Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

Các Tin Mới

CỘNG ĐOÀN BÊTANIA - MÁI ẤM TÌNH MẸ 1 (Gò Vấp)

Các cô cơ nhỡ được giáo dục nhân bản và hướng nghiệp tùy theo khả năng mỗi người; một số cô đã được các soeurs giúp tham vấn để hòa giải với gia đình, tìm lại được hạnh phúc sum họp.

 

CỘNG ĐOÀN BÊTANIA (MÁI ẤM TÌNH MẸ)

 (hiện diện : cuối năm 1995)

Các cô cơ nhỡ được giáo dục nhân bản và hướng nghiệp tùy theo khả năng mỗi người; một số cô đã được các soeurs giúp tham vấn để hòa giải với gia đình, tìm lại được hạnh phúc sum họp. Cảm nhận mối đồng cảm và yêu thương cũng như được chung sống và chia sẻ các giờ cầu nguyện, một số bà mẹ trẻ đã học giáo lý và xin gia nhập đạo để được làm con cái Chúa cả mẹ và con.
Trung bình, Cộng đoàn Bêtania luôn vui sống với 20 - 25 bà mẹ trẻ và hơn 30 các bé sơ sinh và các cháu nhỏ từ 0 tháng tuổi đến 5 tháng tuổi.

Mẹ Nirmala, Bề trên Tổng quyền dòng TSBA, Sister Lysa,
 Phó Tổng quyền và Sister Leon, Bề trên miền Hong kong,
       thăm Mái Ấm Tình Mẹ tại Gx. Đức Tin, Gò Vấp
                       (dịp tháng 06/2006) 

 

 

 

 

 

 

“Điều gì các con làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của Thầy, là anh em làm cho chính Thầy.” (Mt 25,40)

 

 

     ĐÔI NÉT VỀ MÁI ẤM TÌNH MẸ

 

 Tôi là Maria Martinô Hàn Lệ Thúy – Nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô, thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn. Dòng chúng tôi sống theo Hiến pháp và Linh Đạo của Mẹ Têrêsa thành Calcutta: sống yêu thương và phục vụ những người nghèo nhất trong những người nghèo. Hội dòng có những công tác xã hội:

-         Nhà Tình Thương: nuôi dưỡng các cụ già neo đơn, bị bỏ rơi.

-         Mái ấm Tình Mẹ: nuôi dưỡng, chăm sóc các cô gái cơ nhỡ,

                                              các cháu cô nhi nhỏ (giúp Bảo Vệ Sự Sống).

-         Mở lớp phổ cập giúp các em thiếu nhi nghèo.

-         Chăm sóc những bệnh nhân HIV/AIDS thời kỳ cuối.

 

Hiện tôi đang phụ trách Mái ấm Tình Mẹ ở Gò Vấp- Sài Gòn, với mục đích tránh phá thai, giúp Bảo Vệ Sự Sống. Phương thức thực hiện: tham vấn giúp các em quân bình tâm lý và thể chất, làm việc, học tập, huấn nghệ, giáo dục nhân bản và đời sống thiêng liêng.

          Mái ấm Tình Mẹ không phải là một tổ chức theo cơ chế xã hội, nhưng là một gia đình được xây dựng trên nền tảng của tình yêu: Tình yêu Thiên Chúa và con người. Tôi cảm nghiệm điều ấy. Bởi vì tôi không cùng suy nghĩ, quan điểm, hoàn cảnh hiện tại của các chị em, nhưng tôi có một sự đồng cảm thực sự khi cùng chung sống, nhất là khi các chị em chia sẻ tâm sự quá khứ hay bàn hỏi với chúng tôi những dự kiến trong tương tai.

          Khi nhận phụ trách Mái ấm Tình Mẹ qua Bài Sai của Bề trên Hội dòng, tôi không thể nào mường tượng đến những việc mình phải làm và sẽ làm ngoài những gì đã học nơi lớp Cán Sự Xã Hội qua lý thuyết, các buổi thực tập đề tài do các thầy cô nêu ra. Thực tế, tôi phải lo lắng, giải quyết nhiều vấn đề phức tạp hơn nhiều, và đòi hỏi một sự quân bình tâm lý, cảm xúc, kinh nghiệm bản thân, trường đời … Nhưng một điều tôi luôn tự tin và xác tín đó là ân sủng Chúa – Chúa quan phòng luôn đồng hành với tôi, với Bề trên, các chị em trong cộng đoàn luôn đồng vai sát cánh với tôi trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

