Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

Danh mục

Thời Thơ Ấu Của Mẹ Têrêsa

Khi còn bé, phần lớn trẻ em thường mơ ước sau này lớn lên sẽ trở thành nổi tiếng, được giàu có, hay sẽ là người cứu cả thế giới. Ước mơ duy nhất của Mẹ Teresa là được làm việc giữa những người nghèo, bởi vì khi Mẹ mới chào đời, Mẹ rất yếu ớt và thường đau ốm luôn.

 

Thời Thơ Ấu Của Mẹ Têrêsa

 

 

Thời Thơ Ấu Của Mẹ Têrêsa

Ơn Gọi Trở Thành Tu Sĩ

Ơn Gọi Trong Lòng Ơn Gọi Để

Trở Thành Một Thừa Sai Bác Ái Theo Linh Đạo Của Mẹ

 

2.1         LỜI GIỚI THIỆU :

Khi còn bé, phần lớn trẻ em thường mơ ước sau này lớn lên sẽ trở thành nổi tiếng, được giàu có, hay sẽ là người cứu cả thế  giới. Ước mơ duy nhất của Mẹ Teresa là được làm việc giữa những người nghèo, bởi vì khi Mẹ mới chào đời, Mẹ rất yếu ớt và thường đau ốm luôn. Ở tuổi niên thiếu, mục đích sống của Mẹ đã rất khác với những đứa trẻ khác. Được sinh ra trong một gia đình công giáo đạo đức, Mẹ Teresa đã từng nóng lòng khao khát được tận hiến cho Thiên Chúa trong đời sống tu trì. Chương này gợi nhớ lại thời thơ ấu của Mẹ Teresa, sự giáo dục Mẹ được thụ hưởng, sự nhận thức rõ ràng và lời mời gọi trở thành nữ tu Dòng Đức Bà Loretto, và cảm hứng được sống và làm việc giữa những người nghèo nhất trong những người nghèo. Ngay cả sau khi đã tận hiến cuộc đời để làm nữ tu và nhà giáo, Mẹ vẫn để lòng mình rộng mở trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Một ngày kia,

khi đang đi trên một chuyến lửa đông nghẹt người, Mẹ đã nhận được một linh cảm và đã liều bỏ mọi sự để đi theo tiếng gọi mới này, tiếng gọi mà Mẹ đã mạnh dạn nhận định là “ơn gọi trong lòng ơn gọi”. Để đi theo tiếng gọi này, Mẹ Teresa đã phải đương đầu với rất nhiều khó khăn và hy sinh. Tuy vậy, Mẹ cũng đã mở rộng tâm hồn và theo đuổi đến cùng cảm hứng mà Chúa Thánh Thần đã gieo vào lòng Mẹ, và bỏ lại sau lưng tất cả những gì Mẹ đã từng biết và trải qua. Mặc dầu Mẹ không hề biết rằng Thiên Chúa muốn dùng Mẹ để làm cho Danh Ngài được cả thế giới biết đến. Mẹ đã thực sự hạnh phúc và đã rất sẵn lòng cộng tác .

