Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Video

Thống kê

Các Tin Mới

Ghế chủ tọa (P2)

Ghế chủ tọa (P2)

2] Vị trí của ghế chủ tọa 

Vị trí chính xác của ghế chủ tọa không được xác định một cách cụ thể trong bất kỳ tài liệu phụng vụ chính thức nào. Nó tùy thuộc vào các yếu tố khác, chẳng hạn như vị trí của nhà tạm..., nghĩa là tùy tình hình cụ thể của cung thánh. Tuy nhiên, nên đặt ghế chủ tọa ở xa bàn thờ và giảng đài, xét như là những điểm trung tâm và hội tụ của cung thánh, để dân chúng có thể chú tâm nhiều hơn đến hành vi phụng vụ diễn ra tại hai nơi này. 

Dẫu sao, ghế của Đức Giám mục nên đứng riêng ra tại một vị trí ổn định thường xuyên và được đôn cao lên để mọi thành viên trong cộng đồng nhà thờ chánh tòa có thể thấy ngài và ngài có thể thấy cộng đoàn phụng vụ một cách rõ ràng. Ghế giám mục đừng bao giờ đối diện với bức tường nhà thờ như đã từng xảy ra trong một số nhà thờ chánh tòa cổ xưa. Dù ghế giám mục cố định, nhưng trong những dịp hay biến cố đặc biệt, vị trí của nó cũng có thể được thay đổi.1 Ghế này không nên giống như một ngai tòa và vị trí của ghế giám mục phải chỉ ra rằng ngài đang chủ tọa trên toàn thể cộng đồng (LNGM 47; QCSL 310). Tốt hơn, nên sắp xếp ghế giám mục ở về một bên của cung thánh, còn ghế cho vị linh mục khi chủ tọa thánh lễ tại nhà thờ chánh tòa sẽ ở vị trí đối xứng với ghế giám mục chánh tòa.   

Trường hợp ghế chủ tọa tại các nhà thờ giáo xứ, Quy chế Tổng quát Sách Lễ Roma số 310 đề cập như sau:

Ghế của vị chủ tế phải nói lên vai trò chủ tọa cộng đoàn và điều khiển kinh nguyện. Do đó, chỗ thích hợp nhất là phía đầu cung thánh, hướng về giáo dân, trừ phi lối kiến trúc thánh đường hoặc những hoàn cảnh khác không cho phép, ví dụ: khoảng cách quá xa làm cho việc hiệp thông giữa vị tư tế và giáo dân trở nên khó khăn, hoặc vì Nhà tạm chiếm chỗ giữa phía sau bàn thờ. Phải tránh mọi thứ ngai tòa. Nên chúc lành cho ghế, trước khi sử dụng trong phụng vụ, theo nghi thức trong Sách Nghi thức Rôma.  Cũng đặt ghế trong cung thánh cho các vị đồng tế và các linh mục hiện diện trong buổi cử hành mà không đồng tế, các vị này phải mặc áo “các phép”. Ghế của thầy phó tế được đặt gần ghế chủ tế. Còn ghế cho các người giúp khác phải đặt sao cho phân biệt rõ ràng với ghế của hàng giáo sĩ và cho các người giúp có thể thi hành phận vụ mình cách dễ dàng.

Cần phải nói thêm rằng kiểu dáng và vị trí của ghế chủ tọa phải phân biệt với ghế dành cho phó tế và bất cứ chỗ ngồi nào khác dành cho hàng giáo sĩ (XD 63; 65).

Tác giả Hovda nhắc nhở rằng ghế chủ tọa không thể sử dụng theo ý của mình.2 Chúng ta không thể sử dụng và đặt ghế chủ tọa chỗ nào cũng được vì nó đại diện cho vai trò của tư tế. Linh mục chủ tế không chỉ là người đứng đầu nhóm, đúng hơn, như Đức Giám mục công bố trong Lời nguyện phong chức, ngài còn là thành viên của gia đình giáo phận, ngài hợp nhất với các Đức Giám mục “để van nài lòng thương xót của Chúa cho các linh hồn đã được giao phó cho họ và cho toàn thể thế giới”.

