mến, đói khát được quan tâm, được biết đến, và được cứu xét.

 

Chúa Giêsu đã nói: “Hãy học nơi Ta”. Trong những giờ suy niệm của chúng ta, chúng ta hãy luôn thưa với Ngài: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy làm cho con nên thánh theo lòng mong ước của Chúa, một vị thánh hiền lành và khiêm nhường”. Chúng ta phải đáp trả trong tinh thần mà Chúa Giêsu muốn chúng ta đáp trả. Bây giờ chúng ta nhận biết Ngài nhiều hơn, qua việc nguyện ngắm, và qua sự học hỏi Phúc Âm, nhưng liệu chúng ta đã thực sự hiểu Ngài trong sự khiêm hạ của Ngài chưa? Sự khiêm hạ này có mời gọi chúng ta không? Có hấp dẫn chúng ta không?

 

 Tôi nhớ một trong các nữ tu của chúng tôi -một người vừa tốt nghiệp đại học. Chị ấy sinh trưởng trong một gia đình khá giả ngoài Ấn Độ.

 

Theo luật của hội dòng chúng tôi, ngay ngày hôm sau khi vừa nhập dòng, những Dự tu phải được gửi đến Nhà dành cho người hấp hối ở Calcutta. Trước khi chị ấy đi, tôi nói với chị ấy: “Con thấy các linh mục trong suốt Thánh lễ, các ngài đã đụng chạm đến Mình Máu Thánh của Chúa Kitô cách âu yếm và thận trọng như thế nào. Con cũng phải làm y như vậy khi con đến Nhà Hấp Hối, bởi vì Chúa Giêsu đang ở đó trong một người tàn tạ đau khổ.”

 

Chị ấy ra đi, và sau ba giờ, chị trở lại. Cô gái vừa xong trường đại học, đã từng nhìn thấy và hiểu biết rất nhiều điều, đã đến phòng tôi với nụ cười thật dễ thương: “Trong ba giờ đồng hồ con đã liên tục được chạm đến thân mình Chúa Kitô”.

 

Và tôi nói: “Con đã làm gì ? Điều gì đã xảy ra ?”

 

Chị trả lời: “Người ta đã chở đến một người đàn ông bị rơi xuống mương và đã nằm ở đó mấy ngày. Người ông đầy dòi bọ, hôi hám và đầy những vết thương. Và mặc dù con cảm thấy thật khó chịu, con đã tắm rửa cho ông ấy, và con biết rằng con đã chạm đến thân mình của Chúa Kitô!”

 

Chị ấy đã biết điều đó!

 

Còn chúng ta, chúng ta có biết điều này không?

Chúng ta có nhận ra Chúa Giêsu dưới hình Bánh không?

Nếu chúng ta nhận ra Ngài trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta sẽ chẳng khó khăn gì để nhận ra Ngài trong sự ẩn giấu của những người nghèo đau khổ, và của những người đang đau khổ trong gia đình của chúng ta, trong chính cộng đoàn của chúng ta.

 

 

yêu Ngài thắm thiết hơn …

 

Hãy yêu mến Chúa Giêsu với tâm hồn rộng lớn. Hãy phục vụ Ngài với niềm vui và trong tinh thần phấn khởi, bỏ sang một bên và quên đi tất cả những gì làm chúng ta nghi ngờ và lo lắng. Hãy sẵn sàng làm tất cả những điều này, hãy cầu nguyện một cách thật dễ thương như trẻ nhỏ, với một ao ước thật sốt sắng là yêu mến Chúa nhiều hơn.

 

 Mẹ nghĩ rằng Mẹ không phải lo sợ vì các con nếu các con đào sâu mỗi ngày một hơn về tình yêu của mình đối với Chúa Kitô. Và rồi các con sẽ luôn trong tâm trạng tốt. Và rồi người ta sẽ vượt mặt các con, nhưng các con sẽ không bị tổn thương, không cảm thấy bị xúc phạm. Lần đầu tiên các con đi ra ngoài, họ có thể bị ném đá các con, có thể. Hãy quay sang lối khác – và cũng hãy để cho họ ném đá các con nếu họ muốn. Điều quan trọng là các con đứng vững, các con cầm chắc và nắm chặt lấy Đức Kitô và Ngài sẽ không để tuột tay các con ra.