2.2         THỜI THƠ ẤU CỦA MẸ TERESA

Vị thừa sai sáng chói của tình yêu Chúa sinh ngày 26/8/1910 ở Skopje, Yugoslavia (ngày nay là một phần của nước Cộng Hoà Macedonia). Mẹ là con út trong ba người con của ông Nikôla và bà Drana Bojaxhiu. Cũng giống như tất cả mọi người công giáo đạo đức và tốt lành ngày nay, Mẹ Teresa được rửa tội với tên gọi Gonxha Agnes. Gonxha là tên gọi âu yếm mà gia đình đã đặt cho Mẹ, tên Gonxha có nghĩa là “người con gái đẹp”.[1] Tình yêu thương và sự chăm sóc của gia đình đạo hạnh đã rót vào tâm hồn của Gonxha lòng yêu mến Chúa Kitô trong Phép Thánh Thể, Gonxha đã được chịu Lễ Lần đầu lúc năm tuổi rưỡi. Tiếp tục được giáo dục trong đức tin công giáo, cô đã lãnh nhận Bí tích Thêm Sức vào tháng 11/1916. Từ ngay ngày đầu tiên được rước Mình Thánh Chúa, lòng yêu mến các linh hồn đã chớm nở trong lòng Gonxha. Song, cuộc sống vô tư hạnh phúc của cô đã sớm chấm dứt bởi cái chết đột ngột của người cha lúc cô mới được tám tuổi. Nikôla, người cha của cô, là một thương gia, sinh sống bằng nghề buôn bán và thầu khoán xây dựng. Người ta tin rằng ông đã bị đầu độc và đã chết sau khi chịu một cuộc phẫu thuật.[2] Gia đình Mẹ Teresa bất ngờ rơi vào tình trạng thiếu hụt tài chính hết sức thảm khốc. Nhưng sự gian khổ đã không làm nhụt chí bà mẹ Drana, bà vẫn cố gắng dưỡng nuôi và chăm sóc con cái trong đường lối của Hội thánh. Bà đã bằng lòng làm một người thợ may và đã bắt đầu lại sự nghiệp với một cửa hàng may vá quần áo cho phụ nữ rất khéo léo. Các anh chị của Gonxha lo lắng rằng cửa hàng sẽ không đủ cho việc mưu sinh, nhưng Gonxha Agnes nghĩ rằng có rất nhiều cách để trở nên giàu có. Cô đã trở nên giống tính cách của mẹ mình mỗi ngày một hơn. Khi Gonxha đã lớn, cô bắt đầu đi học tại các trường công lập, nhưng bà Drana, với sự giúp đỡ của vị linh mục quản xứ, đã chắc chắn rằng cô phải được truyền thụ nền giáo dục của đức tin công giáo. Cô đã tham dự Thánh lễ Misa hằng ngày và thường có mặt trong những cuộc hành hương hằng năm đến Đền Đức Mẹ Letnice. Gonxha thường hay nghĩ về bố Nikôla. Ông có vẻ nghiêm khắc nhưng lại có tấm lòng rộng rãi đối với người nghèo. Ông thường sai các con mang tiền và thức ăn cho những người nghèo khổ. Khi còn bé, Gonxha đã từng nghĩ rằng tất cả những thực khách ở chung quanh bàn ăn bữa tối của gia đình toàn là những người bà con thân thuộc. Mãi tới sau này cô mới khám phá ra rằng họ là những người chỉ cần một bữa ăn tươm tất mà thôi. Đức hạnh của bà Drana đã để lại dấu ấn và ảnh hưởng rất lớn trên tính cách cũng như ơn gọi của cô con gái. Gonxha nhớ lại một lần kia, cô đã chuyện gẫu với mẹ rằng: “Mọi người phải nghĩ rằng mẹ là bà thánh đấy !” Bà Drana nhìn cô ngạc nhiên và nói: “Điểm cốt yếu khi làm những việc tốt không phải là để cho mọi người nghĩ tốt về mình.” Mẹ cô luôn đối xử mềm dịu và ôn hoà với những người kém may mắn nhất, chẳng hạn như khi bà nhận nuôi sáu đứa trẻ mồ côi mới mất mẹ. Những năm sau, Gonxha nhận xét rằng gia đình cô tràn ngập niềm vui và tình yêu thương, còn những đứa con thì thật sự hạnh phúc và thoả mãn.[3]

2.3         TIẾNG GỌI CỦA MẸ TERESA

Bà Drana Bojaxhiu thường nghĩ rằng con gái Gonxha Agnes của bà sẽ không ở bên cạnh bà bao lâu. Hoặc là bà sẽ mất cô vì sức khoẻ yếu ớt của cô, hoặc là cô sẽ hiến thân cho Thiên Chúa trong đời tu trì. Bà Drana cũng không ngờ rằng bà đang đoán trước sự thật. Khi Gonxha Agnes lên mười hai tuổi, cô nói với mẹ về ước muốn trở thành nữ tu của mình. Bà Drana nói với cô hãy quên chuyện đó đi. Vô tình, bà  đang cổ vũ ơn gọi tu trì của Gonxha bằng việc nhấn mạnh rằng cô phải tham dự Thánh lễ mỗi ngày và ở nhà thì phải đọc kinh Mân Côi. Tại giáo xứ của Gonxha Agnes, có một vị linh mục Dòng Tên rất sôi nổi, đã giúp Gonxha nhiều trong ơn kêu gọi. Vị linh mục này rất nhiệt thành với sứ mạng thừa sai. Ngài thường hay giảng về chủ đề này, cho xuất bản những cuốn sách nhỏ, mở những cuộc quyên góp cho việc thừa sai và mời các cha thừa sai đến giảng cho giáo dân. Gonxha Agnes đã được huấn luyện thành nữ tu thừa sai. Cô thường suy nghĩ về lời của một vị thừa sai được mời đến giảng: “Mỗi người có một con đường riêng rất đặc biệt để theo đuổi, và mỗi người phải theo đuổi con đường đó.” Một lần nữa, cô lại hỏi ý kiến Mẹ. Lần này, bà Drana đã động viên con gái bằng việc chúc lành cho cô. Bà nhắc nhở con gái: “Hãy phấn đấu để sống cho chỉ một mình Thiên Chúa và cho Chúa Giêsu Kitô, hãy dâng tất cả cho Ngài.” Gonxha Agnes muốn chắc chắn về ơn kêu gọi của mình, cô tìm đến cùng cha giải tội và xin ngài lời khuyên. Vị linh mục quả quyết với cô rằng : “Con sẽ biết điều ấy bằng chính cảm giác của con, nếu những suy nghĩ làm nữ tu và phục vụ Thiên Chúa và mọi người làm cho con hạnh phúc thì ơn kêu gọi của con là xác thực...cho dù con đường mà con sẽ đi có nhiều khó khăn.” Quả thực, con đường trở thành một nữ tu thừa sai thật khó khăn. Cô phải lìa xa mẹ, anh, chị, bạn bè và tất cả những người bà con thân yêu. Vào lúc Gonxha Agnes được mười tám tuổi, cô đã bị thuyết phục rằng Thiên Chúa đang kêu gọi cô trở thành một nữ tu thừa sai để phục vụ cho những người nghèo.[4]

