Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

Danh mục

Vị trí đúng của chủ tế trong nghi thức đầu lễ

 

VỊ TRÍ CỦA CHỦ TẾ TRONG NGHI THỨC NHẬP LỄ

 

 

 

Hầu hết các tư tế ở Việt Nam có thói quen đứng tại bàn thờ để cử hành nghi thức khai mở Thánh lễ. Trong khi đó, khắp nơi trên thế giới, linh mục hay giám mục chủ tế luôn luôn bắt đầu Thánh lễ từ vị trí ghế chủ tọa. Vậy thực hành nào mới là xác đáng?

TỪ CÔNG ĐỒNG TRENTÔ....

Từ Công đồng Trentô (thế kỷ XVI) cho đến nay (thế kỷ XXI), kể như có hai cuốn Sách lễ Rôma: Sách lễ Đức Piô V và Sách lễ Đức Phaolô VI. Sách lễ Đức Piô V ra đời năm 1570. Còn Sách lễ Đức Phaolô VI ra đời sau Công đồng Vatican II (1962-1965) và đã có 3 ấn bản: Ấn bản mẫu thứ I (1970);[1]Ấn bản mẫu thứ II (1975);[2] Ấn bản mẫu thứ III (2002).

Sách lễ Tridentino quy định rằng vị trí của tư tế khi dâng lễ là chỉ đứng tại bàn thờ (đứng ở giữa bàn thờ hay di chuyển sang bên phải hoặc bên trái bàn thờ) trong suốt Thánh lễ sau khi đọc những lời nguyện tại chân bàn thờ.[3] Bởi thế, thói quen đứng tại bàn thờ ngay từ đầu Thánh lễ như hiện nay, theo cha Dennis C. Smolarski, sj, là do bắt chước thực hành trong Sách lễ 1570. Khi đó, ghế chủ tọa không có một chức năng gì ngoại trừ là nơi cho vị chủ tế ngồi nghe Sách Thánh hay nghỉ ngơi.[4] Năm 1972, vị giáo sư phụng vụ là Johannes H. Emminghaus lý giải rằng: Ghế chủ tế là một điều gì đó mới mẻ trong số các đối tượng trên cung thánh và vẫn chưa được người ta hiểu tường tận lắm. Với sự phát sinh của Thánh lễ tư riêng vào cuối thiên niên kỷ thứ I, vị chủ tế đã luôn luôn đứng tại bàn thờ suốt buổi cử hành Thánh lễ. Thế là chỗ ngồi đặc biệt hay ghế chủ tế biến mất từ đó. Ngày nay, ghế chủ tọa lại trở thành nơi bình thường cho vị chủ tế cử hành nghi thức khai mở và kết thúc Thánh lễ.[5] 

...ĐẾN CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Kể từ sau Công đồng Vatican II, với sự ra đời của Nghi thức Thánh lễ 1969 và Sách lễ Roma của Đức Phao lô VI, Thánh lễ đã có một diện mạo hoàn toàn mới mẻ so với Thánh lễ của Đức Piô V (1570). Một trong những điểm khác biệt chính là vị trí của chủ tế trong cử hành phụng vụ Thánh lễ.

Kể từ Nghi thức Thánh lễ (1969) cho đến Sách lễ Roma ấn bản mới nhất (III) năm 2002, chúng ta nhận ra là đã có một sự trở lại với truyền thống xa xưa hơn như sau:[6] Giảng đài dành để công bố Sách Thánh trong phần Phụng vụ Lời Chúa; Ghế chủ tọa để vị chủ tế cử hành các nghi thức nhập lễ và kết lễ;[7] Bàn thờ là điểm hướng về của cộng đoàn chỉ khi bánh và rượu được mang lên trong phần Phụng vụ Thánh Thể.[8]

Lượt qua tất cả những hướng dẫn của Giáo Hội liên quan đến vị trí của tư tế trong nghi thức nhậplễ, người ta nhận ra một sự nhất quán không thay đổi từ năm 1969 cho đến nay. Đó là khi vị tư tế tiến đến cung thánh, ngài sẽ cúi chào bàn thờ, hôn kính bàn thờ, và sau đó luôn luôn phải về ghế chủ tọađể bắt đầu Thánh lễ.[9] 