          Chúng tôi không dám đặt mình là một người mẹ có trách nhiệm lo cho con cái, vì tuổi đời và khả năng hạn hẹp của chúng tôi, cũng như những giới hạn trong đời sống cộng đoàn tu trì. Nhưng tôi tin tình cảm của những người chị gái có thể bù đắp phần nào nỗi bất hạnh mà các chị em đang gánh chịu. Đó là những tình cảm chân tình mà các cô đang cần trong hoàn cảnh hiện tại, khi mà có muôn ngàn cái “không” đang vây quanh các cô: không người thân, không nhà, không tiền, không miếng cơm manh áo, không trình độ học vấn, không nghề nghiệp v.v…

          Mỗi em một hoàn cảnh. Có người mồ côi cha mẹ từ bé, dượng ghẻ cưỡng hiếp; có người bị ông chủ cưỡng bức; có em thuê phòng ở chung để tiết kiệm tiền; có em muốn sống thử nghiệm; có người bán cà phê ôm, bia ôm, bán thân nuôi miệng …  Khi có thai bị chối bỏ, hất hủi, bị dụ dỗ phá thai để sẽ được cưới hỏi (tại Việt Nam, người ta còn quảng cáo “phá êm dịu”, “phương pháp điều hòa kinh nguyệt” … ) Các đấng nam nhi sau khi  thỏa mãn xác thịt đã “truất ngựa truy phong” biền biệt.

          Khi tìm hiểu nguyên nhân chính: “Tại sao các em phá thai ?” thì thấy có nhiều nguyên nhân. Các em thường lo lắng: “Ai lo cho mình khi sinh nở?”; thời gian có thai chủ nhà không cho ở vì sợ sẽ gặp xúi quẩy; có thai không đi làm được, như vậy sẽ không có tiền gởi về quê cho cha mẹ … Nếu muốn nuôi con mà đồng lương hạn hẹp thì không thể sống nổi tại Sài Gòn; về quê gia đình không chấp nhận … và biết bao bế tắc khác. Các em sẽ không thể nào tự giải quyết nổi nếu không có ai đó dang rộng đôi tay đón nhận, động viên và giúp đỡ các em, cho các em niềm tin vào con người và cuộc sống … Mang tặng cho các em một gia đình thực sự, ít nhất là có chị có em, có ba bữa cơm cùng họp mặt gia đình, vui buồn cùng chia sớt, đó chính là nguyên nhân, mục đích của Mái ấm Tình Mẹ khi được thành lập.

          Sau một thời gian giúp các cô (từ năm 1996)-vì hoàn cảnh khó khăn, trong một không gian chật hẹp (khoảng 200m2), tôi chưa nghĩ đến việc giúp các cô nuôi con. Cô nào muốn nuôi con thì sau khi sinh sẽ đón mẹ và con về lại Mái ấm. Nếu không nuôi thì để con lại Cô nhi viện của nhà nước. Thời gian sau, tôi thấy có tình trạng các cô bị trầm cảm vì nhớ con, hoặc lập gia đình mà không có con … Được sự đồng ý và hướng dẫn của Soeur Tổng Phụ trách Hội dòng, tôi bắt đầu bước thứ hai để giúp các cô có tương lai hơn khi bước ra đời và nuôi con. Chúng tôi thuê nhà và giúp các cô học nghề để có công ăn việc làm ổn định cuộc sống và nuôi con, đồng thời chúng tôi giúp giữ con để các bà mẹ an tâm đi làm, có thể làm tròn vai trò người mẹ.

          Mỗi lần có ai đó hỏi: “Nhà mình đông không ?”, tôi thường trả lời: “Dạ, đủ nhìn nhau”. Tôi nói với các chị em trong nhà: “Nhà mình chật, nhỏ bé, nhưng nồng ấm tình Chúa, tình người”. Vì nhu cầu các bà mẹ nuôi con, các cô mang thai, các cháu cô nhi,các bà mẹ mới sinh, các em cô nhi tuổi đến trường, nên Nhà Dòng đã phải thuê 5 căn nhà mới tạm chỗ ở. Hằng tháng phải chi trả tiền thuê nhà 27 triệu đồng.