2.4         MẸ TERESA – NỮ TU DÒNG ĐỨC BÀ LORETTO

Vì Gonxha Agnes muốn trở thành một nữ tu thừa sai tại Ấn Độ, nên cô đã xin vào Dòng các Soeurs Đức Bà Loretto vì họ có những thừa sai ở đó. Trước khi đi đến đó, Gonxha phải đến ở cộng đoàn Nhà Mẹ ở Ireland. Sau vài tháng được huấn luyện và chuẩn bị, Gonxha Agnes được nhận vào Nhà Tập ngày 23/5/1929. Giống như tất cả các soeurs đi trước, Gonxha phải chọn cho mình một vị thánh bổn mạng gắn với tên gọi của cô và bỏ đi tên tục ở gia đình. Gonxha chọn Thánh Theresa Hài Đồng Giêsu. Và bởi vì một trong số các soeurs Loretto đã có tên Theresa rồi, nên Gonxha Agnes đã đánh vần tên cô là : “Teresa”. Dưới sự hướng dẫn của Vị Giám tập, Teresa học cách cầu nguyện. Cô phải xưng tội mỗi tuần một lần. Một trong những nhiệm vụ của cô là dạy những trẻ em nghèo vài giờ mỗi ngày. Bên cạnh việc cầu nguyện và dạy học, Teresa phải học Anh ngữ. Ngày 24/3/1931, Teresa tuyên khấn lần đầu với ba lời khấn : Khó nghèo, Khiết tịnh và Vâng phục. Cô phải được huấn luyện thêm sáu năm nữa trước khi tuyên lời khấn trọn đời. Trong khi chờ đợi, Teresa được sai đến Calcutta để học lấy bằng sư phạm. Cô không bao giờ đoán được điều mà cô sẽ chạm trán ở đó.[5]

Trường đại học mà soeur Teresa học thì ở ngoài khuôn viên của tu viện. Trên đường đến trường, cô đã tận mắt mục kích những người nghèo đang sống trong những môi trường thật cùng khốn. Cô cảm thấy bị thúc ép phải làm một cái gì đó cho những người nghèo này ở Calcutta. Ngày Chúa nhật, soeur Teresa thường đi thăm những khu nhà ổ chuột nơi mà mọi người thường gọi Soeur cách âu yếm là “Má”. Tháng 5/1937, soeur Teresa đã tuyên lời khấn vĩnh viễn. Các soeurs Loretto có truyền thống là khi các soeurs tuyên khấn trọn đời thì họ không còn được gọi là “soeur” nữa, mà phải gọi là “mẹ”. Vì vậy, soeur Teresa bắt đầu được gọi là “Mẹ Teresa”. Không lâu sau khi Mẹ Teresa tuyên khấn trọn đời, Mẹ được bổ nhiệm làm bề trên Trường Thánh Maria, một năm sau đó Mẹ làm hiệu trưởng của Trường. Bà Drana, mẹ của Mẹ, đã viết thư chúc mừng Mẹ, bà cũng nhắc Mẹ đừng quên ý định đến Calcutta để làm việc giữa những người nghèo. Những lời nói của người mẹ đã làm dội lại điều mà Mẹ Teresa đã từng cảm thấy. Khi đang đi lang thang trên đường, Mẹ Teresa đã tự hỏi tại sao Mẹ lại dạy những điều tốt đẹp cho những trẻ em giàu có khi mà có rất nhiều trẻ em nghèo cũng đang rất cần được Mẹ dạy dỗ. Ý tưởng đó bắt đầu thành hình trong lòng Mẹ, và tận trong thâm tâm, Mẹ nhận ra rằng Thiên Chúa đã dự định cho Mẹ phục vụ những người cùng khổ nhất trong những người cùng khổ.[6]