 

 Làm sao tôi có thể yêu mến Chúa Giêsu Đấng tôi không nhìn thấy nếu tôi không yêu mến anh chị em tôi và người nghèo là những người tôi thấy được? Nếu không, Thánh Gioan nói: “Bạn là kẻ nói dối.”

 

 Đừng bao giờ bỏ phí những cơ hội trở nên giống Chúa Giêsu. Chúng ta tuyên hứa trước công chúng: “Tôi là hôn thê của Chúa Kitô chịu đóng đinh”. Giống như người nữ trước bàn thờ tuyên bố với mọi người cuộc kết hôn của mình với một người nam, chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng thay đổi tên gọi của chúng ta khi tuyên lời khấn để cho mọi người biết rằng chúng ta đã hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu.

 

Con cái là hoa trái của tình yêu hôn nhân. Thật tuyệt vời ! Thiên Chúa đã phán “Hãy để người nam và người nữ được tạo dựng cho mục đích đó”.

 

 Giáo hội là hiền thê của Chúa Giêsu, và đối với chúng ta những Thừa Sai Bác Ái, hoa trái của sự duy nhất đó đối với Đức Giêsu chính là người ghèo. Như kết quả tình yêu giữa người mẹ và người cha là con cái, cũng vậy hoa trái của mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và tôi là người nghèo.

 

Ngày nay, hãy tự hỏi bản thân các con: “Đâu là kết quả tốt đẹp của lời khấn khiết tịnh của tôi?”

 

Chúa chúng ta thương mến đặc biệt đối với người khiết tịnh. Chính Mẹ Người, Thánh Giuse, và Thánh Gioan -người môn đệ yêu dấu -tất cả đều đã hiến dâng và sống cho đức khiết tịnh. Tại sao tôi lại mơ ước sống khiết tịnh? Tôi muốn sống khiết tịnh bởi vì tôi là hiền thê của Chúa Giêsu Kitô -Con Thiên Chúa hằng sống. Tôi muốn sống khiết tịnh vì việc làm của tôi là một cộng tác viên của Chúa Kitô. Đức khiết tịnh của tôi phải thật trong sạch để lôi kéo những người nhơ uế nhất đến cùng Trái Tim Cực Sạch Chúa Giêsu.

 

Đời sống thiêng liêng của chúng ta là gì? Là sự hiệp nhất yêu thương nên một với Chúa Giêsu, nơi thần tính và nhân tính đã trao hiến trọn vẹn cho kẻ khác. Tất cả những gì Chúa Giêsu đòi hỏi nơi tôi là trao ban bản thân cho Ngài trong tất cả sự tầm thường và nghèo nàn.

 

Mẹ muốn tất cả chúng con hãy lấp đầy tâm hồn mình bằng một tình yêu cao thượng hơn. Các con đừng tượng tượng về tình yêu đó, phải hiện thực và cháy bỏng, phải phi thường. Không, cái chúng ta cần trong tình yêu của chúng ta đó là lòng khao khát yêu mến triền miên với Đấng mà chúng ta thương mến.

 

Tôi không bao giờ quên được một ngày kia ở Ve-ne-zue-la, khi tôi đến thăm một gia đình vừa mới tặng cho chúng tôi một con cừu non. Khi tôi đến đó để cám ơn họ thì tôi phát hiện ra họ có một đứa con tật nguyền thật nặng.

Tôi hỏi người mẹ: “Cháu tên gì? Ở nhà chị gọi cháu là gì?”

Và người mẹ đã trả lời tôi bằng câu nói thật tuyệt: “Chúng con gọi cháu là ‘Thầy dạy của yêu thương’, bởi vì cháu không ngừng dạy chúng con cách thức phải yêu thương như thế nào. Tất cả mọi việc chúng con làm cho cháu chính là cách thức chúng con biểu lộ tình yêu của chúng con đối với Thiên Chúa”.

 

Thật là một tinh thần tuyệt đẹp !