Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

Các Tin Mới

Ghế chủ tọa (P3)

Ghế chủ tọa (P3)

 

3] Những phần chủ sự cử hành từ ghế chủ tọa

Đầu lễ, đang khi cộng đoàn đứng hát Ca Nhập lễ, vị chủ tế đi vào cung thánh. Ngài tiến lên hôn bàn thờ, rồi tùy nghi xông hương thánh giá và chung quanh bàn thờ. Sau đó, tư tế đi đến ghế chủ tọa. Từ ghế chủ tọa, tư tế và giáo dân làm dấu Thánh giá. Rồi vị tư tế hướng về giáo dân, dang tay, dùng một trong các công thức đã soạn sẵn mà chào họ. Sau đó, chính vị tư tế [hay một thừa tác viên khác] nói một vài lời vắn tắt dẫn giáo dân vào thánh lễ ngày hôm ấy. Tiếp theo là Nghi thức Sám hối. Khi luật đòi hỏi thì hát hoặc đọc kinh Vinh Danh sau Nghi thức Thống hối. Tiếp đó, linh mục mời giáo dân cầu nguyện. Mọi người cùng với vị tư tế thinh lặng cầu nguyện trong giây lát. Ðoạn vị tư tế dang tay đọc lời nguyện nhập lễ; đọc xong, giáo dân tung hô: “Amen” (QCSL 123-127).

Vị tư tế ngồi tại ghế chủ tọa trong lúc Lời Chúa được công bố: Bài đọc I, II và Thánh vịnh Đáp ca (QCSL 128-130). Nếu phó tế hiện diện, thầy ngồi gần vị tư tế (QCSL 310), và nếu thầy công bố Tin Mừng thì vị tư tế sẽ chúc lành cho thầy (QCSL 175) đang khi đứng tại ghế chủ tọa.

Theo quy định của QCSL tại các số 131-134 và số 212, nơi chọn lựa đầu tiên để giảng lễ là đứng tại ghế chủ tọa. Giảng lễ tại đây có hai ý nghĩa: i] Thứ nhất, nhấn mạnh đến cương vị của tư tế là thầy dạy, người lãnh đạo và thánh hóa cộng đoàn; ii] Thứ hai, tư tế là đại diện của Đức Giám mục tại giáo xứ. Tại ghế chủ tọa, tư tế thi hành chức năng như vị mục tử của đoàn chiên. Quyền bính này đến từ Đức Giám mục và ghế giám mục là dấu chỉ quyền bính giảng dạy của ngài trong giáo phận.     

Sau khi giảng, chủ tế ngồi tại ghế chủ tọa thinh lặng giây lát (QCSL 66). Nếu có đọc kinh Tin Kính, đang khi đứng tại ghế chủ tọa, tư tế dẫn cộng đoàn vào phần tuyên xưng đức tin. Lời nguyện tín hữu sau kinh Tin Kính cũng được chủ tế điều khiển từ ghế chủ tọa trong khi những ý nguyện được loan báo từ giảng đài hay từ một nơi nào khác thích hợp (QCSL 71). Bằng việc chủ tọa lời nguyện tín hữu từ ghế chủ tọa, tức là những lời dẫn nhập vào lời nguyện tín hữu và lời nguyện kết thúc được thể hiện bởi tư tế, ngài nhấn mạnh đến chức vụ của mình là người hướng dẫn kinh nguyện của cộng đồng. Năng lực thánh hóa này, vị tư tế tiếp nhận từ Đức Giám mục khi vị chủ chăn giáo phận tín nhiệm trao phó các tín hữu trong một giáo xứ cho linh mục chăm sóc.

Khi kết thúc phần lời nguyện tín hữu, chủ tế ngồi tại ghế chủ tọa. Đang khi đó, các thừa tác viên phụng vụ lo chuẩn bị bàn thờ, thu gom của lễ của dân chúng và lễ vật được mang lên cung thánh. Chủ tế hay phó tế đón nhận những lễ vật từ các thành viên của cộng đoàn tại một nơi thích hợp rồi đem chúng lên bàn thờ (QCSL 73).   