 

2.5         ƠN GỌI THỨ HAI CỦA MẸ TERESA - ƠN GỌI TRONG LÒNG ƠN GỌI

Tháng 9/1946, Mẹ Teresa đang đi trên một chiếc chuyến xe lửa về Darjeeling để dự tuần tĩnh tâm hằng năm. Mặc dù chuyến xe đông nghẹt người và rất ồn ào, Mẹ Teresa đã nghe rõ ràng tiếng Chúa nói với Mẹ : “Con phải rời bỏ tu viện để đến sống giữa những người nghèo hầu giúp đỡ họ.” Mẹ Teresa đã xem tiếng gọi như một “linh cảm” này là “ơn gọi trong lòng ơn gọi” của Mẹ. Ngày đó, trong một sự rất mới lạ mà Mẹ Teresa đã không thể giải thích, cơn khát lòng mến và các linh hồn của Chúa Giêsu đã ngự trị trong lòng Mẹ và ước mơ làm thoả mãn cơn khát cho Ngài đã trở thành động lực sống cho cuộc đời của Mẹ. Trong những tháng tiếp theo, bằng những thị kiến, Chúa Giêsu đã mặc khải cho Mẹ thấy lòng khao khát của Thánh Tâm Ngài. Mẹ Teresa cảm thấy bị thúc ép theo lòng mơ ước của Chúa Giêsu là thành lập một cộng đoàn tu sĩ, tên gọi là Thừa Sai Bác Ái, dành cho việc phục vụ và chăm lo cho những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo khổ.

Mẹ Teresa đã thổ lộ tâm tư với Đức Tổng Giám mục Calcutta. Ngài lắng nghe câu chuyện của Mẹ một cách thinh lặng và sau đó ngài và nói với Mẹ Teresa : “Cha muốn giúp đỡ con, nhưng con phải biết rằng Rôma sẽ không cấp phép cho việc thành lập một hội dòng mới nếu đã tồn tại một hội dòng tương tự như vậy.” Đức Tổng còn nói tiếp, “Con đã nghĩ đến việc chuyển sang Hội các Nữ tử Thánh Anna chưa ? Họ cũng làm việc cho người nghèo.” Mẹ Teresa kính cẩn đồng ý với Đức Tổng rằng các soeurs đã làm những công việc rất tuyệt, nhưng Mẹ nói thêm : “Nhưng sau đó thì họ lại trở về với tu viện rất tiện nghi và dễ thương của họ. Con muốn được thực sự sống với người nghèo và chia sẻ cuộc đời với họ.”[7] Không nản chí trước những thách thức và cản trở, Mẹ Teresa tiếp tục cầu nguyện và gởi đơn thỉnh cầu lên Rôma. Thiên Chúa đã không để Mẹ thất vọng và Mẹ đã nhận được Phép sống ngoài tu viện của Đức Thánh Cha Piô XII - mặc dù Mẹ đã không cầu xin điều này.[8] Gần hai năm thử thách và phân định trôi qua trước khi Mẹ Teresa nhận được giấy phép bắt đầu Hội dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ. Ngày 17/8/1948, Mẹ Têresa đã thay bộ tu phục của Dòng Loretto và lần đầu tiên mặc vào bộ sari màu trắng viền xanh, rồi băng qua cánh cổng của tu viện Loretto thân thương, Mẹ bắt đầu đi vào thế giới của những người nghèo. Trong túi xách tay của Mẹ lúc đó chỉ có vỏn vẹn năm rúp-pi, tương đương với một đồng đô-la.[9]

