Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

CHIA SẺ

Ngày 17/10: Thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-ki-a - Giám mục, Tử đạo

 

Lễ nhớ buộc

12699 St. Inhaxio Antiokia

I. Ghi nhận lịch sử - phụng vụ

Thánh Ignatiô thành Antiochia chịu tử đạo tại Rôma trong cuộc bách đạo của hoàng đế Trajanô: Ngài bị ném cho thú dữ trong hí trường của thành phố. Lễ nhớ ngài được cử hành vào ngày 17 tháng 10 tại Antiochia, do lịch Nicomeđia ấn định (khoảng năm 360). Giáo Hội Syria cũng mừng lễ kính vào ngày này. Chính Giáo Hội này cũng đã tôn kính mộ của ngài ở cổng thành Antiochia, là nơi mà theo chứng từ của thánh Hiêrônimô, hài cốt của thánh tử đạo được di dời và chôn cất trong nghĩa trang ngoài cổng Daphnê. Các Giáo Hội Byzantin thì mừng lễ thánh Ignatiô ngày 20 tháng 12, ngày giả thiết có cuộc di dời hài cốt ngài.

Thánh Ignatiô thành Antiochia, cũng gọi là Theophorus (người mang Thiên Chúa), như chính ngài tự xưng danh trong các lá thư, là người kế vị thứ hai của thánh Phêrô trên ngai giám mục Antiochia, thành phố chính lâu đời nhất của Kitô giáo. Chính tại thành phố thuộc quyền tổng trấn Syria này, các người theo Chúa Kitô lần đầu tiên nhận tên gọi là Kitô hữu.

Trong một đợt bách đạo, dưới thời hoàng đế Trajanô (98-117), giám mục Ignatiô bị bắt, kết án tử hình và dẫn tới Rôma để ném cho thú dữ ăn thịt trong hí trường thành phố. Được dẫn đi dưới sự hộ tống của mười tên lính mà ngài gọi là “hổ báo”, ngài đi qua Tiểu Á, đến Philadelphia, Lyđia, rồi Sardes, trước khi tới Smyrna, tại đây ngài được thánh Pôlycarpe tiếp rước. Từ thành phố này, ngài viết thư gửi đi nhiều cộng đoàn Kitô hữu khác nhau khi các cộng đoàn này gửi phái đoàn tới viếng ngài: Êphêsô, Magnésie và Tralles. Ngài cũng viết thư cho Giáo Hội Rôma “là Giáo Hội trông coi việc bác ái, đã đón nhận luật Chúa Kitô và danh thánh Chúa Cha . . .” Đây là lá thư duy nhất đề ngày tháng, “ngày mồng chín trước ngày sóc tháng chín”, tức là ngày 24 tháng 9. Ngài nài xin các tín hữu Rôma đừng cướp mất cuộc tử đạo mà ngài hằng khao khát. Ngài viết: “Anh em đừng cung cấp thêm điều gì cho tôi, trừ ân huệ được hiến dâng làm hy tế cho Thiên Chúa. Hãy chỉ cầu xin cho tôi được sức mạnh tâm hồn và thể xác mà thôi.”

Theo chứng từ của giám mục Eusèbe, từ Troas thánh Ignatiô còn viết ba thư nữa: cho Giáo Hội Philadelphie, Giáo Hội Smyrna, và thư riêng cho giám mục Polycarpe, giám mục của cùng thành phố này. Sau đó ngài lên tàu đi Néapolis (Macédoine), đi tiếp qua Philippes và băng qua Macédoine qua ngả via Egnatia trước khi lại tiếp tục lên tàu đi Dyrrachiurn (Durazzo), trên biển Adriatique, để đến nước Ý. Theo thánh Irênê (khoảng 180) và Origène (khoảng 235), “ngài bị ném cho thú dữ ăn thịt, tại Rôma, trong cuộc bách đạo”.

II. Thông điệp và tính thời sự

Các bản văn phụng vụ riêng của lễ nhớ thánh Ignatiô được lấy từ những lá thư của ngài mà người ta có thể đánh giá như là bản dẫn nhập hay nhất về lịch sử Hội Thánh vào đầu thế kỷ II. Đặc biệt hai đề tài xuất hiện trong những thư của vị thánh giám mục Antiochia: a) sự duy nhất của Hội Thánh; b) mầu nhiệm Đức Kitô Thiên Chúa thật và người thật, “sự sống đời đời”, và mẫu mực của người tín hữu: “Anh em đừng làm gì mà không có giám mục . . . hãy yêu mến sự hiệp nhất, tránh chia rẽ, và hãy bắt chước Chúa Giêsu Kitô, như chính Người bắt chước Cha Người” (Thư gửi tín hữu Philadelphia VII, 2).

