Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

CHIA SẺ

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA NGÀY 01/11: LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ- Lm. Jos. Ngô Ngọc Khanh OFM

Cuộc đời của các thánh minh chứng rằng có một thứ hạnh phúc vượt trên của cải, hạnh phúc mà không cần ganh đua, tranh giành, hạnh phúc ngay cả trong khổ đau, hạnh phúc vì biết thương người và đem lại bình an cho người khác.

 

 

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA NGÀY 01/11:

LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

(Kh 7,2-4.9-14; 1 Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a)

 

HẠNH PHÚC VIÊN MÃN

 


“Các con hãy vui mừng hân hoan,
vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”.

(Mt 5,12a).

  1. CÁC BÀI ĐỌC

Con người vẫn luôn đi tìm hạnh phúc, nhưng thế nào mới là hạnh phúc viên mãn ? Các bài đọc lời Chúa hôm nay cho chúng ta những góc nhìn khác nhau của hạnh phúc. Hạnh phúc là khi con người được Thiên Chúa ghi dấu ấn thưởng sau một cuộc đời kiên trung trong đức tin (bài đọc 1). Hạnh phúc là khi con người được Thiên Chúa yêu thương, được làm con Thiên Chúa và được đồng thừa kế vinh quang với Đức Giêsu (bài đọc 2). Và hạnh phúc là khi con người dám sống những giá trị cao đẹp của Nước Trời, dù họ xem ra bị thua thiệt trước mặt người đời (bài Tin Mừng).

  1. Bài đọc 1:

Sách Khải Huyền hé lộ mặc khải về ngày cánh chung, ngày mà “các tôi tớ của Thiên Chúa” sẽ được đóng ấn ghi dấu lòng trung thành của họ đối với Thiên Chúa và Con Chiên, Đấng đã chết để cứu độ họ. Các tôi tớ Thiên Chúa này là ai ?

Trước hết, họ thuộc các chi tộc Israel. Con số 144 ngàn người, mỗi chi tộc 12 ngàn người (Kh 7,5-8), là số mang tính biểu tượng cho số lượng đông đảo những người được đóng ấn. Con số đông đảo này không chỉ gồm những ai thuộc mười hai chi tộc Israel mà còn thuộc Giáo hội được đặt nền tảng trên mười hai tông đồ của Con Chiên (x. Kh 21,14). Thật vậy, họ rất đông đảo đến nỗi không thể đếm được, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và ngôn ngữ (Kh 7,9). Tất cả những ai tin tưởng và trung thành với Thiên Chúa và Con Chiên, dù thuộc thành phần nào, ở bất kỳ đâu, không phân biệt ranh giới quốc gia, ngôn ngữ hay chủng tộc, đều được đóng ấn để thuộc về Thiên Chúa trước khi “đất liền, biển cả và cây cối” bị phá hại (Kh 7,2-3).

Thêm nữa, họ mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế (x. Kh 7,9), nghĩa là được ở vào vị thế của những người chiến thắng, vì họ đã trải qua cơn thử thách lớn lao, đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên (x. Kh 7,14). Sau những bách hại, họ đã phải đổ máu để chứng tỏ đức tin và lòng trung kiên (x. Kh 13,7-10). Máu họ hoà lẫn với máu hy tế của Con Chiên, tẩy sạch họ khỏi mọi đau khổ và sự chết, mang lại cho họ nhành thiên tuế chiến thắng. Cuộc chiến thắng của những con người dám đổ máu mình để bày tỏ lòng trung thành với Thiên Chúa thật là oai hùng.

Sau cùng, trong bầu khí trang nghiêm, họ thờ lạy và tung hô Thiên Chúa và Con Chiên (Kh 7,10.12). Đối với họ, chính Thiên Chúa và Con Chiên mới đem lại cho họ ơn cứu độ (x. Kh 7,10). Vì thế, mọi lời chúc tụng và vinh quang, khôn ngoan và tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh đều thuộc về Thiên Chúa cho đến muôn đời (x. Kh 7,12). Thật vậy, dù họ được đóng ấn như những tôi tớ Thiên Chúa, được vinh thắng vì đã hoà máu mình với máu hy tế của Con Chiên là Đức Kitô, nhưng trên tất cả, mọi vinh quang, danh dự và uy quyền đều thuộc về Thiên Chúa, Đấng họ sẽ ca khen chúc tụng cho đến muôn đời.

  1. Bài đọc 2:

Thư thứ nhất Gioan nói đến hạnh phúc của những ai được Thiên Chúa yêu thương. Tình thương lớn lao của Thiên Chúa làm thay đổi số phận của con người.

Trước hết, vì được yêu thương, con người được trở nên con Thiên Chúa. Họ không chỉ “được gọi” là con Thiên Chúa trên danh nghĩa, nhưng thật sự là con Thiên Chúa trên thực chất (x. 1 Ga 3,1). Trong tư cách làm con, con người được gọi Thiên Chúa là “Cha”, được giải thoát khỏi tội lỗi để trở nên những người tự do và có quyền thừa kế, đồng thừa kế với Đức Kitô, nghĩa là được chia sẻ vinh quang với Người (x. Rm 8,14-17).