2.6         KẾT LUẬN

Gonxha Agnes đã lớn lên trong một gia đình đạo hạnh đầy yêu thương. Mẹ đã được học để yêu mến và phục vụ Thiên Chúa ngay trong hội thánh đầu tiên là gia đình của Mẹ. Đức tin của Mẹ đã được củng cố, tăng cường nhờ hội thánh tại địa phương là chính giáo xứ của Mẹ. Đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa, Mẹ đã trở thành nữ tu Dòng Loretto. Mẹ nghĩ rằng cuộc đời của Mẹ đã được chọn lựa cách rõ ràng, song lòng Mẹ vẫn luôn rộng mở và sẵn sàng trước sự sắp đặt của Thiên Chúa. Ngay giữa sự ồn ào, hỗn loạn, Thiên Chúa đã gọi Mẹ lần thứ hai. Như Mẹ đã liều bỏ mọi sự lần thứ nhất, Mẹ Teresa đã không ngần ngại liều bỏ mọi sự vì Chúa một lần nữa. Tình yêu và lòng tin tưởng của Mẹ vào Thiên Chúa luôn luôn là sự bảo đảm cho cuộc đời Thừa Sai Bác Ái của Mẹ. Những cản trở và những khó khăn đã theo đuổi Mẹ nhưng chúng đã không làm Mẹ giảm sút lòng tin và lòng mộ mến Thiên Chúa. Chương kế tiếp sẽ phản ánh con đường thiêng liêng của Mẹ, điều đã cho phép Mẹ làm những việc phi thường giữa những người cùng khổ nhất trong những người cùng khổ.

 

 

CHƯƠNG 3

Sự Phát Triển Của Dòng Thừa Sai Bác Ái

Ba Lời Khấn Phúc Âm

Lời Khấn Đặc Biệt Thứ Tư

 

3.1        LỜI GIỚI THIỆU

Giống như đa số các hội dòng, hội dòng của Mẹ Teresa đã khởi sự với một sự bắt đầu rất khiêm tốn. Làm việc như một nữ tu cô đơn, mẹ Teresa đã bắt đầu sứ vụ với việc thăm viếng người nghèo, chăm sóc người đau yếu, lau chùi nhà cửa và giặt giũ quần áo giúp họ. Rồi công việc của Mẹ bắt đầu lan rộng. Những gợn sóng lăn tăn nhẹ nhàng từ những việc bác ái của Mẹ bắt đầu làm thành những làn sóng. Chẳng bao lâu, những làn sóng ấy đã tập hợp sức mạnh để tạo nên con sóng lớn, làm tràn ngập khắp nơi, lôi kéo rất nhiều phụ nữ quảng đại, biết quên mình để làm việc và sống theo tinh thần của Mẹ. Những người tình nguyện - còn trẻ hay đã có tuổi - bắt đầu đến và giúp đỡ các công việc của Mẹ. Trước đó khá lâu, Mẹ Teresa đã có một cộng đoàn đang lớn dần và cần được dạy dỗ và huấn luyện. Chương này sẽ cho thấy Mẹ Teresa đã trung thành theo sự hướng dẫn đã được Giáo hội ban và nói rõ trong Bộ Giáo luật. Các nữ tu của Mẹ khấn giữ ba lời khuyên Phúc âm và thêm vào lời khấn thứ tư để phục vụ cho những người nghèo nhất trong những người nghèo, điều cho thấy sứ mạng tông đồ đặc biệt của Hội dòng.

3.2         BA LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM THEO GIÁO LUẬT

 Trong những buổi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu, Ngài đã dạy và khuyến khích các môn đệ sống những lời khuyên Phúc âm. Giáo hội cũng luôn trung thành động viên con cái mình sống và thực hành những lời khuyên ấy; nhưng những lời khuyên Phúc âm chỉ bắt buộc đối với tất cả những ai sống đời sống tu sĩ và thánh hiến. Giáo lý của Giáo hội Công giáo giải thích xa hơn tại sao những lời khuyên Phúc âm lại bắt buộc đối với những ai đi theo đời sống thánh hiến: “Đức ái hoàn hảo, đối với những giáo dân được kêu gọi, đưa đến cho những ai đã tự do đáp trả lời kêu gọi để sống đời thánh hiến sự bắt buộc thực hành sự khiết tịnh trong đời sống độc thân vì lợi ích nước trời, cũng vậy sự khó nghèo và sự vâng phục.”[10] Luật Giáo hội đã biến những lời khuyên Phúc âm thành sự bắt buộc cho tất cả những tu sĩ phải giữ và thực hành. Luật số 654 nói rõ : “Bằng sự khấn hứa tu trì, các thành viên, bằng lời khấn công, mang lấy nhiệm vụ tuân giữ ba lời khuyên Phúc âm, được hiến dâng cho Thiên Chúa qua sứ mạng của Giáo hội, và được sát nhập vào thể chế quyền lợi và nghĩa vụ đã được định rõ bởi luật.”[11] Luật số 654 đến số 658 của Bộ Giáo luật đã qui định lời khấn của các thành viên thuộc các dòng và tu hội trong Giáo hội Công giáo. Các lời khấn có khuynh hướng theo thời gian: khấn tạm (ngắn hạn) hay khấn trọn (lâu dài hay vĩnh viễn). Dưới thời luật Dòng Benedictine, hầu hết các thầy dòng và các nữ tu khấn vâng phục bề trên. Lời khấn vâng phục có nghĩa là đặt mình dưới quyền của Cha trưởng tu viện hay Mẹ bề trên tu viện; tính bền vững của lời khấn được hiểu là uỷ thác mình cho một tu viện riêng biệt nào đó; và sự đổi chỗ ở bao gồm cả khái niệm của tính bền vững. Trong suốt thế kỷ 12 và 13, các thầy Dòng Anh Em Hèn Mọn và các thầy Dòng Đaminh đã nhấn mạnh đến tính linh động và mềm dẻo của lời khấn bằng việc buông lơi quan điểm của “tính bền vững” và những lời khấn của họ trở thành những lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.[12]