Theo Thomas P. Rausch SJ, sau Công đồng Vatican II, mỗi Thánh đường có một cung thánh trong đó đặt ghế chủ tọa, giảng đài và bàn thờ. Đây là ba điểm hướng về (focal points) trong cử hành phụng vụ, để rồi, theo chiều kích "từng chặng" đối với phụng vụ: Ở nghi thức đầu lễ, trọng tâm của hành vi phụng vụ là ghế chủ tọa, vị chủ tế cử hành tại đó và mọi ngưới tham dự hướng về vị trí này;Cộng đoàn sẽ hướng về bục giảng hay giảng đài trong phần phụng vụ Lời Chúa; Tiếp theo, họ hướng về bàn thờ trong phần phụng vụ Thánh Thể; và cuối cùng lại quay hướng về ghế chủ tọa ở phần nghi thức kết lễ.[10]

Khi chú giải Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma (= QCSL)[11] số 50, Joseph Degrocco viết rằng:

Nghi thức nhập lễ được mô tả như là một sự liên tục với việc vị tư tế cử hành nghi thức này từ ghế chủ tọa. Điều quan trọng là vị tư tế phải tôn trọng những vị trí khác nhau là nơi mà các hành động phụng vụ diễn ra. Vì bàn thờ liên kết với việc dâng hiến hy lễ và chia sẻ bàn tiệc thánh cho nên chỉ sử dụng bàn thờ cho những nghi thức liên hệ tới hành động này, không nên cử hành toàn bộ Thánh lễ từ nơi bàn thờ. Vì thế, vị tư tế ở tại ghế chủ tọa trong nghi thức nhập lễ.[12]

Khi chú giải QCSL số 50 và số 124, giáo sư Edward Forley nhấn mạnh rằng nghi thức nhập lễphải diễn ra tại ghế chủ tọa chứ không được tùy chọn đứng tại bàn thờ hay tại giảng đài. Edward Forley nói thêm, có lẽ QCSL nhắm đến việc sửa chữa thực hành sai trái của một số vị chủ tế thường cử hành nghi thức nhập lễ từ bàn thờ. Nơi này vốn chưa trở thành điểm hội tụ (hướng về) của hành động phụng vụ cho đến thời điểm Chuẩn bị Lễ vật.[13]

Chắc chắn chủ tế nên cử hành nghi thức đầu lễ từ ghế chủ tọa hơn là từ bàn thờ hay giảng đài, nhưng cũng có một vài ngoại lệ, chẳng hạn như khi không gian cung thánh Thánh đường hay Nhà nguyện quá nhỏ hẹp hoặc khi sách phụng vụ dự liệu cách khác trong những thời điểm và trường hợp đặc biệt, ví dụ: trong "Thánh lễ chỉ có một người giúp".[14]

Tại Thánh đường chính tòa, khi Đức Giám mục giáo phận chủ tọa buổi cử hành phụng vụ, trong một số phần của nghi lễ, chẳng hạn trong nghi thức đầu lễ, ngài đứng tại ghế Giám mục của mình (cathera).[15] Còn khi một linh mục chủ tế tại đây, ngài không được sử dụng ghế Giám mục chính tòa, nhưng một ghế chủ tọa khác dành cho ngài được định vị ở một nơi khác, tách biệt khỏi ghế Giám mục.[16]

Tưởng cũng nên biết rằng, trong phụng vụ, ghế chủ tọa là dấu hiệu chỉ ra chức vụ của vị tư tế là chủ toạ cộng đoàn và điều khiển kinh nguyện.[17] Ghế chủ tọa không chỉ là một chiếc ghế vật chất hay là một đối tượng vật chất bên trong Thánh đường, mà còn là biểu tượng vừa cho quyền bính của Đức Giám mục, vừa cho mối hiệp thông của Đức Giám mục với Đức Giáo hoàng và các Đức Giám mục khác trên toàn thế giới.[18] Ghế chủ tọa tại mỗi Thánh đường giáo xứ sẽ như đại diện cho quyền giảng dạy của Đức Giám mục khi vị linh mục chủ tế ngồi vào đó. Khi Đức Giám mục viếng thăm giáo xứ và chủ sự buổi cử hành phụng vụ, ngài sẽ ngồi vào ghế chủ tọa xét như là một ghế Giám mục chính tòatạm thời hay là sự nối dài hữu hình ghế Giám mục tại Thánh đường chính tòa của ngài.[19]