Theo Quy chế Tổng quát Sách Lễ Roma số 310 được trích dẫn ở trên, vị trí thích hợp nhất cho ghế chủ tọa là ở chính giữa, phía đầu cung thánh, sau bàn thờ và đối diện với dân chúng. Tuy nhiên, trong thực tiễn, vị trí ở phía đầu cung thánh thường không thích hợp lắm. Bởi vì, một mặt, nếu Nhà tạm được đặt ở trung tâm của cung thánh phía sau bàn thờ thì ghế ở đầu cung thánh sẽ có thể che chắn Nhà tạm và thường cản trở việc lấy hay cất Mình Thánh Chúa; mặt khác, do cần nâng cao ghế chủ tọa hơn cấp của bàn thờ để bảo đảm cho toàn thể cộng đoàn có thể nhìn thấy chủ tế nên ghế chủ tọa dễ biến thành một thứ như ngai tòa mà điều ta phải tránh là ghế chủ tọa quá xa hay quá to lớn và long trọng như một thứ ngai tòa (QCSL 310; DX 70). Như vậy, ta không nên đặt ghế chủ tọa ở vị trí đó bất cứ khi nào và nơi nào Nhà tạm được đặt ở trung tâm của cung thánh phía sau bàn thờ. Trong trường hợp này, giải pháp được đưa ra là đặt ghế chủ tọa ở vị trí đầu cung thánh nhưng dịch sang một bên phải hay bên trái của Nhà tạm. Giải pháp khác là đặt ghế chủ tọa đối xứng với giảng đài và vẫn đối diện với dân chúng.

Những điểm thực hành liên quan khác là:

- Không nên đặt ghế chủ tọa dựa vào bức tường bên hông bởi vì: 1] Thứ nhất, nó chống lại nguyên tắc có thể nhìn thấy chủ tế và làm cho mọi người khó nghe thấy ngài; 2] Thứ hai, điều này còn kéo theo việc tách biệt cả vị chủ tế lẫn các thừa tác viên khác - những người ngồi đằng sau hay bên cạnh chủ tế - ra khỏi cộng đoàn.    

- Ghế chủ tọa nên có phẩm chất cao quý hơn là những chiếc ghế khác trong nhà thờ về hình dáng lẫn chất liệu bởi vì cùng với bàn thờ và giảng đài, ghế chủ tọa là một trong ba điểm tập trung của cử hành Thánh Thể và là ba đối tượng vật chất quan trọng nhất nơi cung thánh. Tốt hơn, ghế chủ tọa phải hòa hợp cho đồng bộ với bàn thờ và giảng đài cũng như với kiến trúc của thánh đường.

- Ghế chủ tọa phải là chiếc ghế thực sự. Nghĩa là nó phải khác với chiếc ghế dài “sedilia” (có chỗ dựa lưng) hay khác với chiếc ghế dài “scamnun” (không có chỗ dựa lưng hay tay ghế). Hai loại này đã từng được sử dụng trước Công đồng Vatican II và nay phải thay thế chúng bằng ghế chủ tọa đích thực. Để giúp cho chủ tế sử dụng ghế một cách dễ dàng và thuận tiện, trừ phi lưng ghế dựa sát vào bức tường phía đầu cung thánh, nên sắp xếp ghế chủ tọa thế nào để có một khoảng không chung quanh và không được làm cho khu vực chung quanh ghế chủ tọa nên bừa bộn bởi hoa, nến hay bất cứ thể loại trang trí nào.  

- Không nên để trên ghế chủ tọa các thứ như: giấy tờ, sách vở, Sách Lễ, sách hát hay bất cứ thứ gì khác bởi vì chúng làm mất đi phẩm giá của ghế chủ tọa. Nếu muốn, có thể đặt tất cả những thứ này trên một cái bàn nhỏ đặt bên cạnh ghế chủ tọa. Tuy nhiên, ngay cả trên chiếc bàn nhỏ này, cũng phải tránh để đồ đạc cách bừa bộn.

Theo Eugene Walsh,ss: “Nguyên tắc mang tính quyết định hơn tất cả những yếu tố khác là vị trí tốt nhất cho vị chủ tế phải là nơi làm cho ngài hiện diện ngay lập tức đối với cộng đoàn cử hành… Không có gì gây cản trở cho sự tiếp xúc trực tiếp của ngài với cộng đoàn… Vị chủ tế không cần một ngai tòa… nhưng nên có một cái ghế thu hút mọi người về phía chủ tọa…. Vì dấu hiệu mạnh mẽ nhất của sự lãnh đạo, nên vị chủ tế cần ngồi ở vị trí cách biệt”.3