3.3         BA LỜI KHẤN TU SĨ : VÂNG PHỤC, KHIẾT TỊNH VÀ KHÓ NGHÈO

Những lời khấn được tuyên thệ dưới hai hình thức: lời khấn tạm thời và lời khấn vĩnh viễn. Mức độ cao nhất của lời cam kết được minh hoạ nơi những người tuyên thệ lời khấn trọn đời. Cho dù các lời khấn được tuyên thệ cách tạm thời hay vĩnh viễn, thì ba lời khấn Phúc âm vẫn giống nhau, hay nói khác đi, đó là những lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Vâng phục có nghĩa là: “Những người đã tự trói buộc vào các lời khấn tu trì sẽ sẵn lòng phục tùng quyền bính của các bề trên thuộc địa phương họ ở, chẳng hạn như: Bề trên Nhà, Cha Bề trên Tu viện, Mẹ  Bề trên Tu viện, hoặc Đức Giám mục. Trong khi thực thi điều này, họ tích cực noi gương vâng phục của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Vì Chúa Giêsu đã vâng phục cho đến chết, và là cái chết trên thập giá. Vì thế, tất cả những ai đã chọn cho mình cách sống này sẽ vui vẻ đảm nhận những thánh giá dưới sự dìu dắt và điều khiển của những bề trên đã được bổ nhiệm theo luật định.[13] Lời khấn vâng phục là sự qui phục chung nhất cho Thiên Chúa, và là lời hứa tự nguyện của tu sĩ đối với các bề trên của mình, để được họ hướng dẫn trên đường toàn hảo theo mục đích và hiến luật trong dòng hay tu đoàn của mình.

Lời khấn khiết tịnh, trong đời sống tu trì, có nghĩa là, “từ bỏ đời sống hôn nhân và niềm hạnh phúc của đời sống này, vì phần thưởng nước trời. Một người có thể sinh hoa trái, tạo ra những công việc tốt lành theo một cách khác hơn trong đời sống hôn nhân thánh thiện. Tâm trí, thân xác và tâm hồn được thăng hoa và nâng lên khỏi những thú vui và sự sinh sản thể xác, và cởi mở với những giá trị thuộc tinh thần.”[14]

Lời khấn khó nghèo có nghĩa là, “gỡ mình khỏi những của cải vật chất. Tất cả những của cải thuộc sở hữu cá nhân đều phải được từ bỏ và người đó phải học cho biết cách phụ thuộc từ những thức ăn hằng ngày vào vị trưởng cộng đoàn và vào cộng đoàn mà họ đã xin gia nhập. Điều này phản chiếu tấm gương khó nghèo của Chúa Giêsu trong sự phụ thuộc hoàn toàn vào Cha Ngài về tất cả những nhu cầu hằng ngày.”[15] Có hai mối lợi phát sinh từ lời khấn khó nghèo. Lời khấn khó nghèo mang lại cho con người sự luôn luôn sẵn sàng và tự do, và làm cho người đó xích lại gần hơn với những người nghèo nhất trong những người nghèo. Sự trung thành tuân giữ lời khấn khó nghèo tạo nên sự cởi mở cho con người. Nó đánh dấu bản chất của con người, khi làm nên một chỗ trong trái tim dành cho người nghèo và cho những nạn nhân bất hạnh; vì vậy, nó làm cho con người có khả năng đi vào tình liên đới với họ. Mẹ Teresa đã phản ánh điều này xa hơn nữa: “Sự nghèo khó tự nguyện mà các Thừa Sai Bác Ái đã sống là một lời khuyên - một sắc lệnh Giáo hội chỉ ban cho những ai tìm cách sống và bắt chước sự hoàn hảo của Chúa Giêsu. Nhưng mỗi người - Mẹ nói - đã được mời gọi sống với những cái ít hơn để có thể có nhiều mà trao ban.”[16]