          Nạn phá thai không chỉ trong thành phố Sài Gòn mà hầu hết các nơi đều có. Đặc biệt những nơi có nạn di dân, có nhiều công ty, xí nghiệp… . Các công nhân thiếu vắng tình thương, quan tâm, giáo dục của gia đình; trong hoàn cảnh khó khăn đã nảy sinh tình trạng thuê phòng chung, sống thử nghiệm… . Từ tình cảm “yêu cuồng sống vội” kết quả: có “những mầm sống vô thừa nhận”. Với bao bế tắc trong cuộc sống hiện tại, các em chỉ nghĩ đến hai chữ “phá thai”, “tự tử”… v.v.

          Trong chương trình bảo vệ sự sống, Hội dòng đã có những trăn trở, băn khoăn: làm sao để giúp các em thoát khỏi những ý nghĩ tiêu cực đó. Vì thế, Hội dòng đã mở thêm một Mái ấm, địa điểm tại Hưng Phước, Thuận An, Bình Dương với tên thân thương, trìu mến “Mái Ấm Tình Mẹ”. Gần ba năm hoạt động, Mái ấm đã cứu hơn “một trăm cháu bé” được sinh ra an toàn trong vòng tay yêu thương, ấm áp tình mẹ.

Sau thời gian 16 năm thành lập, hai Mái  ấm đã nhận nuôi dưỡng hơn 3.000 cô gái gặp khó khăn. Các cháu bé được sinh ra bình an. Chưa có một biến cố đáng tiếc nào xảy ra cho mẹ và con, cho dù sinh đôi, sinh ba hay sinh thường. Có những trường hợp, sau thời gian tìm hiểu, học giáo lý, đã có những cô đã xin rửa tội cho cả mẹ và con. Nếu lập gia đình với người theo đạo Thiên Chúa, các Soeurs giúp tổ chức lễ cưới tại nhà thờ, các cháu mẹ có đạo sẽ rửa tôi tại nhà thờ Giáo xứ.

          “Hơn ba ngàn cháu, được sinh ra làm người, tôi biết đây là con số rất ít so với tỉ lệ phá thai, kế hoạch hóa gia đình đang được khuyến khích. Mọi việc chúng tôi làm đều trong âm thầm, lặng lẽ để tránh những bước cản về một phương diện, một khía cạnh nào đó trong cuộc sống.

          “Tất cả là hồng ân” ! Vâng, câu nói ấy chúng con chỉ thốt lên trong khoảnh khắc, nhưng được đong đầy và chất chứa biết bao sự tận tâm, tận lực của muôn người. Chúng con rất an tâm trong công việc trên phương diện yêu và được yêu, vì chúng con có một hậu thuẫn rất mạnh là quý Soeurs Bề trên- các chị em trong Hội dòng cùng quý Ân Nhân- luôn dõi bước theo để lo cho chúng con từ tinh thần đến vật chất.

           Năm nay Hội Dòng mở thêm Mái Ấm tại giáo xứ Hữu Bằng, Vĩnh Phúc  thuộc Giáo Phận Bắc Ninh, cách sân bay Nội Bài khoảng 17 km và cách Hà Nội khoảng 20 km

          Chúng con xin chân thành ghi ân, cảm tạ quý Bề trên, quý ân nhân xa gần. Trước đây, công việc của chúng con chỉ có chừng có hạn; nhưng nay, với sự quan tâm, cộng tác và chia sẻ của quý Hội và quý ân nhân, chúng con sẽ có thể mở rộng công việc cho những người đang cần đến, đặc biệt là giúp cho các cô gái gặp khó khăn thể hiện thiên chức làm mẹ của mình và các cháu bé được sinh ra làm người, được sống và sống đúng nhân phẩm của một con người. Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi, Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse luôn đổ tràn hồng ân trên quý vị. Hằng ngày Hội Dòng luôn hiệp ý xin Chúa trả ơn cho tất cả Quí vị đời này và đời sau. Xin Quí Ân Nhân mãi yêu thương những con người bất hạnh bằng sự chia sẻ cộng tác với Hội Dòng để chúng ta làm giảm bớt những tệ nạn, đặc biệt trên quê hương Việt Nam.

 

                                           Gò Vấp ngày 01 tháng 01 năm 2012

 

                                                   Sr. M.Martinô Hàn Lệ Thúy

                                                    Phụ trách Mái ấm Tình Mẹ

 

ĐỊA CHỈ:

Mái Ấm Tình Mẹ 1 :Địa chỉ: 99/1 Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp, Tp. Sàigòn .

