Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

Các Tin Mới

TÌM HIỂU PHỤNG VỤ :Vài vấn đề liên quan đến bàn thờ (P1)

Bài viết này chỉ giới hạn trình bày 4 vấn đề liên quan đến bàn thờ thường hay xảy ra tại Việt Nam: có vấn đề là nhầm lẫn rõ ràng nhưng cũng có vấn đề chỉ là thiếu sót vì chưa chọn điều tốt nhất.

TÌM HIỂU PHỤNG VỤ : Vài vấn đề liên quan đến bàn thờ (P1)

LM. GIUSE PHẠM ĐÌNH ÁI, SSS

Có nhiều yếu tố và hành động phụng vụ gắn liền với bàn thờ hay diễn ra tại bàn thờ (trong thánh đường và trong nhà nguyện), chẳng hạn như chất liệu bàn thờ, hình dạng bàn thờ, vị trí bàn thờ, khăn phủ bàn thờ, nến cho bàn thờ, thánh giá bàn thờ, hôn kính bàn thờ, xông hương bàn thờ, xương thánh gắn vào bàn thờ… Bài viết này chỉ giới hạn trình bày 4 vấn đề liên quan đến bàn thờ thường hay xảy ra tại Việt Nam: có vấn đề là nhầm lẫn rõ ràng nhưng cũng có vấn đề chỉ là thiếu sót vì chưa chọn điều tốt nhất.

1. Chất liệu bàn thờ: bằng gỗ hay bằng đá?

Trong lịch sử Giáo hội, người ta đã thấy chất liệu làm bàn thờ khi thì bằng gỗ, khi thì bằng đá hoặc bằng kim loại (chính xác là bọc bàn thờ gỗ hay bàn thờ đá bằng kim loại quý). Như trong đại thánh đường Latran, có đến bảy bàn thờ bằng bạc; trong đại thánh đường Sopia ở Constantinopoli (thế kỷ V), có một bàn thờ bằng vàng do Pulchérie, con gái của Arcadius dâng tặng và sau đó được hoàng đế Justinien sửa lại năm 532.1

Bàn thờ bằng cẩm thạch của Nhà nguyện Đại học Thánh Anthony (Mỹ)

Khi các sách Tân Ước đang được biên soạn, bàn thờ chỉ là cái bàn bình thường trên đó cộng đoàn cử hành bữa tiệc của Chúa. Nhận định này trùng với ý kiến cho rằng thời các tông đồ, bàn thờ chỉ là một cái bàn ăn (mensa, trapeza) và được gọi là “bàn tiệc của Chúa Kitô” (mensa Christi) hay  “bàn ăn của Chúa” (mensa Domini) nơi “Bữa tối của Chúa” (1Cr 11, 20) sẽ được cử hành vì bữa ăn huynh đệ (Agape) liên kết với lễ nghi bẻ bánh (Eucharistia) giữa cộng đoàn.2

Trong 4 thế kỷ đầu, không ai đặt vấn đề làm phép hay xức dầu bàn thờ, vì như đã nói, thực sự cái bàn dùng để cử hành lễ tế bấy giờ không phải là bàn thờ cho bằng chỉ là một bàn [ăn] tiệc. Căn cứ vào hình ảnh trên các vòm hang toại đạo, người ta nhận biết bàn này làm bằng gỗ, kích thước nhỏ, có thể di chuyển được; về hình dạng, thường là hình tròn hay bán nguyệt hoặc đôi khi là hình móng ngựa và có ba chân.3

Sau thế kỷ IV, bàn thờ bằng đá thay thế cho bàn thờ bằng gỗ bởi một số lý do:

Thứ nhất, khi Kitô giáo được tự do hành đạo và dần dần trở thành quốc giáo, nhất là dưới thời Đức Giáo Hoàng Damasus (366-384), các nhà thờ vĩ đại bằng gạch đá được xây dựng nhiều nơi, vì vậy bàn thờ gỗ trở nên không còn thích hợp nữa;

Bàn thờ nhà thờ Thánh Phanxicô ở Nazareth. Tương truyền Bàn thờ này là bàn ăn mà Chúa Giêsu đã dùng bữa với các Tông đồ sau khi ngày sống lại

Thứ hai, chất liệu bằng gỗ không bền vững bằng đá vì dễ bị hư hại và có thể cháy rụi cũng như không đắt giá bằng kim loại quý. Có lẽ vì vậy mà Thánh Giáo Hoàng Sylvester (314-335) đã ra sắc lệnh phải làm bàn thờ bằng đá. Từ đó, người ta cũng nghĩ đến việc cung hiến bàn thờ cùng với lễ nghi cung hiến thánh đường. Bên Đông phương, Thánh Gregorio thành Nyssa và Thánh Gioan Kim khẩu đều xác nhận rằng bàn thờ bằng đá được sử dụng từ thế kỷ IV;4