3.4         LỜI KHẤN THỨ TƯ CỦA DÒNG THỪA SAI BÁC ÁI ĐỂ PHỤC VỤ NHỮNG NGƯỜI NGHÈO NHẤT TRONG NHỮNG NGƯỜI NGHÈO

Trải qua nhiều thời đại, nhiều dòng tu và hội dòng đã tuyên khấn giữ ba lời khấn căn bản; tuy nhiên, một vài dòng đã thêm vào “lời khấn thứ tư”, cho thấy sứ mạng và quan điểm đặc biệt của dòng đó. Những tu sĩ khấn trọn trong Dòng Tên thường khấn vâng phục Đức Thánh Cha, Đức Giám mục Rôma, để đảm nhận bất cứ một sứ mạng nào đã được đặt để trong sự huấn luyện của Tu viện. Trong những thế kỷ sau này, dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ Teresa sáng lập, là một ví dụ điển hình khác cho điều này. Mẹ và các nữ tu của Mẹ khấn thêm một lời khấn đặc biệt thứ tư: phục vụ cho những người nghèo nhất trong những người nghèo. “Những Thừa Sai Bác Ái chọn sống khó nghèo để giúp đỡ những người nghèo. Vì thế, lời khấn thứ tư mà mỗi thừa sai khấn hứa là hiến dâng cuộc đời trong việc cho đi hết mình và hoàn toàn cho những người nghèo nhất trong những người nghèo.”[17] Vì như các nữ tu Thừa Sai Bác Ái bình luận: “Đối với chúng tôi, điều này thật dễ làm, vì sự cho đi của chúng tôi là hoàn toàn tự nguyện. Chúng tôi sống trong những khu nhà ổ chuột vì chúng tôi ao ước điều đó, còn những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo thì lại bị bắt buộc sống như vậy, và chính khi phục vụ và chăm sóc họ chúng tôi phục vụ và chăm sóc chính Đức Kitô.”[18]

Mẹ Teresa đã soạn thảo rất kỹ lưỡng về lời khấn thứ tư này, sự khó nghèo tình nguyện mà Mẹ và các nữ tu của Mẹ đã sống là một lời khuyên - một sắc lệnh để sống mà Giáo hội chỉ ban cho những ai kiếm tìm để bắt chước sự hoàn thiện nơi Chúa Giêsu. Ngay từ lúc khởi sự, bắt đầu từ Mẹ Teresa, mỗi Thừa Sai Bác Ái chỉ có một bộ sari mà những người nghèo nhất trong những người nghèo ở Calcutta vẫn mặc - bởi vì nó rất rẻ - một đôi dép, ít quần áo lót, một tượng chuộc tội gài trên áo dòng, một cỗ tràng hạt để lần khi cầu nguyện cũng như khi đi đường, một cuốn sách kinh, một cây dù cho mùa mưa, một cái sô dùng lại của thùng đựng vôi để giặt giũ, tắm rửa, và một cái giường hẹp. Thế mà các nữ tu của Mẹ còn bị cấm không được sở hữu một cây quạt nào, bất chấp sự ngột ngạt của cái nóng mùa hè ở Ấn Độ.

Trong sự nghèo khó để phục vụ chăm sóc những người nghèo, các Thừa Sai Bác Ái không chấp nhận được trả công dưới bất cứ hình thức nào. Họ không gây quỹ, mặc dù có rất nhiều người hảo tâm đề nghị với họ. Họ từ chối tất cả sự trợ giúp của chính phủ cũng như của Giáo hội cho những chương trình hoạt động của họ. Trong sự nghèo khó tình nguyện, họ sống từng ngày với tay làm hàm nhai, đi xin những thức ăn và những phương tiện để sinh sống, giống như những nghèo mà họ đang phục vụ. Mẹ Teresa thường cảnh báo các nữ tu của Mẹ: “Hãy đề phòng tiền của và những ước mơ sống thanh thản và tiện nghi, vì điều đó sẽ làm chúng con đổi lòng yêu mến Chúa.” Mẹ nói thêm: “Một người mà nắm giữ tiền bạc thì người đó sẽ mất những mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa... Một khi đã ham muốn tiền của, thì chúng ta cũng sẽ thèm khát những gì mà tiền của đem lại... Những nhu cầu của chúng ta sẽ gia tăng, vì cái này sẽ kéo theo cái khác, và kết quả là không bao giờ chúng ta cảm thấy thoả mãn.”[19] Những Thừa Sai Bác Ái đã sống đức khó nghèo trong sự tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa, chính điều này đã làm cho họ trở nên gắn bó thân mật với Ngài hơn. Như Thánh Phanxicô, họ sống và làm việc nhờ vào lòng quảng đại của người khác. Họ sống điều họ dạy, là họ không sở hữu bất cứ thứ gì nhiều hơn những người nghèo mà họ phục vụ.