                           Tel: 08.6653.9560, 08.3996.6289  Handphone: 0902024815 ( Sr Thúy)

Mái Ấm Hướng Dương: Các em Cô Nhi đi học cấp 1,cấp 2 và cấp 3. tel: 08.6653.9570

Mái Ấm Tình Mẹ 2: 333 Hưng Phước, Hưng Định,  thị xã Thuận An, Bình Dương

                            Tel: 00274.3720.711, 01634847765   ( Sr. Kim Anh)

Nhà Tình Thương Mẹ Têrêsa Calcutta: 666/7 ẤP Tân Tiến, xã Tân Thông Hội, Củ Chi .

                                                         Tel: 08.3790.0157 , 0975383763 (Sr Kim Hoa)

 

 

                               Vài  Tâm sự của những cô gái cơ nhỡ

 

 

  Tâm sự của một cô gái lầm lỡ (nguyên văn của tác giả)

Biết viết, nói gì đây khi hoàn cảnh hiện tại đang diễn ra trước mắt. Ca dao có câu: “Không chồng mà chửa mới ngoan” … và tự an ủi: mình là con gái ngoan.

Thôi thì tôi tự khép kín một quá khứ đau buồn trước khi tôi là thành viên xuất sắc của mái ấm Tình Mẹ - các sơ Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô.

Tự đặt mình là thành viên xuất sắc nhất vì tôi mồ côi cha mẹ từ bé, theo lời khai của bác dưỡng nuôi tôi kể lại.

Bước chân vào mái ấm tôi thật sự bỡ ngỡ, vì trong cuộc sống tôi vẫn còn có niềm tin vào con người – không là giọt máu đào của các sơ dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đang phụ trách mái ấm – nhưng tôi đọc được trong tâm của các sơ: “Chúng ta tất cả là Anh chị em”.

Ở đây tôi được học may – may quần áo cho các cháu vắng cha thiếu mẹ. Nhận hàng về may; những tấm mềm chúng tôi đắp là sản phẩm của chúng tôi, những chị em mới học may, ráp từng miếng vải vụn do các sơ xin về.

Bây giờ tôi đang làm công nhân may – thợ chính – cho một xí nghiệp. Đồng lương không cao nhưng tôi vẫn thấy tự hào: từ một cô gái quê thất học tôi đã biết đọc, viết chữ - và nay còn là một cô công nhân may lành nghề. Nghĩ đến trước nay quá túng quẫn tôi đã từng là “gái …”

Và nhất là tôi có con, con tôi đã được các sơ, các bà mẹ trong mái ấm thương yêu chăm sóc những lúc tôi vắng nhà.

Qua lời chia sẻ của các sơ, chúng tôi đang được Quý Ân nhân chia sẻ giúp đỡ -  từng chén cơm chúng tôi ăn hằng ngày  – Xin Quý Ân nhân hỗ trợ cho chúng tôi tiền thuê nhà, để các Soeurs chia sẻ với chúng tôi để chúng tôi an tâm nuôi con.

Giữa một xã hội trong cuộc sống đầy lo lắng bon chen – vẫn không thiếu vắng những cạm bẫy phong trần … nhưng chúng tôi luôn tự nhủ, lòng dặn thầm: “Mày là mẹ rồi đó !”

Tạ ơn Chúa, tri ân các sơ dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô, tri ân Quý Ân nhân đã chia sẻ với các Soeurs, đã cho đời con có một mái ấm gia đình, có Mẹ có Con. Và nhất là cho con được trở thành con Chúa – là một Kitô hữu. Con sẽ cố gắng sống tốt đạo – sống cuộc sống tốt đẹp của một con người.

                                                   Một người con tội lỗi.

 

 

                                                 Một tâm sự khác "người mẹ tội lỗi "( nguyên văn của tác giả)

 

Ngồi lại đây trong khoảng thời gian này (ngày 02/02/2011) tôi nhớ quá! Nhớ mãi những ngày đen tối ân hận cho những ý nghĩ thoáng qua, và đã có ý nghĩ dứt khoát: “ Phá thai !” khi người yêu tôi giục giã: “Em phá thai xong anh cưới – phá thai anh đưa về chào ba mẹ.”

Tin hay không tin, chấp thuận hay từ chối – thôi thì mình cũng liều một phen. Đến bệnh viện Phụ Sản, vào Phòng Kế Hoạch, tôi khám thai thì đã 22 tuần. Con tôi đã thành hình đầy đủ một con người. Bác sĩ tư vấn: nếu tôi phá sẽ dẫn tới vô sinh sau này – hiện tại tôi giết một mạng người! “Mẹ giết con” : 3 âm từ tôi nghe quá hãi hùng. Tôi quyết định giữ bé lại. Tôi được giới thiệu đến địa chỉ mái ấm Tình Mẹ - do các sơ dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Ki tô phụ trách.