Sau phần hiệp lễ, thừa tác viên cất Mình Thánh Chúa và tráng chén, chủ tế có thể trở về ghế chủ tọa, ngồi thinh lặng trong giây lát hay tham gia vào ca hát (QCSL 163-164). Rồi ngài đứng tại ghế chủ tọa để đọc lời nguyện hiệp lễ (QCSL 165).

Cũng đứng tại ghế chủ tọa, tư tế có thể loan báo ngắn gọn tin tức, tiếp theo là lời chào, chúc lành và giải tán dân chúng (QCSL 166-168).

Tóm lại, ngoại trừ kinh Tạ Ơn, tất cả những lời nguyện thuộc chủ tế đều được tư tế đọc tại ghế chủ tọa. Sự nối kết mà dân chúng thấy được giữa vị chủ tế và ghế chủ tọa cung cấp một biểu tượng thống nhất cho kinh nguyện chung. Nếu vị chủ tế đứng tại bàn thờ để cử hành nghi thức đầu lễ, ngài sẽ lôi kéo một cách sai lầm những người tham dự vào Phụng vụ Thánh Thể trước thời gian của phần này. Tương tự như vậy, chủ tế nên đọc lời nguyện hiệp lễ từ ghế chủ tọa hơn là tại bàn thờ bởi vì việc chia sẻ tại bàn thờ đã hoàn tất và chúng ta đang thực hiện một sự dịch chuyển trở về với cuộc sống hằng ngày. Sử dụng ghế chủ tọa như một tiêu điểm vào lúc thích hợp trong thánh lễ là chúng ta tôn trọng hình dáng năng động của phụng vụ và những thay đổi của tiêu đểm diễn ra suốt hành vi nghi thức.1

4] Chỗ ngồi cho thừa tác viên khác và cho cộng đoàn

QCSL xác định rằng chỗ ngồi dành cho các thừa tác viên không chức thánh phải phân biệt cách tỏ tường với ghế dành cho giáo sĩ (QCSL 310). Tuy nhiên, những chỗ ngồi đó phải giúp cho các nhân vật như: giúp lễ, thầy đọc sách, thầy giúp lễ, độc viên, thừa tác viên Thánh Thể hoàn thành chức năng của họ cách dễ dàng (QCSL 310). Giải pháp tốt nhất là dành cho các tác viên giúp lễ chỗ ngồi ở gần lối vào cung thánh, hay nếu có thể, ở hàng ghế dài phía trước mà từ đó họ dễ dàng hỗ trợ cho vị tư tế.  Đối với các tác viên khác như thừa tác viên Thánh Thể, thầy đọc sách, thầy giúp lễ, độc viên, họ nên ngồi cùng với các thành viên của cộng đoàn, họ sẽ tiến lên phía trước để thi hành tác vụ của mình, và trở lại vị trí khi làm xong.

Chỗ ngồi dành cho dân chúng đương nhiên là ở lòng nhà thờ, điều quan trọng là phải làm thế nào để họ có thể tham dự vào cử hành phụng vụ vừa cả bằng con mắt thể xác vừa cả con mắt tâm hồn. Nghĩa là, họ có thể thấy được chủ tế và các thừa tác viên khác khi những người này đang đọc hay điều khiển kinh nguyện. Hơn nữa, họ có thể dễ dàng nghe thấy chủ tế, phó tế, những người đọc Sách Thánh… (QCSL 311). Chỗ ngồi của các tín hữu cũng phải làm sao để họ dễ dàng và thuận tiện hòa vào các tư thế, cử điệu do cử hành phụng vụ đòi hỏi, đặc biệt là trong việc hình thành nên cuộc rước hiệp lễ (QCSL 311).

