Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

CHIA SẺ

Nguyên Tắc Soạn Lời Nguyện Giáo Dân.

khi soạn lời nguyện giáo dân cần lưu ý những điều sau đây:

 
Nguyên Tắc Soạn Lời Nguyện Giáo Dân.
 
pro5cd4d1d337609449a0d1910cc61d889e.jpg
 
 
Thưa cha, là một giáo dân con thường được giao cho công việc soạn lời nguyện giáo dân trong thánh lễ, nhiều hi con không biết phải soạn như thế nào cho đúng với phụng vụ, cha có thể cho con biết đâu là sự khác nhau giữa lời nguyện giáo dân hay còn được gọi lời nguyện chung của cộng đoàn và lời nguyện của linh mục chủ tế.

 
Trả lời: Theo Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma gọi: "lời nguyện chung" hay "lời nguyện giáo dân" với chỉ dẫn như sau: Trong lời nguyện chung, cũng gọi là lời nguyện giáo dân, một cách nào đó cộng đoàn đáp lại lời Chúa mà họ vừa đón nhận trong đức tin và thực thi chức vụ linh mục nhận được qua bí tích Thanh Tẩy mà dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện cầu xin ơn cứu độ cho mọi người. Thường nên đọc lời nguyện này trong các Thánh lễ có giáo dân tham dự để cầu cho Giáo Hội, cho các nhà cầm quyền, cho những người đang gặp các khó khăn khác nhau, cho hết mọi người và cho toàn thể thế giới được ơn cứu độ (QCTQSLRM, 69).


Quy Chế Sách Lễ dùng từ ngữ "lời nguyện chung, cũng gọi là lời nguyện giáo dân" của "cộng đoàn," để chỉ lời cầu nguyện chung của cộng đoàn chứ không lời nguyện riêng của một cá nhân nào đó.


Giáo Luật phân biệt các tín hữu thuộc hàng giáo sĩ (clericus), là những thừa tác viên có chức thánh, và thuộc hàng giáo dân (laicus), (x.đ.207). Từ ngữ "lời nguyện giáo dân" diễn tả lời nguyện của tất cả các thành viên Giáo Hội, bao gồm cả giáo sĩ và giáo dân, chứ không chỉ dành riêng cho hàng giáo dân được tách biệt khỏi hàng giáo sĩ.


Lời nguyện giáo dân, vì vậy, sẽ không đúng khi cho rằng đó là lời nguyện của một giáo dân. Hoặc của một số giáo dân đại diện cộng đoàn dâng lời cầu nguyện nhưng là lời nguyện của toàn thể cộng đoàn. Trong Thánh Lễ một giáo dân không thể đại diện cộng đoàn dâng lời cầu nguyện. Quyền đại diện này chỉ dành cho linh mục chủ tế. Hiến chế Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Vatican II nêu lên nguyên tắc chung cho việc cử hành phụng vụ như sau: “Linh mục hiện thân Chúa Kitô, chủ tọa cộng đoàn, đọc những lời kinh trực tiếp dâng lên Chúa Cha nhân danh toàn thể dân thánh và mọi người tham dự” (SC. 33).


Ngoài ra cũng nên lưu ý rằng, chủ tế với tư cách đại diện Chúa Giêsu, như tư tế của Người, dâng hiến lễ lên Chúa Cha. Trong khi đó, một giáo dân khi đọc lời nguyện giáo dân, là họ đang thực hiện với tư cách là tư tế cộng đồng, (x.SC,7), do đó, lời nguyện này nên hướng về Chúa Cha chứ không nên hướng về Chúa Giêsu. Càng không nên hướng về Đức Mẹ, hay các Thánh, ngay cả trong những ngày lễ trọng kính các ngài. Thí dụ như trong lời nguyện giáo dân của ngày lễ kính đức Mẹ, chúng ta không nên cầu nguyện rằng: lạy Mẹ Maria…


Trong Thánh lễ, các tín hữu với tư cách là tư tế cộng đồng được tham dự vào hiến lễ của Chúa Giêsu. Theo quy chế tổng quát sách lễ Rôma số 36 thì giáo dân cần tham dự tích cực qua những phần được dành riêng, thuộc về "về toàn thể cộng đoàn đang quy tụ, như những hành động thống hối, việc tuyên xưng đức tin, lời nguyện giáo dân và kinh Lạy Cha."