Mẹ Teresa đã dạy và nhắc nhở các nữ tu của Mẹ phải trở nên nhân chứng của lòng sám hối. Họ thường nhận lấy tội của người khác và dâng chúng lên như cách thế cùng chịu đau khổ với Đức Kitô. Họ thường chịu đựng những thử thách và đau khổ thay cho người khác. Họ luôn sẵn lòng chấp nhận đau khổ để người khác khỏi phải khổ đau. Mẹ Teresa thường nhắc đi nhắc lại rằng họ phải sẵn sàng lấy chỗ của những người đau khổ, nhận lấy tội lỗi họ và đền thay cho họ.[20] Mẹ còn phân tích rất kỹ lưỡng cho từng nữ tu ý nghĩa của nhu cầu chịu đau khổ với và cho người nghèo, như Đức Kitô đã sẵn lòng chịu đau khổ cho mỗi người chúng ta: “Không có đau khổ, những việc làm của chúng ta chỉ là những công việc bác ái xã hội, rất tốt và rất ích lợi, nhưng nó không phải là công việc của Chúa Giêsu Kitô, và không tham dự vào công cuộc cứu chuộc. Chúa Giêsu đã muốn giúp đỡ chúng ta bằng cách chia sẻ kiếp người của chúng ta, sự cô đơn của chúng ta, sự hấp hối và sự chết của chúng ta. Chỉ bằng cách trở nên một người như chúng ta mà Ngài đã cứu chuộc chúng ta. Chúng ta cũng được phép làm như vậy; tất cả những lẻ loi cô độc của người nghèo - không chỉ là sự nghèo khổ vật chất mà còn cả sự thiếu thốn về tinh thần - đều phải được cứu độ; và chúng ta phải chia sẻ điều đó, vì chỉ bằng cách trở nên một người với người nghèo mà chúng ta mới có thể cứu được họ, nghĩa là mang Thiên Chúa đến trong cuộc đời của họ và đưa họ về với Thiên Chúa.”[21]

3.5         KẾT LUẬN

Dòng Thừa Sai Bác Ái đã bắt đầu khởi sự với một nữ tu mỏng manh, yếu ớt nhưng rất can đảm, đó là Mẹ Teresa. Tình yêu mà Mẹ cảm thấy đối với những người cùng khổ nhất đã được biểu lộ cách cụ thể qua những việc làm đầy yêu thương của Mẹ. Gương sáng bác ái của Mẹ đã thu hút rất nhiều người bắt chước cách sống của Mẹ. Với sự gia tăng nhanh chóng của các thành viên, Hội dòng của Mẹ cần có một cơ cấu tổ chức chặt chẽ và một đường lối chỉ đạo bền vững, hội dòng đã được chuẩn bị bằng những lời khấn hứa theo tinh thần Phúc âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Trong trường hợp Hội dòng của Mẹ Teresa, một lời khấn thứ tư đã được thêm vào, đó là lời khấn hứa phục vụ những người cùng khổ nhất. Lời khấn thứ tư này còn được phép bao lâu nó phản ánh quan niệm và đường lối của Hội dòng. Khi người ta chất vấn về lời khấn thứ tư và công việc bác ái của Mẹ giữa những người nghèo, và phàn nàn rằng Mẹ đã làm hư những người nghèo, Mẹ Teresa đã trả lời đơn giản rằng: “Không đến nỗi tệ quá khi có một hội dòng làm hư người nghèo khi mà những hội dòng khác làm hư người giàu. Tôi thật sự rất cảm kích khi đọc thấy điều này: trước khi giải thích lời Thiên Chúa, trước khi giới thiệu cho dân chúng về Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương xót đám đông vất vưởng và đã cho họ ăn. Chỉ khi đã cho họ ăn xong, Ngài mới bắt đầu dạy dỗ họ.”[22]

Tin liên quan