LỜI KẾT

Như vậy, toàn bộ cử hành Thánh lễ sau Công đồng Vatican II không còn chỉ diễn ra tại bàn thờ (hay tại chân bàn thờ) nữa mà mỗi thời khắc khác nhau hay những nghi lễ khác nhau, cộng đoàn sẽ chú ý đến hay tập trung hướng tới những vị trí khác nhau: ghế chủ tọa, giảng đài và bàn thờ.[20] Theo hướng dẫn của Giáo Hội, tư tế bắt đầu Thánh lễ ở vị trí ghế chủ tọa. Hoàn toàn không thích hợp nếu vị tư tế bắt đầu Thánh lễ ở vị trí giảng đài hay bàn thờ, vì mỗi nơi được dành cho những mục đích riêng: giảng đài cho bàn tiệc Lời Chúa và bàn thờ cho Bàn tiệc Thánh Thể.[21] Không nên sử dụng bàn thờ vào việc gì trong Thánh lễ từ đầu lễ cho tới lúc chuẩn bị lễ vật. Trái lại, phải để bàn thờ trống không từ đầu lễ, chờ đợi cho tới thời điểm này (chuẩn bị lễ vật), các thừa tác viên mới mang đặt lên trên bàn thờ Sách lễ và những yếu tố phụng vụ khác.[22] Bấy giờ, vị chủ tế mới di chuyển đến bàn thờ để cử hành phần phụng vụ Thánh Thể.[23]

 

 

[1] Nghi thức Thánh lễ  được viết tắt là NTTL.

[2] Hiện nay, Giáo Hội Việt Nam chúng ta vẫn còn sử dụng Sách lễ Rôma theo ấn bản thứ II này (được phiên dịch ra tiếng Việt năm 1992) ngoại trừ phần Nghi thức Thánh lễ thuộc về ấn bản mẫu thứ III (năm 2002) đã được dịch ra tiếng Việt cũng như được Tòa Thánh chuẩn nhận cho dùng trong phụng vụ từ năm 2005

[3] Nguyễn Thế Thủ, Phụng Vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV thánh Giuse, 2001), 39-43.

[4] Xc. Dennis C. Smolaski, sj, Sacred Mysteries: Sacramental Principles and Liturgical Practice (Newyork:  Paulist Press, 1995), 78.

[5] Xc. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist - Essence, Form, Celebration (Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 112.

[6] Xc. Johannes H. Emminghaus, Eucharist - Essence, Form, Celebration, 112; Kevin W. Irwin, Responses to 100 Questions on the Mass (New Jersey : Paulist Press, 1999), 46.

[7] NTTL (1969) các số 2; 110-111.

[8] NTTL (1969) số 17; NTTL (2002) số 21.

[9] NTTL (1969) số 2; QCSL (1970) số 86 NTTL (1975) số 2 QCSL (1975) số 86; QCSL (1975) số 163; NTTL (2002) số 1; QCSL (2000-2002) số 50;QCSL (2000-2002) số 124.

[10] Xc. Thomas P. Rausch SJ, Catholicisim - The Third Millenium (Quezon City: Claretians Publications, 2003) - Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Đức Thông: Đạo Công giáo Thiên niên kỷ thứ III (Nxb Tôn giáo, 2010), 390-391.

[11] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma năm 2002,

[12] Joseph Degrocco, A Pastoral Commentaty on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), 34-35.

[13] Xc. Edward Foley, "The Structure of the Mass, Its Elements and Its Parts", trong Edward Foley (ed), A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Minnesota: A Pueblo, The Liturgical Press, 2007), 140. 237-238.

[14] QCSL (2000) các số 257-259; QCSL (2002) các số 256-258.  

[15] Xc. Nghi lễ Giám mục, số 42 và 47; Sách Các Phép, số 1153.

[16] Xc. Nghi lễ Giám mục, số 47.

[17] Xc. QCSL 310; Sách Các Phép, số 1154.

[18] Xc. Kevin W. Irwin, Responses to 100 Questions on the Mass, 46.

[19] Xc. Giuse Phạm Đình Ái,sss, Nhà Ta là Nhà Cầu nguyện (Nxb Phương đông, 2014), 92-105.

[20] Nhưng đôi khi tại giếng rửa tội hay thậm chí tại cửa Nhà thờ.

[21] Có thể giảng từ ghế chủ tọa như biểu tượng của quyền giảng dạy, nhưng thông thường linh mục tại nhiều nơi vẫn chọn giảng đài để giảng lễ.

[22] NTTL (2002), số 21; QCSL (2002) số 73; 139; 178; 190.

[23] Xc. Edward McNamara, "Where the Priest Should Begin Mass", Rome, 23/06/2009 (ZENIT) trong http://www.ewtn.com/library/Liturgy/zlitur274.HTM.

 

Lm. Giuse Phạm Đình Ái - Dòng Thánh Thể

Tin liên quan