Sau nữa, vì được yêu thương, con người được đưa vào trong mối tương quan yêu thương của Chúa Cha và Chúa Con (x. Ga 14,20-23; 1 Ga 4,16), trong đó con người được yêu thương và học biết yêu thương. Khi biết yêu thương, con người trở nên giống Thiên Chúa là tình yêu (x. 1 Ga 4,8.16), nên giống Đức Kitô khi được chia sẻ vinh quang với Người trong ngày Người quang lâm. Đó là niềm hy vọng của các Kitô hữu, và cũng là động lực thúc đẩy họ sống thanh sạch theo gương Đức Kitô là Đấng thanh sạch (x. 1 Ga 3,3).

  1. Bài Tin Mừng:

Bài Tin Mừng cho thấy những mối phúc ngược đời nhưng lại là bảo đảm cho hạnh phúc đích thật, bền vững cho những ai dám chọn sống theo các đòi hỏi của Nước Trời.

Phúc thật không hệ tại ở của cải vật chất. Cái phúc của một tâm hồn nghèo khó nằm ở chỗ nhận mình hoàn toàn lệ thuộc nơi Thiên Chúa và phó thác trọn vẹn cho Ngài. Phúc thật là khi người ta sống trong mối tương quan hài hoà với Thiên Chúa và tha nhân, mà hiền lành là phẩm chất của một cuộc sống hài hoà như thế: không ganh đua, tranh giành, cãi cọ, nhưng biết đặt sự tín thác nơi sự công minh và thành tín của Thiên Chúa.

Phúc thật là lúc người ta vẫn được khích lệ, ủi an, cảm thông và thấu hiểu, dù cuộc đời có thể làm cho người ta khổ đau. Khổ đau không phải là cái phúc, nhưng phúc là được ủi an ngay trong đau khổ. Phúc thật là lúc người ta dám khát khao theo đuổi một lối sống phù hợp với những tiêu chuẩn của Thiên Chúa: biết sống xót thương thay vì thù hận; sống trong sạch, ngay thẳng thay vì gian dối lọc lừa; biết xây dựng hòa bình thay cho ghét ghen thù oán.

Sống những giá trị của Tin Mừng là dám chấp nhận chịu thiệt thòi, ngay cả đến mạng sống, nhưng đó lại là mối phúc của một cuộc sống hiên ngang, uy dũng và thanh thản của những người dám sống theo lý tưởng và tiêu chuẩn của Nước Trời. Họ có thể phải chịu đau khổ, bị bách hại, sỉ vả, vu khống trong hiện tại, nhưng Nước Trời là bảo đảm cho tương lai của họ, nơi họ sẽ được diện kiến Thiên Chúa và được Người ân thưởng.

Các mối phúc thật là lời loan báo một hạnh phúc tròn đầy, là niềm vui khôn tả và phần thưởng lớn lao cho tâm hồn con người. Niềm hạnh phúc này không mau qua chóng hết vì nó phát xuất từ chính Thiên Chúa. Mọi mệt mỏi và chán chường sẽ qua đi; mọi cay đắng và đau thương sẽ không còn; mọi âu lo và thất vọng sẽ tan biến; chỉ còn niềm vui tràn đầy và hạnh phúc vô bờ dành cho những ai đặt trọn niềm tín thác nơi Thiên Chúa là cội nguồn của mọi hạnh phúc đích thật và viên mãn.

 

  1. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Các thánh là những người được Thiên Chúa ân thưởng sau khi đã sống trung tín cho đến cùng, bất chấp việc họ phải đổ máu ra để minh chứng cho đức tin của mình. Các ngài có thể là bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu, thuộc bất cứ dân tộc hay quốc gia nào, trong đó chắc hẳn bao gồm cả cha ông chúng ta. Hạnh phúc của các ngài giờ đây là được ca tụng Thiên Chúa đến muôn đời. Các ngài vẫn đang chờ đợi chúng ta là con cháu, biết sống trung tín trong từng chọn lựa đời mình, để không hổ thẹn khi ra trước mặt Thiên Chúa.

2/ Các thánh là những người đã cảm nghiệm được tình thương mà Thiên Chúa dành cho các ngài. Tình thương đó thôi thúc các ngài sống xứng đáng với tư cách được làm con Thiên Chúa, sống thanh sạch theo gương mẫu Đức Kitô. Giờ đây các ngài sống trong hạnh phúc vì được chia sẻ vinh quang với Đức Giêsu. Cảm nghiệm mình được Thiên Chúa yêu thương là điều kiện cơ bản để các kitô hữu tìm được hạnh phúc viên mãn nơi Đấng đã vì yêu thương nhân loại mà sai con mình đến sống với nhân loại và chết cho nhân loại.

3/ Các thánh là những người đã sống các mối phúc thật, nên dù trước mặt người đời, các ngài chịu muôn vàn thiệt thòi, nhưng đó lại là chọn lựa đem lại cho các ngài hạnh phúc viên mãn. Cuộc đời của các thánh minh chứng rằng có một thứ hạnh phúc vượt trên của cải, hạnh phúc mà không cần ganh đua, tranh giành, hạnh phúc ngay cả trong khổ đau, hạnh phúc vì biết thương người và đem lại bình an cho người khác. Hạnh phúc vì sống ngay chính và dám chết cho lý tưởng Nước Trời. Hạnh phúc viên mãn đó không hệ tại ở sự nỗ lực tìm kiếm từ phía con người, nhưng ở sự tín thác, cậy trông vào Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của hạnh phúc đích thật và viên mãn.

Tin liên quan