Về đến phòng trọ người tôi yêu đã trả phòng – ra đi không một lời từ giã. Tôi chỉ biết chờ đợi, mong mỏi, biệt vô âm tín. Xài đến đồng tiền cuối cùng, hết tiền đóng thuê phòng trọ - phần vì có thai ở xui xẻo, hai nguyên nhân chính tôi bị chủ nhà đuổi ra khỏi phòng, trong túi không còn tiền đủ để mua một gói mì.

Bụng mang dạ chửa, đói, khát, không nơi nương tựa. Về nhà không có tiền xe – mà cũng không dám. Quê tôi miền trung xứ Huế, rất thành kiến vấn đề này. Ăn mày thì hổ ngươi. Một thoáng xao xuyến: tại mình không nghe lời người yêu “phá thai”. Nhưng kìa con tôi đang đạp và vọng âm thầm nói: “Mẹ ơi cố lên … Mẹ ơi con yêu Mẹ … Mẹ ơi con biết mẹ yêu con … !” Tôi hối hận cho ý nghĩ nông cạn đó.

Và một ngày mòn mỏi, dưới gầm cầu vượt Linh Xuân, đói khát, mệt lả người, tôi không còn biết gì … Mở mắt tôi thấy mình đang nằm trên một chiếc giường trong một căn phòng nhỏ và được chăm sóc, thăm hỏi. Một bát cháo nóng làm ấm lòng tôi. Từng giọt nước mắt âm thầm, lặng lẽ rơi cay đắng … Vài ngày sau tôi hỏi thăm đến mái ấm Tình Mẹ qua địa chỉ bác sĩ tư vấn đưa đến.

Tôi đã sinh một bé gái xinh đẹp, khỏe mạnh. Tôi đã có ý định cho con một gia đình nào đó không có con nuôi dưỡng, hoặc cho vào cô nhi viện của nhà nước. Tôi đã được các sơ tư vấn –nhịp cầu tâm lý tôi phải trải qua trước khi nuôi hoặc cho con. Nhưng trong thời gian có thai tôi không được phép suy nghĩ: “cho con” sợ con tôi tủi thân khi còn trong dạ mẹ.

Dằng co bởi bao suy nghĩ: “cho”-“nuôi” …Nhưng khi nhìn con mũm mĩm, đỏ hỏn trên tay nữ hộ sinh trao qua tay tôi bồng ẵm, nâng niu con trên tay, tôi lặng đi: “Con tôi đây sao?”. Mới ngày nào mẹ đã có suy nghĩ “giết con”, “bỏ con”. Nay thì thôi, khổ sở vất vả đến đâu tôi cũng cố gắng nuôi con.

Thời gian này mái ấm được hội Bác Ái Phanxicô giúp đỡ giàn máy may công nghiệp để chúng tôi học nghề may, vắt sổ …Chúng tôi có công việc làm để có thêm thu nhập thêm tiền sữa cho con. Các Soeurs tan tuy dạy may cho từng người và chính các Soeurs giới thiệu vào công ty may mặc. Các Sơ hoàn toàn thay thế cho người me ruột nơi xa, mà những đứa con không dám cho cha mẹ biết về sự vấp ngã, bởi không thể làm cho cha mẹ đau đớn hơn nữa, khi mà đã quá vất vả nuôi từng đứa con lớn lên trong sự nghèo khó.

Chúng tôi ao ước không phải chỉ bây giờ mà mãi sau này, các sơ và Quí Ân nhân  giúp đỡ. Mái ấm sẽ luôn được tồn tại và phát triển để đón nhận những cô gái một phút lỡ lầm mà khổ sở nếu không có mái ấm.

Thương lắm quý ân nhân ơi! Chúng con đã có suy nghĩ bỏ con, hay đôi lúc muốn tự tử. Mà nay được sinh con, nuôi con, bồng ẵm con trên tay, ôm hôn con những nụ hôn nồng thắm. Sung sướng hạnh phúc lắm!

Con xin tạ ơn Chúa, cám ơn các sơ dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Ki tô, tri ân quý ân nhân luôn cứu giúp chúng con. Chúng con những mảnh đời bất hạnh nhưng con chúng con hạnh phúc, vì được sinh ra làm người, sống như một con người có mẹ có con …

                                                       Người con gái lỡ lầm.


Tin liên quan