Thứ ba, bàn thờ làm bằng đá để ám chỉ đây là bàn dâng lễ tế và thánh lễ là một hy tế. Các giáo phụ dạy rằng: “Đức Kitô vừa là lễ tế, vừa là tư tế và là bàn thờ”. Khi cử hành thánh lễ trên bàn thờ bằng đá, Hội Thánh ý thức bàn thờ là hình ảnh Đức Kitô. Trong Kinh Thánh, chủ đề “tảng đá” gợi lên hình ảnh ông Môsê làm nước vọt ra từ tảng đá. Theo thánh Phaolô: “Tảng đá sống động chính là Đức Kitô” (1Cr 10, 4; 1 Pr 2, 4-5; Ep 2, 20);5 Đức Kitô chính là “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường” đang ở giữa cộng đoàn tham dự (Mt 21, 42; Lc 20, 17; Mc 12, 10; Cv 4, 11; 1Pr 2, 7-8; 1Cr 10, 4; Tv 117, 22).6 Chủ đề “bàn thờ bằng đá” cũng đã có trong sách St 28,18 và trở thành quy luật chắc chắn trong Đnl 27, 5-7 để dâng của lễ toàn thiêu;7

Thứ tư, sau thời cấm đạo ở Rôma (thế kỷ IV-V), vì sự kính trọng các thánh tử đạo nên mộ huyệt [bằng đá] của các ngài thường được trang trí và thánh lễ được cử hành trên đó. Người ta đã liên kết hài cốt các vị tử đạo với bàn thờ (nơi cử hành thánh lễ) bằng cách cho xây đài tưởng niệm, đền nhỏ hay nhà thờ trên phần mộ của các ngài. Chẳng hạn như nhiều thánh đường đã mọc lên trên các hang toại đạo hay phần mộ của các tông đồ, trong đó có Vương cung Thánh đường thánh Phêrô và Vương cung Thánh đường thánh Phaolô do hoàng đế Constantine cho xây dựng. Điều này thích ứng với những gì sách Khải Huyền mô tả (Kh 6, 9). Vào khoảng thời gian này (thế kỷ IV-VI), người ta cũng có thói quen chôn các linh mục và giám mục dưới bàn thờ. Nhưng Đức Giáo Hoàng Félix I tuyên bố chỉ mộ huyệt của các thánh tử đạo mới xứng đáng là nơi để dâng thánh lễ, ngài không cho phép cử hành thánh lễ trên bất cứ mộ phần nào khác. Đây là lý do mà trong quá khứ, các nhà kiến trúc đã từng thiết kế bàn thờ như một ngôi mộ, đôi khi có cả thi thể của một vị thánh nằm trong đó. Ngoài việc được xây cất theo dạng một cái mộ, có nơi, bàn thờ còn có cột đỡ một tấm đá phẳng bên trên. Trong một số nghi lễ Ðông Phương, bàn thờ còn tượng trưng cho Ngôi Mộ của Ðức Kitô vì Người đã thực sự chết và sống lại.8

Với những gì vừa trình bày ở trên, nhất là để làm nổi bật tính biểu tượng của bàn thờ như hầu hết các giáo phụ Hy Lạp và La Tinh đã khẳng định (bàn thờ là biểu tượng của chính Chúa Kitô đang hiện diện giữa và ở trong cộng đoàn tín hữu), chúng ta nên chọn chất liệu bằng đá để làm bàn thờ trong các thánh đường. Làm bàn thờ bằng đá là muốn thể hiện “Đá tảng là Chúa Kitô. Chúng ta nhớ rằng, khi mời gọi mọi người cầu nguyện trong nghi thức cung hiến bàn thờ, Đức Giám mục nói: “Khi đến sum họp nơi một bàn thờ, chúng ta tới gần Chúa Kitô là Đá sống động để chúng ta lớn lên thành đền thánh”. Dĩ nhiên Hội đồng Giám mục có thể chấp thuận bàn thờ được làm bằng một chất liệu xây dựng khác rắn chắc,9 chẳng hạn như làm bàn thờ bằng gỗ.10

(còn nữa)

LM. GIUSE PHẠM ĐÌNH ÁI, SSS

______________________________________________

1 Xc. Nguyễn Văn Trinh, Thánh Lễ 2 (Lớp BDTH Liên Dòng, knxb), 148.

2 Xc. Lucien Deiss, The Mass (Minnesota: The Liturgical Press, 1992), 17.

3 Xc. Josefina M. Manabat, “Various Issues on Church Enviroment I” trong Scientia Liturgica, Vol. II, No. 1. 2005

4 Xc. Nguyễn Văn Trinh, Thánh Lễ 2, 146.

5 QCSL 298.

6 Dom Robert Le Gall, La Messe au fil de Ses Rites (Chambray: C.L.D, 1992), 21.

7 Xc. A. G. Martimort, “Structure and Laws of the Liturgical Celegration” trong The Church at Prayer, Vol. I (Minnesota: The Liturgical Press, 1982), 207-208.

8 Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (=GLCG), số 1181.

9 Giáo luật (=GL) 1235; 1236; Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma (=QCSL) 299; Sách Lễ nghi Giám mục (= LNGM) 919; UBGM về Nghệ Thật Thánh (HĐGM Việt Nam), Dựng Xây từ Những Viên Đá Sống Động [= DX] (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2006), số 64.

10 QCSL 30; DX 64.

 

(nguồn: cgvdt.vn)

Tin liên quan