Ghế chủ tọa nên được đặt phía sau bàn thờ hay gần bàn thờ, ở một chỗ thuận tiện và ở độ cao mà dân chúng có thể thấy các cử chỉ của vị chủ tế - người chủ tọa của cộng đoàn phụng vụ - cũng như có thể nghe những lời của ngài. Cần cân nhắc kích cỡ và kiến trúc của nhà thờ cho việc sắp xếp ghế chủ tọa thế nào để vị tư tế làm chủ tọa cộng đoàn chứ không như thể thống trị. Cộng đoàn Dân Chúa phải cảm nhận rằng vị chủ tế của họ không ở quá xa hay tách rời họ, nhưng ngài như là một thành phần tham dự vào phụng vụ một cách tích cực và hỗ tương.4 Ghế chủ tọa nên là một chiếc ghế phẩm chất tốt và đẹp được thiết kế hay chọn lựa hòa hợp với kiểu dáng của giáo đường và không quên đem lại thoải mái cho chủ tế (QCSL 309). Như đã nói ở trên, tại nhà thờ chánh tòa, ngoài ghế của Đức Giám mục giáo phận, còn cần sắp xếp thêm một chiếc ghế đặc biệt khác nữa được dự liệu làm ghế chủ tọa cho vị linh mục chủ tế.

Chỗ ngồi cho các phó tế, thầy giúp lễ và chưởng nghi được xếp hai bên của ghế chủ tọa hay ghế ngồi của Đức Giám mục để họ dễ dàng thi hành các chức năng quan trọng. Cũng cần những chỗ ngồi khác cho các vị đồng tế. Những người giúp lễ không bao giờ chiếm những chỗ này. Nếu có thể, các lễ sinh không nên ngồi đối diện với dân chúng như thể họ đang chủ tọa. Ghế cho họ có thể đặt để ở cung thánh hay gần cung thánh (QCSL 310; LNGM 50), tốt nhất là gần bàn đồ lễ và dọc theo hai bên để họ có thể dễ dàng lại gần và nhanh chóng tới chỗ để các sách phụng vụ và các vật dụng thánh. Tuy nhiên cung thánh đừng bao giờ “chen chúc” quá nhiều ghế đơn, ghế dài và ghế quỳ.5 Những chiếc ghế dành cho lễ sinh hay các thừa tác viên khác đừng bao giờ nổi bật hơn cả ghế dành cho linh mục và phó tế.6

Người giúp lễ sẽ giữ sách mỗi khi chủ tế đọc bất kỳ bản văn nào tại ghế chủ tọa. Một cái giá sách đơn giản có thể được đặt trước ghế chủ tọa chỉ trong lúc cử hành thánh lễ mà không có giúp lễ.7  

Không như bàn thờ và giảng đài, ghế chủ tọa không nhất thiết phải cố định hay không thể di dời. Dù vậy, giáo dân không được sử dụng ghế này trong buổi cử hành Lời Chúa với Hiệp lễ hay cử hành phụng vụ Chúa nhật không có linh mục.8 Họ nên ngồi bất cứ chỗ nào khác nơi cung thánh. Tuy nhiên, trong những trường hợp như vậy, phó tế lại có thể sử dụng ghế chủ tọa. Nhưng những trường hợp khác, chẳng hạn khi cử hành Bí tích Thánh Tẩy, chứng hôn, hay chúc lành, dường như tốt hơn cả, chỗ ngồi thông thường dành cho thầy phó tế là bên cạnh ghế chủ tọa.9

(còn nữa)

 

Lm Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh Thể SSS

_____________________________________

1 Richard S. Vosko, God’s House is Our House, 94.

2 Xc. Ibid.

3 Eugene Walsh, Practical Suggestions for Celebrating Sunday Mass (Old Hickory, Tenn. : Pastoral Arts Associates of North America, 1978), 18-19.

4 Xc. David McNorgan, Preparing the Enviroment for Worship (Ottawa, Canada: Novalis, St. Paul University., 1997), 33.

5 Peter Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite (USA: Ignatius, 2004), no. 55.

6 Xc. Mary Patricia Storms – Paul Turner, Guide Ministers of Liturgical Enviroment (Chicago: Liturgy Training Publications, 2009), 7.

7 Peter Elliott, op. cit, no. 56.

8 Bộ Phụng Tự, Hướng dẫn Cử hành Phụng vụ Chúa nhật khi không có linh mục (1988), số 40. 

9 Mark G. Boyer, The Liturgical Enviroment, 2nd Edition (Collegeville, Minesota: Liturgical Press, 2004), 65.

 

nguồn : Báo Công giáo và Dân tộc

Tin liên quan