Lời Nguyện của ngày, Hội Thánh được gọi là “Thân Mình” mầu nhiệm Chúa Kitô, hợp với giáo lý của thánh Ignatiô – lý thuyết gia về quyền giám mục – Ngài hằng lo lắng cho sự hiệp nhất của từng Giáo Hội quanh giám mục của mình, và của mọi Giáo Hội với nhau. Cộng đoàn Hội Thánh qui tụ xung quanh giám mục của mình để cử hành Thánh Thể, bí tích hiệp nhất, trong sự hiệp thông với Giáo Hội Rôma là Giáo Hội “chủ trì đức ái” phổ quát. Chính thánh Ignatiô là người đầu tiên nói tới Hội Thánh “công giáo”, theo nghĩa Hội Thánh phổ quát: “Tất cả anh em hãy theo giám mục, như Chúa Giêsu Kitô theo Chúa Cha . . . Ở đâu có giám mục, ở đó cũng có cộng đoàn, và ở đâu có Chúa Giêsu Kitô, ở đó có Hội Thánh công giáo (katolikè ekklèsia) (Thư gửi tín hữu Smyrna VIII, 1-2).b)

Lời Nguyện trên lễ vật cho thấy rõ “lễ hy tế của thánh Ignatiô thành Antiochia, hạt lúa miến của Chúa Kitô, bị răng thú dữ nghiền nát và trở nên bánh tinh tuyền . . .” Lời nguyện này lấy lại gần như nguyên văn đoạn thư thánh Ignatiô gửi tín hữu Rôma: “Hãy để tôi trở thành thức ăn cho thú dữ, nhờ chúng, tôi có thể tìm thấy Thiên Chúa. Tôi là hạt lúa miến của Thiên Chúa, và tôi phải được nghiền nát bởi răng thú dữ để trở nên bánh tinh tuyền của Chúa Kitô.” (VII, 1). Điệp ca Hiệp lễ cũng lấy lại nguyên văn một phần đoạn trích này. Tuy nhiên, đối với thánh Ignatiô thành Antiochia, tử đạo chỉ là một phương tiện để đạt sự hiệp thông với Đức Kitô: “Tôi ao ước bánh của Thiên Chúa, Mình Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít. Tôi muốn uống chén máu thánh, tôi muốn tình yêu không tàn phai.” (Điệp ca của bài Magnificat, trích từ Thư gửi tín hữu Rôma, VII, 3). Lời Nguyện sau hiệp lễ, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta “sức lực mới, để khi nhìn những hành động của chúng ta, người ta thấy chúng ta xứng đáng gọi là Kitô hữu.” Lời nguyện này lấy ý từ một đoạn của thư thánh Ignatiô gửi tín hữu Rôma: “Hãy chỉ cầu xin cho tôi có sức lực nội tâm và thể xác . . . để không chỉ mang danh là Kitô hữu, mà thực sự là Kitô hữu.” “Đức tin và đức ái là nguyên thuỷ và cùng đích của đời sống . . . Người tuyên xưng đức tin thì không thể phạm tội, và người có đức ái thì không thể giận ghét. Người ta xem quả thì biết cây; cũng vậy, người ta sẽ nhận biết các Kitô hữu nhờ những hành vi của họ.” (Thư gửi tín hữu Êphêsô XIV, 1-2).

Giờ Kinh Sách cho chúng ta suy niệm hai đoạn trích thư gửi tín hữu Rôma, như là một bản thánh thi phấn khởi của thánh Ignatiô dâng lên Chúa Kitô chết và phục sinh: “Người là Đấng tôi kiếm tìm: Người đã chết cho chúng ta. Người là Đấng tôi khao khát: Người đã sống lại cho chúng ta . . . Hãy để tôi ôm ấp ánh sáng tinh tuyền . . . Nơi tôi chỉ có nước hằng sống đang thì thầm nói trong tôi: Hãy đến với Chúa Cha!” (VI, 1-2).

Thánh Ignatiô thành Antiochia, hạt lúa gieo xuống đất và chết đi để làm chứng tình yêu mình đối với Đức Kitô, ngài tiếp tục nuôi dưỡng đức tin của tín hữu vào Đức Kitô và Hội Thánh qua các thế kỷ. Lời khuyên nhủ hiệp nhất của ngài, gửi tới các tín hữu Êphêsô của thế kỷ II, vẫn còn hợp thời biết bao đối với chúng ta ngày nay: “Cũng như Chúa Giêsu Kitô, sự sống không thể phân ly của chúng ta, là tư tưởng của Chúa Cha thế nào, thì các giám mục được đặt lên ở khắp mọi miền trái đất cũng là tư tưởng của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy anh em hãy hiệp nhất với giám mục của anh em . . . như thế, khi anh em hiệp nhất trong tâm hồn và hoà hợp trong bác ái, anh em ca ngợi Chúa Giêsu Kitô” (Thư gửi tín hữu Êphêsô III, 2).

 

Enzo Lodi

Tin liên quan