"Lời nguyện giáo dân như Quy Chế số 36 nói trên xác định, thuộc về toàn thể cộng đoàn, và vì thế, lời nguyện này phải được dâng lên hay đọc lên bởi toàn thể cộng đoàn đang quy tụ chứ không phải của một người hay một xướng viên. Nói cách khác, điều mà một người đọc trong phần cử hành lời nguyện giáo dân này là đọc những "ý nguyện chung" của cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện chứ không phải là đọc những lời "cầu nguyện” cá nhân trực tiếp như linh mục chủ tế.


Thường thì các ý nguyện được đọc từ giảng đài hoặc một nơi khác thích hợp, do phó tế, hoặc một giáo dân. Còn cộng đoàn thì đứng và biểu lộ lời nguyện của mình, hoặc bằng lời kêu cầu chung sau mỗi ý nguyện được xướng lên.


Ở đây chúng ta cần nhận ra sự khác biệt giữa hai sự kêu mời, của linh mục chủ tế và của xướng viên. Linh mục chủ tế, với tư cách là Chúa Kitô dâng hiến lễ, ngài trực tiếp cầu xin lên Chúa Cha và kêu mời giáo dân hiệp ý cầu nguyện với ngài. Giáo dân lúc đó hiệp ý với lời cầu nguyện của linh mục chủ tế. Trong khi đó, xướng viên của lời nguyện giáo dân kêu mời cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện theo một "ý nguyện chung của cộng đoàn” được người đó xướng lên. Sau đó cộng đoàn, với tư cách Tư Tế Cộng Đồng, cùng chung nhau cầu nguyện trực tiếp với Chúa qua lời mời gọi: “Chúng ta cầu xin Chúa.” với lời thưa: “xin chúa nhậm lời chúng con.


Vì vai trò của xướng viên là đọc những "ý nguyện chung” để cộng đoàn hiệp ý cùng cầu nguyện, chứ không phải là những lời "cầu nguyện riêng," cho nên xướng viên nên dùng kiểu mời gọi nhẹ nhàng hơn, nhấn mạnh đến sự hiệp ý chung với nhau như: "…Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện…" hoặc "…Chúng ta hãy cùng hiệp ý cầu nguyện…". Hay “Chúng ta cùng cầu nguyện.”


Hình thức câu văn này biểu lộ lời của xướng viên nói với cộng đoàn, để nêu lên ý tưởng và kêu mời họ hiệp ý chứ không phải là chính vị xướng viên đó cầu nguyện trực tiếp với Chúa Cha. Vì thế nên tránh những từ ngữ biểu lộ lời nói hay cầu nguyện trực tiếp với Chúa như: “…Lạy Chúa…”; “…Xin cho chúng con…”; “…Chúng con cám tạ Chúa.”


Tóm lại, cử hành Thánh Lễ cũng chính là cử hành Hy Tế của Chúa Kitô, và "Chỉ có tư tế đã được truyền chức thành sự là thừa tác viên có thể cử hành bí tích Thánh Thể với tư cách là chính Chúa Kitô" (đ.900#1). Với tư cách là Chúa Kitô, vị chủ tế dâng lời nguyện trực tiếp lên Chúa Cha. Trong Thánh lễ, các phó tế, giáo dân không đủ tư cách để dâng lời cầu nguyện một cách công khai và trực tiếp như một đại diện cho cộng đoàn (x.đ.907).


Vì vậy khi soạn lời nguyện giáo dân cần lưu ý những điều sau đây:


- Lời nguyện giáo dân, phải được soạn với hình thức nêu những ý nguyện cộng đồng chứ không phải với những lời cầu nguyện.


- Xướng viên lời nguyện giáo dân đọc từ giảng đài hoặc một nơi khác thích hợp, là một phó tế, hoặc một ca viên, hoặc một tín hữu giáo dân (x. QCTQSLRM, 71). Một hay hai xướng viên cũng đủ không nên dùng bốn năm người, khiến gây hiểu lầm rằng họ là những đại diện dâng lời cầu nguyện.

 

Lm Nguyễn Văn Tuyết

Tin liên quan