Một đề nghị đáng được quan tâm là sử dụng phối hợp vừa các ghế dài vừa các ghế đơn trong nhà thờ. Cách thức này làm cho chỗ ngồi dành cho các tín hữu vừa cố định vừa có thể thay đổi và giúp cho các hành động phụng vụ khác nhau được thuận lợi. Cần tránh sắp đặt chỗ ngồi của dân chúng quá xa cung thánh bởi chúng cản trở sự tham dự tích cực của họ vào cử hành phụng vụ (XD 87).  

5] Chỗ ngồi cho ca đoàn và không gian cho các nhạc cụ

Chỗ ngồi cho ca đoàn và không gian cho các nhạc cụ được xác định một cách rõ rệt trong:

QCSL số 312: Phải dựa vào cấu trúc của thánh đường mà xếp chỗ cho ca đoàn, để cho thấy bản chất của ca đoàn là thành phần của cộng đoàn tụ họp và giữ một phận vụ riêng biệt, để ca đoàn dễ dàng thực hiện phận vụ mình, và mọi ca viên thuận lợi tham dự đầy đủ vào Thánh lễ, nghĩa là tham dự bí tích Thánh Thể”. 

QCSL số 313: Còn phong cầm và các nhạc cụ khác đã được chấp thuận cách hợp pháp, thì phải đặt vào chỗ thích hợp, để chúng có thể trợ giúp ca đoàn và giáo dân hát và, nếu độc tấu, thì mọi người có thể nghe tốt được…”.

Như vậy, từ những hướng dẫn này, dù chỗ ngồi cho ca đoàn và các nhạc công khác biệt với những người khác nhưng phải loại trừ những vị trí hay cách sắp xếp nào tách rời nhạc công hay ca viên khỏi phần còn lại của cộng đồng. Vị trí của ca đoàn phải tỏ cho thấy sự hiện diện của họ như là thành phần của cộng đoàn phụng tự (QCSL 294; DX 96).

Không đòi hỏi toàn bộ dân chúng thấy ca đoàn, nhưng nghe thấy họ là một vấn đề chính yếu. Tuy nhiên, đối với người đánh nhịp cộng đồng và các lĩnh xướng viên, cộng đồng tham dự phải thấy được và nghe được họ bởi vì họ là người hướng dẫn phụng tự cho mọi người trong những thời khắc họ đang thực hành âm nhạc và họ phục vụ như là “mối liên kết” thấy được giữa ca đoàn và cộng đồng. Điều này có nghĩa là họ nên ở phía trước cộng đoàn hơn là ở phía sau. Lý tưởng là nếu hát cộng đồng, người ta nên thấy được lĩnh xướng viên hơn là nghe thấy họ bởi vì tiếng hát của lĩnh xướng viên không được lấn át cộng đồng. Ca trưởng và lĩnh xướng viên phải có thể chú ý được vào các hành động phụng vụ đang diễn ra tại bàn thờ, giảng đài, ghế chủ tọa, giếng rửa tội…

Nếu do cấu trúc của nhà thờ, như tại các nhà thờ mới được thiết kế và xây dựng gần đây, các nhạc công và ca viên thường ở gần cung thánh, thì vẫn phải phản ánh được sự thánh thiện của tác vụ âm nhạc; đừng để xảy ra tình trạng quá đông đúc đến độ nhồi nhét, vô tổ chức, hay che khuất và làm lu mờ bất kỳ một thừa tác viên nào khác tại cung thánh; cũng đừng gây chia lòng chia trí cho người khác khi họ hướng về hành động phụng vụ đang diễn ra ở cung thánh (XD 89-90; DX 97). Người xướng thánh vịnh nên ngồi ở vị trí dễ dàng đi tới giảng đài để thi hành nhiệm vụ.

 

Lm Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh Thể SSS

Chữ viết tắt:

QCSL = Quy chế Tổng quát Sách Lễ Roma (2002).

LNGM = Sách Lễ nghi Giám mục (1984).

DX = Dựng xây từ những Viên đá Sống động (2006).

XD = Built on Living Stones (Washington, D.C, 2000).

__________________________________

1 David McNorgan, Preparing the Enviroment for Worship, 33.

 

nguồn : Báo Công giáo và Dân tộc

Tin liên quan